TỬ TÙ VẪN CÓ QUYỀN ĐƯỢC HIẾN XÁC CHO Y HỌC.

Liên quan đến rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng , nhiều bị cáo bị tuyên án tử hình có tâm tư nguyện vọng muốn hiến bộ phận cơ thể, hiến xác cho y học. Thế nhưng, việc pháp luật không quy định rõ quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù được thực hiện như thế nào dẫn đến còn lúng túng đối với cơ quan chức năng.

             1.Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác

            Quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể là một trong những quyền con người được pháp luật ghi nhận, trước tiên đó là Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 3 Điều 20 Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”. Và Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã thể chế quy định khá rõ tại Điều 35, cụ thể:

          Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. 

        Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. 

         Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

            Bên cạnh đó, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác đó là “Người đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác” . Đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên thì tất cả mọi người đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Mặc dù hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất – tước đoạt mạng sống của người phạm tội, thế nhưng không đồng nghĩa với việc hạn chế các quyền con người, quyền công dân còn lại của bị cáo điển hình là quyền hiến mô, hiến bộ phận cơ thể và hiến xác; mỗi hình phạt chỉ hạn chế một số quyền của con người chứ không phải tất cả, ví dụ như phạt tù sẽ hạn chế quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, lao động…. Còn hình phạt tử hình sẽ tước bỏ đi quyền sống của con người, nhưng quyền sống bị tước bỏ không đồng nghĩa với việc quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác sau khi chết cũng bị tước bỏ. Có thể nói quyền sống là quyền khởi tạo nên các quyền khác của con người, của công dân những không có nghĩa một khi quyền sống bị tước bỏ hoặc hạn chế thì những quyền khác cũng bị mất.

         Điều này chứng minh qua việc hiện nay không chỉ Bộ luật dân sự quy định về “quyền hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết” mà Bộ luật Hình sự cũng bảo vệ thông qua Tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; mặc dù nằm trong nhóm tội Xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng nhưng một trong số các mục đích tội danh này cũng nhằm “bảo vệ an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người đã chết”. Bộ phận cơ thể, xác của mỗi người sẽ do người đó định đoạt theo ý chí của mình lúc còn sống và sau khi đã chết vẫn sẽ được pháp luật vẫn bảo vệ; do vậy trước hết là người chấp hành hình phạt tử hình trong thời gian đợi thi hành án vẫn có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể mình và thứ hai thì sau khi bị tử hình thì vẫn có quyền hiến xác. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm, từ đó việc không cho phép tử tù hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân mà pháp luật ghi nhận.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) (trái) xin thi hành án sớm để hiến xác (Phiên tòa vụ án Vận chuyển trái phép chất ma túy ngày 9/10. Ảnh: Tân Châu.)

           2. Thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác thế nào?

            Rất nhiều trường hợp tử tù xin được hiến xác nhưng đến nay ở nước ta vẫn chưa giải quyết được, hệ thống pháp luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này do đó các Cơ quan có thẩm quyền vẫn còn lúng túng trong việc xử lý yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của các tử tù. Thế nhưng, không phải vì pháp luật quy định không rõ ràng thì quyền hiến xác của các tử tù bị hạn chế và vấn đề này tác giả xin đưa ra ý kiến như sau:

         Trước tiên, đối với các trường hợp tử tù trong thời gian đợi chấp hành hình phạt tử hình thì Cơ quan thi hành án cần tạo điều kiện để các phạm nhân có thể hiến mô, hiến bộ phận cơ thể. Lúc này có thể áp dụng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm hiện hành; nếu phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể thì cán bộ quản lý, Cơ quan có thẩm quyền cần tư vấn về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể sống cũng như trình tự thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể sống cho phạm nhân được rõ. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định về thủ tục như sau:”

           Điều 12. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống  

Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế. 

Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. 

Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. 

Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm sau đây: 

a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người; 

b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; 

c) Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. 

Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống. 

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống; việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

            Thứ hai, về việc hiến xác của phạm nhân thi hành án tử hình, hiện nay pháp luật nước ta chưa quy định cụ thể về vấn đề này do vậy nhiều phạm nhân có mong muốn, nguyện vọng được hiến xác cho y học sau khi tử hình vẫn chưa được chấp nhận. Việc hiến xác sẽ hoàn toàn không thực hiện được nếu dùng phương pháp tử hình bằng xử bắn, lúc này xác sẽ không còn nguyên vẹn, mất đi khả năng phục vụ cho y học. Trường hợp thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thì việc tự nguyện hiến xác sau khi tử hình cũng không khả thi vì hệ quả của việc tử hình bằng thuốc sẽ dẫn đến các bộ phận trên cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm độc. Do đó, để thực hiện được nguyện vọng hiến xác của các tử tù trước tiên cần điều chỉnh lại hai vấn đề chính: Một đó là bổ sung vào hệ thống pháp luật, quy định cụ thể trường hợp hiến xác của phạm nhân sau khi chấp hành hình phạt tử hình; Hai là đồng thời điều chỉnh lại phương pháp thi hành án bằng thuốc nhằm mục đích đảm bảo xác của các phạm nhân sau khi tử hình vẫn có khả năng phục vụ cho y học. Điều này bảo vệ các quyền hiến định và cũng phần nào đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của những con người trót phạm sai lầm.

LÊ THIỆN