CHUYÊN ĐỀ: NHỮNG NỘI DUNG MỚI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG CHƯƠNG CÁC TỘI PHẠM XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

      Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

      Để góp phần triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đã đặt ra, trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin giới thiệu khái quát về những nội dung mới sửa đổi, bổ sung trong Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:

      Về những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

      Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng trong tình hình mới, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung các tội xâm phạm hoạt động tư pháp như sau:

      (1) Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp;

      (2) Cụ thể hóa quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định” tại Điều 20 của Hiến pháp năm 2013;

      (3) Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng các điều luật hiện hành;

      (4) Nội luật hóa các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

      Về những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể

      Với những quan điểm chỉ đạo, định hướng, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nêu trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tất cả 23 điều trong chương XXII của Bộ luật Hình sự năm 1999 và bổ sung mới 02 điều, tạo thành Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp gồm 25 điều. Trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 vấn đề:

      (1) Sửa đổi khái niệm, phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp;

      (2) Sửa đổi phạm vi chủ thể, đối tượng tác động của tội phạm trong một số tội phạm; tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm cụ thể; bổ sung khung tăng nặng, các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và cụ thể hóa các tình tiết có tính “định tính” nhằm bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất; sửa đổi, bổ sung Tội dùng nhục hình và Tội bức cung nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên;

      (3) Tội phạm hóa đối với hành vi vi phạm quy định về giam giữ và hành vi gây rối trật tự phiên tòa.

      Nội dung sửa đổi cụ thể như sau:

      1.1. Sửa đổi khái niệm, phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

      Để có thể bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia vào hoạt động tư pháp, thay vì sử dụng phương pháp liệt kê các cơ quan một cách không đầy đủ như khái niệm cũ của Bộ luật Hình sự năm 1999, khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi có tính khái quát cao như sau: “ các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án ”. Hoạt động tố tụng là quá trình (trình tự) giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính – lao động – kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

      1.2. Sửa đổi phạm vi chủ thể, đối tượng tác động của tội phạm trong một số tội phạm; tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm cụ thể; bổ sung khung tăng nặng, các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và cụ thể hóa các tình tiết có tính “định tính” nhằm bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất; sửa đổi, bổ sung Tội dùng nhục hình và Tội bức cung nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên.

      – Về Tội dùng nhục hình (Điều 373)

      + Sửa đổi cơ bản về cấu thành tội phạm ở khoản 1, theo đó, mở rộng chủ thể thực hiện hành vi không chỉ ở các giai đoạn tố tụng, thi hành án mà cả ở giai đoạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính. Cùng với đó, ngoài hành vi dùng vũ lực, nếu có hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm (bạo lực tinh thần) đối với người khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng cấu thành tội phạm này, cụ thể: “người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào”.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 của Điều luật bằng tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khoẻ cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3 bằng các tình tiết “Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khoẻ cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, “Làm người bị nhục hình tự sát.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

      + Bổ sung khung tăng nặng trách nhiệm hình sự khoản 4làm người bị nhục hình chết”.

      + Về hình phạt: Điều luật quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm ở khoản 1; phạt tù từ 02 năm đến 07 năm ở khoản 2; thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 3 của điều luật xuống còn từ 07 năm đến 12 năm (trước đây là từ 05 năm đến 12 năm); khoản 4 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, điều luật đã nâng mức hình phạt cao nhất ở khoản 4 lên tù chung thân; khoản 5 quy định hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      – Về Tội bức cung (Điều 374)

      + Mở rộng chủ thể của tội phạm này là người nào trong hoạt động tố tụng; đồng thời mở rộng phạm vi xử lý hình sự, theo đó, chỉ cần có hành vi trái pháp luật ép buộc người khai báo phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc là cấu thành tội phạm này, kể cả thông tin đúng cũng như thông tin sai sự thật (trước đây phải là hành vi trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng) để nội luật hóa Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên, cụ thể: “Người nào trong hoạt động tố tụngsử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc”.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” khoản 2 bằng tình tiết dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” khoản 3 bằng các tình tiết Làm người bị bức cung tự sát”, “Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”; đồng thời bổ sung thêm các tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 Phạm tội 02 lần trở lên”, Đối với 02 người trở lên”, “Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”, “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung”, “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”, “Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.

      + Bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 4 (gồm “Làm người bị bức cung chết”, “Dẫn đến làm oan người vô tội”, “Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

      + Về hình phạt: Điều luật quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm ở khoản 1; phạt tù từ 02 năm đến 07 năm ở khoản 2; thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 3 của điều luật xuống còn từ 07 năm đến 12 năm (trước đây là từ 05 năm đến 12 năm); khoản 4 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, điều luật đã nâng mức hình phạt cao nhất ở khoản 4 lên tù chung thân; khoản 5 quy định hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      – Về Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368)

      + Điều luật đã thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 2 còn từ 05 năm đến 10 năm (trước đây là từ 03 năm đến 10 năm), khoản 3 còn từ 10 năm đến 15 năm (trước đây là từ 07 năm đến 15 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng[1], gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”[2] bằng các định lượng cụ thể.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 (đối với từ 02 người đến 05 người; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu) và khoản 3 (đối với 06 người trở lên).

      – Về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369)

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”, “Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng”, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng Đối với 02 người đến 05 ngườitại khoản 2; tình tiết “Đối với 06 người trở lên ở khoản 3.

      + Thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 3 của Điều luật xuống còn từ 07 năm đến 12 năm (trước đây là từ 05 năm đến 12 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiếtKhông truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, “Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, “Làm người bị hại tự sát.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3.

      – Về Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370)

      + Thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 2 của Điều luật xuống còn từ 05 năm đến 10 năm (trước đây làtừ 03 năm đến 10 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng”, “Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng”, “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”, “Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới1.000.000.000 đồng”, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu.

      + Thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 3 của Điều luật xuống còn từ 10 năm đến 15 năm (trước đây là từ 07 năm đến 15 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu rất quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, “Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”, “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, “Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát”, “Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

      – Về Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371)

      + Sửa đổi cấu thành tội phạm, theo đó mở rộng chủ thể là người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án cho thống nhất với Điều 367 về khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp; quy định rõ hậu quả do hành vi phạm tội này gây ra và cụ thể hành vi phạm tội như sau:

      Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378[3] của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 của điều luật bằng các tình tiết Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”, “Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 “Có tổ chức”, “Phạm tội 02 lần trở lên”, “Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu”.

      + Thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 3 của Điều luật xuống còn từ 07 năm đến 12 năm (trước đây là từ 05 năm đến 12 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, “Dẫn đếnngười bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát”, “Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

      – Về Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372)

      + Sửa đổi tên điều luật Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” (Điều 297 của Bộ luật Hình sự năm 1999) thành Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật. Sửa đổi cấu thành tội phạm, theo đó thay thuật ngữ “nhân viên tư pháp” bằng thuật ngữ “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án” cho thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành;quy định rõ hậu quả do hành vi phạm tội này gây ra và cụ thể hóa hành vi phạm tội, cụ thể như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

      + Tách thành 02 khung hình phạt: Khung hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm (khoản 2) và khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (khoản 3) (trước đây chỉ quy định một khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm) để bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự; đồng thời, cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật”; “Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”; “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 “Phạm tội 02 lần trở lên”.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 bằng các tình tiết “Dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội”; “Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên”.

      – Về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375)

      + Hình sự hóa đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ việc cho thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hiện hành;mở rộng phạm vi chủ thể của tội này, theo đó ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp (chẳng hạn như người phiên dịch, người giám định), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cũng có thể trở thành chủ thể của tội này vì họ có cơ hội tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 2 bằng các tình tiết “Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”; “Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”; “gây hậu rất quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết “Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội”; “Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát”; “Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên”.

      + Thu hẹp khoảng cách khung hình phạt tù tại khoản 2 của Điều luật xuống còn từ 05 năm đến 10 năm (trước đây là từ 03 năm đến 10 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; khung hình phạt tù tại khoản 3 của Điều luật xuống còn từ 10 năm đến 15 năm (trước đây là từ 07 năm đến 15 năm) để thuận lợi cho thực tiễn áp dụng và tránh bị lạm dụng; cụ thể hóa trường hợp.

      – Về Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (Điều 376)

      + Sửa đổi cấu thành tội phạm, theo đó thay cụm từ “người bị giam, tạm giữ” bằng cụm từ “người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”. Quy định cụ thể thiếu trách nhiệm là hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải”; nâng mức phạt cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm (trước đây là đến 02 năm) để xử lý nghiêm khắc hơn đối với tội phạm này, cụ thể như sau:

      “1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, ápgiải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  1. a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
  2. b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
  3. c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Làm vụ án bị đình chỉ”; “Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng”; “Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn”; “Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn”; “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 bằng các tình tiết “Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”; “Để 06 người trở lên bỏ trốn”; “Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn”.

      – Về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377)

      + Sửa đổi cấu thành tội phạm này, theo đó ngoài hành vi không ra quyết định trả tự do và không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật như trong Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định các hành vi cấu thành tội phạm như sau: Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật; Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành; Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Làm người bị giam, giữ trái pháp luật bị tổn hại về sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”; “Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn”.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 “Giam, giữ trái pháp luật từ 02 người đến 05 người”; “Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.

      + Nâng mức hình phạt trong khung hình phạt tại khoản 3 của điều luật lên thành từ 05 năm đến 12 năm (trước đây là từ 05 đến 10 năm) để bảo đảm xử lý nghiêm khắc hơn đối với tội phạm này; cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết “Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết”; “Làm người bị giam, giữ tự sát”; “Làm gia đình người bị giam, giữ ly tán”.

      + Bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3 “Giam, giữ trái pháp luật 06 người trở lên”.

      – Về Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù (Điều 378)

      + Sửa đổi cấu thành tội phạm này, theo đó thay cụm từ “người bị giam, tạm giữ” bằng cụm từ người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” cho thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”; “Người được tha trái pháp luật trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng”; “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 của Điều luật bằng tình tiết “người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2: Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3 “Tha trái pháp luật 06 người trở lên”.

      – Về Tội không thi hành án (Điều379)

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 1 của Điều luật bằng các tình tiết “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn”; “Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”; “Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 “Phạm tội 02 lần trở lên”.

      + Bổ sung khoản 3 khung tăng nặng của tội phạm để bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

      “3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

  1. a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
  2. b) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên”.

      + Bổ sung hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      – Về Tội không chấp hành án (Điều380)

      + Sửa đổi, bổ sung cấu thành tội phạm, theo đó bổ sung trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ, đồng thời giảm mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm xuống còn từ 03 tháng đến 02 năm trong khoản 1 của Điều luật, cụ thể như sau:

      “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

      + Bổ sung khung tăng nặng của tội phạm (khoản 2) như sau:

      “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  1. a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
  2. b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
  3. c) Tẩu tán tài sản”.

      + Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt bổ sung ở khoản 3 là: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

      – Về Tội cản trở việc thi hành án (Điều 381)

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại khoản 1 bằng các tình tiết “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn”; “Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án”; “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; “Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 2 bằng các tình tiết “Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm”; “Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên”; “Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên”.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 “Phạm tội 02 lần trở lên”.

      – Về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382)

      + Mở rộng chủ thể của phạm tội này gồm người định giá tài sản, người dịch thuật, người bào chữa.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 của Điều luật bằng dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch; “gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 của Điều luật bằng dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3: Phạm tội 02 lần trở lên.

      – Về Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383)

      Sửa đổi cấu thành tội phạm, theo đó thay vì quy định chung chung như trước đây, Điều luật quy định cụ thể chủ thể của tội phạm gồm người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật; không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng của người bị hại vì họ đã bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản nên nếu họ từ chối khai báo, từ chối việc được bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra mà xử lý hình sự đối với họ là không thỏa đáng.Cụ thể như sau:

      Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này[4], người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

      – Về Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384)

      + Quy định cụ thể hành vi phạm tội và bổ sung đối tượng có thể bị mua chuộc, cưỡng ép gồm đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự; người định giá tài sản, người dịch thuật như sau:

      Người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc không khai báo, không cung cấp tài liệu; mua chuộc hoặc cưỡng ép người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối, người phiên dịch, người dịch thuật dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

      + Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”.

      – Về Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản (Điều 385)

      + Hình sự hóa hành vi giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền, bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữgiảm mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm xuống còn từ 03 tháng đến 02 năm. Cụ thể như sau:

      Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏathực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  1. a) Phá huỷ niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
  2. b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại tài sản bị kê biên.

      + Cụ thể hóa trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết “Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”; “Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên”.

      – Về Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử (Điều 386)

      Thay cụm từ “Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải” bằng cụm từ “Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải”; bổ sung chủ thể là người đang chấp hành án phạt tù giảm mức phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm xuống còn từ 06 tháng đến 03 năm, cụ thể như sau: “Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

      – Về Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù (Điều 387)

      Thay cụm từ “Người nào đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải” bằng cụm từ “Người nào đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải” cho thống nhất với các luật khác; bổ sung đối tượng tác độngngười đang bị chấp hành án phạt tù và bỏ quy định “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 2 của Điều luật.

      – Về Tội che giấu tội phạm (Điều 389)

      Bổ sung các trường hợp che giấu tội phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở 11 điều luật như: Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221)…

      – Về Tội không tố giác tội phạm (Điều 390)

      Điều luật bổ sung quy định loại trừ nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này[5]nâng mức phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm lên thành từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể như sau: Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

      1.3. Tội phạm hóa đối với hành vi vi phạm quy định về giam giữ và hành vi gây rối trật tự phiên tòa

      – Về Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388)

      Đây là điều luật mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm hình sự hoá một số hành vi vi phạm của phạm nhân cũng như của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại các cơ sở giam giữ, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở giam giữ, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho các đối tượng cải tạo, trong sạch hoá đội ngũ cán bộ, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với cơ quan thực thi pháp luật.

      Về cấu thành tội phạm:

      + Khoản 1 điều luật là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi dưới đây vi phạm quy định của pháp luật về giam giữ, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

        “a) Gây rối hoặc chống lại mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong quản lý giam giữ;

  1. b) Không có trách nhiệm mà đưa vào, tàng trữ, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc cá nhân hoặc phương tiện ghi âm, ghi hình trong cơ sở giam giữ.”

      + Khoản 2 quy định về các tình tiết định khung tăng nặng với các tình tiết “Có tổ chức”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”, “Tái phạm nguy hiểm”.

      + Về hình phạt: Điều luật quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm ở khoản 1; phạt tù từ 02 năm đến 07 năm ở khoản 2; khoản 3 quy định hình phạt bổ sung cấm cư trú từ 01 năm đến 03 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 03 năm.

       – Về Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp (Điều 391)

      Đây là điều luật mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm xử lý hình sự đối với hành vi thoá mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác (như Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án) và những người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, trật tự tại phiên toà, phiên họp, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của những người thực thi pháp luật tại phiên tòa, phiên họp.

      Về cấu thành tội phạm:

      + Khoản 1 điều luật là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự.

      + Khoản 2 quy định về các tình tiết định khung tăng nặng với các tình tiết: “Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp”, “Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này”.

      + Về hình phạt: Điều luật quy định hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm ở khoản 1; phạt tù từ 01 năm đến 03 năm ở khoản 2.

      Về một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

      – Đối với Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370) và tội Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371):

      Điều luật quy định người ra bản án, quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lý.

      Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Thẩm phán, Hội thẩm hay người có thẩm quyền khác về tội phạm này thì bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, họ phải biết và biết rõ là bản án, quyết định đó là trái pháp luật thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp ra bản án, quyết định trái pháp luật, bị hủy nhưng không phải do lỗi cố ý của người có thẩm quyền thì họ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

      – Đối với Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377):

      Điểm d, điểm đ khoản 1 Điều luật quy định:

      “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

      …..

      d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;

      đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.”

      Theo quy định nêu trên thì trong mọi trường hợp người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự các đồng chí Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử phải hết sức lưu ý, chấm dứt ngay tình trạng do sơ suất dẫn đến việc “giam không lệnh”, đặc biệt là đối với các Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tổ chức xét xử ở các tỉnh trong địa hạt tư pháp do mình quản lý.

      Trên đây là một số nội dung sửa đổi, bổ sung có tính chất căn bản trong Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp./.

 

[1] Gây hậu quả nghiêm trọng được thay bằng:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

[2]  Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng được thay bằng:

+ Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.

[3]Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; Tội không truy cứu  trách nhiệm hình sự người có tội; Tội ra bản án trái pháp luật; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

[4] Khoản 2 Điêu 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

[5]Khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tài Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 3 Điều 19 quy định người không tố giác tội phạm là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp khộng tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình