Thời hiệu dân sự trong pháp luật ở nước ta từ xưa đến nay

Thời hiệu dân sự là một chế định quan trọng của pháp luật dân sự. Nó thường được cho là có hai ý nghĩa: Về mặt xã hội, nhằm ổn định các giao dịch trong xã hội sau một thời hạn nào đó; về mặt pháp lý, để ngăn chặn những việc kiện tụng vô thời hạn vì điều đó sẽ gây khó khăn trong việc xác minh các bằng chứng của vụ kiện. Dưới đây, xin trao đổi về chế định này trong pháp luật ở nước ta từ lịch sử đến hiện tại.

 

1.Thời hiệu dân sự trong pháp luật thời phong kiến

Dưới thời Lý, vào năm Thiệu Minh thứ 2 (1139) đã có quy định rằng: “Những người cầm ruộng thuộc, trong hạn 20 năm cho được chuộc lại. Việc tranh nhau ruộng đất, hoặc trong 5 năm, hoặc trong 10 năm phải tâu lên. Kẻ có ruộng vườn bỏ hoang bị kẻ khác cày cấy trồng trọt mà muốn tranh nhận thì không được quá hạn 1 năm… những ruộng hoang, ruộng  thuộc đã bán đứt thì không được chuộc…”[1].

Dưới thời Lê, Điều 387 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Con trai từ 16 tuổi, con gái từ 20 tuổi trở lên, mà ruộng đất của mình để người trong họ hay người ngoài cày hay ở, đã quá niên hạn mới miễn cưỡng đòi lại, thì bị xử phạt 80 trượng và mất ruộng đất (niên hạn: người trong họ 30 năm, người ngoài 20 năm). Nếu vì chiến tranh hay đi phiêu bạt mới về, thì không theo luật này“. Về thời hạn đòi nợ, Điều 588 luật này quy định: “Quá niên hạn mà không đòi thì mất nợ (hạn định người trong họ thì 30 năm, người ngoài thì hạn 20 năm)[2].

Bộ luật Gia Long của triều Nguyễn, tại Điều 89 (Bán ruộng đất có thời hạn ) quy định về thời hạn chuộc lại ruộng đất đã bán đợ. Tuy nhiên, quy định này không rõ ràng và đầy đủ, vì vậy năm Minh Mạng thứ 20 (1839 ), đã được quy định bổ sung rằng : văn khế bán đợ cần ghi rõ thời hạn trước hoặc 5 năm, hoặc 10 năm, hoặc 15 năm, 20 năm, nhưng không được hạn quá 30 năm. Nếu ghi thời hạn không rõ ràng thì cứ lấy 30 năm làm mức độ, trường hợp chưa đến 30 năm mà trong văn khế có viết “chuộc lại” cũng cho chuộc. Còn những việc bán đợ nào đã ngoài 30 năm, thì không kể trong văn khế có viết “chuộc lại “ hay không cũng không cho chuộc lại nữa. Đơn kiện việc ấy làm án bác đi[3] .

Chúng ta thấy pháp luật thời phong kiến ở nước ta như nêu ở trên  quy định thời hạn chuộc lại ruộng đất và thời hạn trả nợ dài đến 30 năm dường như là để bảo vệ quyền lợi của những người nông dân nghèo trước những chủ nợ của họ. Thời hạn không quá 1 năm để đòi lại ruộng vườn bỏ hoang đã được người khác trồng trọt dưới thời Lý nói lên chính sách trọng nông trừng phạt những kẻ để hoang ruộng vườn. Có thể nói đó là những quy định rất tiến bộ 

2. Thời hiệu dân sự trong pháp luật thời Pháp thuộc.

Dưới thời Pháp thuộc, Bộ Dân luật Bắc kỳ (BDLB) 1931 và Bộ Dân luật Trung kỳ (BDLT) năm 1936 được soạn thảo dựa trên Bộ luật Dân sự của Pháp, nhưng “không xâm phạm đến những chế độ cốt yếu của xã hội Việt Nam, mà lại châm chước cho thích hợp với phong tục cùng trình độ hiện thời của dân An Nam” [4].

Cả hai bộ luật này đều quy định thời hiệu bao gồm thời hiệu thủ đắc thời hiệu tiêu diệt. Thời hiệu thủ đắc là trong một thời hạn mà pháp luật quy định người  đang chiếm hữu một tài sản nào đó sẽ có quyền sở hữu tài sản ấy, thời hiệu tiêu diệt là người mắc nợ sẽ thoát khỏi món nợ nếu chủ nợ không đòi hỏi trong thời hạn pháp luật quy định.

Về thời hiệu thủ đắc: Đối với bất động sản, Điều 551 BDLB và Điều 569 BDLT quy định người chiếm hữu một bất động sản một cách ngay thẳng, không có bạo hành, công khai, liên tục trong 15 năm thì sẽ thành chủ sở hữu của bất động sản đó, nếu không có văn tự chính đáng làm bằng hoặc có văn tự mà người ấy gian dối [5] thì thời hạn thủ đắc là 30 năm; đối với động sản, các điều 553,554,555 BDLB và các điều 570, 571, 572 BDLT quy định: Người chiếm hữu một vật hữu hình một cách chính đáng và ngay thẳng thì được coi là chủ sở hữu của vật đó, người bị mất hay bị ăn trộm một vật thì trong vòng một năm kể từ ngày mất hay bị trộm có thể đòi lại vật đó, người chiếm hữu có quyền kiện người đã trao vật ấy cho mình, trường hợp người chiếm hữu đã mua vật ấy ở chợ hay ở một cuộc phát mại công hoặc ở một cửa hàng bán những đồ cùng loại với vật đó thì người sở hữu chủ muốn lấy lại đồ vật phải trả lại người chiếm hữu giá họ đã mua.

Về thời hiệu tiêu diệt: Điều 857 BDLB quy định thời hiệu tiêu diệt đối với các nghĩa vụ là 20 năm, Điều 935 BDLT quy định là 10 năm, trong trường hợp người chủ nợ không đòi hỏi gì kể từ khi họ có quyền đòi hỏi và nếu như trong luật không quy định một thời hạn ngắn hơn hay không nói rõ là không thể bị thời hiệu tiêu diệt.

Đối với việc xin hủy các khế ước vô hiệu, Điều 863 BDLB và Điều 936 BDLT quy định thời hiệu là 5 năm ,trừ trường hợp trong luật có quy định khác.

Điều 523 BDLB và Điều 540 BDLT cũng quy định: Quan Tòa không thể tự ý viện lẽ thời hiệu thay người đương sự .

3. Thời hiệu dân sự trong pháp luật Việt Nam từ  1945 đến trước ngày ban hành BLDS 1995

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước VNDCCH đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 (được sửa đổi bởi Sắc lệnh số 60/SL ngày 16/11/1945) và sau đó là Sắc lệnh số 51/SL ngày 17-4-1946 cho tạm giữ các luật lệ cũ nếu không trái với chủ quyền và chính thể dân chủ cộng hòa. Tại Chương II Sắc lệnh số 47 /SL đã nêu rõ tại Bắc Bộ (kể cả Hà Nội và Hải Phòng), tại Trung bộ ( kể cả Đà Nẵng) BDLB và BDLT được tạm thời giữ lại, tại Nam Bộ các luật hộ vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên, tháng 12/1946, nước ta bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Trước tình hình khó khăn của cuộc kháng chiến, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh số 12-NV-CT ngày 29-12-1946 về Tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt, trong đó nêu rõ :” 6). Nếu vì một lẽ gì, Tòa án thường không thể tiếp tục công việc xử án được, việc xử những phạm pháp sẽ do quyết định của UBBV khu mà giao cho TAQS. Còn xử các việc hộ hoặc thương mại sẽ đình chỉ, trừ những việc cấp tốc thì sẽ do Hội thẩm chuyên môn TAQS xét xử bằng mệnh lệnh.

Trong trường hợp này, những thời hạn hình thức định trong các luật tố tụng hoặc trong các khế ước của tư nhân, cùng các thời hiệu sẽ tạm thời đình chỉ thi hành. Sau này, sắc lệnh sẽ định rõ điều kiện để tiếp tục thi hành các thời hạn”. Năm 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng, Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955 và Thông tư số 2140-TT-VHH/HS ngày 6/12/1955; Tòa án nhân dân tối cao ra Chỉ thị số 772-NC ngày 10/7/1959 đình chỉ việc áp dụng luật lệ cũ. Sau thời gian này cũng không có một văn bản pháp luật nào quy định về thời hiệu dân sự. Cho tới những năm 1990 mới có các Pháp lệnh quy định về thời hiệu, nhưng lại là thời hiệu khởi kiện, như Pháp lệnh Thừa kế 1990 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm (Điều 36), hay Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991 quy định thời hiệu khởi kiện là 3 năm (Điều 56).

Như vậy, trong suốt thời gian từ 1945 đến trước ngày ban hành Bộ luật Dân sự (BLDS 1995), ở miền Bắc nước ta, pháp luật chỉ quy định về thời hiệu khởi kiện. Ở miền Nam thì khác hơn, BLDS 1972 của VNCH quy định tương tự BDLB và BDLT chỉ gồm hai thời hiệu là thời hiệu thủ đắc thời hiệu tiêu diệt .

4. Quy định về thời hiệu dân sự trong các BLDS 1995, 2005 và 2015

BLDS năm 1995 quy định thời hiệu dân sự gồm ba loại thời hiệu: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện. BLDS năm 2005 gần như giữ nguyên các quy định của BLDS năm 1995 về thời hiệu, chỉ bổ sung thêm một loại thời hiệu là thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự và sửa đổi, bổ sung một vài vấn đề nhỏ khác; BLDS năm 2015 về cơ bản vẫn giữ nguyên các quy định về thời hiệu của BLDS 2005, nhưng có một quy định bổ sung quan trọng tại khoản 2 Điều 149.

Theo đó: Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án,quyết định giải quyết vụ việc. Quy định này thể hiện nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là mọi cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, bảo đảm sự khách quan, không thiên vị của Tòa án khi giải quyết vụ việc, đồng thời ngăn chặn việc có thể sửa, hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu ở giai đoạn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.

Như đã viết ở trên, BDLB và BDLT cũng đã có quy định tương tự như quy định này của BLDS năm 2015.  BLDS của một số nước khác như Pháp, Nhật Bản cũng có quy định tương tự, như Điều 145 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu các bên đương sự (bao gồm cả người bảo lãnh, người bảo lãnh bằng tài sản, bên thứ ba thụ hưởng, người có lợi ích chính đáng khác trong việc chấm dứt các quyền khác đối với thời hiệu chấm dứt quyền) không viện dẫn thời hiệu thì Tòa án không thể xét xử dựa vào thời hiệu". BLDS năm 1972 của VNCH, với quy định tại Điều 1438 dường như ngầm gợi ý cho Thẩm phán cách chủ động viện dẫn thời hiệu: “Tòa án không được tự ý nêu lên khước biện thời hiệu, nhưng có thể giải thích những lời khai nại của đương sự coi như là có ý muốn viện dẫn thời hiệu”.

Về thời hiệu hưởng quyền dân sự (khoản 1 Điều 150 BLDS năm 2015 ), thời hạn dài nhất để được hưởng thời hiệu này được quy định tại Điều 236: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Về thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự ( khoản 2 Điều 150 BLDS năm 2015 ), BLDS không có điều luật nào quy định cụ thể thời hạn được hưởng thời hiệu này mà chỉ thấy quy định ở luật khác có liên quan, như quy định tại  Điều 85 Luật nhà ở 2014: ”2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau: a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng; b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng”. Hết thời hạn này thì bên thi công xây dựng không còn nghĩa vụ bảo hành nữa. Ngoài quy định này thì BLDS và các luật khác có liên quan chỉ quy định về thời hiệu khởi kiện. Hết thời hiệu khởi kiện thì người có quyền mất quyền và người có nghĩa vụ thoát khỏi nghĩa vụ với người có quyền, vậy thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự thực chất là thời hạn khởi kiện  vụ án dân sự được quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan.

Điều 152 BLDS quy định: “Trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực”. Khi thời hiệu kết thúc mà có tranh chấp giữa các đương sự về vấn đề này, thì việc xác định ai được hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo quy định trên, rõ ràng là cần phải có quyết định của Tòa án.

Theo quy định tại Điều 132 BLDS, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các điều 125, 126, 127, 128 và 129 của BLDS là 02 năm, hết thời hiệu này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực. Để xác định giao dịch dân sự vô hiệu trong các trường hợp này có hiệu lực khi hết thời hiệu yêu cầu, thì cũng cần phải được Tòa án quyết định.

Với những điều đã viết ở trên,  thấy rằng khoản 3 Điều 150 BLDS quy định hết thời hiệu khởi kiện, thì người có quyền khởi kiện mất quyền khởi kiện, là không hợp lý . Hơn nữa quy định tại khoản này cũng không phù hợp với quy định tại Điều 192  BLTTDS năm 2015 khi điều luật này không quy định Tòa án trả lại đơn trong trường hợp đã hết thời hạn khởi kiện vụ án dân sự. Vì vậy, trong những trường hợp này Tòa án vẫn phải nhận và thụ lý đơn khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ kiện, Tòa án sẽ xác định xem họ có thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 156 BLDS không, nếu không thuộc những trường hợp đó,  Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm e, khoản 1 Điều 217 BLTTDS, nếu đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu; nhưng nếu đương sự khước từ áp dụng thời hiệu, như bị đơn vẫn đồng ý trả nợ cho nguyên đơn dù thời hiệu đã hết, thì Tòa án cần chấp nhận quyết định của họ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS và khoản 2 Điều 184 BLTTDS thì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu của các đương sự, điều đó có nghĩa là Tòa án không được chủ động áp dụng thời hiệu khi họ không yêu cầu. Theo đó, việc yêu cầu áp dụng thời hiệu hay từ chối áp dụng thời hiệu là quyền của đương sự.  Vì vậy, khi tiến hành phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều 210 BLTTDS Thẩm phán nên phổ biến cho các đương sự rằng họ có  quyền yêu cầu áp dụng hoặc từ chối áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.

 

Quy định về thời hiệu nhằm ổn định các giao dịch trong xã hội và ngăn chặn những việc kiện tụng vô thời hạn - Ảnh: Thái Vũ

 

[1]Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí ,Tập 2,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1992, tr 289

[2] Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê ), Viện Sử học- Nxb Pháp lý, Hà Nội 1991

[3] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993 tập 11 tr 296 

[4] Tờ trình của Hội đồng biên tập bản dự thảo Dân luật cho các Tòa Nam án Bắc Kỳ

[5] Người viết chưa tìm hiểu được “gian dối” ở đây nghĩa là gì      

 

NGÔ CƯỜNG