Vướng mắc về thủ tục thi hành án hình sự đối với bị cáo không kháng cáo nhưng được cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt

Trong vụ án có nhiều bị cáo mà có bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự với họ nhưng khi xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo này thì cấp sơ thẩm tiến hành thủ tục thi hành án hình sự như thế nào đối với họ? Đối với các bị cáo đã được ủy thác ra quyết định thi hành án thì có tiếp tục ra quyết định ủy thác thi hành án nữa không hay chỉ thông báo bằng văn bản?

Đặt vấn đề

Theo quy định của tố tụng hình sự thì những bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị[1]. Nhưng Bộ luật Tố tụng cũng quy định về việc Tòa án cấp phúc thẩm “Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”[2]. Như vậy, trong vụ án có nhiều bị cáo mà có bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự với họ nhưng khi xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo này thì cấp sơ thẩm tiến hành thủ tục thi hành án hình sự như thế nào đối với họ? Đối với các bị cáo đã được ủy thác ra quyết định thi hành án thì có tiếp tục ra quyết định ủy thác thi hành án nữa không hay chỉ thông báo bằng văn bản?

Tình huống thực tế

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 108/2020/HS-ST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố N (sau đây ghi tắt là bản án số 108) đã xử phạt 07 bị cáo gồm: Trần D. 04 năm tù, Trần Thị P. 03 năm tù, Nguyễn C. 02 năm 6 tháng tù, Lại N. 03 năm 6 tháng tù, Trần L. 03 năm tù, Nguyễn H. 02 năm tù, Nguyễn L. 02 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn H,, Nguyễn L. kháng cáo. Các bị cáo: Trần D., Trần Thị P., Nguyễn C., Lại N., Trần L. không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 101/2020/HS-PT ngày 15/10/2020 Tòa án nhân dân tỉnh K (sau đây ghi tắt là Bản án phúc thẩm số 101) tuyên xử: Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm theo hướng giảm cho tất cả 7 bị cáo một phần hình phạt. Cụ thể mức giảm: Trần D. còn 02 năm 06 tháng tù, Trần Thị P. còn 01 năm 06 tháng tù, Nguyễn C. còn 01 năm 06 tháng tù, Lại N. còn 01 năm 06 tháng tù, Trần L. còn 01 năm 06 tháng tù, Nguyễn H. còn 01 năm tù, Nguyễn L. còn 09 tháng tù.

Do Trần D., Trần Thị P., Nguyễn C., Lại N., Trần L. không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án nhân dân thành phố N đã ra quyết định thi hành án đối với bị cáo Trần D., ủy thác ra quyết định thi hành án đối với các bị cáo Trần Thị P., Nguyễn C., Lại N., Trần L..

Do bị cáo Nguyễn C., Lại N., Trần L. có nơi cư trú tại huyện N nên TAND thành phố N ban hành Quyết định ủy thác số 26, 27, 28 ngày 03/7/2020 đối với 3 bị cáo này. Do bị cáo Trần Thị P. có nơi cư trú tại huyện D nên TAND thành phố N. ban hành Quyết định ủy thác số 25 ngày 03/7/2020 đối với bị cáo Trần Thị P.. Căn cứ Quyết định ủy thác nêu trên, huyện N ban hành Quyết định thi hành án số 30 ngày 24/7/2020 đối với bị cáo Lại N., số 33 ngày 09/9/2020 đối với bị cáo Trần L., số 34 ngày 09/9/2020 đối với bị cáo Nguyễn C.; TAND huyện D ban hành Quyết định thi hành án số 22 ngày 20/7/2020 đối với Trần Thị P.

Ngày 15/10/2020, TAND thành phố N nhận được Bản án phúc thẩm số 101 nên ngày 15/4/2021, TAND thành phố N. có Công văn số 23/2021/CV-THA thông báo cho TAND huyện N và TAND huyện D về việc Nguyễn C., Lại N., Trần L., Trần Thị P được cấp phúc thẩm giảm mức hình phạt.

Ngày 23/4/2021, TAND huyện N có Công văn số 523/CV-TL phúc đáp, ngày 25/4/2021, TAND huyện D có Công văn số 652/CV-THA phúc đáp cùng với nội dung: Chánh án TAND thành phố N đã ra quyết định ủy thác ra quyết định thi hành án nhưng hiện mức hình phạt đối với những người chấp hành án này đã được cấp phúc thẩm giảm nhẹ bằng bản án phúc thẩm nên Chánh án TAND thành phố N chỉ ban hành văn bản thông báo mức hình phạt mới mà không ra quyết định ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự nên không có căn cứ thực hiện với mức hình phạt mới.

Đồng thời, Cơ quan thi hành án hình sự, Trại giam nơi Nguyễn C., Lại N., Trần L., Trần Thị P. đang chấp hành án cũng có văn bản cùng xác định: cơ quan thi hành án hình sự không có căn cứ thi hành án đối với mức hình phạt của Bản án phúc thẩm số 101 khi không có quyết định thi hành án hình sự của bản án này.

Các hướng giải quyết khác nhau

Liên quan tới tình huống thực tế này, hiện có nhiều quan điểm khác nhau

Quan điểm thứ nhất: BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoàn toàn không có quy định nào về việc Hội đồng xét xử phúc thẩm xử lý như thế nào trong trường hợp sửa bản án, giảm mức hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo đang chấp hành bản án có hiệu lực thi hành đối với họ. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng không có quy định trong trường hợp này. Hiện chỉ có Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/2/1999; Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 15/6/2002, cùng của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về nội dung này. Tại mục 19 của Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/2/1999 hướng dẫn như sau: Trường hợp trong một vụ án có nhiều bị cáo, sau khi xét xử sơ thẩm chỉ có một bị cáo kháng cáo, các bị cáo khác không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự đối với các bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, được thi hành và Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó ra quyết định thi hành án. Khi xét xử phúc thẩm Toà án cấp phúc thẩm đã giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo. Vậy trong trường hợp này, việc giải quyết đối với các quyết định thi hành án đối với các bị cáo không kháng cáo và không bị kháng nghị sẽ như thế nào?

Trong trường hợp trên đây thì không phải giải quyết gì đối với quyết định thi hành bản án sơ thẩm đối với các bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị (người bị kết án). Chỉ có sau khi tuyên án, Toà án cấp phúc thẩm cần gửi ngay bản sao bản án phúc thẩm cho cơ quan thi hành án và người bị kết án để thi hành. Trong trường hợp bị cáo bị phạt tù và đang chấp hành hình phạt tù mà Toà án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và hình phạt này bằng hoặc ngắn hơn thời hạn họ đã chấp hành hình phạt tù thì Toà án cấp phúc thẩm cần tuyên bố trong bản án là trả tự do ngay cho bị cáo, nếu họ không bị tạm giữ, tạm giam về hành vi vi phạm pháp luật khác.”

Tại mục 12 của Công văn giải đáp số 81/2022/TANDTC ngày 15/6/2002 hướng dẫn như sau: “Đề nghị hướng dẫn về thủ tục Điều chỉnh hình phạt tù đối với các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án và người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù, nhưng lại được Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự?

Không cần phải có bất kỳ thủ tục nào Điều chỉnh hình phạt tù, quyết định thi hành án phạt tù đối với bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án phạt tù và họ đang chấp hành hình phạt tù, nhưng lại được Tòa án cấp phúc thẩm giảm án theo quy định tại Khoản 2 Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự, bởi vì việc Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án phạt tù là đúng. Việc tính thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án trong trường hợp này cũng được thực hiện tương tự như trong trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Cụ thể là Toà án cấp phúc thẩm trực tiếp hoặc thông qua Toà án cấp sơ thẩm gửi cho cơ quan thi hành án phạt tù, người bị kết án bản sao bản án phúc thẩm để thi hành. Cơ quan thi hành án sẽ lưu bản sao bản án phúc thẩm này vào hồ sơ thi hành án và căn cứ vào bản sao bản án phúc thẩm này để tính thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án. Đối với Toà án cấp phúc thẩm cần chú ý là trong trường hợp bị cáo bị phạt tù và đang chấp hành hình phạt tù mà Toà án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và hình phạt này bằng hoặc ngắn hơn thời hạn họ đã chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cấp phúc thẩm cần tuyên bố trong bản án là trả tự do ngay cho bị cáo, nếu họ không bị tạm giữ, tạm giam về hành vi vi phạm pháp luật khác.”.

 Do đó, trong trường hợp tình huống thực tế nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm sau khi nhận được bản án phúc thẩm thì chỉ cần phải gửi văn bản thông báo kèm theo bản sao bản án đơn vị nhận ủy thác thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án phạt tù để thông báo về mức án mới của người đang chấp hành án theo nội dung hướng dẫn nêu trên là đúng, đầy đủ.

Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại Điều 364 BLTTHS năm 2015 thì: “1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.”

Tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự năm 2015 thì Bản án, quyết định được thi hành là Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.

Như vậy, Bản án phúc thẩm số 108 có hiệu lực pháp luật đối với các bị cáo Nguyễn C., Lại N., Trần L., Trần Thị P. thì Chánh án TAND thành phố N đã ra quyết định ủy thác cho Chánh án TAND khác cùng cấp ra quyết định thi hành án. Trên cơ sở đó, TAND huyện N, huyện D mới có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với các bị cáo Nguyễn C., Lại N., Trần L., Trần Thị P.. Khi Bản án phúc thẩm số 101 giảm hình phạt cho các bị cáo mà Tòa án đã ủy thác chỉ căn cứ vào văn bản thông báo về mức án mới thì không đúng quy định tại BLTTHS, Luật Thi hành án hình sự hiện hành đã viện dẫn nêu trên. Bởi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành bằng quyết định thi hành.

Thêm vào đó, Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/2/1999; Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 15/6/2002, cùng của TANDTC là giải đáp cho Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993, được sửa đổi, bổ sung năm 2007. Hiện Pháp lệnh này đã hết hiệu lực thi hành. BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đang có hiệu lực thi hành nên không thể căn cứ hướng dẫn tại hai văn bản này để thực hiện được. Đồng thời, việc thi hành bản án có hiệu lực[3] và việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù[4] hiện được quy định rõ ràng bằng hai trình tự thủ tục tố tụng riêng biệt, không thể coi bản án phúc thẩm như một hình thức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được như hướng dẫn tại mục 12 Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 15/6/2002 của TANDTC.

Do đó, TAND huyện N, huyện D cần có quyết định ủy thác ra quyết định thi hành án của TAND thành phố N đối với Bản án phúc thẩm số 101 thì mới có căn cứ ban hành quyết định thi hành án với mức hình phạt mới của người chấp hành án.

Tùy từng trường hợp để  giải quyết

Quan điểm của tác giả cho rằng, bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án và người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù, nhưng lại được Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt tù thì theo tác giả cần xác định: Tại thời điểm nhận bản án phúc thẩm thì bị cáo được giảm hình phạt đó đã đi chấp hành án chưa hay còn tại ngoại. Tùy từng trường hợp để xử lý bằng việc Tòa án có bản án sơ thẩm tự ra quyết định thi hành án, dùng biểu mẫu đối với người bị xử phạt tù đang bị tạm giam[5] hay tiếp tục ra quyết định ủy thác thi hành án cho Tòa án nơi người chấp hành án đang tại ngoại. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/2/1999; Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 15/6/2002, cùng của TANDTC là quy định hướng dẫn chi tiết, duy nhất cho trường hợp thực tế đang xảy ra. Tuy nhiên, cả hai văn bản này đều là giải đáp cho Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993, được sửa đổi, bổ sung năm 2007. Hiện Pháp lệnh này đã hết hiệu lực thi hành.

Thứ hai, tại Điều 364 BLTTHS, Điều 2 Luật Thi hành án hình sự thì bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành và Tòa án cấp sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án.

Thứ ba, căn cứ Công văn 156/TANDTC-PC ngày 13/9/2021, tinh thần điểm c tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ năm “thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của BLTTHS  thì việc ủy thác ra quyết định thi hành án là đối với các bị án tại ngoại, có căn cứ cho rằng đang cư trú ở địa bàn hành chính khác.

Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành bản án phúc thẩm số 101/2020/HS-PT ngày 15/10/2020 thì tất cả các bị án đều đã đi chấp hành án (đã bị giam giữ). Cụ thể: bị cáo Trần L. đi chấp hành án ngày 17/9/2020, bị cáo Nguyễn C. bị tạm giam trong vụ án khác ngày 16/9/2020, bị cáo Lại N. đã bị bắt truy nã ngày 01/10/2020, bị cáo Trần Thị P. đã tự nguyện chấp hành án ngày 01/10/2020. Do đó, TAND thành phố N hoàn toàn có thể tự ra quyết định thi hành án như đối với các trường hợp đang bị tạm giam mà không cần phải tiếp tục ủy thác thi hành án. Khi ra quyết định thi hành án căn cứ theo Bản án phúc thẩm số 101 thì TAND thành phố N cần ghi rõ người chấp hành án đang chấp hành tại đâu, quyết định này thay thế quyết định nào, của Tòa án nào. Như vậy, vừa đảm bảo việc bản án có hiệu lực được thi hành và các cơ quan thi hành án hình sự nơi bị án chấp hành án có căn cứ để thi hành theo mức hình phạt của bản án có hiệu lực.

Hiện chưa có quy định cụ thể, đồng bộ trong trường hợp bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án và người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù, nhưng lại được Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt tù thì Tòa án cấp sơ thẩm có phải ra quyết định thi hành án theo mức hình phạt mới không. Trong trường hợp người chấp hành án được ủy thác thi hành án thì có phải ban hành quyết định thi hành án mới không. Trong trường hợp không ban hành quyết định thi hành án mới thì tiến hành thủ tục gì trong trường hợp này. Đây là vấn đề cấp bách và đang xảy ra trong thực tiễn nên các quy định liên quan đến chế định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung để được áp dụng thống nhất. Thông qua bài viết, tác giả rất mong nhận dược trao đổi, góp ý từ quý độc giả./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử trực tuyến vụ án mua bán trái phép chất ma túy - Ảnh: NV

 

[1] Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2] Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[3] Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 2, Điều 22, Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

[4] Điều 63, Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bố sung năm 2017; Điều 38 Luật Thi hành án hình sự; Chương 2 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

[5] Biểu mẫu số 3a ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

NGUYỄN HỒNG THẮM (Phòng KTNV và Thi hành án – Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa)