Xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số vướng mắc trong việc giải quyết lại các vụ án dân sự sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, từ đó đề xuất các kiến nghị có liên quan.
Đặt vấn đề
Việc giải quyết lại các vụ án dân sự sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thường xuất hiện những vấn đề cần phải làm rõ so với việc xét xử sơ thẩm trước đây, chẳng hạn như việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, phải có ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan… Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, việc giải quyết các vấn đề này đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập.
1. Quy định của pháp luật
Việc xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS năm 2015: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Giải thích rõ hơn về quy định trên, Mục 17 Phần IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC hướng dẫn như sau:
Khoản 4 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà phải giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, không đến Tòa án và cũng không có ý kiến gì về việc nguyên đơn rút đơn thì được coi là đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có)”.
Tiếp theo đó, Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính hướng dẫn như sau:
Trong trường hợp vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án để xét xử lại, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải được sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không và tùy từng trường hợp xử lý như sau:
- Trường hợp bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
- Trường hợp bị đơn đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan, yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có); người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết thì trở thành bị đơn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
- Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, không yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết vấn đề án phí, không giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án.
- Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để hỏi ý kiến về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không nhưng vẫn vắng mặt nhưng không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì coi như đồng ý đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Như vậy, giải đáp theo Công văn 64/TANDTC-PC đã cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết hơn so với hướng dẫn tại Mục 17 Phần IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC.
2. Thực trạng và vướng mắc
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, xử lý hậu quả của việc đình chỉ vụ án là yêu cầu gắn liền và bắt buộc với việc ban hành quyết định đình chỉ vụ án, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS năm 2015 chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt là khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vì bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành nên khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm mà xuất hiện căn cứ đình chỉ thì trong quyết định đình chỉ Tòa án phải giải quyết phần hậu quả của việc thi hành bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã bị hủy trước đó.
Trong thực tiễn xét xử có nhiều vướng mắc phát sinh khi xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, các quy định pháp luật để hướng dẫn, thực hiện quy định này cũng chưa đầy đủ và chi tiết, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khoản 7 Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: “Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí”.
Theo đó, sau khi có bản án giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án tiến hành xác minh tại Cơ quan thi hành án dân sự (CQTHADS) thì kết quả thấy rằng CQTHADS đã hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí, lệ phí cho nguyên đơn. Sau đó, Tòa án ban hành thông báo về việc yêu cầu nguyên đơn tiếp tục nộp lại số tiền tạm ứng án phí. Đồng thời, Tòa án triệu tập hợp lệ 02 lần đối với nguyên đơn để nguyên đơn thực hiện việc đóng tạm ứng án phí nhưng nguyên đơn đều cố tình vắng mặt. Trong trường hợp này, thực tiễn xét xử đã xảy ra vướng mắc như sau:
- Nếu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý đình chỉ thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và có thể xử lý hậu quả số tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án như thế nào? Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”. Trong trường hợp này, đặt ra vấn đề là nguyên đơn không chấp hành nộp lại tiền tạm ứng án phí mặc dù trước đó đã được hoàn trả từ CQTHADS thì tiền tạm ứng án phí ở đâu để sung vào công quỹ nhà nước. Vấn đề này hiện nay trong thực tiễn xét xử còn nhiều bất cập ở khâu Tòa án xác định hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án như thế nào?
- Nếu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án có thể yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án hay không?
Thứ hai, trường hợp nguyên đơn đề nghị rút yêu cầu khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành 02 lần triệu tập hợp lệ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để lấy ý kiến nhưng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có mặt để trình bày ý kiến. Theo hướng dẫn tại Mục 17 Phần IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC thì xem như bị đơn, người có liên quan đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay chưa quy định hoặc có văn bản pháp luật hướng dẫn về việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án. Trong trường hợp này, chi phí thi hành án sẽ do bên nào chịu? Cơ sở để xác định chi phí thi hành án để xem xét trong quyết định đình chỉ?
Thứ ba, trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện theo đúng quy định thì Tòa án có nên triệu tập bị đơn và người có quyền lợi liên quan để lấy ý kiến không? Trường hợp này trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn vì với vụ việc dân sự thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trường hợp đặc biệt thời hạn có thể được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị nêu trên. Do đó, sau khi có bản án giám đốc thẩm, tái thẩm thì sau khi chuyển hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết lại vụ án thì đa phần các đương sự đã chuyển nơi cư trú hoặc không xác định nơi cư trú mới của đương sự. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến thời hạn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Qua một số vướng mắc, bất cập như đã nêu đối với việc xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, trường hợp nguyên đơn đã được Tòa án thông báo về việc nộp lại tiền tạm ứng án phí, lệ phí nhưng không chấp hành mặc dù đã đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 02 lần. Trong trường hợp nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý tiếp tục giải quyết vụ án thì cần có hướng dẫn cụ thể xác định hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án đối với số tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà nguyên đơn đã được hoàn trả lại từ CQTHADS. Ngược lại nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị tiếp tục giải quyết vụ án thì Tòa án tiến hành xử lý vụ án theo hướng không xem xét lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xem như người khởi kiện từ bỏ yêu cầu khởi kiện và xác định lại tư cách tố tụng bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
Thứ hai, trường hợp nguyên đơn đề nghị rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến trình bày (đã được triệu tập hợp lệ 02 lần) thì cần có hướng dẫn cụ thể về xử lý hậu quả của việc thi hành án. Vấn đề này cần viện dẫn, hướng dẫn thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự để thống nhất thực hiện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ ba, cần xem xét lại quy định phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với bản án đã được xem xét theo giám đốc thẩm, tái thẩm. Trường hợp này, cần xử lý theo hướng:
-Nếu bị đơn không có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì không cần thiết phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.
-Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì cần thiết phải có sự đồng ý của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện.
Qua thực tiễn, tác giả thấy rằng hiện nay việc đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là vấn đề cần được quan tâm và thống nhất. Có như vậy, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án mới phù hợp với thực tiễn và bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tài liệu tham khảo
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANTDC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.
- Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
TAND TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự- Ảnh: Khôi Nguyên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận