Một số vấn đề về hành vi thỏa mãn cấu thành nhiều tội

Xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi thỏa mãn cấu thành của nhiều tội là một vấn đề phức tạp cả về lý luận và thực tiễn nên theo quan điểm chúng tôi nội dung hướng dẫn trên vẫn chưa đảm bảo được đầy đủ về mặt lý luận chung và chưa bao hàm được tất cả các trường hợp còn vướng mắc trên thực tiễn.

1.Hướng dẫn nghiệp vụ

Tại văn bản mang tính hướng dẫn nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC có nội dung hướng dẫn:

- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.

- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Mặc dù là văn bản trao đổi nghiệp vụ, nhưng Công văn mang chất tính định hướng và là cơ sở cho Tòa án các cấp giải quyết trong việc xác định tội danh đối với trường hợp hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm (CTTP) của nhiều tội. Về mặt lý luận định tội danh thì nội dung hướng dẫn trên không phải là mới nhưng đây là lần đầu tiên TANDTC đưa ra một quy tắc chung về vấn đề này, đồng thời điều này cũng đặt ra vấn đề tương đối khác trong vấn đề định tội danh trong thực tiễn lâu nay, ví dụ như quan điểm về phạm nhiều tội, thu hút tội phạm, nguyên tắc một hành vi bị xử lý một lần, nguyên tắc một tình tiết chỉ được sử dụng một lần…

Tuy nhiên, xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi thỏa mãn cấu thành của nhiều tội là một vấn đề phức tạp cả về lý luận và thực tiễn nên theo quan điểm chúng tôi nội dung hướng dẫn trên vẫn chưa đảm bảo được đầy đủ về mặt lý luận chung và chưa bao hàm được tất cả các trường hợp còn vướng mắc trên thực tiễn. Cụ thể:

- Trường hợp chủ thể thực hiện một hành vi, thỏa mãn cấu thành nhiều tội và thuộc trường hợp phạm nhiều tội. Ví dụ: Người thực hiện hành vi giết người để cướp tài sản, phạm 2 tội cướp tài sản và giết người. 

- Trường hợp chủ thể thực hiện nhiều hành vi không có mối liên hệ với nhau thõa mãn nhiều CTTP, thuộc trường hợp phạm nhiều tội. Ví dụ: Người thực hiện trộm cắp tài sản, sau đó tiếp tục thực hiện hành vi cướp tài sản, phạm 2 tội trộm cắp tài sản và cướp tài sản. 

- Trường hợp hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau nhưng vẫn bị xem xét xử lý về một tội. Ví dụ người vận chuyển, tàng trữ để thực hiện mua bán trái phép chất ma túy, chỉ bị xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy.

- Trường hợp hành vi vừa thỏa mãn cấu thành của một tội phạm, vừa thỏa mãn cấu thành tăng nặng, giảm nhẹ của tội phạm khác, bị xử lý về 01 tội có cấu thành tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ví dụ: Tội giết người và tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc tội buôn bán hàng hàng cấm có tình tiết tăng nặng buôn bán qua biên giới.

Đây là vấn đề phức tạp, để làm rõ hơn vấn đề phạm một tội hay phạm nhiều tội, dựa trên sự kế thừa kết quả đã nghiên cứu và kết quả đánh giá những vướng mắc trên thực tiễn, chúng tôi đưa ra một số ý kiến về trường hợp người thực hiện hành vi thỏa mãn cấu thành của nhiều tội được quy định tại nhiều điều luật khác nhau của BLHS dưới hai góc độ cạnh tranh pháp luật và phạm nhiều tội. Trong bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi theo điều luật gắn với tội danh, không phân tích sâu về các điểm, khoản của điều luật.

2. Một số vấn đề lý luận về cạnh tranh trong cấu thành tội phạm

2.1. Trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự

Là trường hợp một hành vi chứa đựng hai hay nhiều quy phạm pháp luật hình sự, giữa các quy phạm đều có sự quy định ở mức độ khái quát và đầy đủ các dấu hiệu của cùng một loại hành vi tội phạm, có nghĩa là một hành vi thỏa mãn nhiều CTTP. Tuy nhiên, trong trường hợp này chỉ được áp dụng một điều luật để định tội danh và điều luật đó phải phản ánh chính xác, đầy đủ nhất bản chất và tính nguy hiểm của hành vi.

Tại Công văn số 233/TANDTC-PC có nêu “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. Đây là nội dung hướng dẫn mang tính quy tắc chung trong việc định tội danh trong trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự.

Việc phân tích, đánh giá trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật nhằm lý giải trường hợp một hành vi (hành vi đơn nhất, không phải là chuỗi hành vi) thỏa mãn cấu thành nhiều tội nhưng chỉ áp dụng một điều luật để xử lý (phân biệt với trường hợp phạm nhiều tội).  

2.2. Trường hợp cạnh tranh giữa quy phạm pháp luật chung và riêng

Quy phạm chung quy định một nhóm loại hành vi nhất định, quy phạm riêng là trường hợp cụ thể của nhóm loại hành vi đó, trong đó bổ sung thêm dấu hiệu riêng (lưu ý là loại hành vi không đồng nhất với từng yếu tố của CTTP). Ví dụ, cạnh tranh giữa loại hành vi giết người, trong đó quy phạm chung về tội giết người và quy phạm riêng như tội giết hoặc vứt con mới đẻ, tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc cạnh tranh giữa loại hành vi vô ý làm chết người, giữa tội vô ý làm chết người và các tội có hậu quả chết người do lỗi vô ý như về hành vi phạm quy định về tham gia giao thông, vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, vi phạm quy định về khám chữa bệnh, chữa bệnh, phá thai trái phép, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người…, hoặc cạnh tranh giữa quy phạm chung là tội đánh bạc và quy phạm riêng là tội tổ chức đánh bạc (quan hệ cấu thành của hành vi đồng phạm).

Trong trường hợp này, nguyên tắc định tội danh để xác định trách nhiệm hình sự là quy phạm pháp luật riêng, hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu riêng và thể hiện đúng bản chất nhất của hành vi.

Trên thực tiễn áp dụng pháp luật, có những sai sót xác định không đúng tội danh do không xác định được những hành vi cùng loại ví dụ như hành vi gây hậu quả chết người khi vi phạm quy định về khám, chữa bệnh hoặc phá thai trái phép lại bị xử lý về tội vô ý làm chết người mà không bị xử lý về tội có những dấu hiệu riêng.

2.3. Trường hợp cạnh tranh giữa các quy phạm pháp luật riêng

 Trước hết không phải là quy phạm cùng về nhóm hành vi phạm tội (chung – riêng) mà giữa các quy phạm pháp luật có sự khác nhau mang tính chất phức tạp hơn. Giữa các quy phạm pháp luật có quy định những dấu hiệu cùng một loại tội phạm nhưng quy phạm pháp luật cạnh tranh có  những dấu hiệu khác trong các yếu tố CTTP mà quy phạm còn lại không có. Có thể nói, có quy phạm bao quát toàn bộ hành vi đã thực hiện, còn có quy phạm khác chỉ bao quát phần cụ thể của hành vi đó. Giữa các quy phạm này có mỗi quan hệ phụ thuộc về nội dung, có thể ở khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm hoặc đồng thời theo một số các dấu hiệu của các yếu tố CTTP.

Cần phân biệt trường hợp cạnh tranh này với trường hợp hai hay nhiều quy phạm pháp luật có quan hệ tiếp giáp. Trong cạnh tranh quy phạm pháp luật, thì có một quy phạm quy định đầy đủ những dấu hiệu hành vi phạm tội của quy phạm khác. Còn trong quy phạm tiếp giáp, giữa các quy phạm có một phần dấu hiệu trùng nhau nhưng cả hai quy phạm đều có những dấu hiệu mà quy phạm còn lại không có, ví dụ như cướp và trộm có cùng dấu hiệu là chiếm đoạt tài sản nhưng khác nhau là sử dụng vũ lực và hành vi lén lút.

Quy tắc chung trong việc định tội danh trường hợp này là áp dụng quy phạm nào bao quát một cách đầy đủ nhất tất cả các dấu hiệu thực tế của hành vi đã thực hiện.

Một điểm lưu ý là xuất phát từ tính khái quát, điều chỉnh chung và tính đa dạng của hành vi nên vấn đề xác định các yếu tố CTTP phải dựa trên sự đánh giá cùng các yếu tố cấu thành khác, ví dụ như để xác định khách thể thì phải dựa vào hành vi khách quan, yếu tố lỗi…Do đó, khi xem xét vấn đề cạnh tranh giữa các quy phạm riêng là phải kết hợp xem xét tất cả các yếu tố của CTTP. Tuy nhiên, trong những điều kiện, dấu hiệu khác giống nhau, theo chúng tôi có thể xem xét các quy phạm cạnh tranh dưới những dấu hiệu sau:

- Cạnh tranh về khách thể: Là trường hợp khách thể trong quy phạm này là khách thể trong một quy phạm khác. Trong trường hợp này các quy phạm cạnh tranh bao giờ cũng có khách thể cùng loại. Được thể hiện dưới dạng:

Khách thể của quy phạm này chỉ là một phần của khách thể trong quy phạm khác. Ví dụ như khách thể là sức khỏe trong hành vi cố ý gây thương tích là một phần trong khách thể của hành vi cướp tài sản; khách thể là tài sản trong hành vi làm hư hỏng tài sản là một phần của khách thể trong hành vi phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hoặc khủng bố (có đốt phá tài sản)...

Hoặc khách thể trong các quy phạm cạnh tranh có mối quan hệ mang tính lệ thuộc. Ví dụ tính lệ thuộc giữa sức khỏe và tính mạng, trong đó sức khỏe là điều kiện cần thiết để đảm bảo tính mạng; vì vậy trong một số trường hợp hành vi xâm phạm sức khỏe nhưng nguy hiểm đến tính mạng thì bị xử lý về tội giết người hoặc hậu quả chết người nhưng bị xử lý về tội cố ý gây thương tích.

Quy tắc chung xác định tội danh trong trường hợp này là quy phạm về tội danh mang tính đầy đủ nhất khách thể bị xâm hại.

Tuy nhiên, trong thực tiễn phát sinh sai lầm trong việc xác định tội danh, phần lớn xuất phát từ việc đánh giá đầy đủ khách thể bị xâm phạm nên không xác định được quy phạm nào mang tính bao quát, đầy đủ nhất. Điều này dẫn đến xét xử không đúng tội danh có khách thể đầy đủ hơn hoặc có thể bị xử về nhiều tội và ngược lại. Ví dụ như sai lầm khi xét xử về tội cố ý gây thương tích nhưng lẽ ra là tội giết người; xét xử hành vi đua xe trái phép bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội đua xe trái phép hoặc cả hai tội; hành vi sử dụng chất độc để trộm cắp tài sản chỉ bị xử về tội trộm cắp tài sản…Đồng thời, phát sinh vướng mắc khi một hành vi xâm phạm đến nhiều khách thể thì bị xử lý về một tội hay nhiều tội (vấn đề này sẽ phân tích tại phần phạm nhiều tội tư tưởng dưới đây).

- Cạnh tranh về mặt khách quan: Là trường hợp mặt khách quan trong quy phạm này là một phần của quy phạm khác. Được thể hiện ở các trường hợp sau:

Hành vi của điều luật này chỉ là một phần của hành vi trong điều luật khác. Ví dụ hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành vi đe dọa giết người là một phần của hành vi cướp tài sản …

Hành vi của của tội này là phương thức, điều kiện của một tội khác. Ví dụ hành vi hủy hoạt tài sản (đốt phá tài sản nhằm làm cho quần chúng lo sợ) trong tội khủng bố; hành vi tàng trữ, vận chuyển là điều kiện để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy hoặc hành vi.

Quy tắc chung để định tội danh là tội phạm có mặt khách quan đầy đủ hơn.

Ngoài ra, còn có yếu tố quan trọng thuộc CTTP khác như động cơ, hậu quả, chủ thể phạm tội. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong mỗi tội phạm đều mang một động cơ khác nhau riêng biệt và việc xác định động cơ phạm tội phải dựa vào những biểu hiện của mặt khách quan. Hậu quả của tội này có thể được quy định là hậu quả hoặc một phần hậu quả của tội khác nhưng chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm của hành vi trong cùng một tội hoặc là yếu tố tăng tặng trong tội phạm khác (đây là vấn đề kỹ thuật lập pháp để hạn chế việc xác định trách nhiệm hình sự theo nhiều tội). Chủ thể tội phạm là một yếu tố trong cạnh tranh giữa quy phạm chung và quy phạm riêng, trong đó quy phạm riêng có những chủ thể riêng, ví dụ vô ý làm chết người với vi phạm quy định về quy tắc khám, chữa bệnh...

Cạnh tranh giữa quy phạm pháp luật riêng có thể là cạnh tranh giữa một hoặc một số yếu tố của CTTP. Tuy nhiên, theo chúng tôi phương pháp định tội danh: Trước hết cần đánh giá hành vi trên thực tế và xác định các điều luật pháp luật có liên quan có thể điều chỉnh. Tiếp theo cần xác định chính xác các yếu tố cạnh tranh cơ bản của CTTP, chủ yếu và quan trọng là khách thể và mặt khách quan. Sau đó, so sánh yếu tố CTTP cạnh tranh cùng loại (ví dụ như khách thể hoặc hành vi khách quan) và dựa trên quy tắc chung để xác định điều luật áp dụng là điều luật có những quy phạm mang tính bao quát, đầy đủ nhất các yếu tố cạnh tranh. Tóm lại, khi xem xét một yếu tố cạnh tranh cụ thể giữa các điều luật cạnh tranh, cần đặt trong điều kiện là những yếu tố CTTP  khác giống nhau. Khi xem xét trường hợp cạnh tranh về khách thể cùng loại thì phải đặt trong sự so sánh với điều luật có các yếu tố về hành vi khách quan, chủ quan, chủ thể cơ bản là giống nhau, ví dụ yếu tố giống nhau là hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản nhưng khách thể của tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia rộng hơn, đầy đủ hơn tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản. Hoặc khi xem xét yếu tố cạnh tranh về hành vi khách quan thì nên đặt trong điều kiện là khách thể xâm phạm là giống nhau, ví dụ như phải xác định hành vi có cùng một loại khách thể là tài sản và sau đó với đánh giá biểu hiện hành vi khách quan thuộc tội cưỡng đoạt tài sản hoặc cướp tài sản.

3. Một số vấn đề lý luận về phạm nhiều tội

Trong lý luận hình sự, phạm nhiều tội được phân biệt thành hai dạng:

3.1. Phạm nhiều tội thực tế

 Là trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội độc lập khác nhau và cách nhau một khoảng thời gian nhất định, có thể dài hoặc không đáng kể và những hành vi đó cấu thành những tội phạm riêng biệt được quy định trong các điều luật của BLHS.

Việc xác định tội danh đối với người phạm tội trong trường hợp này theo từng hành vi cấu thành từng tội phạm riêng biệt đã thực hiện, bao gồm cả tội phạm đã hoàn thành, tội phạm chưa hoàn thành, thậm chí cả tội phạm cùng loại. Có hai dạng như sau:

Thứ nhất, giữa các hành vi độc lập và không có mối quan hệ với nhau. Ví dụ một người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, sau đó lại thực hiện hành vi cướp tài sản. Việc định tội danh tương đối dễ dàng, xác định theo từng hành vi CTTP tội phạm riêng biệt.

Thứ hai, là trường hợp được nêu tại công văn số 233/TANDTC-PC “Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Ví dụ, một người thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó sử dụng giấy tờ, tài liệu này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên thực tiễn, việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với dạng thứ hai giữa các hành vi có mối quan hệ với nhau như hành vi này là điều kiện, tiền đề của hành vi tiếp theo hoặc hành vi này là phương thức để thực hiện tội phạm thì sẽ có nhiều vướng mắc. Thực tiễn trong thời gian trước đây, trường hợp những hành vi có mối quan hệ là là tiền đề, điều kiện, phương thức hoặc là diễn biến tất yếu tiếp theo, rất nhiều trường hợp xác định hành vi này được thu hút vào tội danh theo động cơ, mục đích phạm tội, ví dụ làm giả, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chỉ bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi hủy hoại rừng sau đó lấy cây rừng mang về nhà chỉ bị xử lý về tội hủy hoại rừng; hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt tiền bảo hiểm chỉ bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên theo hướng dẫn trên thì bị xét xử về nhiều tội…Nhưng cũng có dạng hành vi này là điều kiện, tiền đề của hành vi khác nhưng chỉ bị xét xử về một tội, ví dụ như hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy để mua bán chỉ chỉ xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Để lý giải vấn đề này, theo chúng tôi cần xem xét cả ở góc độ cạnh tranh quy phạm pháp luật và vấn đề phạm nhiều tội. Trường hợp hành vi là điều kiện, tiền đề, phương thức nhưng cùng khách thể, đối tượng tác động hoặc khác khách thể nhưng hành vi trước có tính chất như là một bộ phận và cùng đối tượng tác động thì chỉ xử lý về một tội mang tính bao quát, ví dụ hành vi đe dọa giết người để cướp tài sản chỉ bị xử lý về cướp tài sản, hoặc hành vi hủy hoại tài sản khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản chỉ bị xử lý về tội trộm cắp tài sản. Đối với những hành vi khác khách thể, không cùng đối tượng tác động, mặc dù là điều kiện, tiền đề, liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, tuy nhiên vẫn có sự phân định về thời gian dù không đáng kể và vẫn có thể phân định rõ ràng về ý thức, mục đích của người thực hiện từng hành vi, ví dụ mục đích chung là lừa đảo, tuy nhiên vẫn phân định được ý thức khi làm giả giấy tờ (tội phạm đã hoàn thành), sau đó sử dụng dụng với mục đích lừa đảo, do đó bị xử lý về 02 tội.

3.2. Phạm nhiều tội tư tưởng

 Là trường hợp khi một người một hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi đó cấu thành và bị xử lý về nhiều tội phạm. Hành vi có thể kéo dài nhưng chỉ mang tính chất đơn nhất, tức là chỉ thực hiện một hành vi, một cách thức, một động cơ. Ví dụ hành vi giết người khi thực hiện hành vi cướp tài sản, ở đây chỉ một hành vi duy nhất nhưng người thực hiện phạm hai tội là giết người và cướp tài sản. Sự tồn tại của dạng phạm nhiều tội tư tưởng là do hành vi đồng thời xâm hại đến nhiều khách thể và gây ra một số hậu quả nguy hiểm.

Để lý giải vấn đề này, chúng tôi xem xét dưới khía cạnh canh tranh quy phạm pháp luật và CTTP thu hút. Người thực hiện một hành vi phạm tội có nhiều tình tiết thỏa mãn CTTP của một tội nhưng có một hoặc một số tình tiết lại thỏa mãn CTTP khác và giữa các tội phạm này có tính nguy hiểm độc lập, không thể loại trừ, thu hút lẫn nhau.

Một trong những dạng phạm nhiều tội đã được cân nhắc trong kỹ thuật lập pháp để cho cụ thể, dễ áp dụng, hạn chế sự lúng túng, tùy nghi, hạn chế xử lý về nhiều tội, đó là quy định thành những điểm, khoản tăng nặng trong cùng một điều luật, đây là trường hợp cấu thành thu hút về lập pháp. Ví dụ tình tiết có tính chất loạn luân trong tội hiếp dâm, tình tiết vận chuyển qua biên giới trong tội buôn bán hàng cấm, tình tiết gây chết người trong tội buôn bán hàng giả…

Quy tắc chung để định tội danh là trong trường hợp có cấu thành thu hút về lập pháp thì chỉ bị xét xử về một tội. Ngược lại, hành vi chứa đựng nhiều CTTP khác nhau nhưng không thuộc trường hợp thu hút về lập pháp thì bị xét xử về nhiều tội.

Việc xác định tội danh trong trường hợp chưa thu hút về lập pháp là rất phức tạp và lúng túng, sai sót trên thực tiễn.

Ví dụ: Hành vi sử dụng chất độc để trộm cắp tài sản có sai sót khi chỉ xử lý về một tội trộm cắp tài sản, trong khi thỏa mãn cấu thành của 02 tội và không thu hút, loại trừ lẫn nhau.

Ví dụ: Hành vi tháo gỡ tài sản trên những công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia để trộm cắp. Thực tiễn hầu hết chỉ xử lý về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Tuy nhiên theo chúng tôi, tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia không bao hàm hành vi trộm cắp tài sản và việc xử lý chỉ về một tội này là chưa đầy đủ và phản ánh đúng bản chất của hành vi trộm cắp tài sản.

Theo chúng tôi cần đánh giá một cách toàn diện để xem xét có thuộc trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật hoặc trường hợp thu hút về lập pháp để xác định một tội, nếu không thuộc các trường hợp này thì phải xử lý về nhiều tội.

4. Một số vấn đề vướng mắc, nhầm lẫn

4.1.Vướng mắc trong xử lý đối với trường hợp hành vi là phương thức thực hiện của một tội phạm và hành vi là phương thức cấu thành tội phạm khác

Ví dụ 1: Hành vi đốt phá tài sản là phương thức của tội khủng bố, đã được giải đáp tại Công văn số 233/TANDTC-PC là bị xử lý về một tội khủng bố.

Ví dụ 2: Hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo, không chứng minh được người lừa đảo là người trực tiếp hoặc đồng phạm làm ra giấy tờ giả. Thực tiễn đã bị xử lý về 02 tội là tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo văn bản số 50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020 thì hành vi này chỉ bị xử lý về một tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì lý do xem đây là trường hợp một người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thỏa mãn cấu thành của nhiều tội thì bị xử lý về tội nặng hơn.

Từ hai ví dụ nêu trên cho thấy, hành vi phạm tội có thể đơn giản hoặc có nhiều tình tiết phức tạp và phương thức để thực hiện tội phạm là một trong những hành vi khách quan của tội phạm (khủng bố hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản), diễn ra trong giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội, không có phân định về thời gian, nên trong trường hợp này được xác định là một hành vi phạm tội.

Theo chúng tôi vận dụng theo nội dung hướng dẫn là bị xét xử về tội nặng hơn cũng chưa đảm bảo. Đối với 02 ví dụ nêu trên nếu vận dụng theo trường hợp canh tranh quy phạm pháp luật thì xét xử về tội phạm sau, là tội phạm bao quát đầy đủ hành vi khách quan và là tội có hình phạt nặng hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp phương thức thực hiện tội phạm với tư cách là một tội có hình phạt lại cao hơn thì việc xét xử về tội là phương thức thực hiện tội phạm cũng không đảm bảo phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội.

Ví dụ 1: Hành vi tháo dỡ công trình quan trọng về an ninh quốc gia để trộm cắp tài sản. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện về an ninh quốc gia có hình phạt cao hơn nhưng việc chỉ xử lý về một tội này là không đảm bảo phản ánh đúng bản chất của hành vi trộm cắp tài sản.

Ví dụ 2: Hành vi sử dụng chất độc để trộm cắp tài sản. Trên thực tiễn hầu hết đều xử lý về 02 tội là sử dụng chất độc và trộm cắp tài sản. Tương tự như trên, tội sử dụng chất độc là có hình phạt cao hơn.

Ví dụ 3: Hành vi giết người để cướp tài sản. Thực tiễn bị xử lý về 02 tội giết người và cướp tài sản.

Do đó, theo chúng tôi trong trường hợp phương thức thực hiện tội phạm với tư cách là một tội có tính nguy hiểm thấp hơn tội phạm theo động cơ phạm tội thì xem xét dưới góc độ cạnh tranh quy phạm pháp luật về mặt khách quan để xét xử về tội có tính nguy hiểm hơn, hình phạt cao hơn. Trường hợp phương thức thực hiện tội phạm với tư cách là một tội có tính nguy hiểm cao hơn thì được xem xét dưới góc độ phạm nhiều tội tư tưởng, không có tội phạm nào thu hút, loại trừ tội phạm còn lại và phải bị xử lý về 02 tội.

4.2. Nhầm lẫn giữa phạm nhiều tội thực tế, phạm nhiều tội tư tưởng và cạnh tranh quy phạm pháp luật

Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi), hành vi trước là điều kiện, tiền đề cho hành vi sau được xác định là trường hợp phạm nhiều tội tư tưởng. Theo chúng tôi đây là trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội và phải được định tội danh theo nguyên tắc phạm nhiều tội thực tế mới đảm bảo xác định đúng tội danh.

Ví dụ trường hợp làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là trường hợp phạm nhiều tội thực tế. Trong trường hợp này, nếu xem xét dưới góc độ cạnh tranh quy phạm pháp luật và cho rằng là phương thức thực hiện tội phạm và xử lý về một tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng.

Hoặc trường hợp sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cho rằng hành vi sử dụng giấy tờ giả là điều kiện, tiền đề và thuộc trường hợp phạm nhiều tội thực tế để xử lý về hai tội là không đúng.

Tóm lại, việc xác định phạm một tội hay hai tội trong trường hợp này là rất phức tạp, theo chúng tôi cần đánh giá một cách toàn diện để xem xét, phân biệt rõ là một hay nhiều hành vi phạm tội. Trường hợp là một hành vi phạm tội thì xem xét ở góc độ cạnh tranh quy phạm pháp luật hoặc phạm nhiều tội tư tưởng để xác định một tội hay nhiều tội. Trường hợp nhiều hành vi phạm tội thì phải xử lý về nhiều tội theo phạm nhiều tội thực tế.

Đây là vấn đề rất phức tạp và trong giới hạn của bài viết này cùng với khả năng của tác giả nên có thể còn nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu, phân tích sâu và còn nhiều quan điểm nên chúng tôi rất mong có ý kiến trao đổi để làm rõ thêm.

 

TAND tỉnh Lai Châu xét xử vụ án tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh: Trần Tuấn

NGUYỄN VĂN HUY (TAND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)