Không sáp nhập Trung tâm GDTX vào trường trung cấp, cao đẳng

Đó là nội dung mới nhất nằm trong văn bản kí ngày 12/3, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gửi đến các UBND tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, tổ chức và quản lý hiệu quả trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX).

Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các nghị quyết của Ban chấp hành TƯ, các quy định của pháp luật, không sáp nhập trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện với trường trung cấp hoặc cao đẳng. Các địa phương cần có lộ trình phù hợp, để xem xét phương án giao quyền tự chủ cho các trung tâm GDTX theo quy định Nghị định 16/2015/NĐ-CP…”.

Bởi vì, theo Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và GDTX” và “mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trung tâm GDTX cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có một trung tâm GDTX cấp huyện”. Trung tâm GDTX có chức năng bảo đảm cơ hội được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; là đầu mối bồi dưỡng giáo viên, thay sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

 

Sở Nội vụ Nghệ An liên tục ra các văn bản đôn đốc việc sáp nhập 

Cũng theo Bộ GD-ĐT Nghị quyết 19/NQ-T.Ư của Ban chấp hành TƯ Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đề ra chủ trương: Sáp nhập trung tâm GDTX, giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện. Việc sáp nhập đã được liên bộ: Lao động Thương binh – Xã hội; GD-ĐT; Nội vụ hướng dẫn thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX.

Trước đó tại Nghệ An, hơn 74 giáo viên của 7 trung tâm GDTX đã viết đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chính quyền tỉnh Nghệ An để bày tỏ sự không đồng tình về việc Sở Nội vụ Nghệ An đã ra các văn bản tham mưu việc phải sáp nhập 7 trung tâm GDTX gồm các đơn vị: TP.Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương và Con Cuông vào 7 trường trung cấp trên địa bàn.

Mặc dù, không có chủ trương, văn bản nào quy định, bắt buộc phải sáp nhập 2 đơn vị này tuy nhiên Sở Nội vụ Nghệ An vẫn liên tục đôn đốc ra các văn bản gửi đến các trung tâm về phải sáp nhập các trung tâm này vào trường trung cấp khiến nhiều giáo viên hoang mang tư tưởng, không yên tâm công tác.

Sự việc trên, đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh và nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên.

Theo ông Ông Trịnh Văn Toàn – PGĐ Trung tâm GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết: “Theo lộ trình thì đến năm 2020 các đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự chủ, trong đó có các trung tâm GDTX và trung cấp nghề. Để kịp đà này, các trung tâm GDTX hiện đã tự chủ và chủ động trong việc tuyển sinh, thực hiện các chế độ khác bằng kinh phí của trung tâm. Cũng nhờ tự chủ được, nhân viên hợp đồng tại 7 trung tâm lương đạt mức khá cao khoảng từ 5 triệu đến 6,5 triệu đồng. Hiện, ngân sách nhà nước chỉ phải trả tiền lương cho 7 biên chế tại trung tâm, trường đã thu hút được nhiều học sinh theo học. Trong khi đó, hầu hết các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang phụ thuộc vào kinh phí của nhà nước và chưa thể tự chủ được”.

Như vậy, thiết nghĩ Sở Nội vụ và chính quyền Nghệ An cần xem xét lại các văn bản, thấu tình đạt lý, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của 74 giáo viên trung tâm GDTX để họ được an tâm công tác.

HỒNG QUÂN