“Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự” -  Một công trình thiết thực và hữu ích

Nhà xuất bản Thanh Niên vừa xuất bản cuốn “Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự” do PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án chủ biên. Với gần 600 trang khổ 16x24, cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung cụ thể, thiết thực về lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, rất bổ ích cho Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.

Công trình gồm có ba phần, phần thứ nhất là hình sự, phần thứ hai về tố tụng hình sự và phần thứ ba là các bài viết về hình sự, tố tụng hình sự của tác giả.

Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 qua mấy năm áp dụng vào thực tiễn xét xử đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà có những quan điểm khác nhau về nhận thức và áp dụng, ngay cả những công văn hướng dẫn của TANDTC cũng có những điểm chưa rõ và cũng chưa nhận được sự thống nhất cao. Hiện nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng chưa có nghị quyết hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc trên, mà cũng chỉ mới dừng lại ở các công văn giải đáp không mang tính quy phạm pháp luật, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong việc định tội cũng như các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các quy định về thủ tục tố tụng cũng chưa được áp dụng thống nhất.

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về hình sự, đồng thời lại là Thẩm pháp cao cấp, Thành viên Hội đồng khoa học của TANDTC, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, nên trong năm 2020, với cương vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 1,  tác giả đã có sáng kiến đề xuất với 14 Tòa án trong thuộc Cụm thi đua số 1 nêu lên tất cả những vướng mắc, bất cập từ những quy định của BLHS và BLTTHS năm 2015 gửi về để tác giả nghiên cứu và có những bình luận.

Trên cơ sở các vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn sinh động mà 14 TAND gửi về, PGS.TS Phạm Minh Tuyên đã nghiên cứu và tổ chức một ngày tọa đàm tại TAND tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia của lãnh đạo và Chánh tòa hình sự của 14 TAND thuộc Cụm thi đua số 1, cũng như sự có mặt của lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội, lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Giám đốc kiểm tra 1, Học viện Tòa án cùng nhiều Thẩm phán tham dự và thảo luận sôi nổi.

Phần 1 của công trình “Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự” bám sát các Công văn giải đáp của TANDTC, kết quả cuộc tọa đàm và nghiên cứu, tác giả giải quyết từng vướng mắc và đưa ra các bình luận sắc sảo.

Ví dụ, một vấn đề đặt ra là “Bị cáo là người thu ngân trong siêu thị, lợi dụng việc khách hàng không lấy hóa đơn bán hàng là rau củ quả, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền bán được, bị cáo phạm tội gì?

Hay câu hỏi: Trong vụ án buôn lậu, ngoài hành vi buôn lậu, bị cáo còn thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ của cơ quan, tổ chức để hợp thức hóa việc buôn lậu. Vậy hành vi làm giả các giấy tờ của cơ quan, tổ chức đó có cấu thành tội phạm độc lập hay không?

Thực tế hiện nay có các vụ án, sau khi giết người bị cáo lấy tài sản của nạn nhân, khi đó bị cáo có phạm tội cướp tài sản hay không?

Với  từng vấn đề vướng mắc đặt ra hết sức thiết thực, cụ thể, những tình huống thường gặp hàng ngày của Thẩm phán, Hội thẩm… đều được luận giải dưới góc nhìn của chuyên gia hình sự Phạm Minh Tuyên, dẫn chiếu các quy định có liên quan và bình luận kỹ, nên có giá trị tham khảo, hướng dẫn rất cao.

Ở phần hai, những vướng mắc cần giải đáp cũng rất đa dạng. Có câu hỏi đặt ra là trong vụ án về tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS có nhiều bị cáo nhưng người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với một bị cáo thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với một bị cáo hay ra quyết định đình chỉ đối với tất cả các bị cáo ? Đề nghị hướng dẫn quy định tại Điều 282 BLHS trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ đối với từng bị can, bị cáo? Trường hợp này Thẩm phán ra quyết định đình chỉ đối với một bị cáo hay Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ tất cả vụ án án?

Trường hợp có sự mâu thuẫn trong việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa giữa bị cáo là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện hợp pháp của họ theo quy định tại Điều 17 BLTTHS năm 2015, thì Hội đồng xét xử sẽ theo ý kiến của ai?

Trong vụ án mua dâm người dưới 18 tuổi, người bán dâm là người dưới 16 tuổi thì tư cách tham gia tố tụng của người bán dâm là gì? Hiện có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng họ là người bị hại vì tội phạm này đồng thời xâm phạm đến hai khách thể, đó là trật tự công cộng và sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ em. Quan điểm thứ hai cho rằng, khách thể của tội này là trật tự công cộng nên họ chỉ có thể là người làm chứng hoặc là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có giải quyết về tài sản đồ vật thu giữ của họ).

Vướng mắc về việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án. Luật Thi hành án hình sự 2019 có hiệu lực áp dụng từ mùng 1/1/2020 có quy định về việc người bị kết án treo, bị phạt cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, trong thời gian chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phải bằng quyết định riêng hay trong cùng một quyết định thi hành án, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thời điểm ban hành và có bắt buộc phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh không, đang là vướng mắc trên thực tế cần phải có hướng dẫn cụ thể…

Ở phần ba, là các bài nghiên cứu chuyên sâu của tác giả về các vấn đề hình sự, tố tụng hình sự. Những bài nghiên cứu này có chung đặc điểm là những vấn đề rất bám sát thực tiễn sinh động. Có thể thấy có những bài như: Trách nhiệm hình sự của Pháp nhân ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong quá trình áp dụng pháp luật; Một số vấn đề về xâm hại tình dục đối với trẻ em nhìn từ góc độ xã hội và những quy định của BLHS 2015; Một số ý kiến về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015; Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và các quy định của pháp luật hình sự đối với vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng…

PGS. TS Phạm Minh Tuyên từ cương vị Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Tòa án. Từ đây, PGS.TS Phạm Minh Tuyên có điều kiện chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo, mang những kết quả nghiên cứu nhiều năm của mình và kinh nghiệm hoạt động xét xử phong phú chia sẻ với học viên. Cuốn “Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự” là công trình đầu tiên xuất bản sau khi tác giả làm Giám đốc Học viện Tòa án, nên là một dấu ấn đáng ghi nhớ sau rất nhiều công trình đã xuất bản của PGS.TS Phạm Minh Tuyên.

Mở đầu cuốn sách, tác giả có viết: “Đây là quan điểm cá nhân của tác giả nên cũng không thể đầy đủ như mong muốn, rất mong các đồng nghiệp thông cảm và góp ý với mục đích chung và pháp luật được áp dụng thống nhất, tránh được những sai sót trong xét xử để Tòa án xứng đáng là biểu tượng của Công lý và vì Công lý”.

Ý kiến tác giả như thế, còn lại là ý kiến của đông đảo bạn đọc sau khi có trong tay bản cuốn “Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự” mà chúng tôi đánh giá cao này.

THÁI VŨ