Pháp luật Nhật Bản về kiểm soát khí thải công nghiệp - Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật Nhật Bản về kiểm soát khí thải công nghiệp đã trở thành một mô hình mà nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang tìm cách học hỏi và áp dụng.. Bài viết nghiên cứu về vấn đề này, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Pháp luật Nhật Bản

Trong giai đoạn từ 1950 - 1960, với tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những ảnh hưởng nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí ngày càng gia tăng. Vì vậy, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á ban hành các quy định về kiểm soát khí thải công nghiệp (KTCN). Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.[1] Theo đó, pháp luật Nhật Bản đã ban hành rất nhiều quy định khác nhau để kiểm soát tốt vấn đề KTCN, có thể kể đến các quy định sau: (i) quy định về đăng ký cơ sở phát thải ô nhiểm không khí; (ii) qui định về lắp đặt hệ thống trắc quan khí thải tự động; (iii) thỏa thuận kiểm soát ô nhiểm.

Thứ nhất, quy định về đăng ký cơ sở phát thải ô nhiểm không khí

Đăng ký cơ sở phát thải ô nhiễm không khí là quy trình đăng ký một cơ sở công nghiệp, nhà máy, hoặc cơ sở kinh doanh có tiềm năng phát thải chất gây ô nhiễm vào không khí. Quy trình này được thực hiện để đảm bảo rằng các cơ sở này tuân thủ các quy định môi trường và giám sát chất lượng không khí trong quá trình hoạt động của mình. Ở Nhật Bản, các cơ sở công nghiệp phát thải chất ô nhiễm không khí cần phải đăng ký. Theo Điều 6 Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản năm 1968 sửa đổi năm 1996, bất cứ người nào có kế hoạch thành lập cơ sở phát tán than và khói sẽ phải nộp một thông báo các thông tin sau đây cho Thống đốc tỉnh: (1) Tên của người đó hoặc tên của công ty và địa chỉ, hoặc tên của người đại diện của pháp nhân (2) Tên, địa điểm của nhà máy hoặc cơ sở kinh doanh; (3) Các dạng bụi và khói phát sinh, (4) Cấu trúc của thiết bị phát thải bụi và khói; (5) Phương án vận hành thiết bị phát thải (6) Đề xuất phương pháp loại bỏ bụi và khói.[2]

Bên cạnh đó, Điều 8 Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản còn qui định trong trường hợp có bất kỳ sự thay đổi nào trong một nội dung trên của cơ sở phát thải thì phải thông bảo ngay sự thay đổi này cho Thống đốc tỉnh theo quy định của Bộ Môi trường.[3] Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật này, thì việc đăng ký thông tin bắt buộc phải thực hiện theo các giai đoạn là: (1) Lắp đặt (trước khi lắp đặt); (2) Bắt đầu sử dụng cơ sở, thiết bị; (3) Thay đổi thiết kế cơ sở, thiết bị: (4) Thay đổi cán bộ phụ trách; (5) Dừng sử dụng cơ sở, thiết bị; (6) Tiếp tục vận hành cơ sở, thiết bị. Các thông tin này đều được tích hợp vào cơ sở dữ liệu.

Với những quy định về đăng ký cơ sở phát thải ô nhiễm không khí này, cơ quan quản lý môi trường có thông tin đầy đủ về các cơ sở công nghiệp hoặc kinh doanh có tiềm năng gây ô nhiễm không khí, từ đó có tiến hành theo dõi, đánh giá và kiểm soát tác động của các cơ sở này đến chất lượng không khí và môi trường xung quanh.

Thứ hai, quy định về lắp đặt hệ thống trắc quan khí thải tự động

Việc lắp đặt hệ thống trắc quan khí thải tự động (AQMS - Automatic Air Quality Monitoring System) là để đảm bảo giám sát chất lượng không khí một cách liên tục và chính xác. Vì vậy, pháp luật Nhật Bản quy định các chủ thể có nguồn thải có nghĩa vụ lắp hệ thống trắc quan khí thải tự động, cụ thể Điều 16 Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản qui định: “Người phát thải bụi hoặc khói phải đo lường lượng bụi hoặc khói hoặc nồng độ bụi hoặc khói liên quan đến một đơn vị tạo ra bụi hoặc khói và ghi lại kết quả đo đạc đó, theo quy định của Bộ Môi trường”.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn ban hành các Pháp lệnh về kiểm soát lượng SOx (oxit lưu huỳnh) bao gồm SO2 (lưu huỳnh dioxide) và SO3 (lưu huỳnh trioxide), và NOx (oxit nitơ). Theo quy định tại các pháp lệnh này thì chủ nguồn thải có lưu lượng phát thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục nhằm quan trắc SO2 và NOx, cụ thể:[4]

+ Những nguồn thải có lượng phát thải SO2 từ 10 Nm3/h trở lên hoặc có lượng khí thải từ 40,000 Nm3/h trở lên thuộc hệ thống kiểm soát tổng thải lượng ô nhiễm vùng, có trách nhiệm lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục cho SO2.

+ Nếu nguồn thải thải ra môi trường có lượng bụi từ 40.000 Nm3/h trở lên, thuộc hệ thống kiểm soát tổng thái lượng ô nhiễm vùng, thì chủ nguồn thải phải có trách nhiệm phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục cho NOx.

Chủ nguồn thải phải lưu trữ dữ liệu đo đạc được từ hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục trong vòng 3 năm. Ngoài các nghĩa vụ cụ thể trong các văn bản pháp luật, tại nhiều tỉnh, thành phố ở Nhật Bản, chính quyền địa phương và chủ nguồn thải lớn ký kết thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm. Trong một số trường hợp, thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm buộc các chủ nguồn thải lớn phải báo cáo nồng độ của chất gây ô nhiễm ở thời gian thực thông qua hệ thống đo đạc từ xa. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương có thể sử dụng các dữ liệu đo đạc được từ hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục để kiểm tra nồng độ của khí thải có thỏa mãn các tiêu chuẩn phát thải. Nếu nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí không đạt tiêu chuẩn, sẽ bị xử phạt hành chính.[5]

Việc pháp luật Nhật Bản quy định về đăng ký cơ sở phát thải ô nhiểm không khí là nghĩa vụ bắt buộc của các chủ thể nguồn thải. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm, các chủ thể này phải thực hiện nghiêm túc qui định này, vì đây là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quản lý thông tin và giám sát chất lượng không khí để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Thứ ba, quy định về thỏa thuận kiểm soát ô nhiểm

Ở Nhật bản, việc ban hành các chính sách chung để kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường do khí thải gây ra nói riêng thuộc về chính quyền Trung ương. Tuy nhiên, với vai trò quản lý trực tiếp các nguồn xả thải, chính quyền địa phương cũng có quyền ban hành các chính sách riêng để để kiểm soát ô nhiễm, một trong những chính sách kiểm soát ô nhiễm hiệu quả là thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm (Pollution Control Agreement).

Với chính sách thỏa thuận kiểm soát ô nhiễm, chính quyền địa phương được quyền chủ động đàm phán trực tiếp với các đại diện của các nhà máy để thỏa thuận về các vấn đề môi trường, một trong số đó có thể vượt xa những yêu cầu pháp lý hiện hành. Đôi khi, các yêu cầu trong các thỏa thuận này có thể nghiêm ngặt gấp hai, ba hoặc nhiều lần so với quy định chung của quốc gia.[6] Qui định này cũng tạo nên sự linh động cho chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm soát KTCN, vì chính quyền địa phương có thể căn cứ vào đặc thù của từng ngành nghề kinh doanh, quy mô của từng dự án, phạm vi thời gian hoạt động để đặt thêm các tiêu chuẩn khác nhằm bảo đảm tốt nhất để kiểm soát KTCN. Mặt khác, qui định này có lợi thế là khắc phục những trường hợp mà luật chưa điều chỉnh. Chẳng hạn có những ngành nghề kinh doanh đặc thù có phạm vi xả thải lớn, nhưng các văn bản luật chưa điều chỉnh kịp thời thì chính sách thỏa thuận kiểm soát ô nhiểm có thể khắc phục những hạn chế này.

2.Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển các ngành công nghiệp, ô nhiễm môi trường không khí càng trở thành vấn đề nguy hại đối với xã hội. Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu pháp luật Nhật Bản về kiểm soát KTCN, tác giả đề xuất một số giải pháp sau có thể áp dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật về vấn đề này, cụ thể:

Thứ nhất, pháp luật về KTCN Việt Nam nên quy định các thời điểm đăng ký nguồn thải như pháp luật Nhật Bản

Ở Việt Nam việc đăng ký nguồn thải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quản lý chất thải và phế liệu. Theo khoản 2 Điều 45 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP thì việc đăng ký nguồn KTCN được thực hiện tại hai thời điểm là: Khi cơ sở sản xuất vận hành chính thức hoặc khi cơ sở có kế hoạch thay đổi nguồn thải KTCN (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải). Việc nghiên cứu cho thấy, pháp luật Nhật Bản quy định về các thời điểm đăng ký nguồn thải hợp lý hơn so với pháp luật Việt Nam. Với sáu thời điểm đăng ký như Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản sẽ kiểm soát được KTCN tốt hơn. Vì vậy, tác giả cho rằng pháp luật về KTCN Việt Nam nên quy định các thời điểm đăng ký nguồn thải như pháp luật Nhật Bản.

Thứ hai, Việt Nam cần điều chỉnh cách tính thông số để tính nguy hại của mức độ xả thải để xác định các cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc kiểm soát lượng SOx và NOx trong KTCN. Theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, các cơ sở hoạt động sản xuất phát sinh khí thải với lưu lượng lớn phải thực hiện đăng ký Chủ nguồn thải KTCN và được cấp Giấy phép xả khí thải công nghiệp. Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại, các cơ sở phát sinh KTCN phải tuân thủ các giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của các chất ô nhiễm trong KTCN theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Theo QCVN 19:2009/BTNMT về KTCN - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của các chất ô nhiễm trong KTCN, giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của SO2 là 500 mg/Nm3 và của NO2 là 400 mg/Nm3.

Như vậy, căn cứ để xác định phải lắp đặt hệ thống trắc khí thải tự động ở Việt Nam được tính bằng đơn vị đo nồng độ của một chất ô nhiễm trong khí thải, tức là có 400 miligam chất ô nhiễm trong một mét khối khí thải. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản sử dụng đơn vị đo lưu lượng của khí thải, tức là có 40 mét khối khí thải được xả ra trong một giờ (40.000 Nm3/h). Để tính lượng chất ô nhiễm được xả ra theo thời gian, ta phải nhân nồng độ với lưu lượng. Ví dụ, nếu có một cơ sở xả khí thải với nồng độ SO2 là 400 mg/Nm3 và lưu lượng khí thải là 400 Nm3/h, thì lượng SO2 được xả ra là 400 mg/Nm3 x 400 Nm3/h = 160 g/h. Để tính nguy hại của mức độ xả thải, ta cần xem xét cả nồng độ và lưu lượng của khí thải. Nồng độ cho biết hàm lượng của chất ô nhiễm trong khí thải, còn lưu lượng cho biết khối lượng của khí thải được xả ra theo thời gian. Nếu chỉ sử dụng một trong hai thông số này, ta sẽ không có được bức tranh đầy đủ về nguy hại của mức độ xả thải. Vì vậy, tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần sử dụng đồng thời cả hai thông số để tính nguy hại của mức độ xả thải để xác định các cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục.

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Aki Nakuchi (2012), Kinh nghiệm từ chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường của Nhật Bản, Tạp chí Môi trường, số 10/2012, tr. 53.
  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Báo cáo tổng kết Dự án tăng trưởng thể chế quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam – Phụ lục 16. Báo cáo chuyên đề về kiểm soát hiệu quả các nguồn thái tĩnh
  3. Luật kiểm soát ô nhiểm không khí của Nhật Bản, https://www.japaneselawtranslation.go.jp/en/laws/view/3561/en#:~:text=Article%201The%20purpose%20of,of%20factories%20and%20places%20of, truy cập 1/4/2023.
  4. Helmut Weidner (1994) Air Pollution Control Policy at Stationary Sources in Japan - An Environmental Success Story, Frese University Berlin.

 

Hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư khó xác định được mức độ phát thải- Ảnh: CNMT

[1] Aki Nakuchi (2012), Kinh nghiệm từ chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường của Nhật Bản, Tạp chí Môi trường, số 10/2012, tr. 53.

[2] Khoản 1 Điều 6 Luật kiểm soát ô nhiểm không khí của Nhật Bản, https://www.japaneselawtranslation.go.jp/en/laws/view/3561/en#:~:text=Article%201The%20purpose%20of,of%20factories%20and%20places%20of, truy cập 1/4/2023.

[3] Điều 6 Luật kiểm soát ô nhiểm không khí của Nhật Bản, tldđ, truy cập 1/4/2023.

[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Báo cáo tổng kết Dự án tăng trưởng thể chế quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam – Phụ lục 16. Báo cáo chuyên đề về kiểm soát hiệu quả các nguồn thái tĩnh, tr.A - 1.

[5] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), tldđ,  tr.A - 2.

[6] Helmut Weidner (1994) Air Pollution Control Policy at Stationary Sources in Japan - An Environmental Success Story, Frese University Berlin, p.22.

 

ThS LÊ BÁ HƯNG (GV Trường Đại hoc Luật, Đại học Huế)