Đi sau về trước’

Đối với mỗi loại nông sản, thước đo để quyết định “tồn tại hay không tồn tại” là giá trị sử dụng và triển vọng thị trường.

Mắc ca, loại nông sản trồng lấy hạt được đưa vào Việt Nam khoảng vài chục năm trước. Đến nay, theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước đã trồng 16,5 ngàn hecta. Một số nơi, nông dân trồng mắc ca thu hoạch từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, cũng có nơi trồng thất bại do cây không ra quả hoặc quả rất ít, không bõ công chăm sóc. Do vậy đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người cho rằng đây là loại “cây tỉ đô”. Có người lại cho là ảo tưởng. Bởi một số nơi trồng cây chỉ có lá mà không có quả, có nơi có quả nhưng không tiêu thụ được…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm từ mắc ca tại Hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển cây mắc ca trong thời gian tới” tổ chức ở TP Ban Mê Thuột.

Tất cả những ý kiến ủng hộ hay phản đối đều có lý và có dẫn chứng thực tế.

Vấn đề là, đối với mỗi loại nông sản, thước đo để quyết định “tồn tại hay không tồn tại” là giá trị sử dụng và triển vọng thị trường. Mắc ca, về giá trị sử dụng, là một loại cây cho hạt có giá trị dinh dưỡng cao với tỷ lệ dầu béo (đa số là dầu quý, dầu béo không no Omega 3, 6, 7 không để lại Cholesterol) chiếm tới 78% nhân hạt, cao nhất trong các loại cây có dầu. Mắc ca được trồng chủ yếu ở nước Úc nhưng những năm gần đây, một số nước đã trồng và ngày càng mở rộng diện tích như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Thông tin từ Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) cho biết, đến năm 2030, lượng cung mắc ca trên toàn thế giới mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Ở Việt Nam, chắc chắn rất nhiều người chưa biết hạt mắc ca là gì. Điều đó không lạ, bởi mặc dù mỗi năm chúng ta trồng và thu hoạch được 6,6 ngàn tấn quả tươi, nhưng số lượng đó cũng chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu sử dụng thực phẩm của 100 triệu dân trong nước, chưa kể có một số lượng đã được dùng để xuất khẩu.

Hơn trăm năm trước, cao su và cà phê cũng là hai loại cây ngoại nhập bởi các nhà tư sản người Pháp. Lúc ấy, chắc chắn rất nhiều người Việt Nam không biết cao su, cà phê là cây gì. Và nếu có ai khuyến khích họ trồng, cũng sẽ thất bại. Thế nhưng, hơn 100 năm sau, diện tích và sản lượng cà phê của Việt Nam đã đứng thứ 2 thế giới; cao su cũng nằm trong tốp 5 những nước trồng và xuất khẩu cao su nhiều nhất thế giới. Nhiều năm liền, giá trị xuất khẩu hai loại nông sản này đều vượt ngưỡng một tỉ USD. Như vậy, cà phê, cao su thực sự đã trở thành “cây bản địa” của Việt Nam. Và mặc dù hai loại nông sản này có lúc thăng trầm về giá cả thị trường, nhưng vị thế “cây tỉ đô” của nó chắc chắn không ai có thể phủ nhận.

So với cao su và cà phê thì mắc ca “nhập địa” muộn màng hơn rất nhiều. Người đưa giống mắc ca về Việt Nam là một quan chức Chính phủ, với mong muốn đó là cây xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu cho các gia đình nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm – tài chính và thị trường đều ngoài tầm với. Do vậy, những đợt cây giống do ông đưa về giao cho một số địa phương đều chỉ là trồng… thử nghiệm. Chỉ khoảng 5 năm gần đây, khi có một doanh nhân, chủ ngân hàng cam kết đồng hành với Chính phủ trong việc đầu tư phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, cây mắc ca mới có điều kiện phát triển đột biến.

Tại Hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển cây mắc ca trong thời gian tới” tổ chức ở TP Ban Mê Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam song đến nay cây mắc ca đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, trở thành cây xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo vệ môi trường cũng như có ý nghĩa trong quốc phòng an ninh… Do vậy, mắc ca phải là cây “đi sau về trước”. Từ nhận định trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT, các địa phương và Hiệp hội mắc ca Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam; Bộ NN&PTNT chủ trì để ban hành Nghị định về phát triển mắc ca làm cơ sở để triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển loại cây trồng tiềm năng này.

Hy vọng, với sự dẫn dắt của Hiệp hội Mắc ca, sự hỗ trợ vốn của một tổ chức tài chính và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tương lai cây mắc ca sẽ trở thành “cây bản địa”, “cây tỉ đô” của Việt Nam không phải chờ đến trăm năm như cao su, cà phê!