Lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam

Trong phạm vi bài viết này tác giả trình bày và phân tích quy định về việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam cũng như việc áp dụng quy định này trên thực tiễn từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật.

Áp dụng lẽ công bằng là quy định mới được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015. Việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định pháp luật áp dụng là giải pháp linh hoạt, mềm dẻo giúp Tòa án thực hiện chức năng xét xử đồng thời góp phần bảo vệ quyền tiếp cận công lý của người dân.

1.Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự nên hoạt động xét xử chủ yếu dựa trên quy định của luật thành văn. Tuy vậy, không phải lúc nào các nhà lập pháp cũng kịp thời ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án trong trường hợp thiếu vắng quy định pháp luật, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà lập pháp Việt Nam đã ghi nhận cho Thẩm phán quyền được áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự lần lượt tại các văn bản quy phạm pháp luật như BLDS 2015, BLTTDS 2015. Điều này đã khắc phục được khó khăn do những bất cập của pháp luật thành văn gây ra cho các cơ quan thực thi pháp luật. Mặc dù vậy, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên việc áp dụng trên thực tế vẫn chưa đạt được hiệu quả như sự mong đợi của nhà làm luật khi ban hành quy định này. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các quy định cũng như thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết quyết vụ việc dân sự là điều cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.

2. Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự

2.1. Khái niệm “lẽ công bằng”

 Theo nghĩa chung nhất, lẽ công bằng (“l’équité” trong tiếng Pháp và “equity” trong tiếng Anh) có thể được hiểu là “một chuẩn mực được rút ra từ quan hệ cụ thể, có nội dung cấu thành từ các quan hệ thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nhận thức của nhiều người về sự công bằng trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong một quan hệ pháp luật dân sự có tranh chấp và được giải quyết thấu tình, đạt lý phù hợp với đạo lý[1]. Dưới góc độ pháp lý, lẽ công bằng có thể được hiểu là chuẩn mực xử sự trong quan hệ giữa các bên chủ thể nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được thực hiện như một sự tất yếu, lẽ đương nhiên và không thể khác[2]. Hay theo quy định tại khoản 3, Điều 45 BLTTDS 2015 thì “lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

Như vậy, có thể hiểu lẽ công bằng là chuẩn mực xử sự trong quan hệ xã hội, phù hợp với nhận thức của nhiều người nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quan hệ đó và được thực hiện một lẽ đương nhiên, tất yếu. Việc áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự sẽ đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách thấu tình và đạt lý.

2.2. Cơ sở pháp lý của việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự

Như đã đề cập ở trên, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, Nhà nước luôn cố gắng ban hành kịp thời các quy định pháp luật tương ứng nhưng có thể thấy rằng việc ban hành pháp luật không phải lúc nào cũng theo kịp các quan hệ xã hội mới phát sinh. Việc thiếu vắng quy định pháp luật có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án cũng như quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là thừa nhận việc áp dụng lẽ công bằng vào trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự bên cạnh các nguồn khác của pháp luật như tập quán, tương tự pháp luật và án lệ.

Áp dụng lẽ công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự là quy định mới được ghi nhận trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015. Theo đó, khoản 2, Điều 6 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3, Điều 45 BLTTDS 2015 để hướng dẫn Tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng. Theo quy định này, “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này… Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

Theo quy định nêu trên, có thể thấy lẽ công bằng đã được thừa nhận trở thành một trong những nguồn của pháp luật. Tuy nhiên, do Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự nên pháp luật thành văn luôn đóng vai trò quan trọng và luôn được ưu tiên áp dụng đầu tiên. Chính vì thế lẽ công bằng chỉ được áp dụng trong trường hợp vụ việc không có quy định pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và án lệ áp dụng. Việc áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các vụ việc dân sự được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự còn đảm bảo thực hiện nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng[3].

Có thể thấy rằng quy định ghi nhận việc áp dụng lẽ công bằng trong tố tụng dân sự đã thể hiện tư tưởng lập pháp tiến bộ, là bước đột phá trong quá trình cải cách tư pháp tại Việt Nam. Đây được xem là giải pháp linh hoạt để giải quyết các tranh chấp dân sự phát sinh nhưng lại chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh từ đó góp phần bảo vệ sự ổn định trong giao lưu dân sự.

Theo quy định hiện nay, việc áp dụng lẽ công bằng thuộc thẩm quyền của Tòa án đang giải quyết vụ án. Theo đó, khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề…[4]. Trong trường hợp áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự thì nội dung này cũng được thể hiện rõ trong phần nội dung và nhận định của Tòa án để cho thấy việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ án đã được xem xét một cách đầy đủ, khách quan. Các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, được xác định rõ và được viện dẫn áp dụng thay cho cơ sở pháp lý trong những vụ án có điều luật áp dụng[5].

2.3. Vị trí của lẽ công bằng so với các nguồn pháp luật khác khi áp dụng giải quyết vụ việc dân sự

 Nguồn của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật. Hay nói cách khác, nguồn của pháp luật là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế[6].

Nhìn chung, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia sẽ có những loại nguồn pháp luật khác nhau phụ thuộc vào truyền thống pháp lý và lựa chọn của quốc gia đó. Mỗi loại nguồn sẽ có ưu điểm và mặt hạn chế nhất định nên các quốc gia thường xây dựng, chấp nhận và áp dụng nhiều loại nguồn pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, các loại nguồn pháp luật sẽ được sử dụng ở những mức độ nhất định khiến mỗi nguồn pháp luật có một vị trí pháp lý khác nhau[7]. Việc xem xét vị trí của lẽ công bằng so với các nguồn pháp luật khác đồng nghĩa với việc xem xét giá trị pháp lý của nó.

Tại Việt Nam, trước năm 2015 chỉ có văn bản quy phạm pháp luật và tập quán được thừa nhận là nguồn pháp luật. Từ năm 2015 với sự ra đời của BLDS 2015 và BLTTDS 2015, lẽ công bằng chính thức được thừa nhận là nguồn của pháp luật tại Việt Nam bên cạnh các nguồn pháp luật khác như văn bản quy phạm pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật và án lệ. Điều này đã góp phần đa dạng hóa các nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam.

2.4. Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và văn bản quy phạm pháp luật

Tại Việt Nam, văn bản quy phạm pháp luật luôn giữ vai trò là nguồn luật chính thức và quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật. Do vậy, các nguồn pháp luật khác chỉ đóng vai trò bổ trợ cho văn bản quy phạm pháp luật trong đó có lẽ công bằng. Lẽ công bằng được xem như là sự bổ sung cho sự thiếu vắng của các văn bản quy phạm pháp luật. Khi sự thiếu vắng này được cơ quan lập pháp lắp đầy thì lẽ công bằng sẽ không được áp dụng nữa mà thay vào đó quy phạm pháp luật sẽ được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự. Quy định trong BLDS 2015 và BLTTDS 2015 cũng khẳng định giá trị pháp lý của lẽ công bằng thấp hơn so với văn bản quy phạm pháp luật thể hiện qua quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng đối với từng loại nguồn pháp luật[8].

2.5. Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và các nguồn pháp luật khác

 Bên cạnh văn bản quy phạm pháp luật, lẽ công bằng thì nguồn pháp luật dân sự tại Việt Nam còn bao gồm tập quán, tương tự pháp luật và án lệ. Mặc dù tồn tại nhiều nguồn pháp luật, nhưng không phải các nguồn này có giá trị pháp lý và thứ tự ưu tiên áp dụng như nhau. BLDS 2015 và BLTTDS 2015 đã xác định một cách tương đối cụ thể về giá trị pháp lý và mức độ ưu tiên áp dụng của từng loại nguồn pháp luật. Cụ thể, việc áp dụng tập quán được quy định như sau: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này[9]. Cuối cùng, trong “trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng[10].

Vấn đề này tiếp tục được quy định một cách minh thị tại Điều 45 BLTTDS 2015. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật giữ vị trí ưu tiên áp dụng đầu tiên. Trong trường hợp không có quy định pháp luật tương ứng, Thẩm phán mới có thể xem xét áp dụng các nguồn pháp luật khác. Cụ thể, việc áp dụng tập quán được quy định cụ thể như sau: “Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự. Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự[11]. Trong trường hợp không có tập quán để áp dụng, Thẩm phán sẽ áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự. Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự[12]. Nếu tương tự pháp luật cũng không có thì Tòa án sẽ áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự[13]. Như vậy, thông qua quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng có thể thấy rằng lẽ công bằng chỉ được xếp vào nguồn pháp luật thứ yếu, có mức độ ưu tiên áp dụng sau cùng so với các nguồn luật khác.

3.Một số bất cập trong áp dụng lẽ công bằng khi giải quyết vụ việc dân sự và kiến nghị

Lẽ công bằng ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đặc biệt là trong trường hợp thiếu vắng quy định pháp luật và các nguồn pháp luật khác. Việc áp dụng lẽ công bằng vào trong quá trình xét xử đã tạo ra sự linh hoạt cho hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như giúp cho hệ thống pháp luật Việt Nam dần hoàn thiện, phù hợp trong xu hướng hội nhập với hệ thống pháp luật trên thế giới.

Tuy vậy, thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự cho thấy rằng vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, cụ thể như sau:

Một là, liên quan quan đến quy định về nội hàm của lẽ công bằng

Như đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng quy định pháp luật hiện nay chưa xác định rõ nội hàm của lẽ công bằng mà chỉ quy định một cách khái quát. Điều này có thể khiến cho việc áp dụng lẽ công bằng trở nên tùy tiện, không đáp ứng được mục đích của việc ghi nhận vấn đề này đó là đảm bảo sự khách quan, công bằng, bình đẳng cho tất cả các đương sự trong quá trình tố tụng. Đây có lẽ là vấn đề thu hút sự quan tâm người dân, các nhà khoa học,… liên quan đến việc áp dụng lẽ công bằng trên thực tiễn.

Để giải quyết cho vấn đề này, việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự cần tuân thủ một số điều kiện nhất định. Cụ thể, trước tiên các vụ việc cần được xem xét giải quyết phải là các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của quan hệ pháp luật dân sự. Kế đến, lẽ công bằng chỉ được Tòa án áp dụng trong trường hợp các bên tranh chấp không có thỏa thuận, không có quy định pháp luật tương ứng cũng như không có tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và án lệ để áp dụng. Điều này có nghĩa là, các quy định pháp luật được ưu tiên áp dụng hàng đầu. Trong trường hợp không có quy định pháp luật, Tòa án mới có quyền xem xét áp dụng các nguồn pháp luật khác mà trong đó, lẽ công bằng có thứ tự ưu tiên áp dụng sau cùng. Cuối cùng, do lẽ công bằng được hiểu là lẽ phải trong cuộc sống nên lẽ công bằng được xác định theo từng trường hợp cụ thể và chịu ảnh hưởng, chi phối bởi nhiều yếu tố như: chủ thể của quan hệ tranh chấp, loại quan hệ tranh chấp, điều kiện, hoàn cảnh về không gian và thời gian của quan hệ tranh chấp, nguyên nhân khách quan hay chủ quan ảnh hưởng đến quan hệ tranh chấp,… Phán quyết dựa trên lẽ công bằng phải có tính thuyết phục, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ dư luận xã hội, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Hai là, liên quan đến trình độ, năng lực, phẩm chất của Thẩm phán

Do lẽ công bằng có thể được hiểu là lẽ phải trong cuộc sống nên để có thể áp dụng lẽ công bằng đòi hỏi Thẩm phán phải có sự hiểu biết sâu rộng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Đây được xem là một trong những rào cản khiến cho hiệu quả của việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử chưa đạt được sự mong đợi của các nhà lập pháp khi quy định về vấn đề này. Để khắc phục tình trạng này, việc đào tạo năng lực, kỹ năng cho đội ngũ Thẩm phán là yêu cầu có tính cấp bách. Ngoài ra, các Thẩm phán cũng cần chủ động, tích cực trong việc tự nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cũng như tư duy, nhận thức liên quan đến việc áp dụng lẽ công bằng trong quá trình xét xử để có thể đáp ứng yêu cầu “mới” khi thực hiện chức năng xét xử của mình[14].

4. Kết luận

Việc ghi nhận lẽ công bằng trở thành nguồn pháp luật đã góp phần mở rộng thêm nguồn của pháp luật Việt Nam. Đây cũng được xem là giải pháp “cứu cánh” nhằm đảm bảo chức năng xét của Tòa án cũng như giải quyết nhanh chóng yêu cầu chính đáng của người dân. Đồng thời, việc áp dụng lẽ công bằng còn được xem là cơ sở thúc đẩy cơ quan lập pháp ban hành quy định pháp luật còn thiếu để điều chỉnh kịp thời yêu cầu của đời sống xã hội.

 

TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự - Ảnh: PV


[1] Phùng Trung Tập, Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, đăng ngày 22/04/2020, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (401), tháng 01/2020.

[2] Ngô Ngọc Diễm – Nguyễn Anh Dũng – Nguyễn Thế Tùng, Một số vấn đề về áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng ở Việt Nam hiện nay, đăng ngày 13/12/2021, https://lsvn.vn/mot-so-van-de-ve-ap-dung-an-le-tap-quan-va-le-cong-bang-o-viet-nam-hien-nay1639315398.html, truy cập ngày 29/9/2022.

[3] Khoản 2, Điều 4 BLTTDS 2015.

[4] Khoản 2, Điều 264 BLTTDS 2015.

[5] Điểm c, Khoản 2, Điều 266 BLTTDS 2015 về Bản án sơ thẩm quy định như sau : “Trong phần nội dung vụ án và nhận định của Tòa án phải ghi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan”. Điều này cũng được quy định tương tự tại Khoản 4, Điều 313 BLTTDS 2015 về Bản án phúc thẩm, cụ thể như sau : “Trong phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị. Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật mà Tòa án áp dụng, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giải quyết các vấn đề khác có liên quan…”.

[6]  Nguyễn Thị Hồi (2008), Về khái niệm nguồn của pháp luật, Tạp chí Luật học, số 02, trang 30.

[7] Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên) (2018), Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, NXB. ĐHQG TPHCM, trang 106.

[8] Điều 5, 6 BLDS 2015, Điều 45 BLTTDS 2015.

[9] Điều 5 BLDS 2015.

[10] Điều 6 BLDS 2015.

[11] Khoản 1, Điều 45 BLTTDS 2015.

[12] Khoản 2, Điều 6 BLTTDS 2015.

[13] Khoản 3, Điều 6 BLTTDS 2015.

[14] Ngô Ngọc Diễm – Nguyễn Anh Dũng – Nguyễn Thế Tùng, Một số vấn đề về áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng ở Việt Nam hiện nay, đăng ngày 13/12/2021, https://lsvn.vn/mot-so-van-de-ve-ap-dung-an-le-tap-quan-va-le-cong-bang-o-viet-nam-hien-nay1639315398.html, truy cập ngày 29/9/2022.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật)