Về việc hoàn thiện pháp luật và cơ chế quản lý về kinh doanh đa cấp

Ở Việt Nam hiện nay, có hiện tượng, các công ty lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa đảo, trục lợi. Trên thực tế, để dụ dỗ được người tham gia vào mạng lưới, các công ty thường nhằm vào lòng tham của mọi người mà không không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm, đề cập về công dụng, lợi ích mà sản phẩm đem lại. Nhiều công ty chỉ tập trung tuyên truyền về việc làm giàu nhanh chóng, không mất công sức, thậm chí là kiếm hàng chục triệu đồng hàng tháng.

I . VỀ KINH DOANH ĐA CẤP

1.Khái niệm

Kinh doanh đa cấp hay còn gọi là bán hàng đa cấp xuất phát từ cụm từ “Multi Level Marketing” trong tiếng Anh. Kinh doanh theo hình thức đa cấp được nhiều chuyên gia kinh tế, marketing và truyền thông đánh giá là phương pháp marketing thông minh, bởi nó giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống đại lý gắn kết, bán hàng hiệu quả. Bán hàng đa cấp rất tiện lợi vì giúp người mua hàng có thể trực tiếp mua hàng mà không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian, điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và cho cả người tiêu dùng. Thêm vào đó, người mua hàng có thể trở thành kênh phân phối trực tiếp và thu được lợi nhuận thông qua việc giới thiệu sản phẩm cho người thân, bạn bè của mình và mọi người xung quanh. Hình thức kinh doanh này còn có một ưu điểm là tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ vào việc quảng cáo trên báo, trên tivi hay các địa điểm công cộng.

Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản thì “bán hàng đa cấp là hình thức phân phối sản phẩm một cách trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian”. Sản phẩm sau khi đến với người tiêu dùng lại được chính người này tiếp tục giới thiệu và phân phối sản phẩm đến với người khác là bạn bè, người thân, hay những người xung quanh. Người tiêu dùng ở đây đóng vai trò là người bán hàng, người cung ứng, người quảng cáo sản phẩm, chính vì vậy, giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.

  1. 2.Đặc điểm

Xuất phát từ khái niệm trên, ta thấy, kinh doanh đa cấp có một số đặc điểm nổi bật sau đây:

Một là: Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, nên người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc đặt hàng tại vận chuyển qua đường bưu điện) mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Do đó, người tiêu dùng được bảo đảm về xuất xứ và chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng mua phải hàng nhái hay hàng giả khi mua hàng qua các đại lý hay gian hàng chợ như hình thức bán hàng truyền thống.

Hai là: So với hình thức bán hàng truyền thống, thì giá sản phẩm chăc chắn rẻ hơn. Bởi lẽ, đối  với hình thức bán hàng truyền thống chỉ được trưng bày ở đại lý hay gian hàng ở chợ hoặc các địa điểm khác chứ không có hình thức tiếp thị hay quảng cáo sản phẩm. Do đó, nhà  sản xuất còn phải  bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ để quảng cáo bằng các hình thức như phát tờ rơi, truyền hình hay báo giấy, báo điện tử. Đương nhiên là, các chi phí này sẽ được tính vào giá sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng mua. Còn đối với, kinh doanh đa cấp thì tiết kiệm được các chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa… Những khoản tiền đã tiết kiệm này sẽ được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Đây là một lợi thế không hề nhỏ của loại hình kinh doanh này. Phương thức kinh doanh này tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với người Việt Nam, đó là: khi sử dụng sản phẩm hay dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh.

 II.CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH ĐA CẤP ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH

Khoản 2 Điều 3, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp ( Nghị định số 42) định nghĩa như sau: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng”. Theo khoản 11 Điều 3, Luật Cạnh tranh 2005 lại định nghĩa “bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau; b) Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia; c) Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận”.

Để chỉ việc kinh doanh đa cấp còn có một số tên gọi khác như Tiếp thị mạng lưới hay Tiếp thị đa tầng. Tuy nhiên giới bán hàng đa cấp ít dùng vì có một số công ty không muốn coi hoạt động này đơn thuần là tiếp thị. Một số công ty khác còn gọi bán hàng đa cấp với cái tên Liên minh tiêu dùng hay Hợp tác tiêu thụ để chỉ sự hợp tác trong việc phân phối sản phẩm[1].

Theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Nghị định số 42 thì “Mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép”. Như vậy, đối với kinh doanh đa cấp thì đối tượng kinh doanh chắc chắn phải là hàng hóa. Vì vậy, nếu một công ty nào đó mở hình thức kinh doanh theo đa cấp mà đối tượng kinh doanh lại là dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải mua bán hàng hóa thì rõ ràng là hình thức lừa đảo. Đây chính là tiêu chí đầu tiên để phân biệt giữa mô hình kinh doanh đa cấp chân chính với lừa đảo.

Tuy nhiên, không phải cứ là hàng hóa thì đều được phép kinh doanh đa cấp. Mặc dù pháp luật  không quy định rõ những loại hàng hóa nào là được phép kinh doanh nhưng cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 42 thì có những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: “a) Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật; b) Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hóa chất nguy hiểm và sản phẩm có hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật.”

Quy định trên của pháp luật là dạng quy định mở, tức là, ngoài những mặt hàng hóa pháp luật đã liệt kê ở trên thì các loại hàng hóa khác là được phép kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng hóa để kinh doanh đa cấp chân chính phải là các loại hàng hóa tiêu dùng và tiêu hao được trong thời gian ngắn, đó là những thực phẩm cần thiết cho hầu hết người tiêu dùng và phải được sử dụng một cách thường xuyên, là dinh dưỡng phục vụ cho nhu cầu ăn uống, hay là những sản phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt bản thân và gia đình như sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén… Còn những loại sản phẩm có giá trị lớn, lại nguyên giá trị vật mà chỉ hao mòn theo thời gian như máy tính, bếp ga, máy lọc nước, ô tô xe máy…. thì nếu thực hiện kinh doanh theo mô hình đa cấp chỉ có thể thu lợi nhuận được từ việc dụ dỗ người khác mua sản phẩm như mình với giá gấp đôi, gấp ba so với các sản phẩm có chức năng tương tự và so với giá thành sản xuất. Bởi vì, đối với các mặt hàng này, nhu cầu sử dụng là không nhiều và không thường xuyên. Hơn nữa, những vật dụng thì dùng không biết bao giờ mới mất đi, nếu có bị hư hỏng thì ít nhất cũng phải vài ba năm.

Chính vì vậy, các sản phẩm của loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp là hàng tiêu dùng thiết yếu như mỹ phẩm, thực phẩm ăn uống và thực phẩm chức năng. Các sản phẩm của loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp này đòi hỏi phải có chất lượng tốt, tiếp thị sản phẩm phải trung thực. Bởi vì phương thức chủ yếu của nó là tiếp thị từ người này sang người khác, người bán hàng lấy chính uy tín của mình và chất lượng sản phẩm ra để bán. Do đó, nếu sản phẩm không tốt, người bán hàng không có đạo lý thì sản phẩm không thể lan truyền, việc kinh doanh cũng vì thế mà sẽ nhanh chóng thất bại. Các sản phẩm nên đảm bảo được tính độc quyền, tức là, chỉ được bán qua các nhà phân phối của công ty chứ không bán tràn lan trên thị trường.

Tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 42 quy định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: “a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp”.

Đồng thời, luật pháp cũng đã có quy định rõ chế tài xử lý những hành vi vi phạm như khoản 2 Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh: “Hành vi không thực hiện đúng quy định về đối tượng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp” sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng; “Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật” hay “Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng hay lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp” sẽ bị phạt từ 60 triệu đến 100 triệu đồng…. Tuy nhiên, có thể do chế tài chưa đủ mạnh, đồng  thời, lợi ích thu được từ người khác là quá cao và quá dễ dàng nên nhiều người đã bất chấp tất cả. Bên cạnh đó, có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến “tình trạng lộng hành” của những công ty bán hàng đa cấp  là sự quản lý lỏng lẻo thiếu chuyên nghiệp của cơ quan chức năng đối với hoạt động của các doanh nghiệp còn lỏng lẻo chưa thực sự thanh tra, kiểm tra theo dõi quan tâm đúng mức.

III. MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC

1 . Một số bất cập thường gặp

Ở Việt Nam hiện nay, có hiện tượng, các công ty lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa đảo, trục lợi. Trên thực tế, để dụ dỗ được người tham gia vào mạng lưới, các công ty thường nhằm vào lòng tham của mọi người mà không không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm, đề cập về công dụng, lợi ích mà sản phẩm đem lại. Nhiều công ty chỉ tập trung tuyên truyền về việc làm giàu nhanh chóng, không mất công sức, thậm chí là kiếm hàng chục triệu đồng hàng tháng. Họ “đánh” vào tâm lý của đám đông, lóa mắt vì đồng tiền và lợi nhuận thu được thông qua các buổi Hội thảo mà công ty tổ chức.

Sau khi tuyền truyền như thôi miên, họ ra quyết định cuối cùng để khách hàng trở thành thành viên theo kiểu ép buộc, chứ không phải tự nguyện. Cụ thể như sau: Trước hết, để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, bắt buộc khách hàng phải đóng một khoản tiền quy định. Nếu không có tiền, thì các đối tượng khách hàng như người nghèo, hay sinh viên thường được thành viên công ty dẫn đi cầm cố Chứng minh nhân dân hay Thẻ sinh viên để vay nặng lãi[2] như Công ty World – Nets Việt Nam (địa chỉ: đường Trần Kim Xuyến số 9 H1, Khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu giấy, Hà Nội ), công ty Thiên Ngọc Minh Uy … Vì vậy, những cá nhân này phải gánh nợ rất lớn (có những sinh viên phải vay nợ lên tới 50-60 triệu đồng). Sau khi đóng tiền hoặc mua sản phẩm để tham gia mạng lưới rồi thì không được lấy lại tiền, hoặc trả lại sản phẩm. Trong trường hợp họ muốn ra khỏi mạng lưới thì phải chấp nhận nộp tiền phạt hoặc mất trắng số tiền đóng góp hoặc mua sản phẩm ban đầu. Do đó, khi khách hàng hay người bán hàng bỏ tiền ra cho các công ty này thì khả năng thu hồi là không thể. Trừ trường hợp họ cố gắng đi lừa một người khác mua toàn bộ sản phẩm cho họ. Sau một thời gian tham gia, nhiều sinh viên mới nhận ra việc kiếm tiền không dễ dàng như họ đã được nghe, nên một số người đã đi làm tiếp rượu ở quán bar, karaoke, thậm chí phải đi bán dâm để trả nợ.

Không quan tâm đến sản phẩm, hay sản phẩm chỉ mang tính tượng trưng để trưng bày, lợi nhuận của mô hình kinh doanh đa cấp không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo người dùng tham gia bán hàng đa cấp. Đây chính là điểm khác biệt của hoạt động này ở Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới và là điểm để phân biệt công ty lừa đảo với công ty kinh doanh đa cấp chân chính. Bắt người mới tham gia sau khi đã tung ra đủ chiêu trò, phải nộp các khoản tiền ký quỹ hoặc các loại lệ phí tham gia hay trực tiếp mua sản phẩm với số tiền nhất định để trở thành thành viên của mạng lưới. Đó chính là nguồn thu nhập chính của các công ty này, sau đó, họ sẽ chia tỷ lệ phần trăm số tiền từ việc lôi kéo người tham gia theo các cấp khác nhau. Đây chính là mô hình tháp ảo, trong đó người khởi xướng hệ thống bán hàng đa cấp nằm ở đỉnh tháp và lợi dụng, bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những công ty bán hàng đa cấp lừa đảo thì vẫn còn có những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không những nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của pháp luật mà còn có nhiều nội quy hết sức chặt chẽ. Điều này đã làm nên sự phát triển lâu dài và bền vững của công ty, tạo sự phát triển vững chắc về kinh tế cho Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh mà “trắng đen lẫn lộn” như hiện nay, thì sự xuất hiện ồ ạt của những doanh nghiệp lừa đảo đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với những doanh nghiệp đa cấp đang đi bằng chính “đôi chân” của họ.

2 . Hướng khắc phục

Các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đóng vai trò là “hành lang” pháp lý để các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực thi đúng luật, mà đồng thời cùng với cơ chế quản lý chặt chẽ của các chức năng, còn tạo môi trường “trong sạch” để bảo đảm cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính.

Để việc kinh doanh đa cấp đảm bảo đạt hiệu quả về kinh tế, thì trước hết, cần hiểu đúng về bản chất của kinh doanh đa cấp. Đồng thời, pháp luật cần quy định cụ thể các mặt hàng được phép được kinh doanh theo mô hình đa cấp hơn là quy định loại trừ những mặt hàng không được phép kinh doanh như trong Nghị định số 42 như đã trình bày ở trên. Song song với quy định này, cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt hoạt động quản lý giám sát về khâu nhập khẩu và sản xuất hàng hoá để đảm bảo tốt về chất lượng sản phẩm. Cũng cần thành lập một cơ quan hay tổ chức riêng chuyên về kiểm định chất lượng sản phẩm để đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời tránh được hiện tượng lừa đảo

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động về bán hàng đa cấp không chỉ thực hiện những hành vi dù biết là bị cấm những vẫn thực hiện như đã nói trên, mà còn thực hiện những hành vi mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào. Do đó, cần thiết phải ban hành nhanh chóng để trong quá trình thực hiện có từng chế tài cụ thể xử lý ngay nhằm ngăn chặn hậu quả. Cụ thể là có một số công ty mà không bắt buộc đóng một khoản tiền tối thiểu để tham gia mạng lưới, thì một số công ty bán hàng đa cấp tại Việt Nam lại lừa đảo về chất lượng hàng hóa và dịch vụ cùng với bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất. Ngoài ra, để bán được hàng, công ty và các thành viên thường quảng cáo sản phẩm là có rất nhiều tác dụng, như một loại thần dược có thể chữa được bách bệnh, để khách hàng tin mà mua sản phẩm. Tuy nhiên khi người bệnh sử dụng thì lại không có nhiều hiệu quả như đã quảng cáo…

Theo đánh giá của giới chuyên gia trong lĩnh vực đa cấp phát biểu tại tọa đàm Truyền thông với bán hàng đa cấp Việt Nam do Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam vừa phối hợp Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục Báo chí (Bộ TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào thứ tư, 21/05/2014 thì có 8 dấu hiệu để nhận diện một đa cấp lừa đảo sau:

Một là, người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của DN bán hàng đa cấp;

Hai là, không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán;

Ba là, Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.

Bốn là, cung cấp các thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp;

Năm là, lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia;

Sáu là, khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng;

Bảy là, không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường;

Tám là, buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết hàng có nhiều khả năng không bán được. Những dấu hiệu này cần được tuyên truyền  sâu rộng trong các văn bản pháp luật để đảm bảo cho lợi ích của người dân được bảo vệ tốt nhất.

Lãnh đạo Cty Liên Kết Việt thời phát đạt – Ảnh PV

 

 


 

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật cạnh tranh 2004.
  2. Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
  3. Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị đinh 71/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật cạnh tranh xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh ngày 21/7/2014
  4. http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/lo-lang-vi-1-trieu-nguoi-viet-ban-hang-da-cap-2911742.html
  5. http://banhangdacap.vn/tin_bai/168/85/The_nao_la_ban_hang_da_cap_lua_dao-.html 11/06/2015
  6. http://www.tienphong.vn/xa-hoi/sap-bay-ban-hang-da-cap-847022.tpo
  7. http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/239391/nguoi-viet-ngay-cang-chuong-thuc-pham-bo-sung.html 26/05/2015  13:30 GMT+7, truy cập ngày 11/1/2016
  8. http://www.herbalife-vietnam.com
  9. https://vn.myherbalife.com dành cho thành viên của công ty Herbalife

[1] http://banhangdacap.vn/tin_bai/168/85/The_nao_la_ban_hang_da_cap_lua_dao-.html 11/06/2015

 

 

[2] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/sap-bay-ban-hang-da-cap-847022.tpo

Th.S DƯƠNG XUÂN PHÚC ( Cục CSĐTTP về Môi trường) NGUYỄN THỊ XUÂN ( Khoa luật - HVCS)