Dấu ấn đổi mới, phát triển của một Đại học Vùng trọng điểm Quốc gia

Đà Nẵng với danh xưng “thành phố đáng sống” không chỉ gợi cho bạn bè, du khách trong nước, quốc tế về vẻ đẹp của những cây cầu bắc qua sông Hàn mà còn để lại dấu ấn đổi mới, phát triển triển của Đại học Đà Nẵng-một đại học (ĐH) Vùng trọng điểm Quốc gia, được đánh giá trong top ĐH hàng đầu, có chất lượng, uy tín, vươn tầm quốc tế.

Truyền thống, thế mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nhờ phát huy lợi thế của mô hình ĐH Vùng, gắn kết, tạo nên sức mạnh cộng hưởng từ 06 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn) và các viện, khoa, phân hiệu trực thuộc, ĐH Đà Nẵng thực sự là “nơi hun đúc trí tuệ, tài năng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước”. 

Sinh viên ĐH Đà Nẵng ba lần đạt giải Nhất Quốc gia Cuộc thi Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng. 

Với bề dày truyền thống sắp bước sang tuổi 30 của một ĐH Vùng (1994-2022), qua hơn 47 năm xây dựng và phát triển các trường ĐH thành viên (1975-2022), ĐH Đà Nẵng đã đào tạo, cung ứng một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà giáo, doanh nhân… thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ, kinh tế-luật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, ngôn ngữ-văn hoá, y- dược…

Đi đến đâu trên dải đất miền Trung -Tây Nguyên cũng như cả nước đều có thể nhận thấy, bắt gặp các cựu sinh viên/học viên của ĐH Đà Nẵng đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, trường học và doanh nghiệp, đóng góp quan trọng, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã tạo dựng được nền tảng vững chắc, tiềm lực vững vàng, phát huy thế mạnh để tiếp tục phát triển vươn cao. Với tiềm lực đội ngũ hơn 43% giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên (Trường ĐH Bách khoa đạt gần 69%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước), ĐH Đà Nẵng có đầy đủ các ngành nghề đào tạo (126 ngành ĐH, 45 ngành Thạc sĩ và 29 ngành Tiến sĩ), trong đó có nhiều chương trình tiên tiến, chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, đặc biệt là các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn, dịch vụ đem lại giá trị gia tăng, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Khẳng định uy tín, chất lượng vươn tầm quốc tế

Luôn coi “chất lượng là yếu tố sống còn”, ĐH Đà Nẵng không ngừng chú trọng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đổi mới quản trị ĐH và phương pháp dạy-học tiên tiến như: "Học theo dự án" (Project based Learning), CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate) hay Học từ trải nghiệm thực tế (Learning Express) dựa trên nền tảng giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Quy mô đào tạo của ĐH Đà Nẵng thuộc top hàng đầu Việt Nam với hơn 55.000 sinh viên/học viên chính quy, gần 800 lưu học sinh quốc tế; tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu với điểm xét tuyển đầu vào cao. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (sau 6-12 tháng) bình quân luôn đạt trên 90%, có tư duy sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường làm việc cạnh tranh, chuyên nghiệp, được hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để không chỉ biết tạo việc làm cho mình mà còn đem lại cơ hội cho cộng đồng.

Nhờ gắn kết đào tạo và việc làm, nhà trường và doanh nghiệp, chất lượng đào tạo của ĐH Đà Nẵng ngừng được nâng cao: Là ĐH vùng đầu tiên của cả nước có 100% các trường ĐH thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục Quốc gia (từ năm 2016); Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng là một trong bốn trường ĐH đầu tiên kiểm định, đạt chuẩn quốc tế (HCERES, Châu Âu); 03 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ) vừa được công nhận đạt chuẩn chất lượng Quốc gia chu kỳ 2; Xếp thứ 03 cả nước với 35 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA, Đông Nam Á và CTI, Châu Âu); Nhiều năm được xếp hạng trong Top 450-500 ĐH tốt nhất Châu Á (theo Bảng xếp hạng uy tín QS-Asia).

Sứ mệnh nòng cốt, tiên phong đổi mới và hội nhập

Dấu ấn nổi bật khi mới đây, ĐH Đà Nẵng là một trong ba ĐH hàng đầu Việt Nam (cùng 02 ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) chính thức khởi động, tham gia Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (Partnership for Higher Education Reform - PHER) do phía Hoa Kỳ tài trợ giai đoạn 2022-2026 để triển khai đổi mới quản trị ĐH, phương pháp dạy-học, nghiên cứu khoa học cùng với các dự án đầu tư khác sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, đem lại một môi trường làm việc, học tập tiện nghi, thân thiện, kỷ cương, hợp tác cho thầy và trò của ĐHĐN.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, ủng hộ và tạo điều kiện để ĐH Đà Nẵng được tái đầu tư, triển khai Dự án xây dựng Khu Đô thị ĐH (tại Hòa Quý-Điện Ngọc, theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt), được bố trí vốn đầu tư công trung hạn và vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới để xúc tiến giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục, công trình cấp thiết.

Đây chính là những tiền đề quan trọng, tạo nền móng vững chắc để ĐH Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững, xứng tầm với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, “đóng góp phát triển vùng và đất nước” như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã chỉ rõ. 

 

Ảnh:  ĐH Đà Nẵng luôn được thí sinh, quý phụ huynh tin tưởng lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh.

QC