Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay ở mức độ rất nghiêm trọng, được đánh giá là thuộc nhóm những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất. Do đó vấn đề xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường không khí được đặt ra một cách cấp thiết.

1.Quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí

1.1.Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường không khí

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường không khí (ONMTKK) được xác định là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, là hình thức nhằm xác định trách nhiệm dân sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), gây ra thiệt hại về môi trường, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,… thì các chủ thể này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tinh thần cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

1.2. Khung pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường không khí

Luật BVMT năm 2014 có quy định mới về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân gây ONMT.
BLDS 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, dù có lỗi hay không nhưng chủ thể làm ONMT mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

1.3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ra ô nhiễm môi trường không khí

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ra ONMTKK chỉ phát sinh khi có các điều kiện:

Điều kiện thứ nhất, có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Thiệt hại về môi trường không chỉ là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà còn là những thiệt hại về hệ sinh thái tự nhiên, về nguồn nước, về khí hậu… (thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái về môi trường).

Điều kiện thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật gây ONMT dẫn đến thiệt hại về môi trường tự nhiên là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường từ đó gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của cá nhân và thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức.

Điều kiện thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Theo đó, nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả trong khoảng thời gian xác định và hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại hay nói cách khác, thiệt hại thực tế xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật.

2. Thực trạng bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không k

Trong thực tế, chúng ta mới chỉ đúc rút được một số kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ONMTKK gây nên như vụ việc của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (1998) ở Hải Dương, vụ việc của Công ty TNHH Kim loại màu Thái Nguyên (2006) ở Thái Nguyên, vụ việc của Công ty CP xi măng Vinaconex Lương Sơn ở Hòa Bình (năm 2005-2006), vụ việc của một số chủ lò gạch ở huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Hà Nội (2009), vụ việc Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai (năm 2010 – 2011), vụ việc của Nhà máy gạch tuynel Việt Long (2008) ở Lai Châu[1]

Ở Việt Nam, hệ thống quan trắc môi trường không khí cực kỳ ít ỏi. Tuy vậy, với những số liệu ít ỏi có được, bức tranh ô nhiễm không khí (ONKK) ở Việt Nam cũng không sáng sủa. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí (phát hành năm 2014, mỗi báo cáo có giá trị trong 5 năm – PV) thì không khí ở các đô thị lớn có dấu hiệu ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 và ô nhiễm ozon tăng mạnh. Theo ông Hoàng Dương Tùng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều thành phố ở châu Á ngày càng bị ONKK. Đáng báo động nhất là ô nhiễm bụi và ozon. Điều này thể hiện qua số ngày chất lượng không khí ở mức kém, xấu với nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép ngày càng tăng lên. “Việc này chúng tôi cũng đã báo động nhiều lần, đã đưa vào Báo cáo môi trường quốc gia cũng như báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội”, ông Tùng nói[2]

Xem xét thực tế giải quyết tranh chấp môi trường đối với các vụ việc nói trên cho thấy, cơ sở của việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường chủ yếu dựa vào đơn thư khiếu tố của người dân đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh làm ONMT gây thiệt hại. Nội dung chủ yếu là giải quyết bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân. Đối với những tổn hại gây ra cho môi trường không khí, chủ yếu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách yêu cầu chấm dứt hành vi gây ô nhiễm.

Việc xác định mức độ thiệt hại được thực hiện bởi cơ quan quản lý môi trường, UBND các tỉnh và người bị thiệt hại phối hợp thực hiện thông qua việc ước tính tổn thất về hoa màu và sức khỏe người dân. Trong một số rất ít trường hợp, có sử dụng đến cơ quan chuyên môn nghiên cứu về môi trường để phối hợp xác định mức độ thiệt hại. Sau đó, bên bị thiệt hại yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường. Đối với bên gây thiệt hại, họ thường nêu ra các lý do như cần xác định phạm vi, mức độ thiệt hại một cách cụ thể, chi tiết. Khi vấn đề thiệt hại chưa được xác định rõ thì bên gây ra thiệt hại thường dùng cụm từ hỗ trợ thay cho cụm từ bồi thường.

Hầu hết, các vụ việc được giải quyết trên cơ sở hòa giải và bên gây ra thiệt hại bồi thường cho bên thiệt hại, khi giao tiền có sự chứng kiến của cơ quan quản lý môi trường và chính quyền địa phương. Trong đó, bên nhận đền bù làm cam kết không khiếu nại nữa thông qua biên bản thỏa thuận giữa các bên trước sự chứng kiến của cơ quan quản lý môi trường hoặc chính quyền địa phương.

3. Một số nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí

Tại Việt Nam, hiện nay, vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT diễn biến phức tạp; nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT, nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt,… Thực trạng môi trường này do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan[3]

3.1. Nguyên nhân khách quan

Do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Trên thực tế, nhiều nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng đã phải trải qua giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện nay, khi kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, phát triển ồ ạt các nhà máy, xí nghiệp, ngành công nghiệp nhưng thiếu quan tâm đến vấn đề tài nguyên, môi trường, đi ngược lại các quy luật của tự nhiên.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề môi trường; khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta bị chững lại trong giai đoạn 2011 đến nay dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác BVMT bị giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu cũng là những tác nhân khách quan làm giảm chất lượng môi trường

3.2. Nguyên nhân chủ quan

Nhận thức, ý thức trách nhiệm về BVMT của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường.

Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ONMT.

Đầu tư cho BVMT còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho BVMT; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho BVMT.
Chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực BVMT và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí

Thứ nhất, pháp luật cần có các quy định mang tính linh hoạt hơn trong lĩnh vực này.
Thứ hai, pháp luật trong lĩnh vực môi trường cần hướng tới việc quy định thời hiệu khởi kiện gắn với thời điểm thiệt hại thực tế bắt đầu xảy ra.

Thứ ba, quy định rõ thời gian tiến hành tố tụng đối với các tội về môi trường, quy định nghiêm khắc hơn về các hình phạt đối với các chủ thể gây ONMT.

Thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật về BVMTKK có thể được tiến hành theo các nội dung sau:[4]

Một là, cần xây dựng đạo luật đặc thù điều chỉnh hoạt động quản lý chất lượng không khí với nội dung cơ bản là kiểm soát, phòng ngừa ONKK do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, từ đó kiểm soát nguyên nhiên liệu, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong công tác quản lý môi trường không khí, tránh chồng chéo; xây dựng các quy chế phối hợp về quản lý chất lượng không khí, cơ chế công bố thông tin; kế hoạch quản lý môi trường không khí; tăng cường chế tài xử phạt… Bên cạnh đó, cần có chế định riêng trong việc xác định thiệt hại do không khí bị ô nhiễm, suy thoái, tách bạch với thiệt hại do môi trường nói chung bị ô nhiễm, suy thoái.

Hai là, căn cứ vào việc xác định thiệt hại của môi trường để làm rõ mức độ thiệt hại của môi trường không khí. Hiện nay, việc xác định thiệt hại môi trường thường dựa trên số lần hàm lượng hoặc nồng độ chất gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Để xác định thiệt hại môi trường do ONKK, cần có văn bản hướng dẫn cách thức phân loại mức độ thiệt hại do ONKK theo những mức thiệt hại, thiệt hại nghiêm trọng hoặc thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng để làm cơ sở tính toán, xác định mức độ bồi thường thiệt hại.

– Việc xác định các mức độ thiệt hại do ONKK cần dựa trên các tiêu chí và phương pháp phù hợp. Theo đó, hướng dẫn lượng hóa thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường không khí cần cụ thể bằng các tiêu chí đánh giá sau: giá trị giới hạn thông số cơ bản trong không khí xung quanh; nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh; tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; tiêu chuẩn khí thải công nghệ đối với các chất hữu cơ; tiêu chuẩn tiếng ồn cho phương tiện giao thông vận tải đường bộ và trong khu vực công cộng và dân cư.

– Về đối tượng và giá trị xác định thiệt hại do ONMTKK, có thể quy thành tiền đối với các thiệt hại và chi phí tổn hao. Mặc dù trên thực tế, thiệt hại do ONMTKK hiện diện dưới dạng vật chất và phi vật chất, song để việc bồi thường thiệt hại có căn cứ thuyết phục, việc quy chuẩn thiệt hại bằng tiền là cần thiết. Những thiệt hại do ONKK biểu hiện qua các nội dung sau đây:

+ Thiệt hại do làm ONKK: Thiệt hại này được đánh giá bằng số chi phí phải bỏ ra để làm cho môi trường không khí trở nên sạch như trước khi bị ô nhiễm. Đây là những chi phí để giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây ONKK, chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất, nước và hệ sinh thái trở lại trạng thái ban đầu trước khi bị tác động của ONKK. Mức độ vi phạm các tiêu chuẩn sẽ là các mốc để tạm xác định các thiệt hại về kinh phí.

+ Thiệt hại do ảnh hưởng đến sức khoẻ con người: Đó là số tiền bỏ ra để chữa chạy, để bồi thường về thương tật và mọi dịch vụ y tế khác (kể cả đền bù khi có người chết). Cũng có trường hợp sản phẩm bị ô nhiễm được tiêu thụ ở nơi khác thì cần ước lượng trên cơ sở khối lượng sản phẩm và số người bị mắc bệnh ở một nơi nào đó rồi ngoại suy. Ngoài ra, còn kể tới số thu nhập bị mất do phải nghỉ điều trị, chi phí cho người phục vụ, những khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ (giảm thời gian và năng suất lao động) có nguyên nhân từ ONKK.

+ Thiệt hại do ảnh hưởng đến nghề nghiệp: Đó là thiệt hại do ONKK mà một số hoạt động nào đó không thể tiến hành được (như dịch vụ du lịch, buôn bán, học tập,…). Ta có thể tính thiệt hại bằng số người x thời gian x thu nhập/ tháng. Ngoài ra còn có thiệt hại do mất lòng tin của người tiêu dùng. Loại này tạm tính bằng số sản phẩm không bán được, các vụ/năm không bán được và giá trị đơn vị.

+ Thiệt hại do ảnh hưởng đến sinh vật: Đó là những thiệt hại do suy giảm năng suất cây trồng, vật nuôi so với năng suất trung bình thu hoạch gây ra bởi hậu quả của ONKK. Thiệt hại này được tính trên tổng số lượng, diện tích, năng suất, thời gian mà sinh vật bị hại sau quy đổi thành tiền theo giá cả thị trường. Ta cũng cần lưu ý đến thiệt hại làm mất giống nòi, ảnh hưởng đến nguồn gen (như trứng gia cầm, con non, cá thể trưởng thành,…).

+ Thiệt hại do ảnh hưởng đến tài sản: Thiệt hại này được xác định thông qua tính toán những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ONKK từ hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra;

+ Thiệt hại do tổ chức, thực hiện việc khảo sát, xác định thiệt hại: Đó là những phí tổn cho việc sử dụng lao động, thời gian, máy móc, hoá chất, làm báo cáo,… đánh giá thiệt hại do ONKK gây nên. Trên thực tế, thiệt hại gây ra bao giờ cũng lớn hơn so với những gì con người có thể đánh giá, liệt kê được. Bởi vậy, việc lượng hóa những thiệt hại do ONKK là việc làm không hề dễ dàng.

– Việc đưa ra các tiêu chí và phương pháp đánh giá thiệt hại do ONKK sẽ giúp đánh giá thiệt hại tiệm cận gần hơn so với những thiệt hại thực tế. Điều này một mặt buộc bên gây ONKK phải “tâm phục khẩu phục” trong việc bồi thường thiệt hại, mặt khác, nó bảo vệ hiệu quả quyền lợi của bên bị thiệt hại. Hơn thế nữa, nó tạo ra sự công bằng trong nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.

– Về phương pháp xác định thiệt hại do ONKK cần kết hợp cả phương pháp khảo sát, đo đạc trực tiếp ngoài hiện trường, kết hợp với việc sử dụng các mô hình và các chương trình phần mềm tính toán. Trong tính toán, đánh giá mức độ ONMTKK, với khả năng cho phép của các mô hình và phần mềm tính toán, chúng ta có thể phân chia ra nhiều mức độ khác nhau theo các thang cấp độ, xác định phạm vi và giới hạn bị thiệt hại do ONMTKK, xác định các khu vực/vùng bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm trọng, có thiệt hại và không bị thiệt hại.

– Ngoài ra, thực tiễn cho thấy, một hành vi làm ONMTKK có thể gây thiệt hại cho các đối tượng khác nhau ở mỗi khu vực, vùng. Khi đó, việc sử dụng hệ số vùng, khu vực trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là cần thiết để xác định thiệt hại đối với các vùng, khu vực có đặc điểm môi trường và hệ sinh thái khác nhau nhưng có cùng mức độ ONKK.

– Ngoài ra, để đảm bảo tính pháp lý, cần ban hành văn bản pháp lý quy định về thủ tục và quy trình đánh giá thiệt hại do ONMTKK theo các phương pháp và công cụ được ưu tiên hoặc khuyến khích lựa chọn. Có như thế, việc xác định thiệt hại mới mang tính định lượng và có căn cứ thuyết phục. Khi đó, vấn đề bồi thường thiệt hại do ONKK mới trở thành trách nhiệm pháp lý của bên gây thiệt hại.

1.Nguồn: PSG.TS. Hoàng Xuân Cơ, ThS. Cấn Anh Tuấn, ThS. Phạm Thị Việt Anh, ThS. Phạm Thị Thu Hà, Những vấn đề về thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường không khí, Tạp chí Môi trường, tháng 9/2011
2. Nguồn: Báo động về ô nhiễm bụi ở Việt Nam, 2016
https://www.tienphong.vn/cong-nghe/bao-dong-ve-o-nhiem-bui-o-viet-nam-1036520.tpo
3.Nguồn: Ô nhiễm môi trường: Do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan http://vea.gov.vn/vn/tintuc/tintuchangngay/Pages/%C3%94-nhi%E1%BB%85m-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-Do-c%E1%BA%A3-nguy%C3%AAn-nh%C3%A2n-kh%C3%A1ch-quan-v%C3%A0-ch%E1%BB%A7-quan.aspx
4. Nguồn: TS Phạm Văn Beo, Lượng hóa và tìm giải pháp bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí
.

ThS. NGUYỄN THỊ HIỀN THƯƠNG ( Đại học Luật Huế)