Quy định thời hạn thử thách của chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo và thực tiễn tại Tòa án nhân dân

Quy định về việc Tòa án tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo và tính thời gian thử thách của án treo theo pháp luật hình sự tại Tòa án hiện nay có những bất cập, gây nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Vấn đề này rất cần có hướng dẫn thống nhất.

1.Quy định của pháp luật

 Nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo được các nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội, BLHS nước ta qua các thời kỳ cũng đã quy định một hệ thống hình phạt phong phú, đa dạng và có tính phân hóa cao để áp dụng đối với từng tội phạm, từng người phạm tội. Việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội không những để răn đe, phòng ngừa tội phạm mà còn có tác dụng giáo dục, giúp đỡ họ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống. Phạt tù cho hưởng án treo đây là biện pháp chấp hành hình phạt tù mang tính có điều kiện, thể hiện tính nghiêm minh nhưng nhân đạo, nghiêm trị nhưng khoan hồng, tính ưu việt của chế định án treo chính là ở sự kết hợp đó.

Theo quy định khoản 1 Điều 65 BLHS 2015 về án treo như sau:  “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự…”.

Tại các điều 1, 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn Điều 65 BLHS năm 2015, quy định: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, khi có đủ các điều kiện sau đây: “1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm; 2. Có nhân thân tốt. Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo; 3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; 4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục….. ; 5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Mục đích của án treo cho phép người phạm tội miễn chấp hành hình phạt tù tại các cơ quan chấp hành án của Nhà nước ta, nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo rằng nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự (LTHAHS) 2 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.  

Khi một người bị kết án được Tòa án cho hưởng án treo thì Tòa án phải ấn định thời gian thử thách của án treo bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.

Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách, tại Điều 5 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, xác định như sau:

“1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm”.

Có thể nhận thấy, chế định án treo là một trong những chế định thể hiện trong chính sách hình sự nhân đạo và hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa của của Đảng và Nhà nước ta, được quy định trong Hiến pháp năm 2013 đối với người phạm tội, thể hiện sự khoan hồng, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người. Khi bản án của Tòa án tuyên một người nào đó được hưởng án treo thì Tòa án tạo cho người phạm tội điều kiện xã hội tốt nhất để họ tự nhận thức lỗi lầm và tự giáo dục, cải tạo chính mình; không đẩy người bị kết án và gia đình đến những hậu quả pháp lý, đạo đức, xã hội bất lợi, do phải chấp hành hình phạt tù. Khi Tòa án tuyên án cho hưởng án treo nó có tác dụng giáo dục riêng, để người bị kết án không phạm tội mới… Mặc khác, cho hưởng án treo còn có giá trị phòng ngừa thể hiện bằng việc không buộc người bị kết án chấp hành hình phạt tù trên thực tế, không tạo ra những hậu quả tiêu cực mà xã hội, gia đình, cá nhân người bị kết án phải gánh chịu có thể dẫn các thành viên khác lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí dẫn đến phạm tội.

2. Bất cập trong thực tiễn

Mặc dù, BLHS năm 2015, LTHAHS năm 2019 và các Văn bản, Thông tư hướng dẫn của đã quy định, hướng dẫn, áp dụng về cách tính của thời gian thử thách của chế định án treo. Trong đó đáng chú ý nhất là tại Điều 5 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể vấn đề trên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều Tòa án địa phương vẫn còn lúng túng trong việc ban hành “Quyết định” thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo.

Qua nghiên cứu các bản án, quyết định thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo ở một số đơn vị, chúng tôi thấy: Ở mỗi Tòa án địa phương khác nhau có cách hiểu và giải quyết về trường hợp cách tính thời gian thử thách của hình phạt tù cho hưởng án treo là khác nhau. Nhất là các bản án mà người bị kết án được Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm cho hưởng án treo, sau đó vì một lý do nào đó bị cấp “Giám đốc thẩm, tái thẩm” hủy án để xét xử lại; khi xét xử lại Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa phúc thẩm tiếp tục cho người bị kết án được hưởng án treo. Mặc dù, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, nhưng hiện nay, còn có nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều nhau về vấn đề trên.

Xin nêu một trường hợp: Bị cáo P.X.Q cùng đồng bọn bị truy tố và xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS và các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999.

Phiên tòa sơ thẩm (lần 1): Bị cáo P.X.Q bị TAND tỉnh G xét xử 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 26/4/2013). Do trong vụ án này còn có một số bị cáo kháng cáo nên tại Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HSPT ngày 23/8/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đ.N đã xét xử đối với các bị cáo khác. Ngày 25/9/2013, Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo số 15/2013/QĐ-CA đối với P.X.Q.

Sau đó, Quyết định giám đốc thẩm số 05/2015/HS-GĐT ngày 19/6/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy, để điều tra và xét xử lại cả 02 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Phiên tòa sơ thẩm (lần 2): Bị cáo P.X.Q bị TAND tỉnh G xét xử 18 tháng tù. Sau đó bị cáo P.X.Q kháng cáo bản án. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 211/2021/HS-PT ngày 26/4/2021 của TANDCC tại Đ.N đã quyết định: Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 360; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; khoản 1, 2, 5 Điều 65 BLHS: Xử phạt bị cáo P.X.Q 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 26/4/2021).

Giao bị cáo P.X.Q về cho UBND phường T nơi cư trú của bị cáo để giám sát giáo dục… Trong thởi gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, hướng dẫn Điều 65 BLHS thì: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu”. Do đó, được hiểu bị án P.X.Q thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần đầu (ngày 26/4/2013). Trường hợp này thì người chấp hành án Q.X.Q đã chấp hành xong. Vì vụ án trên đã được xét xử sơ thẩm (lần 1) từ ngày 26/4/2013 cho đến khi xét xử lại phúc thẩm (lần 2) ngày 26/4/2021, nên đương nhiên P.X.Q đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo (Được tính từ ngày 26/4/2013 đến ngày 26/4/2016). 

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại Quyết định giám đốc thẩm số 05/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 22-24/6/2013 của TAND tỉnh G và Bản án hình sự phúc thẩm số 292/2013/HSPT ngày 23/8/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đ.N để xét xử lại sơ thẩm.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HSST ngày 19/6/2020 của TAND tỉnh G đã xử phạt bị cáo P.X.Q 18 tháng tù. Như vậy, sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm không tiếp tục cho bị cáo Q được hưởng án treo, nên trường hợp này không đủ điều kiện áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, mà phải áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP: “3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.”  Vì vậy, Tóa án cấp sơ thẩm phải ban hành Quyết định thi hành án phạt tù, theo đó bị án P.X.Q phải chấp hành án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 26/4/2021).

Quan điểm thứ ba: Thống như quan điểm thứ nhất, trường hợp của bị  án P.X.Q phải áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, hướng dẫn Điều 65 BLHS thì: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu”. Tuy nhiên, trong vụ án này TAND tỉnh G đã ban hành Quyết định THA hình phạt tù cho hưởng án treo và bản thân bị án P.X.Q đã chấp hành xong một phần hình phạt của bản án sơ thẩm lần thứ nhất (án treo) thì vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy án; Vì vậy, trong thời gian từ khi có bản án sơ thẩm lần thứ nhất (ngày 26/4/2013) cho đến ngày có Quyết định giám đốc thẩm (ngày 17/4/2015) bị án P.X.Q đã chấp hành xong một phần hình phạt. Do đó, phải được trừ đi thời gian chấp hành án, phần còn lại thì bị án P.X.Q phải tiếp tục chấp hành án; Cụ thể: Bị án P.X.Q đã chấp hành xong là 01 năm 11 tháng và 21 ngày, phần còn lại bị án Q.X.Q tiếp tục chấp hành án.

3. Cần có hướng dẫn thống nhất

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mỗi Tòa án ở mỗi cấp, mỗi tỉnh có cách hiểu khác nhau về thi hành Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 về án treo.

Quan điểm của tác giả trong nội dung bài viết này là đồng ý với quan điểm thứ ba. Vì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, sau khi xét xử lần thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm (lần 1) cũng đã ban hành Quyết định thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo và bản thân người bị kết án cũng đang chấp hành bản án xét xử lần thứ nhất, không vi phạm pháp luật trong thời gian được Tòa án xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nên khi Tòa án xét xử lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiếp tục cho bị án được hưởng án treo. Tránh trường hợp người chấp hành án phải thi hành nhiều Quyết định thi hành án, trong khi các Quyết định thi hành án của Tòa án về phần nội dung án treo không có gì thay đổi, điều đó gây bất lợi cho người bị kết án và không đúng như quy định tại khoản 1 Điều 2 của LTHAHS năm 2019, Bản án, quyết định được thi hành: 1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành” và không đảm bảo việc giám sát, quản lý, giáo dục của các cơ quan thi hành án hình sự, chính quyền địa phương đối với người chấp hành án.

Để thực tiễn ban hành Quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo được thống nhất, tránh trường hợp có những Quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi cho người phải thi hành án... có thể để lại hậu quả rất lớn cho người được hưởng án treo, Điều 87 LTHAHS năm 2019, quy định: Nghĩa vụ của người được hưởng án treo.

“1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

3. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này.

5. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

6. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.”

Ngoài ra, trong trường hợp người được hưởng án treo vi phạm điều kiện thử thách, cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của LTHAHS 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới vì một lý do vô ý nào đó thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS năm 2015, phải đồng thời chấp hành cả 02 bản án.

Với mong muốn để thực tiễn về cách tính chấp hành án phạt tù cho hưởng án trong các Bản án, quyết định thi hành án được thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, rất mong TANDTC phối hợp với VKSNDTC có văn bản, những buổi tập huấn thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

 

 

         

Xét xử phúc thẩm xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng - Ảnh: Phạm Chiểu 

HÀ VIẾT TOÀN – NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai)