Đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại tiền tạm ứng án phí sơ thẩm

Nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Kim Liên, đăng ngày 05/6/2023, bàn về một số vướng mắc khi thi hành quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng, cần ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.

Bản án dân sự của TAND tỉnh G bị TANDCC tại Đà Nẵng hủy để xét xử sơ thẩm lại. Khi Tòa án tỉnh G thụ lý giải quyết lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì TANDTC có văn bản đề nghị TAND tỉnh G chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Tòa án  tỉnh G đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho TANDTC, đồng thời ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm quyết định hủy bản án phúc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh G.

Điều này căn cứ theo khoản 2 Điều 343 của BLTTDS quy định: “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa”. Tức là bản án sơ thẩm của TAND tỉnh G đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, TAND tỉnh G vẫn đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử sơ thẩm lại theo bản án phúc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng.

Trong trường hợp này, căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS quy định về trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án: “g, Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”

Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 192 BLTTDS có quy định trường hợp: “c, Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án…”

Như vậy, quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm quyết định hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, vụ án dân sự đã được giải quyết bằng quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nên vụ án dân sự đang được thụ lý giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm là vụ án dân sự đã được giải quyết bằng quyết định giám đốc thẩm và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nên cần ra quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này. Theo khoản 3 Điều 218 BLTTDS: “Trườnghợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án…và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ”. Do vậy, vụ án này bị đình chỉ theo điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS nên tiền tạm ứng án phí được trả lại cho đương sự.

Đối với phần án phí của bản án phúc thẩm bị hủy, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng cần sửa đổi bổ sung thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trong việc giải quyết hậu quả của việc hủy án để tạo tính thống nhất, khách quan trong việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, theo khoản 4 Điều 218 BLTTDS: “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”, như vậy, đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nói trên vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Điều này khiến việc giải quyết vụ án kéo dài, khó triệt để, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)