Phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua hoạt động xét xử của Tòa án – Hạn chế và kiến nghị

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Việc nghiên cứu để có những giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua hoạt động xét xử của Tòa án là hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là một những vấn đề nóng bỏng và là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm xôn xao dư luận xã hội. Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội không chỉ tăng về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời cũng được trẻ hoá, có nhiều vụ án các bị cáo là người dưới 18 tuổi thực hiện thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù chung thân hoặc tử hình như tội: “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”.

Đặc biệt, vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang mà kẻ tội đồ Lê Văn Luyện thì chưa đến 18 tuổi, hay vụ nữ sinh Nguyễn Thị Giang giết bạn học ở Hưng Yên mới 15 tuổi đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này.

Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện ngày càng gia tăng, chiếm 15-18%. Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115 nghìn người, trong đó có 16-18 nghìn đối tượng là người dưới 18 tuổi… Với diễn biến như vậy, như phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung khi còn làm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì “theo phép tính nhân thì chỉ sau 5-10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có 200 nghìn người dưới 30 tuổi”. Đây chính là con số đáng báo động, buộc các cấp, các ngành phải có những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi chưa trưởng thành.

Qua thực tiễn xét xử thời gian qua thì thấy, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, cơ cấu, tổ chức, tính chất tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao, tỷ lệ người dưới 18 tuổi tái phạm còn nhiều. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để có những giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua hoạt động xét xử của Tòa án là hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

II. Thực trạng người dưới 18 tuổi phạm tội trên phạm vi toàn quốc thời gian qua

2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về người dưới 18 tuổi phạm tội
Luật hình sự Việt Nam quy định hai mức tuổi khác nhau để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 12 BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 179, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Như vậy chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự thì mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.2. Thực trạng tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội

Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án theo lứa tuổi ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đánh giá tổng thể có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, tỉ lệ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn. Chính vì vậy, việc siết chặt cũng như nới lỏng chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội một cách phù hợp, đủ sức răn đe, giáo dục là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu kéo giảm tội phạm, vừa phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế .

Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do các bị cáo đang ở độ tuổi chưa thành niên một mình hay cùng đồng bọn cũng là những người chưa thành niên gây ra như:

Vụ án Lê Ngọc Chung (sinh ngày 31/5/1991, trú tại Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) cũng có hành vi tàn ác không kém Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang. Là học sinh lớp 10A5 trường PTTH Thanh Oai, ngày 9/4/2007, do chán cảnh mẹ và bố dượng suốt ngày cãi nhau và chửi mắng mình nên Chung đã quyết định bỏ học, bỏ nhà ra đi. Khi bỏ nhà đi, Chung lấy trộm của gia đình 1 triệu đồng và chiếc xe máy của người bố dượng rồi lang thang lên Hà Nội và được giới thiệu đến làm việc rửa xe thuê cho gia đình anh Đỗ Quốc Hùng ( 42 tuổi, ở số nhà 888 phố Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong một lần bị gia chủ nhắc nhở tội “tắt mắt”, Chung đem lòng thù tức và đến ngày 2/5/2007, hắn mò đến nhà anh Hùng, xuống tay sát hại cả nhà anh. Kẻ giết người đã bị bắt ngay khi sát hại 5 người trong gia đình. Hai nạn nhân đã tử vong ngay sau khi bị đâm là bà Đặng Thị Nữ, 68 tuổi và cháu nội là Đỗ Trung Nghĩa, 16 tuổi. Anh Đỗ Quốc Hùng, 42 tuổi sau đó cũng tử vong. Vợ anh Hùng là chị Trần Thị Nguyệt Nga, 39 tuổi cùng con gái 7 tuổi là Đỗ Thùy Anh cũng bị chém dã man nhưng sau đó may mắn được cứu sống…

Qua vụ án này thì thấy, tuy ở độ tuổi còn rất trẻ, song hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm và quyết liệt, có sự chuẩn bị về công cụ, phương tiện với thủ đoạn tinh vi, xuống tay sát hại người khác một cách hết sức dã man. Do vậy, hậu quả để lại là rất nặng nề, gây bức xúc trong nhân dân và gây dư luận xấu trong xã hội.

a. Về số lượng các vụ án có bị cáo là người chưa thành niên phạm tội.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an thì, trong ba năm từ 2016 đến 2018 toàn quốc đã phát hiện 13.794 vụ với 20.367 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong các tội danh mà người dưới 18 tuổi phạm tội, có thể thống kê một số tội danh như sau: Giết người là 183 vụ với 293 đối tượng; Cướp tài sản là 475 vụ với 830 đối tượng; Cưỡng đoạt tài sản là 88 vụ với 111 đối tượng; Cố ý gây thương tích là 2017 vụ với 3797 đối tượng; Trộm cắp tài sản là 5565 vụ với 7611 đối tượng; Cướp giật tài sản là 505 vụ với 627 đối tượng.

Ngoài các tội danh nêu trên, người dưới 18 tuổi còn phạm các tội khác với 4961 vụ, 10.895 đối tượng. Trong số vụ phạm tội do người dưới 18 tuổi thực hiện thì số vụ do người dưới 14 tuổi gây ra chiếm 6%, số vụ do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra chiếm 23%, còn lại số vụ do người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện là 71% .

Trong những năm qua, ngành Tòa án đã hết sức chú ý đảm bảo về chất lượng xét xử đối với các vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện nói riêng, ngoài xét xử tại trụ sở Tòa án, các Tòa án địa phương cũng tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án điểm do người chưa thành niên thực hiện, nhằm tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, góp phần phòng ngừa tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội. Cụ thể từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn Hệ thống Tòa án thụ lý 8.129 vụ với 10.923 bị cáo là người dưới 18 tuổi (năm 2016 là 2653 vụ với 3494 bị cáo; 2017 là 2119 vụ với 2688 bị cáo; 2018 là 2265 vụ với 3176 bị cáo và 06 tháng đầu năm 2019 là 1092 vụ với 1565 bị cáo). Đã xét xử được 7014 vụ với 9188 bị cáo (năm 2016, 2424 vụ với 3169 bị cáo; năm 2017, 1878 vụ với 2374 bị cáo; 2018, 1800 vụ với 2483 bị cáo và 06 tháng đầu năm 2019 là 912 vụ với 1262 bị cáo). Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, có độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là 284 chiếm 3% còn lại là ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 97%, về giới tính có 186 bị cáo là nữ giới còn lại là nam giới.

Như vậy, số lượng các vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện trong ban năm được đưa ra xét xử chỉ chiếm 51% (7037 vụ/13.794 vụ) số bị cáo chỉ chiếm 46% tổng số người dưới 18 tuổi phạm tội (9358 bị cáo/20.367 đối tượng phạm tội).

Nếu chỉ thông qua số liệu xét xử hàng năm như trên thì chúng ta thấy có tín hiệu đáng mừng vì số vụ án và số bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội có chiều hướng giảm, (năm 2016 là 3169 bị cáo, năm 2017 là 2374 bị cáo, năm 2018 là 2383 giảm so với 2016 là 786 bị cáo bằng 24,8%) . Phải chăng đây chính là hiệu quả của công tác xét xử đã có tác dụng trong công tác phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tuy nhiên, chúng ta lại thấy tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội được đưa ra xét xử ít hơn rất nhiều so với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật bị phát hiện như đã phân tích ở trên. Chính vì vậy, cũng chưa thể khẳng định chính xác hiệu quả của công tác phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua công tác xét xử của Tòa án là bao nhiêu phần trăm! Cũng thông qua số liệu người dưới 18 tuổi phạm tội được phát hiện và số liệu người dưới 18 tuổi được đưa ra xét xử thì thấy nguy cơ số trẻ em phạm tội đang “gia tăng và trẻ hóa”đang trong tình trạng báo động bởi lẽ: Số người dưới 18 tuổi phạm tội không đưa ra xét xử được chiếm 59%.

b. Về độ tuổi và loại tội mà các bị cáo là người chưa thành niên thực hiện.

Theo thống kê của TANDTC thì thấy số người chưa thành niên phạm tội chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 97% (9074 bị cáo), từ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 3 % (284 bị cáo). Những loại tội mà các bị cáo là người chưa thành niên thực hiện tập trung nhiều ở các tội như: “Cố ý gây thương tích”, “Trộm cắp tài sản”, “Cướp tài sản”, “Giết người”,” Cướp giật tài sản” chiếm 87% tổng các loại tội như đã phân tích ở phần trên.

c. Về mức hình phạt được áp dụng đối với các bị cáo.

ăm 2019, việc quyết định hình phạt khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội của hệ thống Tòa án đã vận dụng thì mức hình phạt từ 15 – 18 năm chỉ có 27 bị cáo chiếm 0,29%, từ 7 – 15 năm có 248 bị cáo chiếm 2,7%, từ 3 đến 7 năm có 993 bị cáo chiếm 10,6%, dưới 03 năm có 4782 bị cáo chiếm 51% và số bị cáo được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ là 2803 bị cáo chiếm 30,5%. Số bị cáo được áp dụng các loại hình phạt khác không phải là hình phạt tù là 505 bị cáo chiếm 3,6%. Nhìn chung hình phạt phổ biến được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời gian qua tập trung ở mức dưới ba năm và án treo. Có thể thấy mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là mang tính giáo dục thể hiện sự nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đã được quy định cụ thể trong Chương XII những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Bộ luật hình sự.

III. Một số bất cập và hạn chế

3.1.Bất cập, hạn chế từ những quy định của Bộ luật hình sự

Như trên đã phân tích, số lượng các vụ án và người dưới 18 tuổi phạm tội trong ba năm được phát hiện là rất lớn song số vụ án và người dưới 18 tuổi phạm tội được đưa ra xét xử là rất thấp chỉ chiếm 46% (9358 bị cáo/20.367 đối tượng phạm tội). Sở dĩ có tình trạng này thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 BLHS. Theo quy định tại Điều 12 BLHS thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Việt Nam là từ đủ 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều luật. Thực tiễn hiện nay, có rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người dưới 14 tuổi gây ra nhưng không thể xử lý bằng hình sự được ví dụ: Như vụ án Dương Phương Thuấn ở Trung Chính – Lương Tài – Bắc Ninh sinh tháng 8/1998, đã giết cháu Nguyễn Đình Đào học sinh lớp 6 cùng trường, giấu xác xuống ao để cướp xe đạp. Do khi phạm tội Thuấn chưa đủ 14 tuổi nên Cơ quan Công an đã phải đình chỉ vụ án để đưa Thuấn vào trường giáo dưỡng Bộ Công an.

Hay còn rất nhiều vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội không thể đưa ra xét xử được vì các đối tượng này mới chỉ ở độ tuổi đủ 14 đến dưới 16 tuổi nhưng chỉ phạm các tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, kể cả họ phạm tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những tội đó không phải là quy định trong 28 điều luật mà Điều 12 BLHS đã liệt kê thì họ có phạm tội cũng chỉ xử lý hành chính, chứ không thể xử lý bằng hình sự được.

Việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định trong 28 điều luật của BLHS là không thống nhất, công bằng về chính sách hình sự, không bảo đảm tính khoa học và lôgíc của quy định (cùng thực hiện một loại tội phạm nhưng đối với tội này thì phải chịu trách nhiệm hình sự, còn tội khác lại không phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi đó, tội phạm khác ấy có thể nghiêm trọng, nguy hiểm hơn) và không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện trong thời gian qua các tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngoài 28 tội danh được liệt kê như quy định của BLHS còn có thể phạm vào các tội khác nữa. Việc quy định như vậy, sẽ tạo ra kẽ hở cho các đối tượng phạm tội sử dụng người chưa thành niên vào việc thực hiện tội phạm .

Bất cập tiếp theo, cũng xuất phát từ chính quy định của BLHS dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội nhiều nhưng được đưa ra xét xử ít đó là sự không thống nhất giữa các quy định của BLHS trong phần chung và phần các tội phạm cụ thể như:

Tại Điều 145 BLHS có quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổilà: “Người nào đã đủ 18 tuổi mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”

Điều 146 tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cũng quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”

Như vậy, theo cấu thành cơ bản của hai tội này thì chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên khi có hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mới bị xử lý về hình sự, còn những người dưới 18 tuổi cho dù mức độ phạm tội có là bao nhiêu lần cũng không bị xử lý hình sự. Quy định như vậy theo chúng tôi là bất hợp lý so với thực tiễn hiện nay, mâu thuẫn với quy định tại các Điều 142 và 144 BLHS. Quy định như vậy là không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam, đôi khi còn bất công trong trường hợp cùng là hành vi giao cấu đối với trẻ em nhưng có trường hợp người bị hại vừa đủ 13 tuổi thì họ không phải chịu tội, nhưng chỉ cần thiếu một ngày mới đủ 13 tuổi (dưới 13 tuổi) thì họ lại phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 142 BLHS (Tội hiếp dâm trẻ em) với khung hình phạt từ 07 đến 15 năm.

Chính những bất cập này đã là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội nhiều nhưng số lượng được đưa ra xét xử lại rất ít như đã phân tích ở trên và đó cũng chính là nguyên nhân chưa nâng cao được hiệu quả phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội thông qua công tác xét xử của Tòa án.
Một vấn đề nữa mà theo chúng tôi cũng là những bất cập hiện nay làm hạn chế hiệu quả phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội thông qua công tác xét xử các vụ án hình sự của Tòa án, đó chính là những quy định tại Điều 101, 103 và 104 BLHS khi quyết định hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cụ thể Điều 101. Tù có thời hạn quy định:

Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Tại Điều 103. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội quy định:
“Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội…”.

Trong thời gian vừa qua, dư luận rất bất bình với những hành vi giết người không ghê tay của những đối tượng Lê Văn Luyện, Lê Ngọc Chung cả hai đối tượng này đều gây ra hai vụ thảm sát giết nhiều người và phạm một lúc cả hai tội là giết người và cướp tài sản, trong đó hành vi giết người của chúng đều đáng bị xử với mức án cao nhất là đến tử hình song chúng chỉ phải chịu mức án cao nhất là mười tám năm tù vì lý do chúng đều chưa đủ 18 tuổi. Hay vụ Nguyễn Văn Ngọc ở Nam Sơn thành phố Bắc Ninh đã có hành vi giết người cướp xe máy song cũng chỉ xử bị cáo 12 năm tù vì khi phạm tội bị cáo chưa đủ 16 tuổi.

Theo chúng tôi, quy định về việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội theo Điều 101 BLHS và tổng hợp hình phạt theo Điều 103 BLHS như Bộ luật hiện hành là không phù hợp gây dư luận bất bình trong nhân dân. Mặc dù, mục đích của hình phạt nói chung không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội còn đối với người chưa thành niên phạm tội thì mục đích của chúng ta là chủ yếu nhằm giáo dục giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm chứ không phải là mang tính trừng trị song hiện nay rõ ràng việc người chưa thành niên phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không còn là cá biệt mà đang có chiều hướng gia tăng thì mức hình phạt như quy định hiện nay là không phù hợp, nếu như không nói chúng ta đang nhân đạo với một người mà lại không nhân đạo với nhiều người khác đặc biệt là đối với những vụ thảm sát do người chưa thành niên phạm tội gây ra trong thời gian qua. Ví dụ như vụ tên Nguyễn Văn Ngọc khi phạm tội cướp tài sản và giết người bị cáo mới gần 15 tuổi, giả sử bị cáo không được giảm án thì cũng chỉ 27 tuổi bị cáo được trở về gia đình, song nỗi đau của gia đình người bị hại thì chưa biết bao giờ mới nguôi ngoai và cũng không ai có thể biết trước liệu con người này có thực sự hướng thiện hay không?

3.2. Những bất cấp từ mô hình của Tòa án và đội ngũ xét xử các vụ án người chưa thành niên phạm tội hiện nay.

Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ sẽ bị hạn chế hơn so với người thành niên. Họ dễ bị kích động, bị rủ rê, lôi kéo vào những hoạt động của người lớn, nghiên cứu về thái độ tâm lý của người chưa thành niên phạm tội thông qua các phiên tòa xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi thấy thường thường người chưa thành niên sau khi phạm tội có những biểu hiện trái ngược nhau. Có những đối tượng sau khi phạm tội thì tỏ vẻ rất sợ hãi, rất hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những đối tượng sau khi phạm tội thì cố tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, tạo ra vẻ bất cần, không có chút sợ hãi, cố tình cười cợt… Thực chất, đây cũng chỉ là những phản ứng rất bình thường của lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, đòi hỏi các quy định của pháp luật phải làm sao vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục hiệu quả nhất và một trong những biện pháp quan trọng nhất đó là việc thay đổi từ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. BLTTHS hiện hành, mặc dù đã có một chương riêng quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Chương XXVIII), tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy định mang tính chung nhất chưa cụ thể và phù hợp với hoạt động tố tụng của các Cơ quan và người tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Như đã phân tích về đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên ở trên, thì các quy định của Bộ luật tố tụng cần quy định cụ thể và riêng biệt hơn nữa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Mặc dù hiện nay, hệ thống Tòa án đã thành lập các Tòa gia đình và người chưa thành niên để xét xử với các phòng xét xử thân thiện. Song chúng ta cũng chưa có đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục khi xét xử đối với các bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội. Hiện các Thẩm phán khi xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cũng là những Thẩm phán xét xử đối với người thành niên, thậm chí trong cùng một phiên tòa có khi vừa xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với người thành niên song lại tiếp tục xét xử đối với người dưới 18 tuổi dẫn đến tình trạng Thẩm phán đó vẫn dùng nguyên thái độ khi xét xử với người thành niên, thậm chí còn quát tháo, khi xét hỏi còn có những lời lẽ không phù hợp với tâm lý của bị cáo là người dưới 18 tuổi, câu hỏi đôi khi không mang tính giáo dục mà còn mang tính truy chụp, buộc tội, không mang tính thân thiện, hòa nhã, đẩy bị cáo là người dưới 18 tuổi vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng và có cảm giác bị kỳ thị dẫn đến tình trạng tiêu cực từ phía bị cáo là người dưới 18 tuổi, dẫn đến tình trạng sau phiên tòa, hoặc sau khi được về với gia đình họ có thể sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn. Đấy cũng chính là nguyên nhân mà hiệu quả phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội, thông qua công tác xét xử của Tòa án không đạt được kết quả như mong muốn.

IV. Giải pháp về các quy định của pháp luật

Thứ nhất: Cần hoàn thiện các quy định của BLHS

Như trên đã phân tích, trong các quy định của BLTTHS hiện hành, đang có sự mâu thuẫn giữa các chủ thể của tội phạm, để khắc phục sự mâu thuẫn này chúng tôi thấy cần sửa đổi quy định tại cấu thành cơ bản của các Điều 145 tội “giao cấu với trẻ em” và Điều 1146 tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo hướng không quy định trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này là “người nào đã đủ 18 tuổi…” mà nên quy định như cấu thành cơ bản của các Điều 141, 142, 143, 144 Bộ luật hình sự. Có như vậy, mới tránh lọt người phạm tội.
Thứ hai: Về vấn đề áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Việc quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì theo Công ước quốc tế cũng không bắt buộc về vấn đề này mà việc quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay độ tuổi chưa thành niên là do quy định của mỗi quốc gia thành viên. Hiện một số nước trên thế giới và khu vực, cũng có những quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau như: Vương Quốc Anh là 10 tuổi, Liên bang Nga 13 tuổi, Irac là 7 tuổi…

Theo quan điểm của chúng tôi, không cần thiết phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay hạ độ tuổi người chưa thành niên, mà nên sửa đổi BLHS theo hướng tăng mức hình phạt khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, mặc dù hiện cũng có nhiều quan điểm không đồng ý, song với thực trạng người chưa thành niên phạm tội hiện nay, chúng ta cũng cần có sự thay đổi về chính sách hình sự theo hướng nghiêm khắc hơn cho phù hợp với tình trạng gia tăng người chưa thành niên phạm tội hiện nay. Điều đó cũng không trái với nội dung của các Công ước quốc tế.

Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi cần nâng mức hình phạt nếu tới tử hình thì độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 phải là 20 năm và độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 phải là 18 năm và khi tổng hợp hình phạt cũng nên tổng hợp theo trường hợp bình thường là đến 30 năm. Việc sửa đổi này, theo chúng tôi cũng không trái với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Theo pháp luật của Việt Nam, thì trong quá trình cải tạo thì người bị kết án vẫn có cơ hội được giảm án và phóng thích trước thời hạn. Do vậy, việc tăng mức hình phạt là cần thiết và phù hợp với tình hình gia tăng tình trạng người chưa thành niên phạm tội hiện nay và mới đủ sức để răn đe và mới nâng cao được hiệu quả phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra thông qua công tác xét xử của Tòa án và không trái với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ ba: Cùng với việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên, thì chúng ta cũng cần phải chú trọng đào tạo đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục khi xét xử đối với các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội. Hiện có quy định phòng xét xử thân thiện tại các Tòa án thì cũng nên cần có những phòng điều tra thân thiện đối với người dưới 18 tuổi, có như vậy mới bảo đảm được quyền của trẻ em.

– Thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử tại chương XXVIII Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết số 03/2004/NQHĐTP ngày 02/10/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và một số văn bản khác liên quan đến việc bảo đảm quyền cũng như đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)