Quy định về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp – Bất cập và kiến nghị

Tội gây rối trật tự, phiên tòa phiên họp là tội danh mới được quy định trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành, được xếp nằm trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Bài viết nghiên cứu quy định về tội danh cũng như đề xuất, kiến nghị những bất cập trong thực tiễn áp dụng.

1. Quy định của pháp luật

Để đảm bảo tính uy nghiêm, đặc thù của hoạt động tư pháp, cụ thể là tại phiên tòa, phiên họp trong giải trình giải quyết vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, BLHS 2015 đã bổ sung tội Gây rối trật tự trật tự phiên tòa, phiên họp nhằm giải quyết những tồn tại đã xảy ra trước đây đó là tình trạng ý thức rất hạn chế trong việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tham gia tố tụng như: bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (gọi chung là đương sự) hoặc những người không phải là chủ thể tham gia tố tụng, nhưng có tham gia phiên tòa như người thân thích của họ. Đã có nhiều trường hợp phiên tòa, phiên họp phải tạm dừng do có hành vi gây rối nghiêm trọng, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tấn công Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác, có trường hợp thóa mạ, hành hung ngay tại phiên tòa giữa những đương sự có quyền lợi đối lập nhau, với người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự ngay tại phiên tòa, phiên họp nhưng chế tài trước đây thường chỉ dừng lại ở mức yêu cầu lực lượng bảo vệ hỗ trợ tư pháp mời người có hành vi gây rối, vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án, xử phạt vi phạm hành chính.

 Mặc dù, các bộ luật tố tụng trước đây cũng đã quy định trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn rất khó xử lý các hành vi này vì pháp luật hình sự chưa điều chỉnh, không có điều luật quy định cụ thể, chi tiết về tội danh và hình phạt. Do đó, để đảm bảo pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cũng như không làm cho những hành vi đó ảnh hưởng xấu trong dư luận, làm giảm tính uy nghiêm của hoạt động xét xử được nhân danh bởi nhà nước thì quy định về tội phạm đối với những trường hợp này là cần thiết.

Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp thực chất thực chất là hành vi vi phạm việc giữ trật tự nội quy của phiên tòa, phiên họp được quy định tại các Điều 256 BLTTHS, Điều 234 BLTTDS và Điều 153 BLTTHC và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo theo Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hoặc hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 391 BLHS 2015.

Tại Điều 391 BLHS quy định: “Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Như vậy, chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà có một trong các hành vi nêu trên được diễn ra tại phiên tòa (phiên tòa xét xử vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động) hay các phiên họp (xét kháng cáo quá hạn; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp đối thoại; phiên họp giải quyết khiếu nại trả lại đơn khởi kiện…) và đối tượng tác động của tội phạm là: 1) Những người tiến hành tố tụng: Thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, kiểm sát viên; 2) người tham gia phiên tòa, phiên họp: người làm chứng, nguyên đơn, bị đơn, người bào chữa, người giám định… hoặc bất cứ người tham gia phiên tòa, phiên họp nào khác; 3) tài sản tại phiên tòa, phiên họp như: bàn, ghế, thiết bị âm thanh, hình ảnh phục vụ công tác xét xử…

 Người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 01 năm đến 03 năm tù nếu như hành vi gây rối trật tự dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 BLHS.

2. Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn

2.1. Thẩm quyền khởi tố vụ án

Khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa có dấu hiệu của tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử (Điều 367 BLTTHS), thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 491 BLTTDS, Điều 316 BLTTHC). Theo quy định của pháp luật tố tụng thì phiên tòa xét xử được diễn ra bởi một Hội đồng xét xử gồm có thẩm phán và hội thẩm, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (chỉ có 01 thẩm phán) còn thành phần các phiên họp thì thường sẽ do một thẩm phán chủ trì phiên họp, thư ký tòa ghi biên bản và những người tham gia tố tụng được triệu tập. Như vậy, nếu hành vi gây rối trật tự tại phiên họp đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và luật quy định thẩm quyền thuộc về Tòa án, trình tự được thực hiện theo quy định về pháp luật tố tụng hình sự thì Quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ do ai ký? Thẩm phán chủ trì phiên họp hay phải báo cáo Chánh án ra quyết định khởi tố?

 Biểu mẫu tố tụng về dân sự, hành chính không có quy định, còn biểu mẫu về hình sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Biểu 60) cũng chỉ quy định thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử. Trong khi đó, pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính quy định chức năng, nhiệm vụ của Chánh án, phó Chánh án hay Thẩm phán đều không quy định thẩm quyền ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự độc lập cho các chức danh trên.

2.2. Hành vi phạm tội

Xét theo lý luận về phân loại cấu thành tội phạm dựa trên mức độ nguy hiểm cho xã hội của của hành vi phạm tội thì Điều 391 BLHS được xây dựng theo hướng gồm cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng. Cấu thành tội phạm cơ bản được quy định tại khoản 1 của điều luật thì chỉ cần người nào thỏa mãn các hành vi mà điều luật nêu ra (đáp ứng đủ điều kiện khác về mặt chủ thể, mặt chủ quan) là tội phạm đã hoàn thành vì khi đó tính trang nghiêm của phiên tòa, phiên họp đã bị xáo trộn. Nếu như hành vi đó dẫn đến việc phải dừng phiên tòa, phiên họp hoặc người thực hiện hành vi phạm tội còn hành hung đối với thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tố tụng khác, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 BLHS thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo khoản 2 của Điều luật (cấu thành tội phạm tăng nặng).

 Vấn đề đặt ra trong khoa học pháp lý và trong quy định của pháp luật  là người phạm tội sẽ chỉ bị truy cứu theo khung hình phạt tăng nặng nếu như họ đã thỏa mãn hành vi của cấu thành tội phạm cơ bản, có nghĩa nếu như họ có hành vi hành hung các chủ thể nêu trên thì muốn xác định trách nhiệm pháp lý hình sự trước tiên họ phải thực hiện các hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm của các chủ thể là đối tượng tác động của tội phạm được quy định tại khoản 1 trước hoặc phải có hành vi đập phá tài sản (không thỏa mãn Điều 178 BLHS) thì mới khởi tố, xem xét xử lý theo khoản 2 được. Tuy nhiên, thực tiễn quy định như vậy là chưa phù hợp, bởi lẽ:

Thứ nhất,  nếu tại phiên tòa, phiên người thực hiện hành vi phạm tội dùng vũ lực hành hung  đối với Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác nhưng trước đó họ không có các hành vi quy định tại khoản 1 Điều luật thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm (không đáp ứng cấu thành tội phạm cơ bản). Do đó, trong trường hợp này nếu chỉ có hành vi hành hung thì không thể khởi tố được, bởi vì chưa đáp ứng cấu thành tội phạm cơ bản.

Thứ hai, người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản nhưng có thêm hành vi hành hung các chủ thể khác tham gia phiên tòa thì cũng chỉ xử lý được theo khoản 1 (trừ trường hợp đủ yếu tố xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 134 BLHS) vì tình tiết định khung tăng nặng không quy định việc hành hung các chủ thể khác tham gia phiên tòa, phiên họp ngoài Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng việc hành hung đối với Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác tại phiên tòa, phiên họp phải được xử lý về tội chống người thi hành công vụ. Bởi lẽ, hoạt động của các chủ thể này được thực hiện theo quyết định phân công của người có thẩm quyền để thực thi nhiệm vụ, công vụ của mình đã được Bộ luật tố tụng quy định cụ thể, phù hợp với khái niệm công vụ được quy định trong Luật cán bộ, công chức. Nếu người thực hiện hành vi hành hung, có nghĩa là sử dụng vũ lực sẽ cản trợ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong khi đó, tội Chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 BLHS thì chỉ cần người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì đã cấu thành tội phạm và mức án cao nhất tại khung 1 của điều luật đến 03 năm tù đã ngang bằng với mức cao nhất được quy định tại khoản 2 của Điều 391, nếu người phạm tội có các tình tiết tặng nặng thuộc khoản 2 thì mức án đến 07 năm tù. Cho nên việc hành hung Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc người có thẩm quyền tố tụng khác nếu quy định tại Điều 391 BLHS sẽ chưa thể hiện được hết tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, mà việc hành hung phải nên quy định là tình tiết định khung tăng nặng đối với trường hợp hành hung đối với những người tham gia phiên tòa khác.

Trường hợp tại phiên tòa, phiên họp người vừa có hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tố tụng khác, đồng thời có hành vi dùng vũ lực đối với các chủ thể này thì phải xem xét xử lý về 02 tội là Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS và tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp theo điều 391 BLHS nếu hành vi của họ thỏa mãn cấu thành tội phạm độc lập.

3. Đề xuất, kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên về vướng mắc, bất cập, chúng tôi xin đề xuất như sau:

Một là, cần có hướng dẫn về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án thuộc trách nhiệm của Tòa án đối với các trường hợp vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp có dấu hiệu của tội phạm xảy ra tại các phiên họp do thẩm phán chủ trì hoặc đối với phiên tòa xét xử rút gọn vụ án hình sự, dân sự, hành chính, đồng thời bổ sung biểu mẫu nghiệp vụ về Quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp nêu trên.

Hai là, bỏ quy định tình tiết hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác mà thay vào đó là quy định việc hành hung đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp, cụ thể sửa đổi, bổ sung điểm b Điều 391 BLHS theo hướng quy định như sau: “b) Hành hung người tham gia phiên tòa, phiên họp nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này”.

 

Một vụ gây rối trật tự phiên tòa - Ảnh: LSVN

PHẠM VĂN TUÂN    (Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)