Hoàn thiện quy định của pháp luật về thu thập vật chứng trong vụ án hình sự

Vật chứng là vấn đề rất quan trọng trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định khá cụ thể và chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn có một số bất cập cần hoàn thiện.

1. Thẩm quyền thu thập vật chứng của Tòa án

Việc thu thập vật chứng thuộc thẩm quyền của cơ quan các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định tại Điều 88 BLTTHS 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thu thập chứng cứ bằng cách: Triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Trước đây, khi áp dụng BLTTHS 2003 thì việc thu thập vật chứng thuộc thẩm quyền của cơ quan Điều tra trong giai đoạn điều tra. Hoạt động này được thực hiện chủ yếu trong các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể. Trong một số trường hợp, điều tra viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án nhằm phục vụ cho mình quá trình chứng tội phạm và người phạm tội. Tòa án không có thẩm quyền thu thập vật chứng. Do vậy, trong trường hợp xét thấy cần thiết thu thập thêm vật chứng đề chứng minh tội phạm và người phạm tội thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 đã quy định thêm thẩm quyền thu thập vật chứng cho Tòa án để tạo sự chủ động cho Tòa án và giải quyết vụ án một cách nhanh chóng. Điều 52 BLTTHS 2015 quy định:

“Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:

1. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;

3. Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;

4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;

5. Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;

6. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.”

Đây là quy định mới so với BLTTHS 2003 nhằm tạo điều kiện cho Tòa án có thể xác minh, thu tập chứng cứ một cách nhanh chóng. Tòa án có thẩm quyền xác minh, thu thập hoặc bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát.

Sau khi quy định này được ban hành, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định này dẫn đến tình trạng Thẩm phán làm thay công việc của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, ảnh hưởng đến việc tranh tụng tại phiên tòa do việc Thẩm phán vừa là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh lại là người điều khiển tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội.

Tuy nhiên, theo tác giả việc BLTTHS quy định thêm cho Tòa án quyền thu thập chứng cứ là là hợp lý vì hiện nay ở Việt Nam hoạt động tố tụng theo mô hình thẩm vấn có yếu tố tranh tụng chứ không phải là mô hình tố tụng tranh tụng, nên việc tạo điều kiện cho Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ là hợp lý. Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 252 BLTTHS quy định: “Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án điều đó chứng tỏ những chứng cứ mà Tòa án thu thập là những chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được. Vì vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án giúp cho Hội đồng xét xử có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt người phạm tội.

Vấn đề ở đây là cần cụ thể hóa quy định này để tạo điều kiện cho Tòa án thuận lợi hơn trong việc thu thập chứng cứ và quan trọng hơn là gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi không thực hiện việc cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.

2.Thẩm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa

Bên cạnh những chủ thể trên, thì tại Điều 88 BLTTHS 2015 cũng quy định một chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ, đó là người bào chữa. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Chứng cứ của người bào chữa thu thập và đưa ra nhằm chứng minh, có giá trị “gỡ tội”, mang tính phản biện cao (một phần hoặc toàn bộ) đối với chứng cứ buộc tội và luận điểm của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73 BLTTHS 2015 mới chỉ dừng lại ở việc quy định quyền của người bào chữa trong vấn đề thu thập chứng như: Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.

BLTTHS 2015 có hiệu lực đã quy định thêm quyền của người bào chữa trong việc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp vật chứng. Khoản 2 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”. Tuy nhiên, về phía trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thu thập vật chứng đang bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, trên thực tế việc thực hiện quyền này của người bào chữa còn gặp nhiều khó khăn. Việc đáp ứng yêu cầu của người bào chữa hay không còn tùy thuộc vào thiện chí của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để hoàn thiện các quy định về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, theo tác giả cần bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đáp ứng yêu cầu của người bào chữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ thu thập chứng cứ nói riêng và vật chứng nói chung.

Theo tác giả cần bổ sung vào khoản 2 Điều 88 BLTTHS về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với yêu cầu cung cấp chứng cứ cho người bào chữa theo hướng như sau: Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Khi có yêu cầu của người bào chữa về vấn đề cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản theo yêu cầu của người bào chữa”.

 

Cảnh sát điều tra xem xét hiện trường vụ án mạng - Ảnh: Tiểu Thiên/ BTN

 

 

HOÀNG ĐÌNH DŨNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4)