Giải quyết khiếu nại quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác theo khoản 1 Điều 41 BLTTDS

Xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án và giải quyết khiếu nại, kiến nghị chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác theo BLTTDS năm 2015 còn có nhiều quan điểm khác nhau, cần có cách hiểu đầy đủ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

1. Quy định của pháp luật

Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án: là quyền xem xét, giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án. Việc xác định đúng thẩm quyền dân sự của Tòa án tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa Tòa án với các cơ quan nhà nước, giữa các Tòa án với nhau và xác định các điều kiện cần thiết bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

1.1. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[1] như sau: “1. a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc …; b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn …; c) … Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. 2. a) Tòa án nơi người bị yêu cầu ….cư trú, …; b) Tòa án nơi người bị yêu cầu …. có nơi cư trú cuối cùng…; c) Tòa án nơi người yêu cầu ….cư trú, làm việc…”.

1.2. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu được quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[2] như sau: “1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp ….2. Người yêu cầu có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết yêu cầu …

1.3. Khiếu nại, kiến nghị đối với Quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác được quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[3] như sau: “… Đương sự, ….có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát… có quyền kiến nghị quyết định này trong thời hạn 03 ngày làm việc,…Trong thời hạn 03 ngày làm việc,…, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị…

1.4. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền được quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[4] như sau: “2. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh … do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết. 3. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau … do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết. 4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau hoặc giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh … do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết”.

Áp dụng các quy định pháp luật nêu trên, qua thực tiễn giải quyết có một số quan hệ pháp luật tranh chấp liên quan đến việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ là: nơi bị đơn cư trú (điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[5]), nơi đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp (điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[6]) hay nơi có bất động sản (điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[7]) tồn tại những quan điểm khác nhau (một số trường hợp sau khi Tòa án thụ lý mới xác định không thuộc thẩm quyền nên đã chuyển cho Tòa án khác thụ lý, giải quyết dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án), thông qua ví dụ như sau:

Thực tiễn áp dụng pháp luật qua một vụ việc

2.1. Ngày 04/6/2023, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H đã thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Bùi Quang P và bị đơn ông Nguyễn Văn L và bà Lương Thị N, với nội dung: Ông P yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc ngày 02/3/2023 giữa ông P với vợ chồng ông L, bà N (ông L, bà N cùng trú tại thành phố H, tỉnh H) về thỏa thuận chuyển nhượng thửa đất số 1491, thành phố K, tỉnh K; yêu cầu vợ chồng ông L và bà N trả lại tiền nhận đặt cọc 150.000.000 đồng và yêu cầu phạt cọc 150.000.000 đồng do vợ chồng ông L và bà N vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc.

Ngày 10/6/2023, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H đã ban hành Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K với lý do yêu cầu khởi kiện của ông P liên quan đến tài sản tranh chấp là thửa đất số 1491, tọa lạc tại thành phố K, tỉnh K nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K.

Ngày 11/6/2023, nguyên đơn ông Bùi Quang P khiếu nại Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA  ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H, tỉnh H.

2.2. Như vậy, Chánh án chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại của nguyên đơn ông Bùi Quang P đối với Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H tại mục 2.1 nêu trên? Căn cứ theo quy định nào để xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án trong vụ án, việc dân sự? Đối với vụ việc nêu trên đã có những quan điểm giải quyết khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm 1: Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[8] quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyếtvà Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[9] quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: “… Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện,…”. Để đảm bảo quyền lựa chọn của đương sự khi khởi kiện thì nguyên đơn ông Bùi Quang P có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H (là Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện).

Như vậy, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H thụ lý và giải quyết vụ án trên là đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật và Chánh án ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung chấp nhận khiếu nại của ông Bùi Quang P đối với Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H.

Quan điểm 2: Tranh chấp nêu tại mục 2.1. phát sinh từ hợp đồng đặt cọc, đối tượng tranh chấp của vụ án là số tiền đặt cọc và phạt cọc, không tranh chấp về quyền sử dụng đất; bị đơn ông L và bà N cùng trú tại thành phố H, tỉnh H (áp dụng tương tự điểm 7 mục III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử[10]). Do đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[11] xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H (Tòa án nơi bị đơn cư trú).

Như vậy, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H thụ lý và giải quyết vụ án trên là đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật và Chánh án ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung chấp nhận khiếu nại của ông Bùi Quang P đối với Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H.

Quan điểm 3: Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[12], đặt cọc là một biện pháp đảm bảo để giao kết thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015[13], trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Theo Án lệ số 25/2018/AL[14]: “… Bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết do khách quan và bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc …”. Để có căn cứ giải quyết về tranh chấp hợp đồng đặt cọc đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1491, thành phố K, tỉnh K thì Tòa án phải thu thập chứng cứ để làm rõ: Vì sao không thực hiện việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông P với vợ chồng ông L và bà N? Việc không thực hiện giao kết hợp đồng đó có thuộc trường hợp bất khả kháng, yếu tố khách quan hay do lỗi của ai? Nhằm xác minh, thu thập chứng cứ được thuận lợi căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[15] thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án này là Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K (Tòa án nơi có bất động sản liên quan đến hợp đồng đặt cọc).

Quy định này của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 dường như đã đi theo hướng giới hạn hơn thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản chỉ đối với trường hợp có đối tượng tranh chấp là bất động sản chứ không bao hàm cả trường hợp tranh chấp về quyền tài sản liên quan đến bất động sản. Quy định này thực chất được xây dựng trên quan niệm cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Xét về thực tế thì các hồ sơ, giấy tờ về bất động sản do cơ quan quản lý nơi có bất động sản nắm giữ, cơ quan này nắm vững thực trạng, nguồn gốc của bất động sản. Do vậy, Tòa án nơi có bất động sản là Tòa án có điều kiện thuận lợi hơn cả trong việc tiến hành các biện pháp xác minh, đảm bảo cho việc giải quyết vụ kiện sát với thực tế sự việc như xem xét, thẩm định tại chỗ (xác minh thực địa); tiến hành định giá tài sản; thu thập tài liệu từ cơ quan nhà đất… Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có một quy định có tính định nghĩa chính thức như thế nào là trường hợp “đối tượng tranh chấp là bất động sản” để khi vận dụng có thể bao quát và xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền đối với các tranh chấp dân sự.

Như vậy, Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh K mới là Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và Chánh án ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông Bùi Quang P đối với Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H; giữ nguyên Quyết định chuyển vụ án nêu trên.

2.3. Từ các quan điểm nêu tại mục 2.2, căn cứ theo quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tại Tòa án, tác giả đồng ý với hướng giải quyết của quan điểm 1 và quan điểm 2, đó là: Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H (Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện theo sự lựa chọn của nguyên đơn và nơi bị đơn cư trú) và Chánh án ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung chấp nhận khiếu nại của ông Bùi Quang P đối với Quyết định chuyển vụ án số 16/QĐ-TA ngày 10/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H vì những lý do như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp.

Trường hợp này, do các đương sự không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp nên không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc,; điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết”. Căn cứ các quy định nêu trên, Tòa án nơi bị đơn có cư trú và Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp nguyên đơn lựa chọn Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết tranh chấp thì tôn trọng và thực hiện theo quyền định đoạt của nguyên đơn.

Thứ hai, tranh chấp hợp đồng đặt cọc có liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đối tượng tranh chấp là số tiền đặt cọc và phạt cọc, tức liên quan đến các giao dịch dân sự theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng năm 2015[16] không phải là dạng tranh chấp đất đai theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng năm 2015[17] nên không thể căn cứ vào Tòa án nơi có bất động sản liên quan đến hợp đồng đặt cọc .

Thứ ba, đối với tranh chấp liên quan đến bất động sản tương tự như đối với tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn là bất động sản (theo điểm 7 mục III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao[18] về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử) thì trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[19], nên Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết

Thứ tư, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng năm 2015[20] thì trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác lấy lời khai của đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, tiến hành định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. Do đó, đối với các tranh chấp về hợp đồng đặt cọc mà bị đơn có nơi cư trú và phần đất chuyển nhượng được đề cập trong hợp đồng đặt cọc là khác nhau thì theo quan điểm của tác giả Tòa án nơi bị đơn cư trú có thể ủy thác thu thập chứng cứ cho Tòa án khác xác minh các tình tiết có liên quan.

2.4. Từ những phân tích trên có thể thấy, việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là rất quan trọng, nhằm bảo vệ, tránh kéo dài ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; hạn chế các khiếu nại, kiến nghị liên quan; tạo thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng; tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các Toà án cùng cấp; góp phần làm cho Tòa án giải quyết đúng đắn, có hiệu quả.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Để tránh cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc vận dụng và áp dụng pháp luật để giải quyết khác nhau của các Tòa án, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm a, điểm c khoản 1 Điều 39 để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện theo sự lựa chọn của nguyên đơn và nơi bị đơn cư trú hay nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về “Một số ý kiến về việc giải quyết khiếu nại Quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp.

*Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

 


[1] Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[2] Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[3] Khoản 1 Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[4] Khoản 2, 3, 4 Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[5] Điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[6] Điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[7] Điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[8] Điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[9] Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[10] Điểm 7 mục III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao;

[11] Điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[12] Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[13] Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[14] Án lệ số 25/2018/AL;

[15] Điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[16] Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng năm 2015;

[17] Khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng năm 2015;

[18] Điểm 7 mục III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao;

[19] Điều 26, Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

[20] Điều 105 Bộ luật Tố tụng năm 2015;

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG, NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC*