Pháp luật Trung Quốc về kiện phái sinh và kiến nghị cho Việt Nam
Với mục đích đáp ứng sự phát triển của nền tố tụng hiện đại, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cần thiết lập cơ chế kiện phái sinh. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các quy định lập pháp về hình thức kiện phái sinh của Trung Quốc, đồng thời đánh giá những ưu điểm và hạn chế của cơ chế kiện này. Trên cơ sở đó, kiến nghị một số đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế kiện phái sinh phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Đặt vấn đề
Kiện phái sinh là chế định được đề cập lần đầu tiên ở Trung Quốc trong Luật Công ty năm 2005. Chế định này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, cụ thể là răn đe các hành vi vi phạm nghĩa vụ của ban quản lý công ty, đảm bảo ban quản lý chịu trách nhiệm trước công ty và bảo vệ lợi ích của cả công ty và cổ đông. Việt Nam là quốc gia láng giềng sở hữu hệ thống pháp luật có nhiều nét tương đồng so với Trung Quốc, đồng thời ghi nhận hình thức kiện phái sinh lần đầu tiên trong Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền khởi kiện phái sinh của cổ đông trong Luật DN 2020 mà chưa có những văn bản khác hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Vậy nên, việc nghiên cứu quy định về kiện phái sinh của Trung Quốc là cần thiết giúp Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của quốc gia.
1. Quy định kiện phái sinh tại Trung Quốc
1.1. Sự ra đời của kiện phái sinh tại Trung Quốc
Kiện phái sinh lần đầu tiên được Trung Quốc quy định trong Luật Công ty năm 2005. Cụ thể, tại Điều 152, Trung Quốc đã thừa nhận kiện phái sinh với tên gọi “Quyền khởi kiện của cổ đông để bảo vệ lợi ích của công ty”. Điều 152 Luật Công ty năm 2005 cũng xây dựng cho hình thức kiện này một khung pháp lý cần thiết bao gồm điều kiện của cổ đông và thủ tục để cổ đông theo đuổi một vụ kiện bảo vệ quyền lợi cho công ty. Cho đến hiện tại, Luật Công ty của Trung Quốc đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung nhưng về cơ bản, nội dung của kiện phái sinh vẫn được giữ nguyên trong Luật Công ty năm 2013 và năm 2018. Lần sửa đổi gần đây nhất, Luật Công ty năm 2023 có sự thay đổi đáng kể về kiện phái sinh khi mở rộng thêm về phạm vi áp dụng của phương thức kiện này trong hệ thống pháp luật Trung Quốc. Điều 189 Luật Công ty năm 2023, Trung Quốc đã bổ sung thêm hệ thống “khởi kiện đại diện cổ đông kép” quy định tại khoản 4 Điều này. Đây là một bổ sung mới mà trước đây chưa từng được ghi nhận tại Điều 151 Luật Công ty năm 2018. Cụ thể, “Nếu giám đốc, giám sát viên hoặc nhân viên quản lý cấp cao của công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty có các hành vi được quy định trong điều khoản trước, hoặc nếu người khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty gây ra tổn thất, thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông của công ty cổ phần nắm giữ ít nhất 1% cổ phần của công ty liên tục trong hơn 180 ngày, có thể yêu cầu bằng văn bản theo quy định của ba khoản trước đó để yêu cầu hội đồng giám sát hoặc hội đồng quản trị của công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc tự mình khởi kiện tại Tòa án nhân dân”1.
Khoản 4 Điều 189 Luật Công ty năm 2023 đã xây dựng phạm vi cơ bản của hình thức kiện phái sinh. Hiện nay, ngoài quyền khởi kiện các giám đốc, giám sát viên và giám đốc điều hành cấp cao của công ty mẹ, các cổ đông của công ty mẹ còn có thêm quyền khởi kiện các giám đốc, giám sát viên và giám đốc điều hành cấp cao của các công ty con thuộc sở hữu toàn phần của công ty.
1.2. Phạm vi áp dụng của kiện phái sinh tại Trung Quốc
Căn cứ theo quy định tại Điều 189 Luật Công ty năm 2023 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một vụ kiện phái sinh có thể được áp dụng trong hai trường hợp sau[2]:
Thứ nhất, giám đốc, người quản lý và người điều hành cấp cao vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ và gây thiệt hại cho công ty theo khoản 1, 2 Điều 189 Luật Công ty năm 2023. Đây là trường hợp phổ biến và điển hình nhất của kiện phái sinh tại Trung Quốc. Căn cứ theo quy định tại Điều 181 đến Điều 188 Luật Công ty năm 2023 về những hành vi mà giám đốc, giám sát và quản lý cấp cao không thực hiện, có thể thấy việc nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý công ty được Trung Quốc quy định rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Chính vì vậy, nếu vi phạm pháp luật, quy định hành chính hay điều lệ công ty khi thực hiện nhiệm vụ dẫn đến gây tổn hại cho công ty, giám đốc, người quản lý và người điều hành cấp cao phải chịu trách nhiệm bồi thường cho công ty[3]. Nhưng cũng có những trường hợp, sau khi nhận được văn bản yêu cầu của cổ đông, ban lãnh đạo, quản lý công ty từ chối ngăn chặn hành vi vi phạm, không khắc phục hậu quả cho công ty. Trong trường hợp này, khởi kiện phái sinh nên được áp dụng để cổ đông bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty.
Thứ hai, chủ thể khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và gây thiệt hại cho công ty theo khoản 3 Điều 189 Luật Công ty năm 2023 (chủ thể khác ở đây có thể hiểu là bên thứ ba xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty). Đây là một trường hợp khác được áp dụng đối với vụ kiện phái sinh trong pháp luật Trung Quốc tuy nhiên tần suất áp dụng trường hợp này nhỏ hơn đối với trường hợp thứ nhất. Chỉ khi nào ban lãnh đạo công ty biết về những hành vi vi phạm của bên thứ ba gây ra thiệt hại cho công ty nhưng không xử lý, lúc này cổ đông đứng ra khởi kiện ban lãnh đạo vì đã không bảo vệ quyền lợi của công ty.
1.3. Điều kiện của kiện phái sinh tại Trung Quốc
Về tư cách của đương sự, căn cứ theo Điều 24 văn bản của Tòa án nhân dân tối cao quy định về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Công ty của Trung Quốc (IV) (sửa đổi năm 2020) (sau đây gọi là Giải thích tư pháp Luật Công ty IV) thì trong vụ kiện phái sinh, giám đốc, kiểm soát viên, quản lý cấp cao hoặc những người khác sẽ là bị đơn. Còn nguyên đơn phải là cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, để có thể theo đuổi một vụ kiện phái sinh, nguyên đơn trong vụ kiện tại Trung Quốc phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ đã được pháp luật quy định.
Theo quy định tại Điều 189 Luật Công ty năm 2023, đối tượng khởi kiện trong vụ kiện phái sinh là cổ đông, bao gồm các cổ đông có tên trong sổ đăng ký cổ đông trong thời gian công ty tồn tại và các cổ đông đã bị giải thể do giải thể công ty. Trong phương thức kiện này, pháp luật Trung Quốc không đặt ra những điều kiện về tư cách khởi kiện đối với thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cổ đông của công ty cổ phần cần phải đáp ứng những điều kiện về thời hạn sở hữu cổ phần và số lượng cổ phần nắm giữ. Cụ thể: cổ đông của công ty cổ phần có thể khởi kiện nếu họ nắm giữ riêng lẻ hoặc tập thể hơn 1% cổ phần của công ty trong hơn 180 ngày liên tục (sáu tháng). Đồng thời, theo Điều 4 của “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Công ty của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (I)”, thời gian sở hữu cổ phần liên tục trên 180 ngày phải là thời gian đã hoàn thành khi cổ đông khởi kiện lên Tòa án nhân dân. Tổng số cổ phần nắm giữ trên 1% là tổng số cổ phần do hai cổ đông nắm giữ trở lên.
Tại Điều 24 Biên bản Hội nghị xét xử dân sự và thương mại của Tòa án quốc gia (được gọi là Chín Biên bản nhân dân) chỉ ra rằng: “Thời điểm trở thành cổ đông không ảnh hưởng đến việc khởi kiện: Khi cổ đông khởi kiện đại diện cổ đông, nếu bị đơn đưa ra lý do rằng nguyên đơn không phải là cổ đông của công ty vào thời điểm hành vi xảy ra để phản biện rằng cổ đông này không phải là nguyên đơn thích hợp, thì Tòa án nhân dân không chấp nhận”4. Điều này có thể hiểu, bất kể thiệt hại cho công ty xảy ra trước hay sau khi nguyên đơn đạt được tư cách cổ đông, đều không ảnh hưởng đến quyền nộp đơn kiện của cổ đông miễn là cổ đông đó đáp ứng được các điều kiện cần thiết khác như thời gian sở hữu cổ phần hay số lượng cổ phần.
Một điểm rất đặc biệt nữa trong hệ thống kiện phái sinh tại Trung Quốc là sự tham gia của công ty vào vụ kiện. Vì vụ kiện đại diện cổ đông là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của công ty, nhằm bảo vệ lợi ích của công ty nên trong vụ kiện phái sinh, công ty phải được tham gia tố tụng là bên thứ ba[5]. Điều này có nghĩa, công ty vẫn cần xuất hiện trong phiên tòa vì quyền lợi và nghĩa vụ của công ty có thể bị ảnh hưởng bởi kết quả của vụ kiện.
1.4. Thủ tục giải quyết vụ kiện phái sinh tại Trung Quốc
Để có thể thực hiện vụ kiện phái sinh, cổ đông trong công ty phải thực hiện một thủ tục mang tính bắt buộc với tên gọi là “Thủ tục sơ bộ”. Thủ tục sơ bộ là điều kiện tiên quyết để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện phái sinh.
Theo quy định tại Điều 189 Luật Công ty năm 2023, cổ đông đại diện khởi kiện phải hoàn tất các thủ tục pháp lý tiên quyết, tức là có văn bản yêu cầu gửi đến Ban kiểm soát hoặc giám sát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn không có ban kiểm soát, cơ quan giám sát, đồng quản trị, giám đốc điều hành của công ty trách nhiệm hữu hạn không có hội đồng quản trị, để những đối tượng này khởi kiện. Chỉ khi những đối tượng nêu trên từ chối khởi kiện hoặc đối tượng nói trên không khởi kiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu thì cổ đông mới có quyền khởi kiện phái sinh. Điều này đòi hỏi trước tiên các cổ đông phải sử dụng hết các biện pháp khắc phục nội bộ của công ty, giúp cho các bên có thời gian để giải quyết và hòa giải trước khi khởi kiện đại cổ đông.
Trong trường hợp, cổ đông là nguyên đơn không yêu cầu hội đồng quản trị, giám sát viên hoặc ban giám đốc hoặc giám đốc điều hành nộp đơn kiện, và không đủ chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp ngoại lệ được miễn thủ tục sơ bộ thì Tòa án sẽ ra quyết định bác bỏ hồ sơ khởi kiện.
Các trường hợp ngoại lệ được miễn thủ tục sơ bộ theo luật định:
Thứ nhất, “tình thế cấp bách”. Đây là một yêu cầu về mặt thời gian, bản chất của nó nằm ở tính cấp thiết trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm. Từ đó, cần có sự can thiệp của cơ quan tư pháp để ngăn chặn, nếu không sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 189 Luật Công ty năm 2023, cổ đông có quyền khởi kiện trực tiếp mà không cần hoàn thành các thủ tục chuẩn bị pháp lý. Một số tình huống khẩn cấp có thể liệt kê như: (1) Cổ đông không khởi kiện ngay sẽ dẫn đến hết thời hiệu; (2) Người vi phạm đã chuyển giao tài sản của công ty và vẫn tiếp tục có hành vi xâm phạm lợi ích của công ty; (3) Công ty đã gây ra nhiều vụ kiện do tranh chấp về vốn và công ty đã đi vào bế tắc nếu cổ đông không khởi kiện ngay, lợi ích của công ty sẽ tiếp tục bị tổn hại.
Thứ hai, “không có khả năng thực hiện”. Trường hợp này được hiểu là không có khả năng thực hiện các thủ tục sơ bộ về mặt khách quan. Điều 25 Biên bản Hội nghị xét xử dân sự và thương mại của Tòa án quốc gia (được gọi là Chín Biên bản nhân dân) làm rõ hơn việc áp dụng “thủ tục sơ bộ theo luật định”. Theo đó, các thủ tục sơ bộ nhằm vào “tình hình chung về quản trị doanh nghiệp, tức là khi các cổ đông nộp đơn bằng văn bản cho cơ quan quản lý của công ty có thẩm quyền, sau đó cơ quan quản lý có thẩm quyền của công ty sẽ tiến hành khởi kiện[6]. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu từ các bằng chứng liên quan có thể chứng minh được khả năng này hoàn toàn không tồn tại thì Tòa án nhân dân không bác bỏ vụ kiện với lý do nguyên đơn không làm thủ tục sơ thẩm.
Ví dụ, Trường hợp tranh chấp về quyền lợi của công ty giữa Trần Đạt Văn với Công ty Phát triển và Kinh doanh Công viên Triều Dương Bắc Kinh, Công ty Phát triển Bất động sản Bắc Kinh Minh Đạt
Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Bất kể Công ty Minh Đạt Bắc Kinh có thiết lập Ban Kiểm soát hay không, việc Công ty Triều Dương không xác định rõ đối tượng gửi thư là Ban Kiểm soát Công ty Minh Đạt Bắc Kinh chỉ là sai sót về mặt hình thức. Hai lần gửi thư của Công ty Triều Dương đã rõ ràng thể hiện ý định yêu cầu giải quyết tổn thất tiền bán hàng thông qua khởi kiện (ngày 1 tháng 11 năm 2006 và ngày 5 tháng 1 năm 2007, Công ty Triều Dương đã hai lần gửi thư yêu cầu Công ty Minh Đạt Bắc Kinh giải quyết vấn đề tổn thất tiền bán hàng thông qua khởi kiện, cả hai thư đều đã được Công ty Minh Đạt Bắc Kinh ký nhận). Do đó, hành vi thực hiện thủ tục tiền tố tụng của Công ty Triều Dương được công nhận[7].
1.5. Thẩm quyền giải quyết vụ kiện phái sinh tại Trung Quốc
Hiện tại, về vấn đề xác định thẩm quyền giải quyết các vụ kiện phái sinh tại Trung Quốc vẫn đang để ngỏ và chưa có những quy định ràng buộc cụ thể đối với vấn đề này. Điều này dẫn đến những quan điểm khác nhau của một số Tòa án trong việc xác định thẩm quyền:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, tranh chấp kiện kiện phái sinh nên do Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở xét xử[8]. Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông và Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây đều đồng ý với quan điểm này. Cơ sở của quan điểm này là kiện phái sinh là “tranh chấp liên quan đến công ty”, thuộc về kiện tổ chức công ty, nên áp dụng thẩm quyền lãnh thổ đặc biệt.
Quan điểm thứ hai do Tòa án Trung cấp thành phố Thâm Quyến đại diện “Hướng dẫn xét xử các vụ kiện đại diện cổ đông của Tòa án Trung cấp thành phố Thâm Quyến” (có hiệu lực từ ngày 15/10/2015) quy định rằng, “Các vụ kiện đại diện cổ đông do cổ đông khởi kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 151 của Luật Công ty sẽ do Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở xét xử. Các vụ kiện đại diện cổ đông do cổ đông khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 151 của Luật Công ty năm 2018 sẽ được xác định Tòa án có thẩm quyền theo quy định về thẩm quyền lãnh thổ của Luật Tố tụng Dân sự dựa trên tính chất của tranh chấp giữa công ty và người khác liên quan đến vụ kiện”[9].
1.6. Nghĩa vụ chứng minh trong vụ kiện phái sinh tại Trung Quốc
Dựa trên nguyên tắc “ai yêu cầu thì phải cung cấp chứng cứ”, khoản 1 Điều 64 Luật Tố tụng dân sự của Trung Quốc quy định “các bên liên quan có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình”[10]. Từ quy định này có thể thấy, để theo đuổi một vụ kiện phái sinh, nguyên đơn trong vụ kiện hay nói cách khác là cổ đông, phải có nghĩa vụ thu thập và cung cấp chứng cứ để chứng minh cho hành vi vi phạm của bị đơn và các thiệt hại của công ty cũng như mối liên hệ nhân quả của chúng. Nghĩa vụ chứng minh trong một vụ kiện dân sự được quy định rõ trong Luật Tố tụng dân sự và được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng “Luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” tại phần 3 Chứng cứ.
1.7. Chi phí trong các vụ kiện phái sinh tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, các cổ đông khởi kiện phái sinh phải chịu các chi phí pháp lý tương tự như trong một vụ kiện thông thường, bao gồm phí luật sư và phí tố tụng. Các khoản phí này được quy định trong “Measures for the Payment of Litigation Fees” (tạm dịch là Các biện pháp thanh toán tố tụng)[11]. Đây là biện pháp được nhiều các quốc gia trên thế giới áp dụng và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Biện pháp này được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2007[12]. “Measures for the Payment of Litigation Fees” bao gồm phí thụ lý hồ sơ, phí đăng ký phát sinh khi yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp bảo đảm, thanh toán,… và các khoản phí khác. Vì các vụ kiện phái sinh được coi là có tính chất tài sản, phí thụ lý hồ sơ hoặc tạm ứng án phí sẽ được tính dựa trên số tiền yêu cầu bồi thường, theo tỷ lệ tích lũy quy định tại Điều 13 (II) của “Measures for the Payment of Litigation Fees”[13]. Theo Điều 29 của văn bản này, bên thua kiện sẽ phải chịu phí kiện tụng, trừ khi bên thắng kiện tình nguyện thanh toán[14]. Trong trường hợp cả hai bên đều thua một phần, Tòa án sẽ xác định mức phí kiện tụng mà mỗi bên phải chịu dựa trên tình hình cụ thể của vụ án.
Như vậy, sau khi vụ kiện được giải quyết, nguyên tắc “bên thua trả tiền” sẽ được áp dụng. Điều này có nghĩa là nếu nguyên đơn thua kiện, họ sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí. Đây là một vấn đề lớn đối với một số cổ đông khởi kiện, vì số tiền phí thường rất cao, dẫn đến việc họ gặp khó khăn trong việc chi trả. Hậu quả là cổ đông phải yêu cầu bồi thường ở mức thấp hơn để có thể chịu được chi phí tạm ứng án phí, làm giảm đi bản chất của vụ kiện phái sinh, vì số tiền thu về cho công ty sau khi thắng kiện có thể rất nhỏ so với thiệt hại thực tế.
Về phí luật sư, hiện nay pháp luật Trung Quốc chưa có quy định cụ thể về khoản này, do đó mỗi bên đương sự phải tự chi trả phí luật sư cho mình, không phụ thuộc vào kết quả của vụ kiện.
Thêm vào đó, đối với vụ kiện phái sinh, theo Điều 26 Giải thích tư pháp Luật Công ty IV quy định về “chi phí tố tụng” rằng: “Trong trường hợp cổ đông trực tiếp khởi kiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 151 Luật Công ty và nếu yêu cầu khởi kiện được Tòa án nhân dân ủng hộ một phần hoặc toàn bộ thì công ty phải chịu chi phí hợp lý mà nguyên đơn phải chịu vì mục đích này”. Trường hợp tại khoản 2, cho phép cổ đông khởi kiện ban giám đốc, người quản lí công ty khi những người này trực tiếp gây ra thiệt hại cho công ty. Trường hợp tại khoản 3, cho phép cổ đông khởi kiện bên thứ ba khi bên thứ ba có hành vi gây thiệt hại cho công ty. Từ căn cứ này có thể thấy, nếu nguyên đơn là cổ đông rất thiện chí để theo đuổi một vụ kiện phái sinh vì lợi ích chung của công ty, công ty sẽ chịu những “chi phí hợp lý” mà cổ đông phải chịu trong cả vụ kiện. “Chi phí hợp lý” này có thể bao gồm: các khoản phí kiện tụng cần thiết, tổn thất vật chất của nguyên đơn khi theo đuổi vụ kiện, chi phí vận chuyển và phí luật sư phát sinh.
2. Ưu điểm và hạn chế của pháp luật Trung Quốc về kiện phái sinh
2.1. Ưu điểm của pháp luật Trung Quốc về kiện phái sinh
Thứ nhất, hệ thống pháp luật Trung Quốc đang dần hoàn thiện các quy định về hình thức kiện tụng phái sinh, tại Điều 189 Luật Công ty năm 2023 đã bổ sung thêm hệ thống “khởi kiện đại diện cổ đông kép” quy định tại đoạn bốn Điều này[15]. Với sự bổ sung thêm hệ thống “khởi kiện đại diện cổ đông kép” đã góp phần giúp đảm bảo lợi ích của công ty con, tránh các trường hợp công ty mẹ lợi dụng vị thế của mình để thực hiện các hành vi gây hại cho công ty con cụ thể là cổ đông công ty mẹ có thể đứng ra để bảo vệ lợi ích của công ty con khi các vị trí liên quan như giám đốc, giám sát viên và cán bộ cấp cao xâm phạm quyền và lợi ích của công ty con.
Thứ hai, về quy định tư cách khởi kiện phái sinh của Trung Quốc. Theo quy định về kiện phái sinh của Trung Quốc, đối với cổ đông công ty cổ phần, khi nguyên đơn đạt được tư cách cổ đông theo quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu về thời gian sở hữu cổ phần, số lượng cổ phần. Cổ đông có quyền nộp đơn khởi kiện phái sinh dù thời gian xảy ra thiệt hại của công ty có trước hay sau khi đạt được tư cách cổ đông. Qua đó, có thể thấy việc yêu cầu khắt khe cũng đã đảm bảo cho lợi ích của công ty tránh tình trạng lợi dụng kiện phái sinh vì mục đích cá nhân hoặc gây thiệt hại cho công ty. Ngoài ra, việc yêu cầu thời gian sử dụng cổ phần và số lượng cổ phần còn đảm bảo cho sự phát triển của công ty và tránh các vụ kiện phái sinh vô căn cứ.
2.2. Hạn chế của pháp luật Trung Quốc về kiện phái sinh
Thứ nhất, thiếu cơ chế khuyến khích cho cổ đông tham gia vào vụ kiện phái sinh. Kiện phái sinh là vụ kiện do cổ đông theo đuổi, tuy nhiên lợi ích hoàn toàn thuộc về công ty. Chính vì vậy, kết quả thu được sau khi thắng kiện cũng thuộc về công ty. Thế nhưng, quyền lợi của cổ đông trong vụ kiện phái sinh lại rất hạn chế. Chẳng hạn như chi phí kiện tụng đã được trình bày ở trên. Hơn nữa, nếu nguyên đơn thắng kiện nghĩa là lợi ích hợp pháp của công ty đã thực sự bị tổn hại do hành vi vi phạm pháp luật của bị đơn. Lợi ích của công ty sẽ được khôi phục theo việc thi hành án. Cổ đông khởi kiện và các cổ đông khác sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi lợi ích của công ty được khôi phục. Tuy nhiên, với tư cách là nguyên đơn trong vụ kiện phái sinh, các cổ đông khởi kiện đã phải trả một số tiền rất lớn và làm việc chăm chỉ trong vụ kiện. Nếu không thể đưa ra khoản bồi thường cần thiết, sự công bằng sẽ bị mất đi và hệ thống kiện phái sinh sẽ bị phá hủy.
Thứ hai, thiếu cơ chế kiềm chế đối với các vụ kiện phái sinh của cổ đông. Do bản án có tính chất xét xử đối với các cổ đông khác nên cần yêu cầu cổ đông nguyên đơn đại diện công bằng cho quyền lợi của các cổ đông khác. Mặc dù Luật Công ty giới hạn khả năng khởi kiện của cổ đông dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ, nhưng rõ ràng nó không có cơ chế ràng buộc thực chất đối với những cổ đông muốn khởi kiện ác ý dù đã đạt đến tỷ lệ sở hữu cổ phần. Việc lạm dụng quyền khởi kiện tranh tụng phái sinh vì nhiều mục đích không phù hợp thường xuyên xảy ra. Các biểu hiện chính là: các vụ kiện đầu cơ của các cổ đông nguyên đơn và luật sư âm mưu với giám đốc để thu lợi cá nhân. Các vụ kiện quấy rối do các cổ đông đệ trình để giành quyền kiểm soát công ty. Các cổ đông khởi kiện công ty tống tiền để trục lợi bất hợp pháp, v.v. Để đạt được mục tiêu này, cần hạn chế sự kiện tụng của các cổ đông ác ý thông qua các cơ chế kiềm chế.
3. Nhận định và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về kiện phái sinh
Có thể nói, về khía cạnh kinh tế, chính trị - xã hội và pháp luật, Trung Quốc là một nước có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Không chỉ cùng lựa chọn phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà hệ thống pháp luật được quốc gia này sử dụng cũng là hệ thống pháp luật Civil law - pháp luật thành văn - tương tự như Việt Nam. Chính vì vậy, việc đánh giá, xem xét những quy định của pháp luật Trung Quốc và pháp luật Việt Nam về kiện phái sinh là rất cần thiết. Thông qua sự cân nhắc giữa những ưu điểm và thiếu sót của cả hai quốc gia để có thể đưa ra những bài học giúp hoàn thiện những quy định về kiện phái sinh trong pháp luật Việt Nam.
3.1. Nhận định pháp luật Việt Nam về kiện phái sinh
Tại Việt Nam, kiện phái sinh lần đầu tiên được quy định một cách cụ thể là tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định số 102/2010/NĐ-CP). Đây có thể coi là nền móng cho sự phát triển của kiện phái sinh tại Việt Nam khi bước đầu ghi nhận quyền “kiện phái sinh” của thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và bổ sung thêm quyền này đối với cổ đông trong công ty cổ phần[16]. Một nội dung mà trước đây chưa được đề cập trong Luật DN 2005. Về cơ bản, tương tự với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, pháp luật Việt Nam cho phép cổ đông hay thành viên khởi kiện người quản lý công ty khi những người này vi phạm các nghĩa vụ của người quản lý theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Không chỉ vậy, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP còn có một điểm rất đặc biệt khi bổ sung thêm quy định về thủ tục bắt buộc trước khi cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc). Đó là thủ tục yêu cầu yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc/Tổng Giám đốc. Cụ thể, khi cổ đông hay nhóm cổ đông đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP về số lượng cổ phần sở hữu và thời hạn sở hữu có “quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc)” đối với các trường hợp cũng được quy định tại khoản này. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông, Ban kiểm soát phải trả lời bằng văn bản xác nhận đã nhận được yêu cầu khởi kiện và tiến hành các thủ tục khởi kiện theo yêu cầu. Nếu hết thời hạn trên mà Ban kiểm soát không thực hiện các yêu cầu trên, cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc). Nếu công ty không có Ban kiểm soát thì cổ đông, nhóm cổ đông có thể thực hiện ngay quyền khởi kiện mà không cần thông qua thủ tục trên.
Sau này, kiện phái sinh được quy định trực tiếp trong Luật DN 2014 tại Điều 72 và Điều 161. Tuy nhiên, Luật DN 2014 đã loại bỏ thủ tục yêu cầu Ban kiểm soát từng được quy định tại Nghị định số 102/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Điều 72 và Điều 161 Luật DN 2014 đã bổ sung thêm cụm từ “quyền tự mình hoặc nhân danh công ty” để làm rõ thêm về quyền kiện phái sinh và bổ sung thêm nội dung về chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông khởi kiện nhân danh công ty.
Hiện tại, quy định về kiện phái sinh của Việt Nam được cụ thể hóa tại Điều 72 Luật DN 2020 đối với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Điều 166 Luật DN 2020 đối với hình thức công ty cổ phần. Đây đều là hai quy định về kiện phái sinh nhưng quyền “kiện phái sinh” với mỗi loại hình công ty lại có sự khác nhau nhất định. Có thể kể đến một số sự khác biệt sau: Thứ nhất, không có hạn chế đối với quyền “kiện phái sinh” của thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng cổ đông của công ty cổ phần muốn thực hiện quyền này phải đáp ứng được những điều kiện quy định cụ thể tại Điều 166 Luật DN 2020. Cụ thể, cổ đông của công ty cổ phần chỉ được quyền “kiện phái sinh” nếu cổ đông, nhóm cổ đông đó sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Thứ hai, cổ đông, nhóm cổ đông trong công ty cổ phần chỉ có quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc mà không bao gồm người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác như đối với thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Tuy đã có sự ghi nhận quyền của cổ đông nhưng cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản cụ thể hướng dẫn về hình thức kiện tụng phái sinh. Sự thiếu sót này đã khiến những điều luật này dường như mới chỉ nằm trên trang giấy và chưa thực sự được cổ đông xem như một phương thức sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.
3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về kiện phái sinh
Thông qua góc nhìn khái quát về kiện phái sinh trong pháp luật Trung Quốc, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về kiện phái sinh tại Việt Nam:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi áp dụng đối với vụ kiện phái sinh. Có thể thấy, khi theo đuổi một vụ kiện phái sinh, cổ đông đang muốn dành lại những lợi ích mà công ty bị thiệt hại do hành vi vi phạm. Trong thực tiễn, hành vi vi phạm này có thể xuất phát từ chính những người quản lý, điều hành công ty nhưng cũng có thể xuất phát từ những chủ thể khác ngoài những người này khiến công ty bị thiệt hại. Đó có thể là cổ đông, công ty khác, nhà nước,... Chính vì vậy, với mục đích theo đuổi vụ kiện một cách thiện chí, cổ đông nên và phải có được quyền để khởi kiện khôi phục lại quyền lợi cho công ty đã bị mất vì hành vi vi phạm của các chủ thể, ngay cả khi chủ thể đó có phải là người quản lý, điều hành công ty hay không. Hiện nay, tại Điều 72 và Điều 166 Luật DN 2020 của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc trao cho cổ đông quyền khởi kiện đối với người quản lý hay thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc mà chưa có quyền khởi kiện khi chủ thể khác xâm phạm tới quyền lợi của công ty. Trên tinh thần ấy, nhóm tác giả kiến nghị, Luật Doanh nghiệp năm 2020 của Việt Nam nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với hình thức kiện phái sinh, bổ sung thêm “Quyền khởi kiện của cổ đông đối với chủ thể khác”. Trường hợp này xảy ra khi chủ thể khác có hành vi vi phạm tới công ty nhưng người đại diện của công ty lại không thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của công ty. Việc bổ sung thêm quy định này sẽ giúp cổ đông trong công ty có thể đứng ra bảo vệ lợi ích cho công ty và cũng chính là bảo vệ lợi ích cho chính mình.
Thứ hai, xây dựng một cơ chế khuyến khích về lệ phí, án phí đối với hình thức kiện phái sinh. Xét về bản chất, khi theo đuổi một vụ kiện phái sinh, mục đích của cổ đông rất thiện chí để khôi phục lợi ích cho công ty. Và để thực hiện được điều đó, cổ đông thiểu số trong công ty thực sự phải bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc. Chính vì vậy, việc áp dụng hệ thống tính án phí, tạm ứng án phí như pháp luật Việt Nam hiện tại khiến cho cổ đông cảm thấy lo sợ và không dám theo đuổi để đòi lợi ích hợp pháp cho công ty và gián tiếp là cho chính những cổ đông này. Từ những điều trên, nhóm tác giả kiến nghị sẽ áp dụng một hệ thống án phí riêng đối với những vụ kiện phái sinh. Có thể tham khảo một số phương án dưới đây:
Phương án thứ nhất: Giảm mức án phí có giá ngạch theo Bản án phí dân sự có ngạch cũng được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Có thể cân nhắc loại bỏ phần trăm tăng thêm của mỗi mức giá ngạch.
Phương án thứ hai: Căn cứ theo vốn điều lệ của từng công ty để đưa ra một hệ thống án phí hợp lý. Đối với công ty có vốn điều lệ càng lớn thì án phí, lệ phí cũng như tạm ứng án phí, lệ phí càng lớn.
Thứ ba, xác định rõ thời điểm và thời hạn nắm giữ cổ phần/phần vốn góp để theo đuổi một vụ kiện phái sinh. Hai quy định hiện nay trong Luật DN 2020 của Việt Nam về kiện phái sinh dẫn đến những câu hỏi pháp lý về tư cách khởi kiện của cổ đông, có thể kể đến như “liệu cổ đông xác lập tư cách cổ đông sau khi hành vi vi phạm xảy ra dẫn đến thiệt hại có được quyền khởi kiện hay không?”[17]. Cho đến thời điểm hiện nay, việc thiếu đi những văn bản hướng dẫn sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho cổ đông khi theo đuổi một vụ kiện phái sinh và gây lúng túng cho thẩm phán khi xác định vụ việc. Vấn đề này rất cần một hệ thống văn bản dưới luật giúp bổ sung, giải thích và hướng dẫn chi tiết về kiện phái sinh bao gồm cả quy định điều kiện về tư cách cổ đông. Và để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã xác định rất rõ rằng: khi một cổ đông đủ điều kiện để theo đuổi vụ kiện phái sinh thì việc thiệt hại của công ty dù có xảy ra trước hay sau khi cổ đông đạt được tư cách cổ đông cũng không ảnh hưởng đến quyền nộp đơn khởi kiện của cổ đông. Theo ý kiến của nhóm tác giả, có thể thấy, theo đuổi một vụ kiện phái sinh nghĩa là cổ đông đang cố gắng khôi phục lại những lợi ích bị thiệt hại do hành vi vi phạm. Vì thế, với mục đích thiện chí như vậy, việc xác lập tư cách cổ đông trước hay sau thời điểm thiệt hại đều không quan trọng để có thể đòi lại lợi ích hợp pháp. Từ đó, nhóm tác giả kiến nghị giải thích Điều 72 và Điều 166 Luật DN 2020 theo hướng “Cổ đông xác lập tư cách cổ đông sau thời điểm công ty bị thiệt hại không ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền khởi kiện của cổ đông đối với chủ thể có hành vi vi phạm”. Việc giải thích với tinh thần trên giúp cổ đông có thể thực hiện triệt để quyền “kiện phái sinh” của mình một cách thiện chí để bảo vệ quyền lợi công ty.
Thứ tư, xây dựng một cơ chế kiềm chế đối với cổ đông trong vụ kiện phái sinh. Có thể thấy, việc trao cho cổ đông phương thức bảo vệ những lợi ích hợp pháp chỉ có ý nghĩa khi nó được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc cổ đông lợi dụng quyền khởi kiện phái sinh của mình với mục đích ác ý như đã trình bày phía trên. Bởi lẽ đó, việc xây dựng nên một cơ chế nhằm giảm thiểu tình trạng này là vô cùng cần thiết. Trước đây, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, dường như các nhà làm luật đã muốn xây dựng một quy trình tố tụng tương tự như quy định của một số quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc: yêu cầu cổ đông trước khi tự mình khởi kiện ra tòa án nhằm đòi lại quyền lợi cho công ty, cổ đông phải nộp đơn yêu cầu cho Ban kiểm soát. Quy định này như một bước sàng lọc cần thiết nhằm ngăn chặn lạm dụng kiện phái sinh vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, quy định này đã không còn được đề cập trong Luật DN 2020. Vì vậy, nhằm hoàn thiện hơn về thủ tục tố tụng, nhóm tác giả kiến nghị nên xây dựng một cơ chế kiềm chế tương tự như thủ tục từng được quy định trong Nghị định số 102/2010/NĐ-CP - thủ tục “yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện”. Có như vậy, mục đích quan trọng nhất là bảo vệ tối đa quyền lợi của công ty mới có thể đạt được khi theo đuổi một vụ kiện phái sinh.
Kết luận
Kiện phái sinh là hình thức tố tụng mới và đặc biệt. Tuy nhiên, tại Việt Nam chế định này chưa có khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và thống nhất. Với tính chất này, pháp luật Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến “kiện phái sinh” nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số. Bởi vậy, thông qua việc học hỏi ưu nhược điểm hình thức kiện phái sinh của pháp luật Trung Quốc. Nhóm tác giả hy vọng sẽ có các quy định cụ thể mang tính hoàn thiện pháp luật về cơ chế này trong Luật DN 2020 và BLTTDS 2015. Từ đó, “kiện phái sinh” không những sẽ trở thành công cụ cần thiết để bảo vệ những cổ đông “yếu thế”, cải thiện môi trường kinh doanh mà còn để răn đe với những người quản lý, điều hành công ty phải tuân thủ nghĩa vụ của mình.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020.
2. Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2014.
3. Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
4. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
5. Luật Công ty Trung Quốc 2018.
6. Luật Công ty Trung Quốc 2023.
7. Toàn văn Chín Biên bản: “Biên bản Hội nghị xét xử dân sự và thương mại Tòa án Quốc gia”.
8. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng “Luật tố tụng dân sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa.
9. Văn bản của Tòa án nhân dân tối cao quy định về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Công ty của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (IV) (hay còn gọi là Giải thích tư pháp (IV) Luật Công ty).
10. Phạm Văn Lợi, “Kiện phái sinh tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, 2022, https://lsvn.vn/kien-phai-sinh-tai-viet-nam-tu-ly-thuyet-den-thuc-tien-ap-dung1646925315-a116367.html.
11. Chu Heng Zhu Lilong, Thảo luận ngắn gọn về chức năng giá trị của kiện tụng phái sinh của cổ đông, https://www-chinacourt-org.translate.goog/article/detail/2008/12/id/334820.shtml?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc.
12. Tập thể tác giả Liú Dōng, Zhu Qimin, Zhang Wei, Yin Shi, Li Yui, Wang Yufei, Những điểm chính của bản sửa đổi năm 2023 của “Luật Công ty của Cộng hòa Nhân dân Trung Hòa” từ góc độ giải quyết tranh chấp, https://www-hankunlaw-com.translate.goog/portal/article/index/cid/8/id/13867.html?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc.
13. Bài viết từ Hội thảo Luật Công ty tháng 2 năm 2005 của Đại học Doshisha Gan Peizhong, Giáo sư, Trường Luật Đại học Bắc Kinh, Nhận xét ngắn gọn về việc tham chiếu luật công ty của Trung Quốc đến hệ thống kiện tụng phái sinh của cổ đông, https://old-civillaw-com-cn.translate.goog/Article/default.asp?id=25127&_x_tr_sch=http&_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc. 14. Wang Chunxiang, luật sư tại Công ty Luật Henan Ruiyuan, Phân tích ngắn gọn về hệ thống đại diện tố tụng cổ đông, https://www-hnlawyer-org.translate.goog/wenhua/1205.html?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc. 15. Li Yuewei, Về hệ thống kiện tụng phái sinh cổ đông của đất nước tôi, https://www-chinacourt-org.translate.goog/article/detail/2014/07/id/1336747.shtml?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=s.
|
1 Lưu Đông, Giải thích những điểm chính của bản sửa đổi năm 2023 của “Luật Công ty của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” từ góc độ giải quyết tranh chấp, https://www.hankunlaw.com/portal/article/index/cid/8/id/13867.html, truy cập ngày 09/12/2024.
[2] Luật Công ty Trung Quốc năm 2023.
[3] Điều 188: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của giám đốc, giám sát và quản lý cấp cao
Khi giám đốc, giám sát, hoặc quản lý cấp cao vi phạm các quy định của luật pháp, quy định hành chính hoặc điều lệ của công ty trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, gây thiệt hại cho công ty, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
4 Điều 24 Biên bản Hội nghị xét xử dân sự và thương mại Tòa án quốc gia quy định về một cổ đông trở thành cổ đông tại thời điểm nào không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của họ.
[5] Căn cứ theo Điều 24 Giải thích tư pháp Luật Công ty IV.
[6] Điều 25 Toàn văn Chín Biên bản: “Biên bản Hội nghị xét xử dân sự và thương mại Tòa án Quốc gia” quy định về thủ tục sơ bộ mà cổ đông cần thực hiện để khởi kiện người đại diện theo Điều 151 Luật Công ty: “[Áp dụng đúng thủ tục sơ bộ] Theo Điều 151 Luật Công ty, một trong những thủ tục sơ bộ để cổ đông khởi kiện người đại diện là cổ đông trước tiên phải có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của công ty khởi kiện lên Tòa án nhân dân. Nói chung, nếu cổ đông không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị thì vụ kiện sẽ bị bác bỏ. Tuy nhiên, thủ tục sơ bộ này nhằm vào tình hình chung về quản trị công ty, tức là khi cổ đông nộp đơn bằng văn bản lên cơ quan quản lý công ty có liên quan thì có khả năng cơ quan quản lý công ty có liên quan sẽ khởi kiện. Nếu các tình tiết liên quan đã được xác định cho thấy khả năng đó hoàn toàn không tồn tại thì Tòa án nhân dân không bác bỏ vụ kiện với lý do nguyên đơn không thực hiện thủ tục sơ bộ.”
[7] Công ty Luật Docket Bắc Kinh, Phân tích và vận dụng quy định của hệ thống tố tụng phái sinh cổ đông, https://www-sohu-com.translate.goog/a/136762157_528351?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 27/10/2024.
[8] Chu Heng Zhu Lilong, Thảo luận ngắn gọn về chức năng giá trị của kiện phái sinh của cổ đông: https://www-chinacourt-org.translate.goog/article/detail/2008/12/id/334820.shtml?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 13/11/2024.
[9] Chu Heng Zhu Lilong, Thảo luận ngắn gọn về chức năng giá trị của kiện phái sinh của cổ đông: https://www-chinacourt-org.translate.goog/article/detail/2008/12/id/334820.shtml?_x_tr_sl=zh-CN&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 13/11/2024.
[10] Điều 64 luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc quy định về thủ tục đăng ký với Tòa án nhân dân và trách nhiệm chứng minh mối quán hệ pháp lý cũng như thiệt hại xảy ra “"Một bên đã đăng ký với Toà án nhân dân theo quy định tại Điều 55 của luật Tố tụng dân sự phải chứng minh mối quan hệ pháp lý của mình với bên kia và thiệt hại xảy ra. Nếu không chứng minh được sẽ không được đăng kí và đương sự có thể khởi kiện riêng. Phán quyế của Tòa án nhân dân được thi hành trong phạm vi đăng kí. Trường hợp người có quyền không tham gia đăng kí khởi kiện đúng thời hiệu và tòa án nhân dân xác định yêu cầu của người đó là hợp lệ thì áp dụng bản án, quyết định của Tòa án nhân dân”.
[11] “Measures for the Payment of Litigation Fees” là thuật ngữ để quy định các thức và điều kiện thanh toán các chi phi phát sinh trong quá trình kiện tụng.
[12] Nghị định số 481 của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
[13] Điều 13 (II) Nghị định số 481 của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc quy định về mức phí tài sản, phí nghiệm thu được thanh toán theo các mức cụ thể: “(II) Đối với trường hợp phi tài sản, phí nghiệm thu được thanh toán theo mức sau:(1) Từ 50 đến 300 tệ trong mỗi vụ ly hôn. Nếu có chia tài sản trong đó thì không phải nộp thêm phí nếu tổng tài sản không vượt quá 200.000 tệ, nhưng phải nộp lệ phí 0,5% cho phần tài sản. vượt quá 200.000 nhân dân tệ;(2) Từ 100 đến 500 nhân dân tệ trong mỗi trường hợp liên quan đến hành vi xâm phạm quyền nhân thân,quyền tên,quyền chân dung,quyền danh tiếng, quyền danh dự hoặc bất kỳ quyền nhân thân nào khác. Nếu liên quan đến việc bồi thường thiệt hại trong đó cần phải trả thêm phí nếu thiệt hại không vượt quá 50.000 nhân dân tệ,nhưng phí sẽ được trả trên cơ sở tích lũy ở mức 1% cho phần thiệt hại vượt quá 50.000 nhân dân tệ nhưng không quá 100.000 nhân dân tệ và 0,5% cho phần đó vượt quá 100.000 nhân dân tệ; (3)Từ 50 đến 100 tệ trong trường hợp phi tài sản khác”.
[14] Điều 29 Nghị định số 481 của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc quy định về lệ phí tố tụng do bên thua kiện chịu, trừ trường hợp bên thắng kiện tự nguyện chịu chi phí: “Trong trường hợp mỗi bên thua kiện một phần thì tùy theo điều kiện cụ thể của vụ án,Toà án nhân dân liên quan sẽ xác định mức án phí tương ứng mà mỗi bên phải chịu; Trường hợp các bên cùng khởi kiện đều thua kiện thì tòa án nhân dân liên quan căn cứ vào lợi ích của mỗi bên đối với đối tượng khởi kiện sẽ xác định số tiền phí kiện tụng mà mỗi bên phải chịu”.
[15] Đoạn bốn, Điều 189 Luật Công ty Trung Quốc năm 2023 quy định về trách nhiệm của các công ty con “Nếu giám đốc, giám sát viên hoặc người quản lý cấp cao của công ty con do công ty sở hữu 100% thuộc các trường hợp quy định tại điều trước hoặc nếu người khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty con do công ty sở hữu 100% và gây thiệt hại thì cổ đông của công ty sẽ bị thiệt hại. công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các cổ đông của công ty cổ phần tự mình hành động hoặc các cổ đông sở hữu tập thể trên 1% số cổ phần của công ty có quyền yêu cầu bằng văn bản ban kiểm soát hoặc hội đồng quản trị của công ty con 100% vốn khởi kiện. Tòa án nhân dân theo quy định tại 3 khoản đầu hoặc trực tiếp đứng tên khởi kiện lên Tòa án nhân dân.”
[16] Khoản 1 Điều 19 và khoản 1 Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
[17] Phạm Văn Lợi, “Kiện phái sinh tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, 2022, https://lsvn.vn/kien-phai-sinh-tai-viet-nam-tu-ly-thuyet-den-thuc-tien-ap-dung1646925315-a116367.html, truy cập ngày 15/10/2024.
Tòa án nhân dân tối cao ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận