Thi hành Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP- Vướng mắc và kiến nghị

Nghị quyết số 01/2010-NQ/HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 (Tội đánh bạc) và Điều 249 (Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) của Bộ luật Hình sự” (năm 1999) đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, trong thực tiễn quá trình xét xử của Toà án các cấp việc áp dụng Nghị quyết này vẫn còn có điểm vướng mắc, bất cập, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan có thẩm quyền.

1. Vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, quy định cách xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc quy định tại mục 5.1 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01 còn chưa đầy đủ:

Theo quy định tại mục 5.1, số tiền của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ (trong trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ).

Ví dụ: Trong vụ án đánh bạc bằng hình thức ghi đề, số tiền thu trực tiếp tại chiếu bạc (số tiền thực tế bỏ ra mua đề) của người chơi đề là 4,7 triệu đồng; tuy nhiên số tiền ghi trên tờ phơi thể hiện là 05 triệu đồng. Như vậy trong trường hợp này Nghị quyết 01 không thể hiện rõ việc xác định số tiền dùng để đánh bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự là số tiền thu giữ thực tế hay số tiền ghi trên tờ phơi? Nếu xác định là số tiền thực tế thì không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu xác định là số tiền ghi trên tờ phơi thì đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chơi đề. Đối với tình huống trên vẫn còn có hai quan điểm không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Thứ hai, theo tinh thần Nghị quyết 01 và điểm 13 Mục I của Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử: Đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa, xóc đĩa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc.

Tuy nhiên Nghị quyết 01 không có hướng dẫn các khái niệm như “cùng đánh bạc với nhau”, “chủ bạc hoặc nhà cái”, “cá độ”, “cá cược” dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi xác định khung hình phạt và mức hình phạt.

Ví dụ: Công an bắt quả tang nhóm đối tượng 12 người đang tổ chức đánh bạc dưới hình thức đá gà thắng thua bằng tiền, với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Trong trận gà này Nguyễn Văn A là người lấy địa điểm là chỗ ở của mình tổ chức cho các đối tượng khác đá gà và chỉ đạo Trần Văn B dựa trên biện gà đã ghi để thu tiền của người thua đưa cho người thắng sau khi trận gà kết thúc, để thu lợi 10% tiền hoa hồng của số tiền trên. Các con bạc tự giao kèo với nhau về tỉ lệ thắng thua và báo lại số tiền cho B để ghi biện gà; cụ thể xin dẫn chứng 01 trường hợp sau: Lê Minh C tham gia cá cược 03 kèo: Kèo thứ nhất, cược con gà xám thắng với người chơi tên L theo tỷ lệ 10 triệu ăn 15 triệu; kèo thứ hai, cược con gà xám thắng với người tên T theo tỷ lệ 20 triệu ăn 25 triệu; kèo thứ ba, cược con gà tía thắng với người tên N theo tỷ lệ 10 triệu ăn 15 triệu. Tổng số tiền C bỏ ra đánh bạc là 40 triệu đồng trên tổng số tiền các con bạc (C, L, T, N) cá cược là 55 triệu đồng.

Trong vụ án trên, có thể xác định hành vi của A, B phạm tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015; Lê Minh C và các đối tượng khác phạm tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 321 BLHS 2015; tuy nhiên việc xác định số tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự của từng con bạc (dẫn chứng một trường hợp Lê Minh C) còn có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong vụ án này hành vi của những người đánh bạc dưới hình thức đá gà chỉ có sự được thua bằng tiền với nhau; vì vậy áp dụng điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01, số tiền mỗi con bạc dùng vào việc đánh bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền của những người cá cược với nhau. Như vậy số tiền C dùng để đánh bạc là 55 triệu đồng và C bị truy tố về tội “Đánh bạc” theo điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Các con bạc cá cược được thua bằng tiền với hình thức đá gà theo tỷ lệ thắng thua tự giao kèo với nhau về bản chất là một hình thức cá độ như con bạc cá cược với chủ bạc. Vì vậy áp dụng điểm b mục 5.1 Điều 1 Nghị quyết 01, số tiền dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền họ đã bỏ ra để cá độ chứ không phải tổng số tiền trên chiếu bạc. Như vậy số tiền C dùng đánh bạc là 40 triệu đồng và sẽ truy tố C về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 chứ không phải điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS.

Có thể thấy rằng việc Nghị quyết chưa có hướng dẫn các khái niệm như “cùng đánh bạc với nhau”, “chủ bạc hoặc nhà cái”… sẽ dẫn đến có quan điểm khác nhau về khung hình phạt trong quá trình giải quyết vụ án.

2. Đề xuất, kiến nghị

Xoay quanh nội dung trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:

Một là, cần bổ sung điểm c vào mục 5.1 Điều 5 của Nghị quyết với nội dung như sau:

“5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

…c) Trường hợp số tiền mà người chơi đã bỏ ra để mua số đề, cá độ thấp hơn số tiền ghi trên tờ phơi hoặc giấy tờ khác chứng minh cho việc đánh bạc trái phép, thì số tiền dùng đánh bạc được tính theo số ghi trên tờ phơi hoặc giấy tờ khác đó.

Hai là, bổ sung việc giải thích một số từ ngữ vào Điều 1 của Nghị quyết để tạo hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ nhất trong việc áp dụng pháp luật theo hướng như sau:

“Cùng đánh bạc với nhau” là việc các con bạc tự thỏa thuận với nhau về luật chơi, tỷ lệ cá độ, tỷ lệ chấp…; tự mình hoặc nhờ người khác làm trung gian để thực hiện việc thu, trả tiền.

“Chủ bạc (nhà cái)” là người hoặc tổ chức đặt ra điều kiện về luật chơi, tỷ lệ cá độ, tỷ lệ chấp… đồng thời trực tiếp hoặc thông qua trung gian để tiếp nhận và thanh toán quyền lợi cho người tham gia trên cơ sở nội dung đã giao kết. Bản chất của chủ bạc (nhà cái) là hình thức một người đánh bạc với nhiều người.

“Cá độ” trong đánh bạc là hành vi dùng tiền hoặc hiện vật để đánh cuộc về việc phỏng đoán kết quả của một sự kiện sắp diễn ra hoặc đang diễn ra nhưng chưa kết thúc. Cá độ là hình thức có tổ chức chặt chẽ, quy mô lớn, nhiều người cùng tham gia thông qua một chủ thể giữ vai trò trung tâm (nhà cái).

“Cá cược” trong đánh bạc là việc các bên tự nguyện giao kèo với nhau có tính được thua bằng tiền hoặc hiện vật về điều phỏng đoán đúng hay sai kết quả của một sự kiện sắp diễn ra hoặc đang diễn ra nhưng chưa kết thúc. Việc cá cược có thể thực hiện thông qua chủ thể trung gian.

Ba là, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 01/2010 để phù hợp và thống nhất với hệ thống các quy định pháp luật hiện hành./.

 

TAND tỉnh Quảng Trị  xét xử sơ thẩm vụ án Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc - Ảnh: Minh Tân

                                                                                              

                                     

BÙI VIẾT VINH (Tòa án quân sự Quân khu 5)