Quảng Nam: Hiệu quả từ kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đạt nhiều kết quả tích cực.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (BQL) đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các nhóm hộ, cộng đồng (đa số là người dân địa phương), giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai rất chặt chẽ, tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy giảm đi rõ rệt.

Vai trò kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt

Quảng Nam thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ có tổng diện tích tự nhiên là 1.057.474 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 729.757 ha, chiếm 69% so với diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng đặc dụng 139.896 ha, chiếm 19,2%, diện tích rừng phòng hộ 315.812 ha, chiếm 43,3%, diện tích rừng sản xuất 274.049 ha, chiếm 37,5% diện tích đất lâm nghiệp. Độ che phủ của rừng đạt 59,44% (năm 2019).

Từ năm 2012 đến nay, để có cơ sở tiến hành giao khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (nay được thay thế bằng Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh cho phép xây dựng Đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Quỹ đã xây dựng được 15 Đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay đã hợp đồng với 28 đơn vị là thủy điện, trong đó Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) ký 05 đơn vị có lưu vực liên tỉnh, còn lại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam ký 23 đơn vị có lưu vực nội tỉnh, bên cạnh đó đã ký 09 hợp đồng với đơn vị nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp và 01 đơn vị du lịch.

Theo số liệu năm 2019, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 281.671 ha (giao khoán cho 287 nhóm hộ, 161 cộng đồng với 15.247 hộ tham gia và 282 hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách). Toàn bộ diện tích trên giao cho 11 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 09 UBND các xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng có thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Diện tích chỉ trả DVMTR là 281.671 ha.

Năm 2020, theo kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại 11 đơn vị chủ rừng và 9 UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng chi trả DVMTR là 03 đợt/năm, bao gồm: BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang, rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Vườn Quốc gia Bạch Mã và UBND các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước), Phước Gia (huyện Hiệp Đức), Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn (huyện Đại Lộc) và xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên). Đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid -19 nên mới kiểm tra được 1 đợt và thu được những kết quả tích cực.

Phần lớn, các chủ rừng đã thực hiện việc quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định và kịp thời. Các đơn vị chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng đã sử dụng tiền DVMTR chi cho hoạt động tuần tra, bảo vệ và phát triển rừng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra rừng, công cụ, dụng cụ,… đúng quy định. Các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán đã nhận đầy đủ số tiền được cấp phát từ các chủ rừng. Số tiền nhận khoán được công khai, minh bạch trong nhóm cộng đồng, không xảy ra các trường hợp hộ nhận khoán thắc mắc, khiếu nại.

Tuy nhiên, thông qua kết quả kiểm tra, giám sát hằng năm cũng đã phát hiện một số đơn vị thực hiện chưa tốt trong việc chi trả DVMTR. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các đơn vị và khắc phục, sửa chữa. Nhờ thông qua công tác kiểm tra, giám sát nên việc triển khai thực hiện Chính sách chi trả DVMTR tại các đơn vị chủ rừng, UBND các xã hằng năm đã dần đi vào nề nếp, tiền DVMTR được quản lý sử dụng đúng mục đích, nâng cao đời sống cho nhóm hộ, cộng động, đặc biệt là người dân miền núi có tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ nguồn DVMTR.

Xây dựng Đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4

Cũng trong năm 2020, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh thống nhất cho lập thêm Đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4 (thuộc huyện Tiên Phước và huyện Hiệp Đức), nâng tổng số diện tích chi trả DVMTR trong năm 2020 lên 283.604 ha.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra rừng tại rừng phòng hộ Phước Sơn, thuộc xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn).

Thủy điện Sông Tranh 4 phát điện trong năm 2020. Để có cơ sở chi trả tiền DVMTR trên lưu vực này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 7545/UBND-KTN ngày 17/12/2019 về việc thống nhất chủ trương lập Đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4.

Công trình này nằm trên địa bàn các xã: Thăng Phước (bên tả Sông Tranh), Quế Lưu (bên hữu Sông Tranh) thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Hệ thống rừng trên lưu vực có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn nước, phòng chống tác hại của lũ lụt, đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất nông nghiệp và dân cư trong lưu vực.

Việc cần thiết phải khảo sát lập Đề án chi trả DVMTR Sông Tranh 4 nhằm thực hiện tốt Chính sách chi trả DVMTR phát huy tốt vai trò của rừng trong lưu vực này.

 

 

Ảnh 1:  Hội nghị triển khai thực hiện lập Đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4.

LƯƠNG NGHIỆP - ĐÔNG NGUYỄN