Một số vấn đề lý luận về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam

Xét về mặt lý luận, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng hiện nay đang tồn tại sự chưa thống nhất về khái niệm quyền tư pháp, dẫn đến việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp ở mỗi quốc gia có sự khác nhau căn bản.

Quyền tư pháp là một quyền gắn liền với quyền lực nhà nước, biểu hiện cho quyền lực nhà nước. Mặc dù nói rằng quyền tư pháp được phát triển, đề cao tính độc lập trong một hệ thống quyền lực nhà nước mang tính phân quyền, không thể phủ nhận rằng, quyền tư pháp tồn tại khách quan, tất yếu trong mọi Nhà nước và trong mọi thể chế chính trị của Nhà nước.

1.Quyền tư pháp” là một thuật ngữ xuất hiện và tồn tại từ rất lâu

 “Quyền lực tư pháp” hay “Quyền tư pháp” là một thuật ngữ xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trong lĩnh vực pháp lý, theo đó xuất phát từ quan điểm quyền lực của nhà nước nên được phân chia thành ba nhánh quyền riêng biệt, người ta cho rằng nó được đề xuất bởi nhà triết gia cổ đại Aristotle, sau này được phát triển bởi nhà tư tưởng người Pháp Charles-Louis de Secondat Montesquieu và được sử dụng trong hầu hết các bản hiến pháp thành văn cho đến bây giờ [1].

Cụ thể, Aristotle cho rằng: Có ba bộ phận trong tất cả các nhà nước, đó là Hội nghị nhân dân (The Public Assembly), các Viên chức nhà nước (The officers of the state) và Cơ quan tòa án (The Judicial Department) [2].

Đến thế kỷ thứ 17 – 18, triết gia người Anh John Locke đề cập đến mô hình tam quyền phân lập trong cuốn “Khảo luận thứ 2 về chính quyền: Luận về nguồn gốc, phạm vi và mục đích chân chính của chính quyền dân sự” trong đó đề cập đến các quyền cụ thể của nhà nước bao gồm: quyền lập pháp, quyền hành pháp (John Locke không phân biệt quyền tư pháp. Các tòa án thực thi quyền phân xử là một cơ quan của nhánh quyền hành pháp).

Khác với John Lock, triết gia người Pháp đương thời là Montesquieu lại quan niệm rằng mọi chính thể đều có ba thành tố: (1) lập pháp để xây dựng luật pháp; (2) hành pháp để quản trị các hoạt động quốc gia; và (3) tư pháp nhằm xét xử các vụ tranh chấp của nhân dân. Mỗi thành phần phải được độc lập để kiểm soát lẫn nhau nhằm bảo vệ quyền tự do của nhân dân.

Và mặc dù đã được ghi nhận thông qua quan điểm về sự phân chia quyền lực nhà nước bởi các học giả từ lâu như đề cập, quyền tư pháp vẫn chỉ được giải thích như là một nhánh quyền có chức năng xét xử những sự vụ đã xảy ra hơn là có thẩm quyền tài phán độc lập. Vì vậy mà hiện nay, những nhà nghiên cứu Hiến pháp trên thế giới đa số nhận định rằng quyền tư pháp thật sự được phát kiến bởi vị Thẩm phán tài năng của Hoa Kỳ là John Marshall – người được coi là vị cứu tinh cho nền “Dân chủ Mỹ” trong quá trình xử lý vụ việc/án lệ “Marbury kiện Madison”[1] năm 1803, một sự kiện pháp lý kinh điển, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ tính độc lập và quyền lực của nhánh Tư pháp Hoa Kì. Đây được xem là quyết định quan trọng nhất trong lịch sử của Tòa án Tối cao Mỹ khi lập nên một nguyên tắc giám sát tư pháp và quyền lực của Tòa án trong việc xác định tính hợp hiến của các hành vi lập pháp và hành pháp.

2.Nhiều quan niệm khác nhau

Ngày nay, từ nguồn gốc hình thành quyền tư pháp, thực tế trên thế giới tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về quyền tư pháp.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyền tư pháp là quyền của nhà nước xử lý các vụ việc cụ thể vi phạm pháp luật bằng cách áp dụng chế tài pháp lý lên các vi phạm, qua đó thực thi công lý và bảo đảm pháp luật được thực thi. Đối với quan điểm này, xét theo phương diện chức năng, quyền tư pháp là một trong những phạm vi, lĩnh vực của quyền lực nhà nước, được thực hiện chỉ bởi một cơ quan là Tòa án nhằm thực hiện hoạt động xét xử.

Một quan điểm khác thì cho rằng, quyền tư pháp bên cạnh chức năng xét xử còn bao gồm cả “quyền phủ quyết” (Veto Power/Nullification Power). Theo đó, có nhiều những căn cứ để nhận định rằng, quyền tư pháp theo nguyên nghĩa bao gồm quyền phủ quyết các đạo luật vi hiến, mà cụ thể như đã giới thiệu, được thể hiện rõ trong vụ việc “Mabury kiện Edison”. Ngày nay, quyền phủ quyết này còn thường được gọi với cái tên khác là “quyền xem xét” (Judicial review) [3].

Đối với các quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common Law) thì quyền tư pháp còn bao gồm chức năng xây dựng pháp luật thông qua hệ thống án lệ. Theo quan điểm của các nhà luật học, thì án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án mang tính ràng buộc về pháp lý và có giá trị là nguồn của luật nhằm đưa ra các nguyên tắc áp dụng cho các vụ việc tương tự xảy ra sau này. Nói cách khác, án lệ là một hình thức của pháp luật hay hoạt động làm luật của Tòa án.

Ở Việt Nam, quyền tư pháp được nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa, đó là “quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính…” hoặc một định nghĩa khác “tư pháp là một lĩnh vực quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật”. Như vậy, quan niệm về quyền tư pháp của nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và quan niệm về quyền tư pháp trong học thuyết của Montessquieu và đang hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới, về cơ bản, có nhiều điểm tương đồng, theo đó quyền tư pháp là quyền xét xử và dựa trên quan điểm này thì cơ quan tư pháp được xác định là Tòa án.

Quyền tư pháp là một quyền gắn liền với quyền lực nhà nước, biểu hiện cho quyền lực nhà nước. Mặc dù nói rằng quyền tư pháp được phát triển, đề cao tính độc lập trong một hệ thống quyền lực nhà nước mang tính phân quyền, không thể phủ nhận rằng, quyền tư pháp tồn tại khách quan, tất yếu trong mọi Nhà nước và trong mọi thể chế chính trị của Nhà nước. Hiểu cách khác, bất kì nhà nước nào có quyền lực thì cũng bao gồm quyền tư pháp chứ không phải chỉ đến khi phân quyền rồi mới có quyền tư pháp.

Ngày nay trên thế giới, bên cạnh những quốc gia tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân quyền, tồn tại các quốc gia mà quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, tập quyền xã hội chủ nghĩa. Như vậy quyền lực nhà nước không phải lúc nào cũng được phân chia rõ ràng thành ba nhánh quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, ba quyền này có lúc thì tập trung, có lúc thì phân ra theo những cách thức tổ chức quyền lực nhà nước khác nhau.

Lý luận và thực tiễn cho thấy xuất phát từ cách thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, bản chất quyền lực nhà nước và mục đích sử dụng quyền lực nhà nước ở mỗi quốc gia là khác nhau mà nhận thức về quyền tư pháp không giống nhau. Vì vậy mà, tồn tại một số các mô hình và cơ chế thực hiện quyền tư pháp.

Thứ nhất, quyền tư pháp trong mô hình nhà nước theo truyền thống luật dân sự. Đối với những quốc gia có mô hình này, quyền tư pháp được phân chia cho nhiều loại Tòa án khác nhau theo ý tưởng về một tòa án không diễn giải luật một cách sáng tạo và nếu cần phải diễn giải thì nên để cho những người biên soạn luật thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng một cách sâu sắc tư tưởng tam quyền phân lập của Montesquieu và của Rousseau.

Theo đó, quyền hạn của Tòa án chỉ hạn chế trong phạm vi giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, lao động và xét xử các vụ án hình sự. Các Tòa án không có thẩm quyền tuyên bố bác bỏ một đạo luật, bởi luật là ý chí của toàn dân thông qua các đại diện ở cơ quan quyền lực tối cao (Quốc hội) công bố. Và nếu Tòa án được quyền vô hiệu hoá một đạo luật tức là đã “nhập vào” (hay đã chiếm lấy) quyền lập pháp. Tòa án thậm chí còn không được quyền giải quyết các tranh chấp hành chính vì điều đó bị coi là đã xâm phạm vào quyền hành pháp [4].

Tòa án của các quốc gia theo hệ thống dân luật thực hiện việc xét xử các vụ án dựa trên một quy trình tố tụng được quy định rõ ràng. Việc đưa ra phán quyết được thực hiện bởi thẩm phán xét xử vụ án đó theo căn cứ chủ yếu vào Luật thành văn và kết quả của cơ quan điều tra.

Thứ hai, quyền tư pháp trong mô hình nhà nước theo hệ thống Thông luật và áp dụng mô hình của Hoa Kỳ. Ở một số nước theo Thông luật và đặc biệt tại Hoa Kỳ, các thẩm phán tòa án được nhìn nhận như là để cân bằng quyền lực của các nhánh khác trong quyền lực nhà nước. Thẩm phán có quyền giải thích luật khi xét xử một vụ án, Hiến pháp được coi là luật của các loại luật, là luật tối cao của quốc gia. Vì vậy, Thẩm phán ở Hoa Kỳ đã có quyền giải thích hiến pháp và pháp luật khi xét xử, nếu thấy luật trái với Hiến pháp thì không áp dụng luật đó – đây là thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp ở Châu Âu lục địa. Quyền tư pháp theo mô hình này bên cạnh vai trò trung tâm của hoạt động xét xử của tòa án thì còn bao gồm cả chức năng làm luật thông qua việc ban hành các bản án có hiệu lực pháp lý và được thừa nhận là án lệ.

Thứ ba, quyền tư pháp trong mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân có chức năng và nhiệm vụ chính là bảo vệ lợi ích nhân dân nên quyền tư pháp phải được tổ chức thành bộ máy với những cơ quan, con người và thủ tục sao cho người dân dễ sử dụng bộ máy đó để bảo vệ quyền lợi của họ. Ở đây có hàng loạt yêu cầu và đòi hỏi đặt ra như quyền tiếp cận công lý của người dân cần được chú ý; thủ tục tư pháp đơn giản, thuận tiện, ít tốn kém; cán bộ tư pháp chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp. Khả năng đáp ứng các yêu cầu này của nền tư pháp cũng chính là những tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả và vai trò của quyền tư pháp [5].

3.Quyền tư pháp ở Việt Nam

Việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam theo nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công , phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[2]. Mặc dù, điều này cho thấy rằng Việt nam tổ chức thực thi quyên lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền (trước đây là tập quyền Xã hội chủ nghĩa), theo đó quyền lực nhà nước có sự tập trung, thống nhất, song đã phần nào ghi nhận những hạt nhân cơ bản, hợp lý của nguyên tắc phân quyền, trong đó thừa nhận sự phân chia quyền lực nhà nước thành các nhánh quyền cụ thể. Các nhánh quyền này, không tồn tại một cách độc lập, riêng rẽ mà có sự liên hệ, kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau.

Quyền lực tư pháp được ghi nhận là một nhánh quyền lực nhà nước, vận động trong mối quan hệ với các nhánh quyền lập pháp, quyền tư pháp thông qua cơ chế cân bằng, kiềm chế đối trọng, kiểm soát quyền lực. Là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước, phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp không tương đồng với hai loại quyền còn lại và luôn giữ một vị thế độc lập.

Tòa án ở Việt Nam thực hiện quyền tư pháp thông qua hoạt động xét xử dựa trên nguyên tắc độc lập, khách quan và chỉ tuân theo pháp luật. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, hệ thống, tổ chức và nhiệm vụ của Toà án nhân dân. Việc tổ chức Toà án như trên là đảm bảo cho nguyên tắc xét xử độc lập, hạn chế can thiệp của các tổ chức chính trị, cơ quan Nhà nước và hoạt động xét xử của Toà án.

Trong mối quan hệ với cơ quan hành pháp, Tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các quyết định, hành vi được thực hiện bởi cơ quan hành chính. Đối với các quyết định, hành vi được xem là vi hiến hoặc trái pháp luật, Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ. Ngược lại, Tòa án có chịu sự kiểm soát của hệ thống cơ quan hành pháp hay không thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời. Hệ thống hành pháp thực hiện chức năng hành pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hệ thống hành pháp bao gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và hệ thống ủy ban nhân dân ở các cấp địa phương cùng với các cơ quan trực thuộc. Hệ thống cơ quan hành pháp là một hệ thống song song và độc lập với hệ thống cơ quan tư pháp. Giữa hai cơ quan này cũng không tồn tại quan hệ thứ bậc như giữa cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tư pháp. Do đó, các cơ quan trong hệ thống hành pháp không có vai trò kiểm soát bên ngoài đối với việc thực hiện quyền tư pháp một cách rõ rệt.

Trong mối quan hệ với nhánh lập pháp, Quốc hội quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao, quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan này, quy định nhiệm vụ quyền hạn cho cơ quan này, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với chức danh Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Giám sát hoạt động thông qua việc xét báo cáo hoạt động và thực hiện chất vấn đối với Toà án nhân dân tối cao. Giao cho Ủy ban thường vụ Quốc Hội thực hiện việc giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao. Khi phát hiện thấy văn bản của Tòa án nhân dân tối cao trái văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc Hội thì có quyền bãi bỏ, nếu thấy trái văn bản của Quốc hội thì đình chỉ và đề nghị Quốc hội bãi bỏ.

Tòa án nhân dân tối cao phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện công việc được giao.Toà án nhân dân tối cao có quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Xét xử các đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân  năm 2014 chính thức thừa nhận vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”. Việc thừa nhận án lệ là một nguồn bổ sung của Luật như hiện nay không nằm ngoài quan điểm quyền tư pháp bao gồm chức năng làm luật (trong một số trường hợp cụ thể)./.

[1] Diễn biến của vụ Marbury và Madison:

Vào năm 1803, trước khi người kế nhiệm là Thomas Jefferson nhậm chức, Tổng thống Jon Adams bổ nhiệm Marbury vào ghế thẩm phán liên bang. Nhưng quyết định bổ nhiệm vẫn không được Ngoại trưởng mới dưới thời Jefferson là Medison gửi cho Marbury. Marbury thỉnh cầu lên Toà án tối cao, đề nghị Toà chỉ thị cho Medison gửi quyết định trên. Luật thông qua năm 1789 (Luật về hệ thống toà án) cho phép Toà trong những trường hợp như vậy đưa ra những chỉ thị cần thiết.

Nhưng Chánh án Toà án tối cao John Marshall tuyên bố: Toà án tối cao không có thẩm quyền đưa ra những chỉ thị như vậy. Ông giải thích: Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng Toà án tối cao chỉ là cấp tòa phúc thẩm, trừ những trường hợp riêng biệt. Do đó, trong trường hợp này, Luật về hệ thống toà án 1789 cho phép thỉnh cầu thẳng lên Toà án tối cao là mâu thuẫn với quy định của Hiến pháp. Bởi vậy, Toà án tối cao không thể công nhận điều khoản đó của Luật có hiệu lực.

(Nguồn: Réne David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Moskva, 1999- BBT)

[2] Hiến pháp nước CHXHCN VN 2013

Tham khảo

[1] Cuthbert W. Pound, The Judicial Power, Harvard Law Review,Vol. 35, No. 7 (May, 1922), pp. 787-796

[2] Nguyễn Thị Hồi, Tư tưởng phân chia quyền lực với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước, Nxb Tư pháp Hà Nội, 2005, tr.21

[3] Randy E. Barnett, The Original Meaning of the Judicial Power, Georgetown University Center, 2004, http://scholarship .law .georgetown. edu/facpub/839

[4] Ngô Cường, Bàn về nội dung quyền tư pháp, http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/cai-cach-tu-phap/ban-ve-noi-dung-quyen-tu-phap-ky-1-64116.html, truy cập 13/3/2020

[5] Nguyễn Đức Minh, Nhận thức về quyền tư pháp ở Việt Nam, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nhan-thuc/2250-nguyen-duc-minh-nhan-thuc-ve-quyen-tu-phap-o-viet-nam.html, truy cập 13/3/2020

Trụ sở TAND Tp HCM – Ảnh: Phong Vũ

 

 

 

 

 

 

 

Ths. HOÀNG THỊ ÁI QUỲNH (Trường Đại học Luật – Đại học Huế)