Bàn về ủy quyền khởi kiện trong tố tụng dân sự

Khởi kiện là quyền của công dân khi có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Vấn đề đặt ra là pháp luật có nên quy định công dân có quyền ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không và có nên xây dựng, ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự, dù thực tiễn áp dụng pháp luật đã có. Với việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015, Điều 187 BLTTDS năm 2015 có cần phải sửa đổi?

1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự

Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong các quyền cơ bản của công dân và được Hiến định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện bằng hành vi khởi kiện. Theo khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. Theo quy định này, công dân có quyền tự mình làm phát sinh các quan hệ pháp luật tại các thiết chế tư pháp để bảo vệ quyền của mình theo luật định. Bản chất của hành vi khởi kiện là việc công dân yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp mà người khởi kiện cho rằng bị xâm phạm và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Với tư cách là thiết chế tư pháp, Tòa án bảo vệ quyền con người thông qua chức năng thụ lý, xét xử các loại vụ án dân sự phát sinh trong đời sống xã hội theo yêu cầu của các chủ thể có quyền. Cùng với việc thực thi quyền hạn theo quy định của pháp luật, Tòa án có trách nhiệm áp dụng pháp luật một cách hữu hiệu, khả thi nhất. Theo Điều 186 BLTTDS năm 2015, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nêu trên. Với tư cách là cơ quan giải quyết các tranh chấp dân sự, “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân[1].

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo trình tự do luật định, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác; lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước khi cho rằng có quyền, lợi ích đó bị xâm phạm[2]. Khởi kiện là hành vi biểu đạt quyền tự định đoạt của đương sự, yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện nghĩa vụ dân sự.

 Việc khởi kiện của đương sự làm phát sinh tiến trình tố tụng, xác lập quan hệ pháp luật tố tụng dân sự giữa Tòa án với đương sự và các chủ thể khác. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử xem xét và quyết định về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án.

Trước đây, quyền khởi kiện là nội dung của tố quyền. “Tố quyền là một năng quyền được công nhận cho các cá nhân và pháp nhân để yêu cầu các cơ quan tài phán bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình. Tố quyền chính là nhịp cầu giữa luật nội dung và tố tụng…”[3], “tố quyền là khả năng được thừa nhận đối với cá nhân được yêu cầu sự can thiệp của công lý để đạt được sự tôn trọng các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình[4]. Bản chất của hành vi khởi kiện là hành vi công dân tiếp cận công lý.

2. Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Trong đó, đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm “cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện và người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”[5]. Đối với pháp nhân người đại diện theo pháp luật là “người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật, người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án”[6].

Theo Điều 138 BLDS năm 2015, 1. Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. 2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. 3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”. Theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015, “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”. Theo Điều 86 BLTTDS năm 2015, “1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện. 2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.

Với quy định trên, người đại diện trong tố tụng dân sự là người nhân danh và vì lợi ích của đương sự để tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự trong phạm vi đại diện. Phạm vi đại diện tùy thuộc vào loại đại diện. Quan hệ đại diện dựa vào ý chí của nhà lập pháp và ý chí của đương sự. Quy định về đại diện là cơ sở pháp lý để thiết lập quan hệ pháp luật, cơ chế để công dân tự bảo vệ hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể có quyền khởi kiện.

Hiện nay, theo Điều 187 BLTTDS năm 2015, chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước bao gồm cá nhân, tổ chức và cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình[7]. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật[8]. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[9]. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật[10].

Vấn đề đặt ra trong tố tụng dân sự đương sự có quyền ủy quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện thay hay không? Theo Điều 186 BLTTDS năm 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích của mình, người khác hoặc lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Với quy định này, hiện nay có các quan điểm khác nhau về quyền khởi kiện. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc khởi kiện (kể cả ly hôn) không được ủy quyền[11]. Quan điểm thứ hai cho rằng, người có quyền, lợi ích bị xâm phạm có thể ủy quyền cho người đại diện khởi kiện[12].

Với các quan điểm như trên, người viết nhận thấy:

Một, theo khoản 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015, nguyên đơn trong vụ án dân sự phải là người trực tiếp khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện theo quy định. Cụ thể hóa quy định trên, khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015, quy định người khởi kiện phải tự mình ký tên hoặc điểm chỉ. Đối với cá nhân là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Theo khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015, kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Với quy định này, ý chí của nhà lập pháp xác định, nguyên đơn phải là người trực tiếp khởi kiện (ký, điểm chỉ vào đơn khởi kiện), nêu ra yêu cầu và cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Điều này tương đồng với quy định tại Điều 70, Điều 71 BLTTDS năm 2015 và các quy định khác về quyền, nghĩa vụ của đương sự nói chung, nguyên đơn nói riêng. Không ai được thay thế nguyên đơn thể hiện ý chí khi mà việc khởi kiện không bảo đảm nguyên tắc “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015. Theo đó, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Cụ thể hóa quy định này, Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định rõ về người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Theo đó, người khởi kiện không có quyền khởi kiện, bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 BLTTDS năm 2015 (việc khởi kiện không nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình là người đại diện hợp pháp); Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015 và yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ. Đối với những người yếu thế, pháp luật quy định cơ chế bảo vệ quyền của họ[13].

Hai, kết hợp các quy định tại Điều 68, Điều 187 BLTTDS năm 2015, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, pháp luật tố tụng dân sự chỉ thừa nhận những người có quyền khởi kiện mới được khởi kiện. Những người có quyền khởi kiện là những người mà pháp luật quy định cụ thể trong luật, trừ trường hợp có sự lựa chọn. Chẳng hạn, “Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi[14]. Do đó, không có ai có thể thay thế nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện khi họ có đầy đủ năng lực và điều kiện khởi kiện. Việc ủy quyền khởi kiện không thể đặt ra.

Ba, khởi kiện trong pháp luật thi hành án dân sự. Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022 (Luật THADS), đương sự trong thi hành án bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Với quy định này, có thể có trường hợp nguyên đơn là người phải thi hành án. Theo Điều 71 Luật THADS, người phải thi hành án và có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Điều này đồng nghĩa với việc người khởi kiện có thể là chủ thể phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi do yêu cầu của họ không được chấp nhận, yêu cầu của đương sự khác đưa ra được Tòa án chấp nhận hoặc xuất phát từ nghĩa vụ bù trừ. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, chỉ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với nguyên đơn chứ không thể áp dụng đối với người được ủy quyền khởi kiện (nếu có). Điều này khẳng định tính nhất quán trong việc nguyên đơn phải là người khởi kiện và tự chịu trách nhiệm với yêu cầu do họ đưa ra khi tham gia tố tụng, kể cả trong thi hành án dân sự.

3. Xây dựng, ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Xuất phát từ quy định của pháp luật, thực tiễn thi hành về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự, có ý kiến cho rằng cần thừa nhận việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự và ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Ý kiến này căn cứ vào các lý do:

Một, về nguyên tắc, pháp luật được ban hành là nhằm bảo vệ quyền công dân, phát huy tối đa hiệu quả điều chỉnh của luật. Quy định của pháp luật về quyền khởi kiện phải tạo sự thuận lợi cho công dân, người có quyền bị xâm phạm, bảo vệ quyền của mình một cách đầy đủ, kịp thời và hiệu quả nhất tại cơ quan tư pháp. Nếu pháp luật chưa quy định về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự mà thực tiễn đã áp dụng và có hiệu quả, nên tiếp tục thực hiện. Đây cũng là định hướng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước[15]. Việc thừa nhận ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự là hình thức tăng cường quyền của công dân trong việc bảo vệ quyền của họ.

Hai, thực tiễn đã áp dụng về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Theo khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan: Thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp”. Cụ thể hóa quy định trên, điểm i khoản 1 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan quy định: chủ thể có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được ủy thác quyền. Theo điểm a Điều 1 Mục II Phần A Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC-VKSNDTC - BVHTT&DL - BKH&CN - BTP ngày 03/4/2008 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân quy định, quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan, quy định: “a) Cá nhân, tổ chức quy định tại Điều 44 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây viết tắt là Nghị định số 100/2006/NĐ-CP) có quyền khởi kiện vụ án dân sự về quyền tác giả, quyền liên quan tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. b) Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 162 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 mục 2 Phần I của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự”.

Áp dụng các quy định trên, TAND thành phố Hà Nội đã thụ lý giải quyết “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệgiữa nguyên đơn là Trung tâm TQVN (tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả được thành lập theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) với bị đơn là Công ty TNHH NV[16].

Trong phần nhận định, Hội đồng xét xử xác định: Trung tâm TQVN là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả được thành lập theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có quyền khởi kiện theo khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; phù hợp với quy định tại điểm a Điều 1 Mục II Phần A Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT- TANDTC-VKSNDTC - BVHTT&DL - BKH&CN - BTP ngày 03/4/2008 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại TAND, Điều 24 Điều lệ (sửa đổi) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 124/2005/QĐ-BNV ngày 21/11/2005, hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với Trung tâm TQVN có thể hiện nội dung ủy quyền cho Trung tâm TQVN được quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền tác giả bao gồm quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.

Với các căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử công nhận quyền khởi kiện của Trung tâm TQVN và quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Buộc Công ty TNHH NV đăng lời xin lỗi;  Buộc Công ty TNHH NV bồi thường thiệt hại; Bồi thường mức giảm sút thu thập và các quyết định khác.

Trong Bản án này, TAND thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền và việc xác định tư cách nguyên đơn của Trung tâm TQVN là có căn cứ. Tuy nhiên, có một vấn đề cần bàn là tư cách của Trung tâm TQVN là nguyên đơn hay người đại diện. Nếu đối chiếu với khoản 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015, chỉ có cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách mới là nguyên đơn. Theo quy định này, Trung tâm TQVN không thể là nguyên đơn. Nếu căn cứ vào hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với Trung tâm TQVN thì Trung tâm TQVN là nguyên đơn.

Hiện nay, Điều 56 Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022 không còn quy định về quyền khởi kiện của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Theo Điều luật này, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, thực hiện các hoạt động như quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp và các quyền khác. Nội dung cụ thể về quyền của Trung tâm TQVN do Chính phủ quy định.

Trước đây, một số quy định trong các luật, ghi nhận quyền khởi kiện, khởi tố vụ án dân sự của các cơ quan, tổ chức. Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Viện kiểm sát nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam có quyền yêu cầu TAND huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Theo khoản 4 Điều 34 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Viện kiểm sát có quyền khởi tố hoặc tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung bằng văn bản gửi cho Toà án. Sau đó, do luật thay đổi, một số cơ quan, tổ chức không còn quyền khởi kiện vì lợi ích chung. Theo khoản 3 Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH V/v thi hành Luật bảo hiểm xã hội ngày 14/4/2016 của TANDTC, “ktừ ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của Cơ quan Bảo hiểm xã hội đòi tiền bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 01/01/2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Có ý kiến cho rằng không chấp nhận việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự và không ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Ý kiến này dựa vào các căn cứ sau:

Một, khởi kiện là hành tố tụng của người khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Gắn liền với quyền khởi kiện là các quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện khi tham gia tố tụng, trong đó có việc thi hành nghĩa vụ về tài sản. Theo Điều 6, Điều 70 BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; Sử dụng quyền một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi.

Hai, pháp luật dân sự (Điều 11 BLDS năm 2015), tố tụng dân sự có nhiều quy định về việc công dân thực hiện việc bảo vệ quyền của mình thông qua chế độ đại diện (Điều 85 BLTTDS năm 2015), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75 BLTTDS năm 2015). Các quy định về khởi kiện không quá khó để công dân thực hiện quyền. Khi có tranh chấp xảy ra, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp xuất phát từ ý chí của đương sự. Việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là một trong các phương thức bảo vệ quyền theo nguyện vọng của họ.

Ba, xét về lợi ích, các đương sự trong tố tụng dân sự là chủ thể chủ động quyết định việc bảo vệ quyền của mình trước Toà án. Việc khởi kiện hay không khởi kiện là do đương sự tự quyết định. Sau khi đã khởi kiện, việc đương sự trực tiếp hay ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng là do họ quyết định. Toà án chỉ thụ lý, giải quyết vụ án dân sự khi nguyên đơn có đơn khởi kiện. Theo Điều 9 BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ. Các đối tượng được trợ giúp pháp lý được Nhà nước bảo đảm. Không ai được hạn chế quyền khởi kiện của công dân.

Bốn, trong thời gian qua, tuy Trung tâm TQVN có những kết quả khả quan trọng việc bảo vệ[17] quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nhưng không thể xem Trung tâm TQVN là người có quyền khởi kiện vì được ủy quyền và ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Điều này trái với quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015, Điều 56 Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022. Khi lập pháp, nhà lập pháp cân nhắc kỹ lưỡng về ủy quyền khởi kiện và các hệ quả phát sinh từ việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự nên việc bổ sung chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là không cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc không cần phải ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự, nguyên đơn phải tự mình khởi kiện trừ trường hợp được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Người viết đồng ý với ý kiến cho rằng không chấp nhận việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự và không ban hành án lệ về ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự, dù việc ủy quyền thuận lợi cho nguyên đơn trong một số trường hợp nhưng không phản ánh toàn bộ ý chí của người có quyền lợi bị xâm phạm và hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc khởi kiện phải bảo đảm quy định của BLDS năm 2015, BLTTDS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

 

Tòa án  huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” - Ảnh: Hồng Hải


[1] Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

[2] Khoản 2 Điều 68, Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Nguyễn Mạnh Bách (1996), “Luật Tố tụng dân sự Việt Nam (Lược giải)”, NXB Đồng Nai, tr10.

[4] Trần Anh Tuấn (2008), “Quyền khởi kiện và xác định tư cách tham gia tố tụng”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 23.

[5] Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015.  

[6] Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015.  

[7] Điều 10, Điều 84, Điều 86, Điều 102, Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 26 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

[8] Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

[9] Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[10] Điều 3 Nghị quyết Số: 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3.1.2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của

Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

[11] Ngọc Oanh, “Ủy quyền trong vụ án hôn nhân, được hay không?”, https://tapchitoaan.vn/uy-quyen-trong-vu-an-hon-nhan-duoc-hay-khong.

[12] Kim Loan,  “Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự”,  https://tapchitoaan.vn/uy-quyen-khoi-kien-vu-an-dan-su.

[13] Khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015, Chương V Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

[14] Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

[15] “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

[16] Bản án Số 19/2020/KDTM-ST ngày 17.9.2020 V/v: Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

[17] Mai Thương, “Năm 2020, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thu hơn 150 tỉ”, https://tuoitre.vn/nam-2020-trung-tam-bao-ve-quyen-tac-gia-am-nhac-thu-hon-150-ti-20210113201638497.htm.

 

NGUYỄN VĂN TIẾN (Trường Đại học Luật TPHCM)