Đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu

Các tội xâm phạm sở hữu diễn ra rất phức tạp, đa dạng. Thực tế cho thấy, rất cần có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền để việc xét xử các vụ án về nhóm tội này được chính xác.

Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Chư­ơng XVI BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm chế độ sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Như vậy, đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu là tài sản nhưng không phải cứ là tài sản thì là đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu.

1. Tài sản

Theo quy định tại Điều 105 BLDS, thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Trong đó:

- Vật là những vật thuộc thế giới vật chất có thật đang tồn tại và sẽ có (nh­ư hoa màu, lợi tức hoặc sẽ đ­ược chế tạo theo mẫu mã đã đ­ược thoả thuận giữa các bên).[1] Để được coi là vật có thật, vật đó phải thoả mãn ba điều kiện là: Vật có thật phải là một bộ phận của thế giới vật chất; phải có lợi ích cho con người; và con người có thể chiếm giữ đ­ược.

- Tiền (tiền giấy, tiền kim loại) do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[2]

- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác[3], bao gồm: cổ phiếu, séc, công trái, ngân phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng...

- Quyền tài sản là quyền trị giá đ­ược bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữ trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền khác.[4]

2. Tài sản là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu

Đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ thông qua việc quy định những hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu. Do vậy, khi xác định đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu cần chú ý:

- Thứ nhất, xét trên bình diện quan hệ giữa hành vi và đối tượng bị tác động. Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản chỉ là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu khi bị tác động bởi một trong những hành vi xâm phạm sở hữu quy định tại Chương XVI “Các tội xâm phạm sở hữu” BLHS gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Do vậy, cũng là tài sản nhưng bị tác động bởi những hành vi quy định tại các Chương khác của BLHS thì không phải là đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu mặc dù cũng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: Vũ khí quân dụng tranng bị cho một đơn vị lực lượng vũ trang bị chiếm đoạt trái phép không phải là đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu nhưng lại là đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu khi bị người (không thuộc diện quy định tại Điều 392 BLHS) hủy hoại hoại cố ý làm hư hỏng.

- Thứ hai, xét trên bình diện “ý nghĩa pháp lý của việc thực hiện hành vi chiếm đoạt” với việc chiếm đoạt được tài sản. Giấy tờ có giá và các quyền tài sản nói chung không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu. Bởi lẽ, chiếm đoạt được các giấy tờ nêu trên không đồng nghĩa với việc chiếm đoạt được số tài sản được ghi trong các giấy tờ đó. Ví dụ: Trộm cắp số tiết kiệm không đồng nghĩa với việc trộm cắp được số tiền tiết kiệm được ghi trong sổ tiết kiệm. Vì để lấy được số tiền trong sổ tiết kiệm đó, người rút tiền phải xuất trình chứng minh thư, ký vào giấy thanh toán đúng chữ ký mà mình đã ký khi gửi tiền. Do vậy, chỉ những giấy tờ có giá không ghi danh người sở hữu và bất kỳ ai có giấy tờ đó đều có quyền thanh toán với tổ chức phát hành giấy tờ mà không cần xuất trình chứng minh nhân dân, ký thủ tục thanh toán đúng với chứng minh và chữ ký khi nhận giấy tờ có giá mới là đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu. Ví dụ: Séc không ghi danh, công trái không ghi danh… Việc định tội danh, định khung hình phạt đối với hành vi xâm phạm sở hữu trong trường hợp này được căn cứ vào giá trị tài sản ghi trong giấy tờ có giá.

- Thứ ba, xét trên bình diện phương tiện thanh toán. Mặc dù tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[5] nhưng ngoại tệ vẫn được quy đổi ra tiền Việt Nam để thanh toán trong các giao dịch dân sự, kinh tế… Cho nên, tiền ngoại tệ cũng là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu. Nghĩa là, hành vi xâm phạm sở hữu quy định tại Chương XVI BLHS đối với ngoại tệ vẫn bị coi là phạm tội xâm phạm sở hữu. Ví dụ: Hành vi trộm cắp 2.000 USD vẫn bị coi là hành vi phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS. Việc định tội danh, định khung hình phạt đối với hành vi xâm phạm sở hữu trong trường hợp này được căn cứ vào giá trị ngoại tệ quy đổi ra đồng tiền Việt Nam.

- Thứ tư, ngoài tài sản, thì “con người” cũng là đối tượng tác động của một số tội xâm phạm sở hữu như: Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội cướp giật tài sản và Tội trộm cắp tài sản. Trong đó:

+ Đối với Tội cướp tài sản và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội tác động (dùng vũ lực, bắt cóc) lên con người gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe con người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản;

+ Đối với Tội cướp giật tài sản, thì đồng thời với việc tác động lên tài sản, người phạm tội đã tác động lên con người gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe con người để nhanh chóng chiếm đoạt được tài sản và tẩu thoát.

+ Đối với Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, Tội trộm cắp tài sản và Tội cướp giật tài sản, thì hành vi “hành hung để tẩu thoát” tác động lên thân thể con người gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe con người sau khi người thực hiện hành vi phạm tội đã chiếm giữ được tài sản để tẩu thoát. Tuy nhiên, chỉ có Điều 171 BLHS quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tỷ lệ tổn thương cơ thể  từ 61%  trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên” lần lượt là các tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4; “Làm chết người” là tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm c khoản 4 của Điều luật này.

Có một vấn đề cần lý giải là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên và làm chết người là thiệt hại do hành vi cướp giật tài sản gây ra hay là thiệt hại do hành vi hành hung để tẩu thoát gây ra? Bởi lẽ hành vi hành hung để tẩu thoát là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thực hiện đồng thời với hành vi cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản.

Cho nên, nếu coi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên và làm chết người là thiệt hại do hành vi hành hung để tẩu thoát gây ra, thì không thể căn cứ vào quy định tại Điều 172 và 173 BLHS để xử phạt người phạm Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc Tội trộm cắp tài sản khi hành hung để tẩu thoát gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc làm chết người. Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ bị kết án về hai tội là: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc Tội trộm cắp tài sản và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc Tội giết người.

Nếu coi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên và làm chết người là thiệt hại do hành vi cướp giật tài sản (hành vi khách quan của cấu thành tội phạm) gây ra, thì tại Điều 172 và 173 BLHS không quy định tình tiết định khung hình phạt: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tỷ lệ tổn thương cơ thể  từ 61%  trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên; Làm chết người” là không đầy đủ.

Theo chúng tôi, chỉ nên coi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới  11% là hậu quả của hành vi “hành hung để tẩu thoát” ở  Tội cướp giật tài sản, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và Tội trộm cắp tài sản. Còn “hành hung để tẩu thoát” khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản và trộm cắp tài sản gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ  11% trở lên hoặc làm chết người phải bị coi là phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người. Điều này cho thấy, rất cần có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền để việc xét xử các vụ án về nhóm tội này được chính xác.

 

TAND tỉnh Kon Tum xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Đức Thắng

 

         

 

 

 

[1] Xem: Từ điển luật học, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1999, tr 443.

[2] Xem: Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Điều  17.

[3] Xem: Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Điều  6.

[4] Xem: Bộ luật dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, Điều 115.

[5] Xem: Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Điều  17.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)