Phán quyết của Toà án công lý quốc tế vụ Nam Phi kiện Israel: Sức mạnh hay lời thở dài của luật quốc tế?
Từ đầu tháng 1/2024, thế giới đã theo dõi sát sao hoạt động xét xử của hội đồng thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc Liên Hợp Quốc về các cáo buộc của Nam Phi rằng Israel đang thực hiện hành vi diệt chủng trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Gaza.
Hơn 20 ngày sau, phán quyết lịch sử của ICJ đã mang lại hy vọng bước đầu trong việc bảo vệ dân thường ở Gaza trước thảm họa nhân đạo tàn khốc. Liệu phán quyết này có phải là làn gió làm dịu đi những căng thẳng chiến sự, tiếp nối các giá trị của luật quốc tế, hay rốt cuộc sẽ vẫn chỉ là tiếng thở dài trước những tương tàn của thực tiễn?
Tóm tắt vụ kiện giữa Nam Phi và Israel về các hành vi sử dụng vũ trang tại dải Gaza
Vào ngày 23/12/2023 vừa qua, Nam Phi đã khởi kiện Israel trước Tòa án Công lý Quốc tế vì những hành vi được cho là diệt chủng mà bị đơn thực hiện đối với dân Palestine tại Dải Gaza trong cuộc chiến giữa Israel và nhóm khủng bố Hamas, căn cứ theo Công ước chống diệt chủng mà cả Nam Phi và Israel là thành viên. Nam Phi cho rằng, sau khi cuộc tấn công của Hamas và các nhóm vũ trang Palestine ở Israel diễn ra vào ngày 7/10/2023, hành động trả đũa bằng quân sự vào Gaza của Israel bắt đầu vào ngày 8/10 đã khiến 1.200 người tử vong và nhiều người khác bị thương. 240 người Palestine cũng bị phía Israel bắt làm con tin. Trong Điều II của Công ước chống diệt chủng, các hành vi sau đây, nếu được thực hiện với ý định diệt trừ, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo, có thể được coi là diệt chủng:
a. giết hại các thành viên của nhóm người này;
b. gây ra tổn thương nặng nề về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm người này;
c. mưu tính hình thành các điều kiện sống nhằm làm suy giảm toàn bộ hoặc một phần của nhóm người này về mặt vật lý;
d. áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh sản của nhóm người này;
e. cưỡng bức chuyển nhượng trẻ em của nhóm người này sang một nhóm khác.
Phán quyết này của ICJ sẽ tiếp tục là một tiếng vọng của các giá trị bảo vệ quyền con người từ xưa đến nay, hay rốt cuộc vẫn chỉ còn là một tiếng thở dài của pháp luật quốc tế? Liệu quyết định của 17 con người có đủ sức mạnh cứu lấy hàng ngàn sinh mạng đang lầm than ở Dải Gaza?
Trên cơ sở này, các luật sư Nam Phi cũng chỉ ra rằng Israel đã phạm vào bốn trong năm hành vi được liệt kê trong Điều II của Công ước. Cụ thể, phía Nam Phi cũng cung cấp bằng chứng video và phát ngôn công khai của chính quyền Israel thể hiện động thái diệt chủng, đặc biệt là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallent vào tháng 10/2023 vừa qua ví von cuộc chiến với nhóm khủng bố Hamas là nhằm chống lại “những thú vật hình người” (“human animals”) và thực hiện chiến dịch vây hãm toàn diện “không điện, không thức ăn, không nước, không xăng” nhằm cô lập người Palestine tại Dải Gaza, khiến 93% dân số ở Gaza đang đói khát ở mức báo động. Trong ba tháng kể từ khi Israel trả đũa bằng quân sự vào Gaza với cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas tới khi phiên tòa diễn ra, quân đội Israel đã khiến hơn 20 nghìn người Palestine tử vong, trong đó ít nhất 70% được cho là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, việc Israel liên tục tấn công vào các cơ sở y tế của Gaza khiến việc duy trì sự sống ở đây hết sức khó khăn. Đồng thời, khi chặn đường đi của các vật tư y tế phục vụ cho việc đỡ đẻ vận chuyển vào Gaza, Israel được cho là đã vi phạm vào điều 2d của Công ước chống diệt chủng là “ngăn chặn việc sinh sản của nhóm người này”.1
Từ những lập luận trên, Nam Phi đã đề xuất chín biện pháp tạm thời trong đơn khởi kiện, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Israel ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự đối với Dải Gaza và cùng Nam Phi thảo luận, thực hiện mọi biện pháp hợp lý trong khả năng có thể để tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết, cũng như nhằm ngăn chặn và loại bỏ các hành vi diệt chủng theo Điều II của Công ước chống diệt chủng. Nam Phi cũng nhấn mạnh rằng căn cứ theo Điều 74 của Bộ quy tắc của ICJ, “yêu cầu xem xét các biện pháp tạm thời phải được ưu tiên hơn tất cả các trường hợp khác” nhằm thúc đẩy phản ứng pháp lý nhanh chóng trước tình hình chiến sự ngày càng phức tạp.
Đáp lại động thái của Nam Phi, Israel cho rằng các biện pháp mang tính “trả đũa” đối với Hamas tại Dải Gaza là nhằm tự vệ theo luật quốc tế vì tình hình hiện tại không thể nào cho phép nỗ lực kiểm soát các chiến binh Hamas được nữa, và điều này “không và sẽ không bao giờ hiệu quả”. Israel cũng lập luận rằng Nam Phi đã không chứng minh được “ý định” diệt chủng theo Điều II Công ước chống diệt chủng, một yếu tố cơ bản cấu thành tội phạm diệt chủng. Họ yêu cầu tòa án xem xét các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Israel thay vì tập trung vào “các tuyên bố ngẫu nhiên của những chính trị gia không có thẩm quyền quyết định” mà Nam Phi đã trích dẫn.
Quyết định sơ bộ của ICJ – Liệu có phải chỉ là tiếng thở dài của pháp luật quốc tế?
Khi khởi xướng vụ kiện chống lại các hành vi được cho là mang tính diệt chủng của Israel trước ICJ, các đại diện của Nam Phi thể hiện mong muốn tiếp nối một tiền lệ pháp lý quan trọng được chính tòa án này tạo ra vào năm 2022, khi chấp nhận thẩm quyền giải quyết đơn kiện của Chính phủ Gambia theo Điều IX của Công ước chống diệt chủng về yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Myanmar thực hiện các hành vi tàn sát nhóm dân tộc thiểu số Rohingya. Trong khi kỳ vọng vào phán quyết của ICJ khẳng định nguyên tắc erga omnes – tức việc bảo vệ quyền và thực thi nghĩa vụ liên quan đến một quy phạm mang tính quốc tế thuộc về lợi ích chung của tất cả các quốc gia, phía Nam Phi cũng thể hiện quan ngại rằng nếu các thẩm phán của tòa này không ban hành được một quyết định tương tự với vụ Gambia kiện Myanmar trước đó, tính thống nhất của tòa án và hiệu quả áp dụng pháp luật quốc tế sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, và cho rằng mỗi phiếu chống được cho là “liên đới trực tiếp” với những thương vong đang tiếp diễn tại Dải Gaza.
Một ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc ném bom vào ngày 19/10/2023. Ảnh: Mohammed Abed / AFP via Getty Images.
Trong quyết định ban đầu được công bố vào ngày 26/1/2024, ICJ kết luận khái quát rằng: “Theo quan điểm của tòa, ít nhất là một số hành vi mà Nam Phi cáo buộc Israel đã thực hiện ở Gaza có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều khoản của Công ước chống diệt chủng.” ICJ cũng thừa nhận những quyền mà Nam Phi đề xuất là hợp lí, đó là “quyền của người Palestine ở Gaza được bảo vệ khỏi các hành vi diệt chủng và các hành vi bị cấm theo Điều III Công ước chống diệt chủng, và quyền của Nam Phi yêu cầu Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp định”. Tòa yêu cầu Israel phải thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn những hành động được ghi trong Điều II của Công ước chống diệt chủng đối với người Palestine ở dải Gaza; Quân đội Israel cũng không được vi phạm vào những hành động đó; Israel cũng phải ngăn chặn việc tiêu hủy bằng chứng tội ác chiến tranh và cho phép những đội tìm kiếm thông tin tiếp cận hiện trường; Phải nộp báo cáo về việc họ sẽ thực hiện những điều trên như thế nào sau phiên tòa này một tháng; Israel phải ngăn chặn và trừng phạt những hành vi kích động diệt chủng. Quan trọng nhất là Israel phải đảm bảo việc vận chuyển nhu yếu phẩm và cứu trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân ở Gaza.
Trước phán quyết của ICJ, nhiều chuyên gia cho rằng, tòa án đã có cách tiếp cận quá thận trọng và chưa đủ lên tiếng mạnh mẽ để giải quyết triệt để vấn đề. ICJ tuyên bố rằng những quyết định của tòa hiện nay không nhằm xem xét liệu Israel có hành vi phạm tội diệt chủng hay không. Tòa cũng không đồng ý với yêu cầu của Nam Phi buộc Israel phải dừng các hoạt động quân sự. Đặc biệt, tòa yêu cầu Israel thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong khuôn khổ “khả năng có thể”, tức là áp đặt một nghĩa vụ không tuyệt đối cho Israel, khiến cho sức ép tuân thủ nhẹ đi rất nhiều. Mặc dù nếu Israel không tuân thủ theo phán quyết này của ICJ, quốc gia bị hại là Palestine lẫn Nam Phi có quyền kêu gọi sự giúp đỡ từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để có biện pháp buộc bên có trách nhiệm pháp lý thực thi. Tuy nhiên, đáng lưu ý là Mỹ – một trong các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nắm quyền phủ quyết trong tay, lại là bên bảo trợ cho Israel. Do đó, nhiều người cho rằng phán quyết của ICJ chỉ làm Israel “mất mặt” trước cộng đồng quốc tế là cùng, chứ không còn hiệu quả nào hơn.
Diệt chủng được coi là một trong những tội ác tàn nhẫn nhất theo luật pháp quốc tế, thậm chí có nhiều quan điểm còn xem tội phạm này là nghiêm trọng hơn cả tội chống lại nhân loại hoặc tội phạm chiến tranh. Việc xác định có hành vi tội phạm diệt chủng cũng sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý nghiêm trọng đối với quốc gia, bao gồm buộc thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn và trừng phạt tội phạm, cũng như bị yêu cầu bồi thường hoặc bị can thiệp bởi quốc gia bị hại hoặc cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các nhà làm luật nhận thấy sự cần thiết phải thiết lập ngưỡng pháp lý chứng minh tội phạm diệt chủng trở nên đặc biệt cao với yếu tố “ý định phá hủy, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc, hoặc tôn giáo”, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sự thiếu rõ ràng để mở rộng phạm vi thuật ngữ cho dễ dàng buộc tội. Lập luận về cơ sở pháp lí của Nam Phi vẫn chưa thực sự vững chắc khi chứng minh yếu tố này đơn thuần chỉ dựa trên những tuyên bố chính trị của giới chức Israel mà bỏ qua mục đích “tự vệ” của Israel trước Hamas và những cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường của Israel. Để Nam Phi thắng kiện, họ cần phải tìm và cung cấp bằng chứng rằng mục đích của Chính phủ Israel không chỉ là ngăn chặn các cuộc tấn công như diễn biến vào ngày 7/10, hoặc làm giảm khả năng quân sự của Hamas, mà thực sự là nhằm tiêu diệt người dân Palestine. Các tòa án quốc tế trong nhiều vụ án trước đây, chẳng hạn như vụ diệt chủng ở Dafur (Sudan) giết hại 200 nghìn người dân tộc Fur, Masalit, Zaghawa từ 2003-2005 và Thảm sát Serebrenica ở Bosnia và Herzegovina, giết hại hơn 8000 nam giới Hồi giáo Bosniak vào năm 1995 cũng đã gặp khó khăn trong việc chứng minh mục đích của hành vi tội phạm vốn không chỉ là giết người mà là một chính sách có chủ ý nhằm phá hủy một dân tộc hoàn toàn. Việc thu thập và trình bày bằng chứng chứng minh rõ ràng ý định diệt chủng là vô cùng phức tạp vì cần kết hợp một loạt chứng cứ đa dạng, bao gồm mệnh lệnh trực tiếp, những cuộc giao tiếp, các hành động được thực hiện bởi cá nhân hay nhóm, bối cảnh hành động, diễn tiến theo thời gian. Hơn nữa, rủi ro bằng chứng bị hủy hoại và tính nhạy cảm chính trị làm tăng thêm sự phức tạp của các vụ kiện này. Trên thực tế, trong các vụ kiện lên tòa án quốc tế liên quan đến tội phạm diệt chủng, thời gian giải quyết nhanh nhất là bốn năm (vụ Jean Kambanda được giải quyết bởi Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda vào năm 1998) và dài nhất là gần ba thập kỷ đối với cáo buộc tài trợ tội phạm diệt chủng dành cho Félicien Kabug.
Ngưỡng chứng minh cao và một loạt các thách thức được đặt ra để vượt qua nhữnng tiêu chí đánh giá cấu thành hành vi phạm tội một cách nghiêm ngặt đã gặp phải nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền, giới học giả pháp luật và nạn nhân của chính tội phạm này. Trước sự thảm khốc và chết chóc của chiến tranh, những người phản đối đặc biệt quan tâm đến rủi ro cản trở quá trình tìm kiếm công lý cho nạn nhân và truy cứu trách nhiệm của những kẻ thủ ác, nhất là trong những tình huống mà thủ phạm cố gắng che giấu hành động và ý định của họ. Việc quá tập trung vào ý định cụ thể để chứng minh hành vi phạm tội đôi khi bỏ qua bối cảnh rộng lớn hơn về các tội ác thảm sát hàng loạt xâm phạm nghiêm trọng quyền con người nhưng không phù hợp với định nghĩa chặt chẽ của hành vi diệt chủng. Điều này có thể hạn chế phạm vi can thiệp và cứu trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế đến những người có thể phải chịu đựng mức độ tổn thương tương tự như nạn nhân của tội phạm diệt chủng.
Ngoài ra, các mệnh lệnh của ICJ không có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của các nhóm như Hamas, bởi quyền hạn của ICJ vốn có hiệu lực với các quốc gia khó có thể mở rộng áp dụng cho cả các nhóm lực lượng vũ trang phi nhà nước. Vì vậy, câu hỏi tiếp theo đặt ra là bản án này của ICJ sẽ tiếp tục là một tiếng vọng của các giá trị bảo vệ quyền con người từ xưa đến nay, hay rốt cuộc vẫn chỉ còn là một tiếng thở dài của pháp luật quốc tế? Liệu quyết định của ICJ có đủ sức cứu lấy hàng ngàn sinh mạng đang lầm than ở dải Gaza?
Những tia hy vọng?
Nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận định khả quan về phán quyết này của ICJ rằng tòa án đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng rằng Israel không được tiếp tục đánh bom, di dời và cô lập dân cư ở Gaza đến chết, cũng như không được có những phán ngôn hạ thấp nhân phẩm người Palestine vốn có thể bị xem là truyền đạt ý định diệt chủng theo Công ước. Trong vòng xoáy bạo lực hiện nay, quyết định của ICJ có thể làm cân bằng lại trật tự quốc tế dựa trên các giá trị của pháp luật quốc tế và công lý, từ đó là nền tảng thiết lập lại nền hòa bình và ổn định giữa Israel và Palestine. Dẫu không muốn, Israel vẫn có nghĩa vụ thực thi và chứng minh mức độ thực thi các biện pháp khẩn cấp được ICJ đưa ra.
Hơn nữa, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng trong quyết định của ICJ liên quan đến hoạt động viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Dẫn theo tờ Times of Israel, kể từ quyết định của ICJ được ban hành, số lượng xe tải vận chuyển hàng cứu trợ đi vào Gaza đã tăng đáng kể, với 186 xe đi qua các cửa khẩu chỉ riêng trong hai ngày sau khi quyết định được công bố và lên tới 197 xe tải chỉ trong ngày thứ ba. Điều này hỗ trợ hoạt động nhập khẩu và phân bổ hiệu quả thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp nhân đạo khác cho người dân ở Dải Gaza – vốn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc và những nhóm viện trợ trên mặt đất. Vì vậy, việc yêu cầu cho Israel có những biện pháp cải thiện tình hình cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza là nhằm đảm bảo nước này không vi phạm Điều 2c của Công ước chống diệt chủng, và việc tuân thủ biện pháp tạm thời này trở thành vấn đề quan trọng đối với Israel trong việc chứng minh thiện chí với cộng đồng quốc tế – đặc biệt khi ICJ còn để ngỏ khả năng kết luận Israel phạm tội diệt chủng.
Đáng lưu ý, quyết định này của ICJ không chỉ gia tăng trọng lượng của lời kêu gọi ngừng bắn trong cộng đồng quốc tế, mà còn gây áp lực để Mỹ đưa ra động thái ủng hộ lệnh ngừng bắn được đưa ra bởi cơ quan tòa án quốc tế hoặc đình chỉ viện trợ quân sự cho Israel. Thật vậy, vào ngày 25/3, Mỹ đã không bỏ phiếu phủ quyết, giúp cho Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, lần đầu tiên được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mười ngày sau đó, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi các bên lập tức thực thi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ thay đổi chính sách với cuộc xung đột nếu Israel không tiến hành các bước đi cần thiết nhằm xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ các nhân viên cứu trợ quốc tế Dải Gaza.
Trong bối cảnh này, các quốc gia đang gửi vũ khí cho Israel, hoặc đang tạo điều kiện cho các hành vi tội phạm diễn ra hàng loạt ở Gaza, sẽ phải xem xét lại cam kết thực thi nghĩa vụ quốc tế của mình theo Công ước chống diệt chủng để ngăn chặn hành vi phạm tội và tránh bị coi là đồng lõa. Đơn cử, Nicaragua đã nộp đơn khởi kiện Đức vào ngày 1/3/2024 vừa qua cho ICJ, mạnh mẽ đưa ra cáo buộc rằng Đức có hành vi ủng hộ tội phạm diệt chủng đối với người Palestine do Israel thực hiện ở Gaza trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và nhóm cực đoan Hamas. Cụ thể, Nicaragua cho rằng Đức “không thực hiện nghĩa vụ của mình” theo các Công ước Geneva để ngăn chặn “những hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” ở Dải Gaza. Thêm vào đó, Đức cũng bị cho là có “đóng góp vào việc thực hiện tội ác diệt chủng” bằng cách cung cấp viện trợ về tài chính, quân sự, cũng như ủng hộ về mặt chính trị động thái trả đũa của Israel đối với đợt tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, và vì vậy hỗ trợ duy trì tình trạng bất hợp pháp của việc chiếm đóng quân sự kéo dài tại Palestine.
Có thể thấy đơn khởi kiện của Nicaragua tiếp tục là sự vận dụng nguyên tắc erga omnes, “đồng thanh tương ứng” với Nam Phi trong việc kêu gọi các nước phương Tây có động thái mạnh mẽ, cứng rắn hơn trước tình hình chiến sự phức tạp chưa thấy được hồi kết tại dải Gaza. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm người Palestine và cộng đồng quốc tế được thêm cơ hội công khai bày tỏ quan điểm về những áp bức mà thường dân vô tội tại Dải Gaza phải chịu đựng, từ đó mang lại triển vọng về việc thúc đẩy bên liên quan và cả những bên thứ ba phải có trách nhiệm giải trình nghiêm túc về những gì đang diễn ra và phương án ngăn chặn, hỗ trợ. Điều này cũng mở đường cho các cuộc đối thoại chính trị và ngoại giao giữa nhiều bên nhằm đàm phán với nhóm Hamas và các nhóm vũ trang khác về khả năng giải quyết vấn đề bạo lực leo thang tại Dải Gaza, bao gồm cả những cơ quan quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, Mỹ cũng đang tích cực cùng Ai Cập và Qatar thúc đẩy các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và lực lượng Hamas, nhằm tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn dài ngày tại Gaza kèm điều kiện trao đổi con tin và tù nhân.□
—–
Theo Tiasang.com.vn
1 https://www.newyorker.com/news/our-columnists/the-limits-of-accusing-israel-of-genocide-under-international-law
1. Perry World House, Explaining the International Court of Justice’s Ruling on Israel and Gaza, https://global.upenn.edu/perryworldhouse/news/explaining-international-court-justices-ruling-israel-and-gaza
2. https://www.jurist.org/news/2024/03/nicaragua-launches-icj-proceedings-against-germany-for-aiding-israel-in-ongoing-gaza-war/
3. Jeremy Sharon, What does Israel need to do to comply with the ICJ genocide decision? https://www.timesofisrael.com/what-does-israel-need-to-do-to-comply-with-the-icj-genocide-decision/
4. https://time.com/6588931/icj-ruling-israel-genocidal-acts-gaza-south-africa/
5. HUGO SLIM, Why protect civilians? Innocence, immunity and enmity in war, International Affairs 79, 3 (2003), 481-501
6. https://www.timesofisrael.com/liveblog_entry/defense-minister-announces-complete-siege-of-gaza-no-power-food-or-fuel/
7. https://www.ynetnews.com/articles/0,7340,L-3260201,00.html
8. https://www.opendemocracy.net/en/5050/for-south-africa-defending-palestine-is-personal/
9. https://www.politico.eu/article/ron-prosor-israel-evoy-hamas-animals-must-be-destroyed/
10. https://www.icj-cij.org/sites/default/files/case-related/192/192-20231228-app-01-00-en.pdf
11. https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-my-keu-goi-lap-tuc-thuc-thi-lenh-ngung-ban-tai-dai-gaza-post1087153.vov
Phiên tòa vào ngày 26/1. Ảnh: International Court of Justice (ICJ)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận