Bàn về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp thể hiện sự nhân đạo của pháp luật hình sự, căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (trước khi bị kết án hoặc đang thi hành án) đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù.
1. Quy định của luật
Theo Điều 49 của BLHS năm 2015 [1] thì biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với 3 trường hợp: Đối với người mắc bệnh trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; đối với người có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Hay nói cách khác đối với bị can, bị cáo hoặc người bị kết án phạt tù bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Viện kiểm sát, Tòa án quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh không bị hạn chế, người được đưa vào các cơ sở điều trị chuyên khoa sẽ được điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Việc xác định người phạm tội đã khỏi bệnh hay chưa phải căn cứ kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần của hội đồng giám định có thẩm quyền.
2. Quan điểm khác nhau khi áp dụng
Thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về thời gian bắt buộc chữa bệnh có được trừ vào thời gian chấp hành án, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Bởi lẽ, khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015 quy định “thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” áp dụng đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù; còn đối với trường hợp người bị khởi tố (bị can), người trước khi bị kết án (bị cáo) bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình bị Viện kiểm sát, Tòa án quyết định bắt buộc chữa bệnh thì thời gian bắt buộc chữa bệnh không được trừ vào thời gian chấp hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự mà trước khi bị kết án bị mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi bị Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định bắt buộc chữa bệnh, thời hạn bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành hình tù được áp dụng đối với 2 trường hợp: Một là, người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Hai là, người đang chấp hành hình phạt tù bị mắc bệnh mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Đối với trường hợp người đang bị khởi tố, điều tra, truy tố (bị can), người trước khi bị kết án (bị cáo) có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án bị mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi bị Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định bắt buộc chữa bệnh. Sau khi điều trị khỏi bệnh, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu người phạm tội bị kết án phạt tù thì thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù kể cả giai đoạn điều tra, truy tố (bị can), giai đoạn xét xử (bị cáo) và giai đoạn thi hành án.
Thực tiễn áp dụng quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi tiến hành tố tụng Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đều đề nghị Hội đồng xét xử trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba: Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với bị can, bị cáo có năng lực trách nhiệm hình sự mà trước khi bị kết án hoặc đang chấp hành hình phạt tù, bị mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phạm tội.
3. Một số kiến nghị
Để tránh cách hiểu không đúng, áp dụng khác nhau, không thống nhất về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn về cách tính thời gian bắt buộc chữa bệnh hoặc sữa đổi, bổ sung như sau:
+ Hướng thứ nhất: Sữa đổi quy định khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015: Thời gian bắt buộc chữa bệnh trước khi bị kết án hoặc đang chấp hành án được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
+ Hướng thứ hai: Bổ sung thêm một điều luật riêng: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh”- Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh quy định tại Điều 49 của Bộ luật này đã khỏi bệnh, thì tùy giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định đình chỉ thi hành biện pháp này. Thời gian bắt buộc chữa bệnh trước khi bị kết án hoặc đang chấp hành án được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm quản lý, điều trị cho người bắt buộc chữa bệnh (Ảnh minh họa)
[1].Điều 49 của BLHS năm 2015 quy định biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận