Người giám định tư pháp có vị trí ngồi phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Dự án Luật dự kiến được xem xét thông qua vào ngày 10/6/2020 tại kỳ họp này.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), Bộ Công an, VKSNDTC và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, tổ chức các cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực để chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Ảnh Qh.vn

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông – vận tải, tài nguyên và môi trường… Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, nguyên nhân do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về việc chỉ đạo, điều tiết để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.

Về ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” trước cụm từ “khởi tố” tại khoản 1 Điều 2 để mở rộng phạm vi giám định tư pháp từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, UBTVQH nhận thấy, khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật đã bổ sung quy định giám định tư pháp đối với hoạt động “khởi tố”. Theo quy định tại Chương IX của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì giai đoạn “khởi tố” đã bao gồm cả việc “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nên không cần thiết phải bổ sung thêm cụm từ này vào dự thảo.

Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, UBTVQH nhận thấy, quy định người đăng ký thành lập văn phòng giám định tư pháp phải có thời gian làm giám định viên ít nhất 03 năm đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, yêu cầu người đó phải hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực giám định tư pháp như ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định về điều kiện nêu trên và giữ quy định về thời gian (03 năm) như dự thảo Luật.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ “Chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra” (điểm đ, khoản 2 Điều 24).

Về đề nghị, để giải quyết những vướng mắc lâu nay trong quá trình người giám định tham gia tố tụng tại phiên tòa, cần bổ sung quy định về quyền của người giám định tư pháp được bố trí vị trí chỗ ngồi phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung nội dung này tại điểm e, khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật.

Về thời hạn giám định, UBTVQH nhận thấy, việc xác định thời hạn giám định chung (không quá 03 tháng, trường hợp phức tạp không quá 04 tháng) được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định thời hạn giám định tư pháp như dự thảo Luật.

Chi phí và phí

Thảo luận tại Quốc hội, một trong những điều thu hút sự quan tâm của các đại biểu là chi phí cho hoạt động giám định tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm: Trước ngày 01/01/2017, việc thu phí giám định tư pháp theo Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hưởng dẫn thì mức thu, việc quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Cơ chế này thực hiện cho đến nay đang ổn định và không phát sinh những vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo chủ động về nguồn thu trong hoạt động của đơn vị nghiệp vụ khi thực hiện được giao.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Ảnh: Qh.vn

Sau khi Luật Phí và lệ phí năm có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, việc thu phí chuyển sang chi phí giám định nhưng khi triển khai thực hiện cơ chế  chi phí giám định tư pháp theo Luật Giám định tư pháp năm 2012, Pháp lệnh Chi phí giám định định giá chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã gặp nhiều vướng mắc. Do Pháp lệnh Chi phí giám định định giá chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng chưa có quy định về việc quản lý, sử dụng chi phí giám định tư pháp. Mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính nhưng thực tế đến nay các tổ chức, đơn vị giám định công lập của Bộ Công an vẫn chưa thực hiện được việc thu, chi phí giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị nên sửa đổi, bổ sung quy định việc thực hiện giám định tư pháp từ chi phí giám định tư pháp sang phí giám định tư pháp trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định, nêu quan điểm: Cần xem xét, bổ sung ở khoản 2, Điều 36 theo hướng quy định chi tiết đối với việc thanh toán chi phí giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán chi phí giám định tư pháp tại cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đặc biệt là đối với những vụ việc lớn có kinh phí giám định tư pháp lớn, phát sinh ngoài dự kiến. Việc cấp kinh phí giám định nên thực hiện theo hướng cấp trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định do Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tiếp thu cho biết, nếu chuyển sang quy định là phí thì đây là một vấn đề liên quan tương đối nhiều luật, phải sửa đổi một số Luật hiện hành, hơn nữa quy định là chi phí thì đảm bảo sự phù hợp hơn. Theo đó, Dự án Luật chỉ tập trung vào một số điều về chi phí giám định tư pháp, cụ thể người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp. Đồng thời Dự án Luật quy định rõ hơn rằng kinh phí thanh toán chi phí giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó, được bố trí riêng để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp. Việc quy định này cũng khắc phục một số vấn đề liên quan đến việc chậm trễ trong thanh toán các chi phí.

Giám định âm thanh, hình ảnh

Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (Điều 12), đại biểu Trần Hồng Hà đồng ý với dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12). Bởi vì giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh mới có ở Bộ Công an. Còn phòng giám định tư pháp ở Bộ Quốc phòng mới chỉ giám định tài liệu, chữ ký, dấu vết, súng đạn nhưng chưa có giám định về âm thanh, hình ảnh.

Đại biểu Trần Hồng Hà

Thực tế hiện nay, toàn bộ phần giám định âm thanh, hình ảnh của cơ quan tố tụng chủ yếu tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Tuy nhiên, trước thực tế yêu cầu giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh ngày càng tăng; đặc biệt là từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện ghi âm, ghi hình khi tiến hành hỏi cung bị can thì yêu cầu tính chính xác của dữ liệu ghi âm, ghi hình. Nếu có kiện tụng về kết quả giám định tư pháp bằng ghi âm, ghi hình thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể tiến hành giám định lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám định tư pháp về dữ liệu bằng âm thanh, hình ảnh

Đồng thuận với quan điểm trên, Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho rằng: Khi thực hiện Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) từ ngày 01/1/2020 thì yêu cầu về giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh khi các cơ quan hỏi cung bị can tăng cao. Hơn nữa là để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố hình sự ngày càng cao về các loại tội phạm tham nhũng và tội phạm trong hoạt động tư pháp thì cần tăng cường công tác giám định dữ liệu bằng âm thanh, hình ảnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sau đó cũng nêu quan điểm: Thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, Bộ trưởng cho biết, nội dung này thiết kế theo đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Viện đã có báo cáo đánh giá tác động gửi kèm Hồ sơ Dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Ảnh: Qh.vn

Theo Bộ trưởng, quy định này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định, và chỉ thành lập tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với phạm vi giám định về âm thanh, hình ảnh. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, việc thành lập này không phình bộ máy, nếu có chỉ nhỉnh hơn một chút; đồng thời khả năng chi phí mua máy móc, thiết bị không cần dùng đến kinh phí ngân sách mà đã có một dự án đầu tư cho vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, đối với một số vấn đề khác mà các đại biểu đã đóng góp ý kiến, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp thu một cách tối đa, rà soát toàn bộ để hoàn thiện Dự án Luật, đảm bảo cho việc tiến hành biểu quyết thông qua.

Xem xét thông qua vào ngày 10/6/2020

Phát biểu kết luận về phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, có 14 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về một số điều trong dự án Luật như: Thời hạn giám định tư pháp; giám định hình ảnh, âm thanh; chi phí cho hoạt động giám định tư pháp… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật dự kiến được xem xét thông qua vào ngày 10/6/2020 tại kỳ họp này.

KIM DUNG