Lệ phí trong quá trình giải quyết việc dân sự - một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Thực tiễn áp dụng, quy định về lệ phí trong quá trình giải quyết việc dân sự, nhất là những trường hợp đình chỉ giải quyết việc dân sự đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn giải quyết các việc dân sự tại Toà án.

Có thể nói, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 đối với việc thu nộp án phí, lệ phí là tương đối cụ thể, chi tiết, khắc phục hạn chế trong quy định tương ứng trước đây, tạo được sự thuận lợi trong việc áp dụng, góp phần quan trọng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng phải nộp án phí nói chung và lệ phí nói riêng.

1. Cơ sở lý luận và quy định của pháp luật

Theo từ điển tiếng Việt: “Lệ phí là khoản tiền do nhà nước quy định phải nộp cho cơ quan, đơn vị,... khi làm một thủ tục giấy tờ hay sử dụng một quyền lợi nào đó[1]. Như vậy, các đương sự phải chịu án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở lợi ích và mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật Toà án giải quyết.

BLTTDS 2015 quy định “Lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án, lệ phí nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, lệ phí giải quyết việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà luật có quy định[2].

Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì “Lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự[3].

Để bảo đảm thực hiện đúng được chế độ tài chính trong công tác xét xử thì việc thu tiền tạm ứng án phí và án phí, tiền tạm ứng lệ phí và lệ phí; việc chi trả tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số tiền án phí, lệ phí thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.

Pháp luật Việt Nam quy định mức thu án phí, lệ phí vừa phải, hợp lí. Việc thu án phí, lệ phí chỉ nhằm buộc các đương sự chịu một phần chi phí của Nhà nước cho việc giải quyết vụ việc dân sự của toà án nên mức thu án phí, lệ phí ở mức mọi người đều có thể nộp được, không hạn chế việc tham gia tố tụng của họ. Ngoài ra, trong trường hợp hoàn cảnh của đương sự có khó khăn thì tuỳ mức độ được toà án cho miễn nộp một phần hoặc toàn bộ án phí, lệ phí. Ở một số vụ việc dân sự, Nhà nước còn quy định miễn án phí, lệ phí cho đương sự. Hiện nay, việc thu án phí, lệ phí được thực hiện theo quy định của BLTTDS năm 2015 và quy định của Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Tuy nhiên, qua công tác thực tiễn còn bộc lộ vướng mắc bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đối với quy định về lệ phí Toà án, nhất là trong trường hợp Toà án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

2. Vướng mắc và bất cập

2.1. Quy định chưa hợp lý, chưa thống nhất về trường hợp đương sự rút đơn

Theo quy định tại BLTTDS năm 2015, “Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[4]. Trong đó, “Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động[5]. Như vậy, khi một đương sự có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết một vấn đề hoặc yêu cầu công nhận một sự kiện pháp lý nào đó có liên quan đối với quyền lợi ích mà họ có yêu cầu thì điều cần phải làm là họ sẽ nộp hồ sơ đơn yêu cầu cùng các tài liệu chứng cứ tại Tòa án để yêu cầu công nhận một sự kiện pháp lý nào đó.

Đồng thời, trong quá trình giải quyết đương sự trong vụ án dân sự nói chung và trong việc dân sự nói riêng đều có quyền “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này”[6]. Như vậy, cả nguyên đơn trong vụ án dân sự và người yêu cầu trong việc dân sự thì họ đều có quyền rút đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu đã nộp tại Tòa án. Khi đó, Toà án sẽ ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hoặc quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 217 BLTTDS 2015 quy định  “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan[7]; Đồng thời, khoản 3 Điều 218 BLTTDS quy định: Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.. Như vậy, đối với trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì án phí mà đương sự đã nộp sẽ được hoàn trả lại cho họ.

Trong khi đó, đối với trường hợp người có yêu cầu giải quyết việc dân sự đối với một người mất tích trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự đương sự trong việc dân sự có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thì căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366 BLTTDS 2015, Tòa án sẽ raQuyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu; Tuy nhiên, đối với trường hợp này thì theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước[8]. Như vậy, trong quá trình chuẩn bị xét đơn yêu cầu nếu đương sự có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự có đơn rút lại yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự trong trường hợp này thì lệ phí được sung công quỹ nhà nước.

Ví dụ: Trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu trong hồ sơ việc dân sự về việc “Yêu cầu tuyên bố một người mất tích”, thì TAND huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định đình chỉ theo điểm c khoản 2 Điều 366 BLTTDS. Theo Quyết định đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự số 19/2021/QĐST-DS ngày 17/5/2021 của TAND huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ: “2.2. Về tiền tạm ứng lệ phí: Sung vào công quỹ nhà nước của anh Lê Quang K số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số A/2019/0001971 ngày 29 tháng 4 năm 2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Phú Thọ”.[9]. Như vậy, trường hợp này Toà án căn cứ vào Điều 18 nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 để sung vào công quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng lệ phí mà người yêu cầu đã nộp. Điều này là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, qua phân tích các vấn đề trên, tác giả nhận thấy rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 218 và Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 có sự mâu thuẫn với nhau. Bởi quyền của đương sự trong vụ án dân sự hay trong vụ việc dân sự đều được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Bên cạnh đó, khi yêu cầu giải quyết một vấn đề nào đó mà đương sự cũng có quyền tự định đoạt ý chí của mình trong trường hợp này thì đương sự họ cũng có quyền chấm dứt một yêu cầu hoặc chấm dứt một mối quan hệ dân sự khi họ xét thấy không cần tiếp tục giải quyết một yêu cầu trong mối quan hệ dân sự mà họ xác lập. Như vậy, cùng một vấn đề rút yêu cầu nhưng một bên chủ thể được nhận lại còn một bên chủ thể kia số tiền tạm ứng lại sung vào công quỹ nhà nước. Điều này chứng tỏ sự không công bằng giữa người rút đơn yêu cầu trong việc dân sự và người rút đơn yêu cầu trong vụ án dân sự. Trong khi đó, vụ án dân sự thường phát sinh nhiều chi phí và có độ phức tạp cao hơn so với việc dân sự. Hơn nữa, điều này cũng không khuyến khích việc đương sự rút đơn khi yêu cầu của mình là không có căn cứ. Do đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 18 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 sẽ thiệt thòi đến đương sự trong việc dân sự so với vụ án dân sự.

2.2. Chưa có quy định xử lý lệ phí trong một số trường hợp cụ thể

Khoản 5 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”.

Như vậy, với cách làm luật bằng hình thức liệt kê những trường hợp sung quỹ Nhà nước thì những trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của BLTTDS được quy định rõ là phải sung vào công quỹ Nhà nước tiền lệ phí mà người yêu cầu đã nộp. Vậy vấn đề đặt ra, nếu những trường hợp không được liệt kê nêu trên thì Toà án sẽ phải trả lại lệ phí cho đương sự hay sung vào công quỹ Nhà nước?

Ví dụ như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 367 BLTTDS quy định: “2. … Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự;”

Khoản 3 Điều 397 BLTTDS quy định: “3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.”

Khoản 5 Điều 397 BLTTDS quy định: “5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.”.

Trên đây là một số trường hợp Nhà làm luật chưa có quy định cụ thể. Điều này dễ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất và rất cần có sự hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung để việc áp dụng pháp luật thống nhất.

3. Kiến nghị hoàn thiện

3.1. Trường hợp người yêu cầu rút toàn bộ đơn yêu cầu

Tác giả cho rằng trường hợp họ không yêu cầu giải quyết nữa thì chi phí tạm ứng phải trả lại cho họ là điều hợp lý. Bởi lẽ, Nhà nước ta luôn khuyến khích các đương sự có thể tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và rút đơn khởi kiện. Chính vì vậy, tác giả thấy rằng quy định tại khoản 3 Điều 218 của BLTTDS năm 2015 là hợp lý và phù hợp với thực tế. Trên thực tế, nhiều Toà án cũng đã áp dụng tương tự và khi người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì cũng đã trả lại lệ phí cho họ. Chẳng hạn như Quyết định số 150/QĐST-DS ngày 24/6/2022 của TAND quận Ba Đình, thành phố Hà Nội tuyên: “2. Về lệ phí dân sự sơ thẩm:  Người yêu cầu – Bà Trần Thị Thanh H được nhận lại số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng lệ phí đã nộp theo Biên lai thu số AA/2020/0068499 ngày 23 tháng 6  năm 2022 tại Chi cục thi hành án dân sự quận BĐ.”.[10]. Tuy nhiên, việc giải quyết như vậy tuy có thấu tình nhưng lại chưa đạt lý. Do đó, cần có sự sửa đổi lại cho phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các đương sự và có sự thống nhất trong các quy định hiện hành.

Chính vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình lập pháp cũng như áp dụng pháp luật, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 5 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 như sau:

“5. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được trả lại cho họ.”.

3.2. Trường hợp pháp luật chưa có sự quy định cụ thể về xử lý lệ phí

Bên cạnh đó, có những trường hợp chưa được pháp luật quy định cụ thể cũng cần có sự nghiên cứu và bổ sung kịp thời để thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

Trường hợp 1: quy định tại Khoản 2 Điều 367 BLTTDS quy định: “2. ..Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự;

Trường hợp này cần áp dụng tương tự như trong giải quyết vụ án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.”. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế vì họ từ bỏ quyền yêu cầu, tức là họ có lỗi dẫn đến việc đình chỉ giải quyết vụ án, nếu phải trả lại tiền tạm ứng lệ phí, sẽ càng dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thi hành án.

Trường hợp 2: Khoản 3 Điều 397 BLTTDS quy định: “3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.”.

Trường hợp 3: Khoản 5 Điều 397 BLTTDS quy định: “5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.”.

Cả hai trường hợp này, phần lệ phí Toà án đã tạm ứng cần được sung quỹ Nhà nước là phù hợp. Bởi vì, toà án đã tiến hành các thủ tục để giải quyết việc dân sự, hơn nữa, nguyên nhân của việc đình chỉ xuất phát từ sự thay đổi ý chí của các đương sự.

Chính vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, tác giả kiến nghị bổ sung các trường hợp này vào khoản 5 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, cụ thể như sau:

“5. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 367, khoản 3, 5 Điều 397, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.”.

Nói tóm lại, tất cả đều vì mục tiêu chung là nhằm hướng tới việc làm thế nào để đảm bảo được tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp đương sự, nhất là việc thể hiện ý chí định đoạt quyền của mình trước pháp luật. Việc quy định như vậy sẽ góp phần đảm bảo được quyền của đương sự trong vụ án dân sự và trong  việc dân sự được đảm bảo một cách công bằng trong quá trình giải quyết tại Tòa án. Đồng thời, cũng góp phần đảm bảo được việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

 

Tòa án huyện Gia Lâm (Hà Nội) xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi quyền sở hữu nhà - Ảnh: TTX


[1] Hoàng Phê - Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2003 [trang 562]

[2] Khoản 4 Điều 143 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[3] Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016

[4] Khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[5] Khoản 5 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[6] Khoản 4 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[7] Điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[8] Khoản 5 Điều 18 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016

[9] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta716235t1cvn/chi-tiet-ban-an.

[10] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta958869t1cvn/chi-tiet-ban-an

Th.s HUỲNH XUÂN TÌNH - Th.s LÝ SƠN THANH PHONG (Toà án nhân dân Tp Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang)