Về việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết theo quy định của BLDS năm 2015

Theo quy định của pháp luật hiện hành, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án là chủ thể được quyền tuyên bố một người là đã chết. Đây là một trong những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS.

1.Quy định của pháp luật

 Việc Tòa án tuyên bố một người là đã chết là cơ sở, tiền đề làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt các quan hệ pháp luật khác về nhân thân, tài sản như: hôn nhân, thừa kế, thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại... Mặc dù có tầm quan trong như trên, tuy nhiên thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về việc xác định ngày chết của người tuyên bố một người là đã chết còn có sự không thống nhất, dẫn đến cùng một sự kiện pháp lý như nhau nhưng cách giải quyết khác nhau, gây khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các quan hệ pháp luật dân sự được phát sinh sau đó.

Điều 71 BLDS 2015 quy định về tuyên bố chết có nội dung:

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

2. Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.

Điều 68 BLDS quy định về tuyên bố mất tích:

 1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Theo các quy định được viện dẫn nêu trên, trên thực tế hiện này tồn tại một số quan điểm sau đây về việc các định ngày chết của người bị Tòa án tuyên bố chết.

Thứ nhất, là ngày mà quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật.

 Quan điểm này có nguồn gốc từ quy định tại khoản 2 Điều 91 BLDS năm 1995 quy định về tuyên bố một người là đã chết, cụ thể: “Tùy từng trường hợp, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết; nếu không xác định được ngày đó, thì ngày mà quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết.”

Thứ hai, là ngày ngay sau ngày kết thúc các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 71 BLDS.

 Ví dụ:  Ông Phạm Văn T kết hôn với bà Nguyễn Thị B năm 1986 và sinh sống tại khu X, phường Y, thị xã K, tỉnh H. Do mâu thuẫn vợ chồng, bà B cùng hai con bỏ vào tỉnh BD sinh sống. Năm 2004, gia đình chồng bà B cho biết, ông Phạm Văn T vào tỉnh BD tìm vợ con nhưng thực tế bà B và hai con không gặp được ông T, không biết ông T đi đâu. Ông T cũng không về địa phương sinh sống, không liên lạc với gia đình, người thân. Từ 2004, ông T đi khỏi địa phương đến nay, không ai biết được tin tức của ông T; chính quyền địa phương xác định từ 2004 đến nay ông T không còn thực hiện đóng góp nghĩa vụ với địa phương; hồ sơ về quản lý nhân hộ khẩu hiện không có công dân Phạm Văn T có lý lịch như bà B cung cấp. Gia đình bà B đã tìm kiếm ông T nhưng không có kết quả nên bà B yêu cầu TAND thị xã K, tỉnh H tuyên bố ông T đã chết.

TAND thị xã K đã thông báo tìm kiếm ông T theo quy định của pháp luật nhưng không có tin tức về ông T và xác định kể từ ngày 01/01/2005, ông Phạm Văn T biệt tích và không có tin tức xác thực là còn sống. TAND thị xã K, tỉnh H quyết định ngày chết của ông Phạm Văn T là ngày 01/01/2010.

Thứ ba, là ngày biết được tin tức cuối cùng về người bị tuyên bố chết theo khoản 1 Điều 71 BLDS. Quan điểm này cho rằng ngày chết trong trường hợp này có tính sát hợp hơn. Trên thực tế những người thân cũng thường lấy ngày này (ngày xảy ra sự kiện) là ngày giỗ...

Bà Nguyễn Thị K.A kết hôn với ông Đặng Trung D năm 1993, sinh được 1 người con là chị Đặng Thị K.L. Gia đình ông bà sinh sống tại khu 3, phường N, thành phố H, tỉnh H. Do mâu thuẫn gia đình nên cuối năm 2001, bà Nguyễn Thị K.A bỏ nhà đi, đến nay bà K.A chưa về. Gia đình bà K.A đã áp dụng các biện pháp tìm kiếm bà nhưng đến nay gia đình và địa phương không biết được tin tức của bà K.A. Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cung cấp: Bà Nguyễn Thị K.A đã xuất cảnh ngày 06/3/2002 qua cửa khẩu Nội Bài bằng Hộ chiếu số A0160XXX, hiện chưa có thông tin nhập cảnh.

TAND TP H đã thông báo tìm kiếm bà K.A theo quy định của pháp luật nhưng không có tin tức về bà K.A và xác định kể từ ngày 01/01/2002, bà Nguyễn Thị K.A biệt tích và không có tin tức xác thực là còn sống. Ngày 31/10/2016, theo yêu cầu của chị Nguyễn Thị K.A, TAND TP H, tỉnh H đã ra Quyết định giải quyết việc dân sự số 06/2016/QĐST-DS tuyên bố bà Nguyễn Thị K.A mất tích. Nay chị Đặng Thị K.L yêu cầu TAND TP H, tỉnh H tuyên bố bà Nguyễn Thị K.A chết. TAND TP H căn cứ khoản 1 Điều 68; điểm a, d khoản 1 Điều 71 BLDS, tuyên bố bà Nguyễn Thị K.A chết ngày 06/3/2002.

2.Tòa án tuyên bố một người là đã chết

Một cách chung nhất  “Chết”  được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Trong y học, “chết” là sự chấm dứt của mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất, sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp thời điểm (ngày chết) về mặt sinh học và pháp lý là trùng khớp với nhau. Tuy  nhiên trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì việc xác định ngày chết chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý, là thời điểm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật khác có liên quan đến người bị tuyên bố là đã chết theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 71 BLDS năm 2015 quy định: Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Như vậy, tùy từng trường hợp, Tòa án cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 71 để xác định ngày chết của người bị  Tòa án tuyên bố là đã chết theo. Quy định này đã phủ định việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết là ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo quy định của BLDS năm 1995. Và theo quy định này, chúng tôi cho rằng quan điểm xác định là ngày tiếp theo của ngày kết thúc các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 71 BLDS như quan điểm thứ hai là phù hợp.

Bởi lẽ, nếu Tòa án xác định ngày chết là ngày ngay sau ngày người bị biệt tích gặp tai nạn, thiên tai hoặc ngay sau ngày kết thúc chiến tranh... thì về nguyên tắc được hiểu từ thời điểm này quan hệ hôn nhân (nếu có) của họ đương nhiên chấm dứt từ thời điểm kết thúc chiến tranh; hoặc từ ngày tai nạn, thảm họa, thiên tai đó chấm dứt hoặc từ ngày không còn tin tức xác thực là còn sống. Những tài sản do người vợ, hoặc chồng còn sống tạo ra sau thời điểm trên là tài sản riêng của người còn sống. Như vậy sẽ xảy ra mâu thuẫn với trường hợp nếu sau thời điểm nêu trên, đương sự (người có quyền, lợi ích liên quan) đề nghị Tòa án tuyên bố mất tích và sau đó giải quyết việc ly hôn. Vì sau khi Tòa án tuyên bố một người đã mất tích thì vợ, hoặc chồng họ mới thực hiện được thủ tục ly hôn và được Tòa án giải quyết cho ly hôn theo khoản 2 Điều 68 BLDS. Kể từ thời điểm Tòa án cho ly hôn, thì người vợ hoặc chồng còn sống mới được sở hữu riêng tài sản do mình làm ra. Những tài sản mà người vợ hoặc chồng còn sống có được trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung vợ chồng với người được coi là tuyên bố mất tích.

3.Xác định ngày chết của người tuyên bố là đã chết

Với cách lập luận như trên, chúng tôi cho rằng cần xác định ngày chết của người tuyên bố là đã chết chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý, làm căn cứ để thay đổi, phát sinh, chấm dứt các quan hệ pháp luật dân sự khác. Vì vậy cần được xác định để các chủ thể liên quan có điều kiện thực hiện được quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình một cách thuận lợi nhất, do đó các trường hợp tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 71 BLDS cần được hiểu:

- Người bị Tòa án tuyên bố mất tích sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Người biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống thì ngày chết là ngày ngay sau khi kết thúc thời hạn 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Người bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì ngày chết là ngày ngay sau khi kết thúc thời hạn 02 năm đó mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Người biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống thì ngày chết là ngày ngay sau khi kết thúc thời hạn này 05 năm, ngày biết được tin tức cuối cùng được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của BLDS.

Đề nghị TANDTC có giải đáp về xác định ngày chết  của người bị tuyên bố là đã chết để áp dụng thống nhất pháp luật trong hệ thống Tòa án.

 

Trụ sở TAND Tp Đà Nẵng - Ảnh minh họa của Linhcandng 

 

 

NGUYỄN HẢI BẰNG (Phó Chánh án TAND tỉnh Hải Dương) ĐÀO THỊ ĐÀO (Trưởng phòng kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án TAND tỉnh Hải Dương)