Vụ lấy đất của dân cấp cho cán bộ ở Trà Vinh: Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Sau nhiều lần họp bàn lấy ý kiến, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo số 19/BC-STNMT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh để báo cáo nội dung liên quan đến đơn khiếu nại của ông Đoàn Văn Sơn và kiến nghị bác đơn của ông này.

Kiến nghị bác đơn của dân vì sợ domino?

Như Tạp chí TAND đã thông tin, năm 1991, ông Đoàn Văn Sơn mua lại căn nhà với diện tích đất 116m2 từ ông Nguyễn Văn Hai và sử dụng ổn định liên tục từ đó đến năm 2011. Ông Sơn có cất nhà ở từ thời điểm mua, sau đó ông sử dụng khu đất để làm kho chứa các vật dụng công việc cơ khí như thùng suốt, máy móc…

Năm 1995, viện lý do là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, UBND huyện Càng Long đã yêu cầu (không có quyết định thu hồi đất) khoảng 13 hộ dân có đất ở khu vực bàn giao đất và di dời nhưng không được đền bù hỗ trợ. Trong số 13 hộ dân di dời, có 4 hộ được thông báo (bằng miệng) là thu hồi đất để xây trường học. Trong 4 hộ đó, có 3 hộ đặc biệt là hộ bà Ngô Thị Vân (thường vụ Huyện ủy Càng Long), ông Bùi Văn Hưởng (cán bộ Công an tỉnh Trà Vinh), bà Bùi Thị Sa (chị ông Hưởng), 3 hộ này được hưởng suất tái định cư ở chợ Mỹ Huê. Chỉ riêng ông Sơn là bị thu hồi trắng.

Thế nhưng, ngày 16/2/2005, UBND huyện Càng Long lại tiếp tục ra quyết định số 246/QĐ-UBH giao cho bà Vân 72,9m2 đất. Đây chính là phần đất mà UBND huyện Càng Long giải tỏa trắng của ông Đoàn Văn Sơn.

Được biết, sau khi được UBND huyện Càng Long cấp đất để ở, thường trực Huyện ủy Càng Long (thời điểm đó) Ngô Thị Vân đã không thực hiện theo “nhu cầu ở” vì từ lúc được cấp đất đến khi chuyển nhượng cho người khác (năm 2020) bà Vân không hề cất nhà, cư trú.

Như vậy, có thể khẳng định rằng cơ quan chức năng huyện Càng Long thu hồi đất của ông Sơn chỉ để cấp cho thường trực Huyện ủy chứ không phải để xây dựng công trình công cộng. Và cho đến hiện tại, việc cấp đất, xác định nghĩa vụ thuế, thực hiện mục đích sử dụng đất đối với bà Vân đã thể hiện những mặt trái trong công tác quản lý, sử dụng đất của địa phương.

Trở lại với khu đất của ông Đoàn Văn Sơn, khi được cơ quan chức năng huyện Càng Long giải tỏa, ông Sơn không nhận được bất cứ văn bản thu hồi đất nào. Tất cả việc thực hiện giải tỏa chỉ được thể hiện bằng “mệnh lệnh của cán bộ” chứ không phải văn bản hành chính.

“Vì nghĩ rằng đất của mình được trưng dụng để xây dựng trường học (công trình công cộng) nên tôi đã vui vẻ chấp hành. Tuy nhiên, sau khi trường xây xong thì đất của tôi nằm ngoài phạm vi trường và cơ quan chức năng huyện Càng Long không hề bồi thường, hỗ trợ như yêu cầu của tôi trong các biên bản bàn giao đất nên tôi tái sử dụng phần đất của mình”, ông Sơn cho biết.

Ông Sơn cho biết thêm: “Đến năm 2011, cơ quan chức năng huyện Càng Long đã dùng quyền lực hành chính buộc tôi giao đất để cấp cho bà Vân. Lúc này bà Vân đang là cán bộ đương nhiệm Huyện ủy. Tôi chấp hành nhưng cũng ghi rõ yêu cầu trong biên bản bàn giao đất là tôi phải được đền bù, hỗ trợ”.

Vì việc lấy đấy của dân để cấp cho cán bộ đã quá rõ ràng nên UBND huyện Càng Long, Sở TNMT tỉnh Trà Vinh lúng túng tìm hướng giải quyết. Điều đó thể hiện ngay trong báo cáo số 415/BC-STNMT của Sở TNMT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: “Bác đơn khiếu nại của ông Đoàn Văn Sơn. Ưu điểm của phương án này theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai. Các hộ lấn chiếm, mua bán tương tự ông Sơn trước đây sẽ không khiếu nại”.

Cần quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân

Báo cáo số 19 của Sở TNMT tỉnh Trà Vinh gửi Chủ tịch UBND tỉnh này kiến nghị bác đơn của ông Đoàn Văn Sơn

Trong báo cáo mới nhất (báo cáo số 19) của Sở TNMT tỉnh Trà Vinh gửi Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ khẳng định là việc ông Nguyễn Văn Hai chuyển nhượng đất cho ông Đoàn Văn Sơn là không hợp pháp và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh bác đơn. Tuy nhiên, Sở TNMT tỉnh Trà Vinh không nêu bất cứ căn cứ, điều luật nào để khẳng định việc chuyển nhượng đó là không hợp pháp.

Khu đất của ông Đoàn Văn Sơn bị UBND huyện Càng Long xác lập là đất do Nhà nước quản lý nhưng thực tế người có công bảo vệ, cải tạo (theo khoản 1), đưa vào sử dụng (theo khoản 2), phát triển kết cấu hạ tầng (theo khoản 3) lại là gia đình ông Sơn. Khi nhận chuyển nhượng khu đất này, trên đó có nhà và sau đó ông Sơn tiếp tục xây dựng thêm để làm kho. Rõ ràng đây không phải khu đất trống, bỏ hoang.

Quá trình sử dụng đất của ông Đoàn Văn Sơn cũng được chính Sở TNMT tỉnh Trà Vinh xác đinh rằng công dân đã sử dụng từ năm 1991 tới năm 2011. Trong đó, có nhà ở và làm nơi chứa hàng hóa, vật liệu cơ khí. Trong văn bản của ông Nguyễn Văn Hai cũng xác nhận rằng khu đất này đã có căn nhà tồn tại trước năm 1991.

Có thể khẳng định rằng, cho đến hiện tại khu đất nói trên không thuộc diện thu hồi để xây dựng các công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng… Khu đất này chỉ “quá giang” thủ tục hành chính còn nhiều sai sót của cơ quan chức năng huyện Càng Long để chuyển từ quản lý, sử dụng của công dân sang cán bộ Huyện ủy.

Và nếu căn cứ vào Luật đất đai năm 2013 thì ông Sơn càng đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, và điều đó đồng nghĩa ông Sơn phải được đền bù, bồi thường theo luật định.

Domino hay không nó phụ thuộc vào việc chấp hành pháp luật trong quá khứ của cơ quan chức năng chứ không phải việc thực hiện và chấp hành pháp luật của người dân. Không thể vì sai làm của cán bộ mà buộc dân phải gánh chịu.

Dư luận địa phương mong rằng Chủ tịch UBND huyện Càng Long quan tâm, giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân để chấm dứt khiếu kiện phức tạp kéo dài.

THẾ MỸ