Lịch sử hình thành và phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Bài viết này sẽ trình bày về quá trình hình thành và phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hai hệ thống pháp luật điển hình trên thế giới là Common Law và Civil Law.

I. Đặt vấn đề

 Hiện nay, trên thế giới, hầu hết các quốc gia không chỉ đối mặt với tội phạm do cá nhân thực hiện mà còn phải “đau đầu” đối phó với tội phạm do pháp nhân (tổ chức/công ty/đơn vị) thực hiện. So với cá nhân, trong nhiều trường hợp pháp nhân có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn cho xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm truyền thống trước đây, “pháp nhân không thể bị buộc tội nhưng thành viên là cá nhân của pháp nhân thì có.”[1] Lý do có quan niệm như vậy là vì: 1) Thứ nhất, các cá nhân được pháp luật công nhận là con người tự nhiên còn các pháp nhân được pháp luật công nhận chỉ là thực thể nhân tạo. Nó không có hình hài, khả năng tư duy và đạo đức như con người để thực hiện hành vi sai trái hoặc để chịu hình phạt. 2) Thứ hai, ngay từ những ngày đầu được thành lập, pháp nhân đã đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và sự phát triển xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự trong một khoảng thời gian dài. Trong giai đoạn này, số lượng pháp nhân còn ít, việc quản lý hoạt động của các pháp nhân vẫn được kiểm soát, sự ảnh hưởng của các pháp nhân đối với xã hội còn hạn chế. Cho nên, “việc thiết lập các cơ chế bổ sung – cơ chế pháp lý hình sự để quản lý hoạt động của các pháp nhân là điều không cần thiết”.[2]

Tuy nhiên, khi các pháp nhân được thành lập ngày càng nhiều hơn và tham gia vào đời sống xã hội ngày càng trở nên phổ biến hơn thì quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn. Trong suốt thế kỉ 17 và thế kỉ 18, các cổ đông của pháp nhân (công ty) đã gặp khó khăn và thậm chí không có khả năng giám sát sự điều hành công ty.[3] Hiện tượng pháp nhân vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Trước bối cảnh đó, các thẩm phán ở các nước thuộc hệ thống Common Law đã nghĩ ra học thuyết “trách nhiệm hình sự của pháp nhân”[4] nhằm đảm bảo cho các pháp nhân buộc phải tuân thủ pháp luật hơn trong quá trình hoạt động.

Bài viết nghiên cứu, phân tích về quá trình hình thành và phát triển của trách nhiệm hình sự của pháp nhân để tìm ra nguồn gốc căn bản cũng như cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; từ đó sẽ cung cấp kiến thức nền tảng trong việc đánh giá bức tranh chung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cũng như có thể dự đoán xu hướng phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong tương lai. Bài viết sẽ tập trung phân tích quá trình hình thành và phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của hai hệ thống pháp luật điển hình trên thế giới: 1) Hệ thống pháp luật Common Law; 2) Hệ thống pháp luật Civil Law.

II. Lịch sử phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Common Law

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Common Law đã bắt đầu từ quan niệm pháp nhân – công ty được coi là không có khả năng thực hiện tội phạm cho đến giai đoạn đã hình thành quan niệm cho rằng pháp nhân có thể thực hiện hầu hết các tội phạm, thậm chí là tất cả các tội phạm. Ở giai đoạn hiện nay, quan niệm cho rằng pháp nhân phải chịu trách nhiệm hầu hết các tội phạm vẫn đang là phổ biến. Theo quan điểm của các học giả, quá trình phát triển trách nhiệm hình sự của pháp nhân thuộc hệ thống pháp luật Common Law là một quá trình bồi đắp, hoàn thiện từng bước nhưng thiếu đi sự định hướng rõ ràng và toàn diện. Một học giả đã so sánh quá trình phát triển này tương tự như quá trình phát triển của cây cỏ dại “Không ai chăm bón, không ai trồng trọt. Nó tự lớn”.[5]

2.1.Nguồn gốc trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Pháp luật được dùng để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cá nhân. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế, bắt đầu từ thế kỉ 12 ở Châu Âu, các học thuyết pháp lý đã phát triển và ghi nhận “nhiều thực thể không phải là con người (“nonhuman entities”) nhưng cũng được coi như là con người (“persons”)” trước pháp luật.[6] Một trong những ví dụ đầu tiên của học thuyết pháp lý này liên quan đến chủ thể sở hữu nhà thờ. Đây là giai đoạn các giáo hội rất có thế lực trong xã hội Châu Âu. Ban đầu, nhà thờ là một phần tài sản của người chủ sở hữu đất, nhưng khi quyền lực của những người này bị suy yếu, các linh mục đã giành độc quyền chiếm hữu, sử dụng nhà thờ trong suốt một thời gian dài. Sau khi chủ đất chết đi đã dẫn đến sự tranh chấp về quyền sở hữu nhà thờ. Trong giai đoạn giải quyết tranh chấp, rất khó xác định được chính xác ai là chủ sở hữu hợp pháp đối với đất nhà thờ. Tuy nhiên, có thể khẳng định, về bản chất, linh mục không thể có quyền sở hữu nhà thờ. Tại thời điểm đó đã xuất hiện một vài ý kiến đề xuất giải quyết vấn đề này. Có người cho rằng nhà thờ được sở hữu bởi chính nó; có người lại cho rằng nhà thờ được sở hữu bởi những vị thánh. Nhưng cuối cùng, hướng giải quyết thắng thế là nhà thờ được sở hữu bởi “nhà thờ” – đó là nhóm người kế thừa, quản lý và phát triển hội thánh. Những người này quản lý nhà thờ vì mục đích hợp pháp sẽ được coi là một thực thể pháp lý độc lập.

Giai đoạn cuối thế kỷ 16 và bước sang giai đoạn thế kỷ 17, giai đoạn này ở Châu Âu, giai cấp phong kiến đang dần suy yếu trong khi giai cấp tư sản đã hình thành và ngày càng lớn mạnh. Xuất hiện ngày càng nhiều các công ty sản xuất, kinh doanh có thuê mướn nhân công, nhiều thành thị trở thành trung tâm sản xuất và buôn bán, các ngân hàng được thành lập và ngày càng có vai trò to lớn. Trong bối cảnh đó, các công ty thương mại rất phát triển. Sự phát triển này đã dẫn tới nhu cầu công ty thương mại cần được công nhận như một thực thể pháp lý (“a juristic person”). Ban đầu, công ty thương mại cũng chỉ tương tự như một liên đoàn, có chức năng là điều khiển các nhóm quyền để tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Chỉ những thành viên của công ty mới có thể tham gia vào những loại hình kinh doanh khác nhau. Nhưng thực chất, các công ty này hoạt động dựa trên cơ sở điều hành, chỉ đạo và hoạt động của cá nhân. Các công ty không thể tự mình sở hữu tài sản hay tham gia vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, vì cần phải huy động nhiều vốn hơn vào công việc kinh doanh cũng như để bảo vệ khỏi bị tổn thất nếu kinh doanh thất bại, các thành viên của công ty đã bắt đầu góp vốn lại với nhau, hình thành nên công ty đầu tiên – công ty East India. Công ty East India được thành lập năm 1612, tất cả công việc kinh doanh đều được thực hiện bởi chính công ty này với các thành viên sở hữu cổ phần. Có thể thấy ngay khi các công ty bắt đầu sở hữu tài sản và tham gia vào hoạt động kinh doanh, pháp luật cũng bắt đầu công nhận công ty như một thực thể pháp lý (“legal person”).

Vấn đề đặt ra là công ty với vai trò là một thực thể mới được pháp luật ghi nhận có phải chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự khi thực hiện các hoạt động dưới danh nghĩa của nó hay không? Về vấn đề này các học giả đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Có quan điểm cho rằng ngay từ khi mới được hình thành, các công ty đã phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại mà nó gây ra. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng bản chất công ty không thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dân sự hay tội phạm hình sự[7]; Có học giả khác cho rằng “công ty tương tự như nhà thờ không thể thực hiện hành vi có tội với Chúa cũng như tội phạm và không ai có thể phù hợp hơn là người đại điện cho nhà thờ và các vị thánh”.[8] Bên cạnh đó, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của công ty ở giai đoạn sơ khai cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Các nhà lịch sử học pháp lý cho rằng công ty không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào ngay từ khi mới xuất hiện. Nhưng cũng có học giả cho rằng chưa từng có một khoảng thời gian nào mà công ty không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm.[9] Hay “một công ty không thể thực hiện tội phản quốc hay tội phạm nghiêm trọng hay tội phạm khác trong khả năng của nó; nhưng các thành viên của nó thì có thể thực hiện trong phạm vi cá nhân”.[10]

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu chính thức, việc áp dụng trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự đối với công ty đều bắt nguồn từ học thuyết cổ xưa của hệ thống pháp luật Common Law: ông chủ (“master”) phải chịu trách nhiệm thay (“vicarious liability”) đối với hành vi vi phạm của người làm thuê. Như đã trình bày ở trên, trong giai đoạn đầu, những công ty đầu tiên được thành lập được cho là không có khả năng thực hiện hành vi vi phạm dân sự hay hình sự. Theo lý thuyết này, tư tưởng trước kia “ông chủ” đơn thuần chỉ là một con người (“a human person”) đã bị thay đổi. “Ông chủ” đã được hiểu có thể là một thực thể pháp lý - công ty (“a corporate person”). Như vậy, vào khoảng thời gian đầu, khi các công ty đầu tiên được hình thành, nguồn gốc của trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự của công ty xuất phát từ quan niệm cho rằng ông chủ phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của người làm thuê.

Ở giai đoạn cổ đại, ông chủ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tất cả hành vi vi phạm của người làm thuê.[11] Trách nhiệm đó đã dần bị xoá bỏ ở giai đoạn trung đại, trong đó, trách nhiệm hình sự bị xoá bỏ nhanh hơn trách nhiệm dân sự.[12]

Trong khoảng thời gian đầu, khi các công ty đầu tiên được thành lập đã xảy ra rất nhiều các tình huống mà ông chủ phải chịu trách nhiệm dân sự vì hành vi của người làm thuê cho dù ông chủ có tham gia thực hiện hay đồng ý hành vi đó hay không. Vì vậy, các công ty phải chịu trách nhiệm dân sự với các hành vi tương đối đa dạng do nhân viên/người làm thuê của công ty thực hiện.

Đối với trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm hình sự của ông chủ gần như đã bị xoá bỏ hoàn toàn trừ khi ông chủ chính là người đưa ra yêu cầu hay đồng ý với hành vi của nhân viên làm thuê. Nhưng thực thể công ty lại được cho là không có khả năng đưa ra yêu cầu hay đồng ý về hành vi của nhân viên nên gần như công ty được xác định không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trường hợp này vẫn có ngoại lệ, đó là công ty vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu nhân viên của công ty đã gây ra ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, ví dụ như bất kì nhân viên nào của công ty “vứt hoặc ném thứ gì đó ra ngoài đường phố gây thiệt hại cho các công dân hoặc ảnh hưởng chung đến người dân”.[13]

Việc xác định và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là công ty được đánh giá tương tự như việc xác định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cơ quan chính quyền địa phương. Đó là cơ quan chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng nếu các quan chức địa phương không thực hiện bảo trì đường bộ và đường thuỷ thuộc khu vực mình quản lý.[14] Theo quy định này, các cơ quan chính quyền địa phương đã được coi là những thực thể pháp lý (“juristic persons”). Các cơ quan này phải chịu trách nhiệm hình sự tương tự như những ông chủ (“masters”) khi những người làm thuê (“servants”) là các quan chức địa phương đã gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng khi không bảo trì đường phố. Chính quy định này đã là nguồn gốc của trách nhiệm hình sự pháp nhân. Hay nói cách khác, với trường hợp ngoại lệ nói trên về việc ông chủ/pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội của người làm thuê chính là nguồn gốc của trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Common Law).

Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển hơn, phạm vi của thực thể pháp lý với ý nghĩa là tổ chức tham gia các hoạt động của đời sống xã hội mà vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự không dừng lại chỉ là công ty thương mại, cơ quan chính quyền mà còn có thể là các hiệp hội, cơ quan, tổ chức khác.

Như vậy, có thể thấy, khởi nguồn trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của các nước theo hệ thống Common Law là từ trách nhiệm hình sự của công ty. Dần dần theo thời gian, thuật ngữ pháp nhân (legal person/juristic persons) với nội hàm rộng hơn được sử dụng nhiều hơn so với thuật ngữ công ty trong các văn bản pháp lý.

2.2. Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân với những tội danh không yêu cầu chứng minh lỗi cố ý

Vào khoảng đầu thế kỉ 18, trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã có bước phát triển tiếp theo ở Mỹ. Các công ty thương mại tư nhân được thuê để thực hiện các công trình công cộng như xây dựng và bảo trì đường phố, kênh rạch. Sau đó, toà án đã có những hành động tương đối rõ ràng buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm hình sự do không thực hiện nhiệm vụ bảo trì đường phố, kênh rạch, giống với cách mà các cơ quan địa phương phải chịu. Đó là khi công ty không thực hiện việc bảo trì theo đúng trách nhiệm thì công ty sẽ bị buộc tội về tội gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng. Đây là những trường hợp đầu tiên mà công ty thương mại tư nhân phải chịu trách nhiệm hình sự mà không cần chứng minh dấu hiệu lỗi cố ý.

Tuy nhiên, thông lệ này không phát triển ở Anh trong khoảng một thế kỉ rưỡi vì hai lý do: 1) Thứ nhất, các cơ quan chính quyền địa phương là đơn vị tiếp tục bảo trì tất cả các hệ thống giao thông thuộc phạm vi quản lý, các công ty tư nhân không đảm nhận vai trò này. 2) Thứ hai, thông lệ phát triển ở Anh không chỉ buộc tội các cơ quan chính quyền địa phương trong những trường hợp này mà còn buộc tội cả những lãnh đạo phòng, ban cụ thể. Điều này có nghĩa là mặc dù theo giải thích của thông lệ, cơ quan chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nhưng trong những trường hợp này, tòa án vẫn xác định trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.[15]

Sự phát minh ra đường sắt đã dẫn tới việc chính quyền Anh bắt đầu buộc tội các công ty thương mại tư nhân có hành vi vi phạm. Các công ty đường sắt đã được thuê để xây dựng và bảo trì hệ thống giao thông, nhưng đã không thực hiện/hoặc trì trệ thực hiện bảo trì đường sắt, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung. Trường hợp này được so sánh tương tự như trường hợp các cơ quan chính quyền địa phương ở Anh và trường hợp công ty tư nhân ở Mỹ có nhiệm vụ xây dựng và bảo trì đường bộ, kênh rạch nói trên. Vì vậy, toà án ở Anh đã có những phán quyết giống với toà án ở Mỹ, đã có hành động tương đối rõ ràng buộc công ty phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội gây ra ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng khi không bảo trì đường sắt.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, quy định pháp luật là một nhân tổ bổ sung đóng vai trò quan trọng. Công ty đường sắt Birmingham and Gloucester đã được thành lập bởi một quy chế đặc biệt, trong đó có quy định rõ yêu cầu công ty phải xây dựng những cây cầu bắc qua vùng đất bị chia cắt bởi việc xây dựng tuyến đường sắt. Liên quan đến quy định về yêu cầu này, do công ty không xây dựng cầu nên đã bị truy tố vào năm 1842 vì theo quy chế, nghĩa vụ xây cầu được đặt ra với chính công ty, mà không phải với bất kì cá nhân nhân viên nào. Từ đó, ở Anh, việc truy cứu trách nhiệm sự của công ty tư nhân ít nhất đã một phần dựa trên cơ sở quy định pháp luật mà không chỉ dựa đơn thuần dựa vào giải thích pháp lý.

Trong các giai đoạn khác nhau, luật sư trong vụ án này đã cố gắng bác bỏ cáo trạng. Tuy nhiên, theo công tố viên, công ty bị truy tố vì hành vi không thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật (“nonfeasance”), mà không phải là vì hành vi vô ý không thực hiện đúng pháp luật (“misfeasance”).[16] Toà án đã ủng hộ sự phân biệt giữa hai hành vi này và nó là phù hợp với thông lệ cho tới thời điểm đó.

Vào năm 1846, chỉ 4 năm sau vụ án công ty Birmingham and Gloucester, công ty đường sắt Great North đã bị buộc tội về hành vi đặt đường ray trên đường cao tốc và xây cầu bắc qua đường ray, gây ra thiệt hại hư hỏng cho một đoạn đường cao tốc. Luật sư của công ty trong vụ việc này đã bào chữa chủ yếu dựa trên sự phân biệt giữa hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và hành vi vô ý không thực hiện đúng pháp luật để khẳng định công ty không thể bị truy tố vì hành vi vô ý thực hiện không đúng pháp luật. Tuy nhiên, thẩm phán Denman đã nhận thấy không phải mọi trường hợp đều có thể phân biệt được hai hành vi này: “Nếu A có nhiệm vụ xây cầu có lan can nhưng trong quá trình xây dựng đã không làm lan can thì hành vi vi phạm được xác định là hành vi xây dựng cầu không đảm bảo chất lượng hay hành vi vô ý trong việc đảm bảo chất lượng cây cầu?[17]. Đồng thời, thẩm phán cũng cho rằng, thậm chí nếu có thể phân biệt hai hành vi trong tất cả các trường hợp thì không có lý do gì để một công ty phải chịu trách nhiệm về một dạng hành vi vi phạm mà không phải chịu trách nhiệm về dạng hành vi còn lại.

Chỉ 6 năm sau đó, một phán quyết tương tự đã được ban hành ở Mỹ.[18] Dấu mốc này đã tạo tiền lệ để cả hai quốc gia đều bắt đầu truy cứu công ty tư nhân về hành vi vô ý không thực hiện đúng pháp luật thay vì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong cả hai bản án, mỗi thẩm phán đều đưa ra nhận định về ý định phạm tội của công ty góp phần bổ sung thêm quan điểm về phạm vi tội danh chịu trách nhiệm hình sự của công ty. Thẩm phán Denman trong vụ Great North của Anh đã kết luận bản án bằng nhận định rằng công ty không thể bị kết tội về tội phản quốc, các tội phạm nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, các tội xâm phạm đến con người hoặc trái với đạo đức. “Hành vi của công ty rõ ràng bắt nguồn từ ý định xấu của con người và là hành vi vi phạm nghĩa vụ xã hội mà nghĩa vụ này thuộc về con người và các chủ thể khác. Công ty không có những nghĩa vụ đó nên không thể bị coi là có tội trong những trường hợp như vậy”.[19] Trong bản án ở Mỹ, thẩm phán đã công nhận rằng “bản chất một công ty không thể phạm tội phản quốc, các tội nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm hoặc các tội khác liên quan đến ý định phạm tội (“malus animus”) khi thực hiện nhiệm vụ của nó”.[20] Như vậy, trong các vụ án, các thẩm phán đều khẳng định rằng công ty không thể thực hiện được những tội mà trong cấu thành tội phạm của nó có quy định về ý định phạm tội.

Từ đó, có thể thấy, qua hai vụ án trên, trách nhiệm hình sự của công ty đã có bước những phát triển, tạo ra những giới hạn mới trong phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của công ty, đặc biệt là mở rộng hơn với hành vi vô ý không thực hiện đúng quy định pháp luật.

2.3. Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của công ty với những tội danh đòi hỏi phải chứng minh ý định phạm tội, khả năng thấy trước hậu quả   

a. Giai đoạn 1

Những giới hạn trước đây đối với phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của công ty đã dần dần thay đổi và được mở rộng.

Việc xác định ý định phạm tội của công ty trong vụ án hình sự lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1908 trong vụ án New York Central & Hudson River Railroad Co. V. United States ở Mỹ; và vào năm 1917 trong vụ án Mousell Brothers v. London and Northwestern Railway ở Anh. Trong cả 2 vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đều quan tâm đến việc công ty có phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của người đại diện hay không. Vụ án ở Anh liên quan đến việc nói không đúng sự thật về hàng hoá để trốn tránh phí vận chuyển, còn vụ án ở Mỹ liên quan đến việc giảm giá trái phép cho công ty kinh doanh đường phèn khi vận chuyển hàng hoá của họ bằng đường sắt.

Đối với vụ án ở Mỹ, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Elkins, trong đó có quy định về vận chuyển giữa các bang, bao gồm quy định có nội dung sau:

“Trong các điều luật giải thích và thi hành của phần này, hành vi hành động hay không hành động trong phạm vi công việc được giao của bất kì nhân viên, người đại diện hay người khác làm việc hoặc được thuê bởi bất kì công ty vận chuyển thông thường nào thì trong mọi hợp cũng đều được coi là hành vi hành động, hành vi không hành động của công ty đó cũng như của người đó.”[21]

Ngoài ra, dựa trên phán quyết của vụ New York Central, Uỷ ban Thương mại Liên bang đã nghiên cứu ra rằng “những quy định chống giảm giá không thể thực thi có hiệu quả nếu các cá nhân là chủ thể duy nhất bị phạt do vi phạm pháp luật, bởi vì việc áp dụng giảm giá sẽ mang lại lợi ích cho công ty mà các cá nhân chỉ là công cụ thực hiện.”[22]

Đối với vụ án Mousell ở Anh, phán quyết của toà án cũng đã kiểm tra lại quá trình lập pháp, tập trung vào nội dung sau hơn 70 năm áp dụng trách nhiệm hình sự đối với công ty, Nghị viện đã từng có ý định buộc công ty phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của người làm thuê trong phạm vi công việc được giao theo quy định đã cụ thể hay chưa. Thẩm phán khẳng định rằng: “Vào năm 1845 đã có một loại hành vi bị cấm mà trong hầu hết các vụ án đều được thực hiện bởi những người làm thuê nhưng hình phạt lại được áp dụng đối với “người là chủ hoặc có nhiệm vụ giám sát quá trình vận chuyển hoặc giám sát hàng hoá đi qua hoặc đang trên đường sắt”… Theo quan điểm của tôi, mục đích của quy định này là cấm hành vi mô tả sai lệch về hàng hoá được vận chuyển bằng đường sắt cũng như bảo vệ công ty đường sắt khỏi việc bị lừa vận chuyển hàng hoá kém chất lượng hơn so với mức cam kết. Dựa vào từ ngữ và mục đích của quy định, cơ quan lập pháp đã dự định buộc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm đối với hành vi bị xác định là tội phạm này nếu những hành vi bị cấm được thực hiện bởi người làm thuê trong phạm vi công việc được giao.”[23]

Có thể thấy, logic của phán quyết này tương tự như logic của phán quyết trong vụ án ở Mỹ, đều dựa trên cơ sở ý định lập pháp và tính hiệu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự của công ty. Chỉ có sự khác nhau là ý định lập pháp trong vụ án ở Anh không rõ ràng, trong khi đó Đạo luật Elkins ở Mỹ thể hiện rõ ràng hơn.

Kể từ đó, xác định ý định phạm tội của công ty được chấp nhận là sẽ xác định thông qua đánh giá ý định phạm tội của người đại diện. Ở thời điểm đó, công ty có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người làm thuê ở bất kì vị trí nào thực hiện tội phạm trong phạm vi công việc được giao và có ý định mang lại lợi ích cho công ty.[24] Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi phạm tội của người làm thuê có mang lại lợi ích cho công ty hay không thì hành vi phạm tội vẫn bao gồm cả những hành vi trên thực tế không mang lại lợi ích cho công ty, nhưng sẽ không bao gồm những hành vi đơn thuần chỉ mang lại lợi ích cho chính người làm thuê đó.

b.Giai đoạn 2

Nhìn chung, sự mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự trước đó vẫn chưa dẫn tới việc có thể kết tội công ty về tội giết người. Một phần là vì giết người là tội phạm nghiêm trọng nhất trong các loại tội phạm. Vì vậy, công tố viên và thẩm phán cũng phân vân khi làm rõ hành vi của công ty trong những trường hợp này. Tuy nhiên, trong một vài vụ án, việc cố gắng buộc công ty phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người thì vấn đề về thuật ngữ trong các quy định về tội danh này đã gây ra tranh luận.[25] Theo quy định của pháp luật, giết người được định nghĩa là “việc giết một người bởi một người khác” (“the killing of a human being by another human being”).[26] Về mặt pháp lý, thuật ngữ “human being” chỉ được hiểu là con người (natural person), mà không được hiểu là bao gồm cả công ty. Vì vậy, trong những vụ án này, công ty không bị buộc tội giết người mà bị kết tội về tội vô ý làm chết người do cẩu thả. Bởi vì, khái niệm lỗi vô ý do cẩu thả đã loại trừ những hành vi mang tính cố ý hay có dự định trước. Vô ý do cẩu thả là “bất kì hành vi nào ngoại trừ hành vi có dự định trước, coi thường, bất cẩn đối với quyền lợi của người khác mà xâm hại những chuẩn mực pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp có nguy cơ bị xâm hại”.[27] Trong những vụ án đầu tiên mà công ty bị kết tội vô ý làm chết người do cẩu thả, Toà án khẳng định công ty không thể bị truy cứu về tội khai man, tội phản quốc, tội giết người hoặc bất kì tội danh nào mà yêu cầu xác định ý định phạm tội.[28] Các quan điểm ở thời điểm đó cho rằng ý định thực hiện hành vi giết người sẽ không thể quy cho công ty.[29] Công ty không thể thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm hoặc ám sát cho dù nhân viên của công ty thực hiện những hành vi đó.[30]

Tuy nhiên, bản cáo trạng và phiên toà xét xử Công ty Motor Ford về tội vô ý làm chết người do quá tự tin đã thể hiện bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của trách nhiệm hình sự công ty. Công ty Ford đã bị kết án về tội vô ý làm chết người do quá tự tin mà không phải lỗi vô ý do cẩu thả. Đây là tội danh nghiêm trọng hơn và chưa từng được áp dụng đối với công ty. Nhưng điều quan trọng là việc kết tội với lỗi vô ý do quá tự tin sẽ kéo theo đánh giá vấn đề thấy trước hành vi có khả năng gây hậu quả mà không có việc đánh giá vấn đề “thấy trước” hậu quả đối với lỗi vô ý do cẩu thả. Vô ý do quá tự tin là hành động có mục đích, có thấy trước được về việc hành vi có nguy cơ gây thiệt hại.[31] Trong vụ án công ty Ford, để kết luận công ty đã có nhận thức, thấy trước về nguy cơ gây thiệt hại, Toà án đã dựa trên cơ sở phân tích giá trị lợi nhuận mà Ford đã ước tính khi cho rằng chi phí lắp đặt bình ga an toàn sẽ cao hơn chi phí dự kiến của việc thoả thuận tại toà về chi phí bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ cho người lao động, sau đó công ty đã quyết định không lắp đặt bình ga an toàn.[32] Vụ án này đã đánh dấu sự mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của công ty đối với hành vi vô ý làm chết người do có nhận thức, thấy trước được về hậu quả.

Tóm lại, hình thái trách nhiệm hình sự công ty như hiện nay là kết quả của quá trình phát triển dần dần từ một học thuyết nhỏ: ông chủ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người làm thuê của họ vứt bất kể thứ gì ra đường phố gây ra ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Sự phát triển trách nhiệm hình sự công ty sau đó chủ yếu dựa trên giải thích pháp lý theo truyền thống Common Law và có trường hợp dựa trên cơ sở hoạt động lập pháp. Cụ thể là sự ban hành Đạo luật Elkins đã giúp xác định được ý định phạm tội của công ty ở Mỹ. Bên cạnh đó, sự phát triển trách nhiệm hình sự của công ty còn dựa trên quá trình tư duy logic hoặc trên cơ sở thuật ngữ pháp lý không rõ ràng như vụ án công ty Motor Ford. Vụ án đã dựa trên những lập luận đã được xây dựng từ những vụ án trước và là kết quả của việc giải thích các thuật ngữ pháp lý.

(Còn nữa)

Các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn hiện nay - Ảnh: MH

 

[1] Vụ án ẩn danh, 88 Eng. Rep. 1518 (K.B. 1701). Theo báo cáo nguyên văn về toàn bộ vụ án.

Vụ án có mã số 935 (Corporation is not indictable).

[2] Elkins, Corporations and the Criminal Law: An Uneasy Alliance, 65 KY.L.J. 73 (1977), trang 87.

[3] L.Leigh, The Criminal liability of corporations in English Law 3-12 (1969), trang 19.

[4] Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công ty gần như chỉ có ở hệ thống pháp luật Common law; hệ thống pháp luật Civil law nhìn chung không biết tới trách nhiệm hình sự của công ty. Muller, Mens Rea and the Corporation, 19 U. Pittt. L. Rev. 21, 38-40 (1957), trang 28-38. Mặc dù trách nhiệm hình sự của công ty có nguồn gốc từ hệ thống pháp luật Common law nhưng các toà án ở Anh là một trong những toà án chậm nhất trong việc thừa nhận nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự công ty. So với sự phát triển học thuyết này ở Canada và Mỹ, luật Anh vẫn còn tương đối “sơ khai.” L. Leigh, The Criminal liability of corporations in English law 3-12 (1969), trang 2. Xem thêm Leigh, The Criminal Liability of Corporation and other groups, 9 Ottawa L.Rev. 247 (1977).

[5] Mueller, G. (1857), “Mens rea and the corporation”, Đại học Luật Pittsburgh Rev. 19: 21-50.

[6] Holdsworth, W. (1942), A History of English Law, Vol. III. London: Methuen, trang 469-490.

Pollock, F. and F.W. Maitland (1968a), The history of English Law, Vol. I. Cambridge Univ. Press, trang 468-511.

[7] Maitland, F. W. (1900) “Introduction  in O. Gierke, Political Theories of the Middle Age”,  Cambridge Univ. Press, chương xxxix-xl.

[8] Holdsworth, W. (1942) A history of English law, Vol. III. London: Methuen, trang 474.

[9] Hitchler, J. (1923) , “The criminal responsibility of corporations”, Dickinson Law Rev. 27, trang 89-119.

[10] Ehrlich, J. W. (1959) Ehrlich’s Blackstone. Westport: Greenwood, trang 106.

[11] Holdsworth, W. (1936), A history of English Law, Vol. II. London: Methuen, trang 46-47.

[12] Wigmore, J. (1894), Responsiblity for tortious acts – its history”,  Harvard Law R, 7, trang 330-337.

[13] Ehrlich, J. W. (1959) Ehrlich’s Blackstone. Westport: Greenwood, trang 76.

[14] Elkins, J.R. (1976), “Corporations and the criminal law: an uneasy alliance”, Kentucky Law J. 65, trang 87-90.

Pollock, F. and F.W. Maitland (1968a), The history of English Law, Vol. I. Cambridge Univ. Press, trang 678-679.

Pollock, F. and F.W. Maitland (1968b), The history of English Law, Vol. II. Cambridge Univ. Press, trang 520.

[15] Queen v. Birmingham & Gloucester railway Co. (1842) 111 Eng. Rap.492, trang 492.

[16] Queen v. Birmingham & Gloucester railway Co. (1842) 111 Eng. Rap.492, trang 493.

[17] Queen v. Great North of England railway (1846) 115 Eng. Rep.492, trang 1298.

[18] State v. Morris & Essex Railroad. Co (1852).

[19] Queen v. Great North of England railway (1846) 115 Eng. Rep.492, trang 1298.

[20] State v. Morris & Essex Railroad. Co (1852) 23 N.J.L. 360, trang 364.

[21] Nguồn: https://www.law.cornell.edu/topn/elkins_act_interstate_commerce

[22] Newyork Central & Hudson river railroad co. V. United States (1909) 212 U.S. 481, trang 495.

[23] Mousell Brothers v. London and Northwestern railway (1917) 2 K.B. 836, trang 845.

[24] Elkins, J.R. (1976), “Corporations and the criminal law: an uneasy alliance”,  Kentucky Law J. 65.

[25] Clark, G. A. (1979), “Criminal homicide: a new assault on corporation decision making”, Notre Dame Lawyer 54:911-24, trang 912-917.

[26] Quy chế Indiana cũng quy định về tội phạm này. Quy chế là một ví dụ về thuật ngữ không rõ ràng đối với công ty. “Người nào vô ý làm chết người khác do quá tự tin phạm tội vô ý làm chết người do quá tự tin”. Thuật ngữ “person” được định nghĩa trong quy chế này bao gồm cả chủ thể là công ty nhưng việc sử dụng thuật ngữ  “another” kết hợp với “human being” lại ngụ ý về “natural persons”. Vì vậy, trong trường hợp này, thuật ngữ “person” bị giới hạn để chỉ chủ thể là con người.

[27] Perkins, R. M. (1969), Criminal law, Mineola: Foundation Press, trang 753.

[28] State v Lehigh valley railroad co. (1917) 90 N.J.L. 103, trang 685.

[29] James, P. (1976), Introduction to English law, London: Butterworths, trang 160.

[30] Sigler, J. A. (1981), Understanding Criminal law, Boston: Little, Brown, trang 251.

[31] Samaha, J. (1983), Criminal law, St. Paul: West, trang 60.

[32] Swigert, V. L. and R. A. Farrell (1980-1981), “Corporate homicide: definitional processes in the creation of deviance”, Law and Society Rev. 15: 161-182, trang 166.

Ths.NCS. ĐỖ NHẬT ÁNH (Giảng viên Học viện Toà án)