GIỚI THIỆU ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI, TỘI MUA BÁN NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI VÀ MỘT SỐ TỘI KHÁC CÓ LIÊN QUAN

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC

        Để phù hợp với yêu cầu của thực tế và đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung 02 tội danh này tương đối, cơ bản, toàn diện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

  1. Những điểm mới, sửa đổi, bổ sung cơ bản

        – Sửa đổi cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi theo hướng quy định cụ thể hơn các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của Nghị định thư về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên;

        – Tách tội ghép “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” được quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 thành 03 tội danh độc lập là tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng tội phạm trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội;

        – Khung tăng nặng của các điều luật được tách thành 2 khung tăng nặng khác và sắp sếp lại cho hợp lý, đồng thời, có sự phân hóa trong chính sách xử lý;

        – Bổ sung các tình tiết tăng nặng mới, đồng thời bỏ một số tình tiết tăng nặng của BLHS năm 1999 không còn phù hợp;

        – Chính sách xử lý hình sự đối với 02 tội danh này được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn.

  1. Những nội dung mới đối với các tội cụ thể
  2. a) VềTội mua bán người (Điều 150)

        Tội danh này có 03 điểm mới cơ bản so với quy định của BLHS năm 1999:

        – Nhằm nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Điều luật đã cụ thể hóa khái niệm mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi:

        (1) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

        (2) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

        (3) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người nêu trên. 

        Như vậy, về thủ đoạn phạm tội, điều luật đã chỉ rõ các thủ đoạn thực hiện hành vi mua bán người là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác (lợi dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách hay bất kỳ thủ đoạn nào khác, ép buộc khác); về mục đích phạm tội: Điều luật quy định rõ mục đích của hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người là (1) để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; (2) để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; (3) để thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người.

        – Khoản 2 đã cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng “Để đưa ra nước ngoài”, “Đối với nhiều người”, “Phạm tội nhiều lần” bằng các tình tiết “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước CHXHCN Việt Nam”, “Đối với từ 02 đến 05 người”, “Phạm tội 02 lần trở lên”, đồng thời, bổ sung mới các tình tiết định khung tăng nặng: (1) vì động cơ đê hèn; (2) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; (3) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.

        – Bổ sung mới khoản 3 với 06 tình tiết định khung tăng nặng gồm:

        (1) Có tính chất chuyên nghiệp (tình tiết này được tách từ khoản 2 Điều 119 của BLHS năm 1999);

        (2) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

        (3) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

        (4) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

        (5) Phạm tội đối với 06 người trở lên;

        (6) Tái phạm nguy hiểm.

        – Về hình phạt, điều luật quy định hình phạt nghiêm khắc hơn:

        + Khoản 1 đã nâng mức phạt tù lên thành “từ 05 năm đến 10 năm” (theo khoản 1 Điều 119 của BLHS năm 1999 là từ 02 năm đến 07 năm);

        +Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 08 năm đến 15 năm;

        + Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;

        + Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” (theo khoản 3 Điều 119 của BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng).

  1. b) Về Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151)

        Đây là tội danh được tách từ tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 của BLHS năm 1999). Điều luật này đã nội luật hóa các quy định của Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

        – Khoản 1 Điều luật quy định cụ thể hóa các hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, bao gồm:

        (1) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

        (2) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

        (3) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người nêu trên.

        Như vậy, so với BLHS năm 1999, điều luật đã có sự thay đổi cơ bản trong việc xác định tội phạm; theo quy định của điều luật, cấu thành cơ bản của tội mua bán người dưới 16 tuổi gồm có 02 yếu tố bắt buộc là hành vi phạm tội và mục đích phạm tội, điều luật không quy định thủ đoạn là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm này.

        – Khoản 2:

        + Cụ thể hóa các tình tiết định khung tăng nặng “Để đưa ra nước ngoài”, “Đối với nhiều trẻ em” thành các tình tiết “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Đối với từ 02 đến 05 người”;

        + Cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết:  “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này”;

        + Bổ sung mới 04 tình tiết định khung tăng nặng: (1) phạm tội 02 lần trở lên; (2) lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (3) lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội; (4) đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng.

        – Bổ sung mới khoản 3 với 07 tình tiết định khung tăng nặng, trong đó, các tình tiết “có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp”, “tái phạm nguy hiểm” được tách ra từ khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999 và bổ sung mới 04 tình tiết định khung tăng nặng:

        (1) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

        (2) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

        (3) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

        (4) Phạm tội đối với 06 người trở lên.

        – Về hình phạt:

        + Khoản 1 đã nâng mức hình phạt tù lên thành “từ 07 năm đến 12 năm” (theo khoản 1 Điều 120 của BLHS năm 1999 là tù từ 03 năm đến 10 năm);

        + Khoản 2 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;

        + Khoản 3 quy định hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm;

        + Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung theo hướng bổ sung hình phạt “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và nâng mức phạt tiền bổ sung lên thành “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng” (theo khoản 3 Điều 119 của BLHS năm 1999 là từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng).

        c)Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152)

        – Điều luật đã sửa đổi cụm từ “trẻ em” thành “người dưới 01 tuổi”để phù hợp với thực tiễn vì trẻ em dưới 01 tuổi mới khó nhận biết để có khả năng đánh tráo được và phù hợp với các quy định của Luật Trẻ em.

        – Khoản 2 bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp”, “Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng”, “Phạm tội 02 lần trở lên”.

        – Bổ sung mới khoản 3 với 02 tình tiết định khung tăng nặng là “Có tính chất chuyên nghiệp” và “Tái phạm nguy hiểm”. Đây là 02 tình tiết được tách ra từ khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999.

        – Về hình phạt: để cá thể hóa hình phạt đối với tội phạm này phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, Điều luật đã giảm mức hình phạt tù ở khoản 1 xuống còn “từ 02 năm đến 05 năm” (theo khoản 1 Điều 120 của BLHS năm 1999 là từ 03 năm đến 10 năm); khoản 2 quy định mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; khoản 3 quy định mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm; khoản 4 đã bỏ hình phạt quản chế và nâng mức tối thiểu của hình phạt tiền bổ sung lên thành 10 triệu (theo khoản 3 Điều 120 của BLHS năm 1999 là 05 triệu).

        d)Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153)

        – Để bảo đảm việc áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, khoản 1 của Điều luật đã cụ thể hóa hành vi chiếm đoạt bao gồm “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi”.

        – Điều luật đã cụ thể hóa tình tiết “Đối với nhiều trẻ em” và tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999 thành các tình tiết: “Đối với từ 02 người đến 05 người” ở khoản 2 và “Đối với 06 người trở lên” ở khoản 3; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” ở khoản 2 và Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, “Làm nạn nhân chết” ở khoản 3.

        – Điều luật cũng bổ sung thêm một số tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp”, “Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng”, “Phạm tội 02 lần trở lên” ở khoản 2. Điều luật cũng chuyển các tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp”, “Tái phạm nguy hiểm” ở khoản 2 Điều 120 của BLHS năm 1999 lên khoản 3 Điều 153 của BLHS năm 2015.

        – Về hình phạt: để cá thể hóa hình phạt đối với tội phạm này phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, Điều luật đã giảm mức hình phạt tù tối đa ở khoản 1 xuống còn 07 năm (theo khoản 1 Điều 120 của BLHS năm 1999 là 10 năm); khoản 2 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung đã bỏ hình phạt quản chế và nâng mức tối thiểu của hình phạt tiền bổ sung lên thành 10 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 120 của BLHS năm 1999 là 05 triệu đồng).

        đ) Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)

        Mặc dù BLHS năm 1999 có quy định tội dâm ô với trẻ em. Tuy nhiên, việc quy định tội dâm ô với trẻ em chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên thực tiễn trong thời gian qua. Theo cách hiểu hiện nay về dâm ô thì hành vi dâm ô được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phạm tội. Trong thực tiễn còn nhiều trường hợp, người phạm tội ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim khiêu dâm hoặc buộc trẻ em phải xem những hình ảnh khiêm dâm… Đây là những hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ em. Do vậy, BLHS năm 2015 đã bổ sung tội danh này với chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

        Điều luật được thiết kế gồm 04 khoản:

        – Khoản 1 quy định cấu thành cơ bản của tội này, bao gồm các hành vi: “lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”;

        – Khoản 2 quy định khung tăng nặng với 07 tình tiết định khung: (1) phạm tội có tổ chức; (2) phạm tội 02 lần trở lên; (3) phạm tội đối với 02 người trở lên; (4) phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; (5) có mục đích thương mại; (6) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà  tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (7) tái phạm nguy hiểm.

        – Khoản 3 quy định khung tăng nặng đặc biệt với 02 tình tiết định khung: (1) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (2) làm nạn nhân tự sát”.

        – Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung.

        – Về hình phạt: thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc đối với tội phạm này, Điều luật quy định hình phạt chính là hình phạt tù. Khoản 1 quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; khoản 3 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 12 năm; khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

        e)Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154)

        Điều luật được bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong thời gian qua xảy ra những hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người và bảo đảm tính thống nhất với Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

        Điều luật được thiết kế gồm 04 khoản:

        – Khoản 1 quy định cấu thành cơ bản của tội này là “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác”;

        – Khoản 2 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với 06 tình tiết định khung: (1) có tổ chức; (2) vì mục đích thương mại; (3) lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; (4) phạm tội đối với từ 02 người đến 05 người; (5) phạm tội 02 lần trở lên; (6) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

        – Khoản 3 quy định khung tăng nặng đặc biệt với 05 tình tiết định khung: (1) có tính chất chuyên nghiệp; (2) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (3) phạm tội đối với 06 người trở lên; (4) gây chết người; (5) tái phạm nguy hiểm;

        – Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung.

        – Về hình phạt: khoản 1 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, khoản 3 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồngđến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Ths. Nguyễn Văn Tùng