Xét xử trực tuyến - một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện

Bài viết tập trung phân tích một số quy định về giải quyết vụ án tại Tòa án bằng phương thức xét xử trực tuyến; từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra kiến nghị tiếp tục hoàn thiện về nội dung này.

1. Quan điểm, chủ trương về áp dụng công nghệ thông tin

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án. Trong những năm 2019 – 2021 là giai đoạn chuyển đổi, chứng kiến nhiều sự bứt phá trong hơn 20 năm ứng dụng công nghệ thông tin của đất nước[1].

Ở Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm thay đổi, nảy sinh những vấn đề mới, những thách thức mới mà hệ thống pháp luật, tư pháp phải giải quyết. Xu hướng toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ quyềm con người, quyền công dân của Tòa án ngày càng cao, từ đó đòi hỏi phải luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không ngừng hoàn thiện pháp luật để tiệm cận trình độ pháp luật chung của thế giới. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia Hội nghị Chánh án các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử theo Nghị quyết của Hội đồng. Hiện nay, các nước trong khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử (chỉ còn Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar chưa thực hiện) và tổ chức xét xử trực tuyến (Việt Nam đã tổ chức thực hiện).

Có thể nói, việc xây dựng, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu tất yếu khách quan. Tuy nhiên, chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các quốc gia chuyển nền kinh tế, hệ thống hành chính, hệ thống giáo dục, hoạt động xét xử sang phương thức trực tuyến với việc tận dụng tối đa thành tựu của công nghệ thông tin.

Sự phát triển của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, trong đó, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ sớm, cụ thể Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử” và “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định: “Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghjeej mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

Đồng thời, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định:… “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sang tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia…”

Đây được xem là những quan điểm, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thời đại, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và những cam kết của Việt Nam. Do đó, khi đại dịch Covid-19 xảy ra là nhân tố thúc đẩy việc chuyển đổi số diễn ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ hơn, trong đó có hoạt động xét xử các vụ án.

2. Kinh nghiệm xét xử trực tuyến của một số nước trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới đã có 168 nền tài phán quốc gia có tổ chức các phiên xử trực tuyến bằng các ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau như Google Meet, Zoom, Microsoft Teams[2]. Sự lan tỏa của các phiên xử từ xa dựa vào công nghệ thông tin được lan tỏa nhanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong thời gian đại dịch Covid tính ở thời điểm giữa tháng 6 năm 2020 có 56 quốc gia mở các phiên tòa trực tuyến[3]

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ số đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án. Thực tiễn quốc tế cho thấy, thời gian vừa qua, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển như Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapo,… đã chú trọng tang cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Việc xét xử các phiên tòa trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế cho hoạt động tố tụng truyền thống. Cụ thể[4]:

- Ở Singapo, tất cả các phòng xét xử tại các Tòa án đều được trang bị cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét xử trực tuyến. Luật sư cũng có thể sử dụng máy tính cá nhân, truy cập hồ sơ vụ án điện tử và trình bày vụ việc thông qua việc sử dụng công nghệ thích hợp. Tất cả các phòng xét xử đều được lắp đặt hệ thống hỗ trợ nghe cho người khiếm thính sử dụng thiết bị trợ thính telecoil ở một mức độ nhất định thể tham dự phiên tòa.

Nhằm khuyến khích luật sư tận dụng những tiến bộ của công nghệ để trình bày vụ án tốt hơn, các thiết bị công nghệ thông tin di động được trang bị sẵn để sử dụng trong tất cả các phòng xét xử. Các thiết bị này bao gồm hệ thống phóng đại hình ảnh của các vật thể 3D hoặc tài liệu bản cứng và vô tuyến độ phân giải cao 65 inch với hệ thống hiển thị tương tác cho phép người dùng chú thích nọi dung một cách rõ rang.

Thiết bị hội nghị truyền hình có sẵn trong phòng xét xử có thể được sử dụng để nhân chứng không có mặt tại phiên tòa trình bày lời khai.

- Phiên tòa trực tuyến ở Úc: Úc là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào việc xét xử. Ở Úc, phòng xét xử trực tuyến là phòng xử án ảo được sử dụng trong việc quản lý và xem xét một số vấn đề trước khi đưa ra xét xử trước Tòa án Liên bang Úc hoặc Tòa sơ thẩm Liên bang Úc.

- Tại Trung Quốc: TANDTC Trung Quốc đã ban hành “Quy tắc tố tụng trực tuyến Tòa án nhân dân” có hiệu lực từ ngày 01/8/2021 (Quy tắc tố tụng trực tuyến). Điều 1 Quy tắc tố tụng trực tuyến quy định: “Tòa án nhân dân, đương sự và người tham gia tố tụng khác có thể dựa trên nền tẳng tố tụng điện tử, thông qua mạng Internet hoặc các mạng chuyên dụng khác để thực hiện …. xét xử. Hoạt động tố tụng trực tuyến và hoạt động tố tụng truyền thống có hiệu lực pháp luật như nhau”.

Ứng dụng hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ cho việc xét xử các vụ án kinh doanh, thương mại đơn giản. Theo đó, trong quá trình Tòa án giải quyết đơn khởi kiện trực tuyến đối với những vụ việc đơn giản, Thẩm phán được phân công giải quyết sẽ tạo ra một “phòng xét xử điện tử” và cấp tài khoản truy cập vào phòng xét xử này cho bên kiện và bên bị kiện để các đối tượng này dùng máy tính kết nối internet tham dự phiên tòa.

- Tại Hàn Quốc: Các Tòa án của Hàn Quốc đều có phòng xử án trực tuyến, các phòng xử án này được trang bị, lắp đặt các thiết bị hiện đại để phục vụ xét xử trực tuyến và công khai tài liệu, chứng cứ điện tử.

- Tại Anh: Ngày 11/5/2020, quyết định về việc xét xử trực tuyến được thông báo. Hai địa điểm đầu tiên áp dụng phương án này là Tòa án Hình sự London và Tòa án Hình sự Wales. Những người tham gia phiên xử vẫn có mặt tại tòa án. Tuy nhiên, thay vì tham gia chung tại phòng xử án, từng nhóm khác nhau như Thẩm phán, luật sư, bồi thẩm đoàn... được phân về các phòng riêng biệt và kết nối thông qua màn hình. Điều này nhằm đáp ứng các yêu cầu về giãn cách xã hội của Chính phủ Anh.

-Tại Mỹ, phiên xét xử trực tuyến đầu tiên diễn ra vào ngày 11/8/2020 tại bang Texas trước khi dần được áp dụng tại các bang khác như Alaska, Arizona, California, Columbia hay Tennessee... Hình thức tham gia của những người có vai trò tại phiên xét xử sẽ do các bang toàn quyền quyết định.

Tại Alaska, chỉ một số lượng nhất định thành viên bồi thẩm đoàn có mặt tại phiên tòa, phần còn lại kết nối, tham gia xét xử từ xa. Tại Arizona, các vụ án được chia thành các nhóm dựa trên mức độ nghiêm trọng. Từ đó, việc áp dụng xét xử sẽ tùy thuộc vào việc vụ án có mức độ nghiêm trọng ra sao.

Tại California, Arkansas hay Columbia, các bị cáo có thể xuất hiện thông qua các thiết bị công nghệ. Trong khi tại bang Tennessee, việc xét xử trực tuyến thường chỉ áp dụng với các vụ việc dân sự liên quan tới tranh chấp, kinh doanh thương mại[5].

Đến nay, Ấn Độ, Đức hay Brazil cũng tổ chức những phiên tòa trực tuyến.

3. Quy định về xét xử trực tuyến tại Việt Nam và một số hạn chế, vướng mắc

Trong hoạt động xét xử, nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, chính xác các vụ án là nguyên tắc đã tồn tại từ lâu, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Đứng trước những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra, việc xét xử các vụ án vẫn phải đảm bảo nguyên tắc này để các chủ thể sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp và để ổn định nền kinh tế quốc gia nói chung.

Do vậy, đòi hỏi phải có một phương thức giải quyết phù hợp, hiệu quả và hiệu lực trên thực tế. Và việc giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng Tòa án bằng hình thức xét xử trực tuyến đối với các vụ án là đòi hỏi tất yếu, khách quan được nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức thực hiện từ sớm[6].

Theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN, đến năm 2025, Việt Nam phải hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành Tòa án điện tử[7]. Đây cũng là một trong những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra cho việc hiện thực hóa quy định về phiên tòa trực tuyến.

Đồng thời, nghiên cứu các quy định của BLTTHS, BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính đều có các quy định về tố tụng điện tử, chứng cứ là dữ liệu điện tử… Đây cũng là cơ sở tạo tiền đề cho việc mở phiên tòa trực tuyến.

Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022[8] (Nghị quyết số 33/2021). Tiếp đó, ngày 15/12/2021, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến (Thông tư liên tịch số 05/2021), Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2022[9]. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của phiên tòa trực tuyến để xét xử các vụ án hình sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính… Có thể thấy, việc ra đời của Nghị quyết số 33/2021 và Thông tư liên tịch số 05/2021 là vô cùng kịp thời và cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021 thì: "Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng…".

Về khái niệm phiên tòa trực tuyến đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021 như sau: "Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm".

Như vậy, về cơ bản xét xử trực tuyến là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Và việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa (khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021).

Khi tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các điểm cầu, trong đó có một điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tham gia[10] sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại cho người dân, cơ quan, tổ chức. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng được bảo đảm, công lý được thực thi một cách nhanh chóng, kịp thời. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội[11].

Trong thực tiễn thời gian vừa qua, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến được thực hiện tại một số địa phương trên cả nước, bước đầu được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả vượt trội như: tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của người dân; tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021 quy định: “Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng…”.

Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2021 quy định về xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến có sự phân chia thành hai trường hợp là đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường (khoản 1) và đối với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn (khoản 2), trong đó cũng chỉ ghi nhận, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải đánh giá vụ án có thuộc hay không thuộc trường hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021.

Căn cứ để Thẩm phán quyết định quyết định có tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án hay không là dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021, theo đó, việc xét xử trực tuyến được giới hạn trong phạm vi những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản, rõ ràng; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 33/2021). Tuy nhiên, thực tiễn xác định, đánh giá tiêu chí này để quyết định mở phiên tòa trực tuyến còn khá lúng túng, vướng mắc do quy định của điều luật còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, nghiên cứu các quy định của BLTTHS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 thì thấy, đều có quy định thủ tục giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục tố tụng rút gọn, trong đó có ghi nhận những tiêu chí, điều kiện áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể. Và thực tế, khi xem xét, quyết định việc xét xử trực tuyến gặp vướng mắc về việc xác định điều kiện áp dụng, ví dụ:  Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm như sau: " Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;…"

Về mặt câu chữ thì nội dung khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 nêu trên có sự ghi nhận không khác nhiều so với quy định về điều kiện mở phiên tòa trực tuyến tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021. Tuy nhiên, Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2021 lại ghi nhận cả hai thủ tục tố tụng cho phiên tòa trực tuyến là thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục tố tụng rút gọn mà không có hướng dẫn cụ thể tiêu chỉ đánh giá, xác định vụ án có thuộc hay không thuộc trường hợp được tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội là một vướng mắc, gây khó khăn cho việc xét xử trực tuyến các vụ án.

Thứ hai, về bảo đảm bí mật thông tin trong xét xử các vụ án bằng hình thức trực tuyến

Có thể thấy, việc bảo mật các thông tin do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được trước và tại phiên tòa là vấn đề cần được quan tâm khi xét xử trực tuyến các vụ án. Thực tế xét xử trực tuyến ở các quốc gia cũng đang đứng trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin khi việc tiếp cận các phiên tòa không phải là điều khó khăn khi xét xử trục tuyến.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 05/2021 quy định: “Phòng xử án trang bị các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến như sau: Hệ thống chiếu sáng; hệ thống đường truyền và thiết bị mạng…” và khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2021 quy định: “Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, vận hành và quản lý hệ thống tổ chức phiên tòa trực tuyến phải bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao…” Như vậy, rõ ràng quy định này còn khá chung chung, chưa bảo đảm các yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin trong xét xử các vụ án.

Ngày 14/3/2022, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-TANDTC hướng dẫn về trang thiết bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của TAND các cấp. Hướng dẫn có quy định chung đối với trang thiết bị phục vụ tổ chức cho phiên tòa xét xử trực tuyến; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng và bố trí, lắp đặt thiết bị phục vụ. Đồng thời, hướng dẫn có phụ lục rõ ràng về tiêu chuẩn thông số kỹ thuật, số lượng trang thiết bị cho một phòng xử trực tuyến; chi tiết kỹ thuật, số lượng thiết bị hệ thống âm thanh, hình ảnh, máy chiếu vật thể để trình chiếu tài liệu, chứng cứ; máy tính điều khiển; thiết bị định tuyến, chia tín hiệu. Cụ thể như tivi hiển thị hình ảnh gồm ba cái, trong đó một tivi lớn hơn hoặc bằng 85 inch, hai cái còn lại lớn hơn hoặc bằng 75 inch. Về bố trí lắp đặt thiết bị bốn camera, ba tivi, hệ thống âm thanh, ánh sáng gắn thế nào… Tuy nhiên, cũng chưa có nội dung hướng dẫn về hệ thống đường truyền khi xét xử trực tuyến để bảo mật thông tin, trách hacker đột nhập, lấy cặp thông tin nhằm gây cản trở, gián đoạn quá trình xét xử hoặc lấy cắp thông tin vì mục đích không chính đáng. Đây là một bất cập cần sớm được hoàn thiện.

Thứ ba, thực hiện việc xét xử trực tuyến nhưng các giai đoạn khác của quá trình tố tụng như nộp đơn khởi kiện, nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo, tống đạt quyết định của Tòa án,… vẫn được thực hiện bằng cách thức truyền thống thì không đảm bảo sự đồng bộ, dẫn đến việc không lựa chọn xét xử trực tuyến. Hiện nay, TANDTC đang xây dựng Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”[12] – đây là một trong 9 định hướng của cải cách tư pháp. Khi đề án này được thông qua, với việc triển khai đồng loạt các thủ tục, quy trình của tố tụng dân sự thì việc xét xử phiên tòa trực tuyến sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Ở nước ta việc xét xử trực tuyến đã được triển khai thực hiện trên thực tế, tuy nhiên, do đây là vấn đề khá mới mẻ nên hiệu quả chưa thực sự cao như mong đợi, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như nêu trên. Để khắc phục những hạn chế đó, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:

Một là, cần tổ chức thực hiện việc sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 03/2021 và Thông tư liên tịch số 05/2021 theo giai đoạn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Hai là, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định vụ án được xem xét, đưa ra xét xử trực tuyến. Đồng thời, tác giả cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 05/2021 thì cần thiết kế một điều khoản riêng về tiêu chí đánh giá, xem xét áp dụng xét xử trực tuyến.

Ba là, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu ban hành quy chế trong việc bảo vệ thông tin vụ án, thông tin cá nhân của các bên trong tranh chấp và cả những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong phiên tòa xét xử trực tuyến. Công nghệ thông tin hiện đại có khả năng chống lại rủi ro này, tuy nhiên, phải có sự đầu tư một cách hiệu quả, cần thiết thì yêu cầu này mới được bảo đảm. Vì vậy, cần sớm có sự đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật một cách đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu thực tiễn đặt ra ở các điểm cầu (các phòng xét xử trực tuyến).

Bốn là, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… là một vấn đề rất mới, lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta, do vậy kể cả đương sự và Thẩm phán, người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng khác còn rất nhiều lúng túng. Do đó, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nội dung Nghị quyết số 33/2021 cũng như Thông tư liên tịch số 05/2021 để người dân nói chung, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nói chung kịp thời nắm bắt được để thuận lợi trong quá trình giải quyết các tranh chấp. Bởi, khi người dân, doanh nghiệp đã hiểu, nắm bắt được nội dung của các văn bản này, thấy được tính ưu việt của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thì sẽ có sự cộng tác, phối hợp tốt hơn, do vậy việc giải quyết các vụ án cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Kết luận

Có thể nói, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của Tòa án, tạo đòn bẩy thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc, vụ án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân[13].  Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thì cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.

 

TAND huyện Yên Châu, Sơn La tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến - Ảnh: HQ

 

 

 

 

[1] TS. Nguyễn Huy Dũng, Vai trò của Tòa án điện tử trong chiến lược xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, Tham luận Hội thảo khoa học góp ý đối với dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao; tr.1.

[2] Professor Richard Susskind, Society for Computer and Law, Remote Court Worldwide, https://remotecourt.org.

[3] GS.TS Lê Hồng Hạnh, Những thách thức đối với Tòa án điện tử nhìn từ yêu cầu đảm bảo sự thân thiện, hiệu quả trong tiếp cận công lý, thúc đẩy độc lập tư pháp, Tham luận Hội thảo khoa học góp ý đối với dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, tr.1.

[4] Dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Tòa án nhân dân tối cao, ngày 30/5/2022.

[5] Hoàng Linh, Xét xử trực tuyến ở các nước diễn ra như thế nào? https://zingnews.vn/xet-xu-truc-tuyen-o-cac-nuoc-dien-ra-nhu-the-nao-post1264152.html

[6] TS. Đỗ Đức Hồng Hà - ThS. Phùng Văn, Xét xử trực tuyến : Giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, https://cdn.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/xet-xu-truc-tuyen--giai-phap-quan-trong-gop-phan-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-cua-dang-ve-cai-cach-tu-phap, truy cập ngày 26/2/2022.

[7] Phạm Đông, Xem xét mở phiên toà xét xử trực tuyến các vụ án trong thời gian giãn cách, https://laodong.vn/thoi-su/xem-xet-mo-phien-toa-xet-xu-truc-tuyen-cac-vu-an-trong-thoi-gian-gian-cach-946347.ldo, truy cập ngày 26/2/2022.

[8] Xem Điều 2 Nghị quyết số 33/2021.

[9] Xem Điều 15 Thông tư liên tịch số 05/2021.

[10] Xem Điều 2 Thông tư liên tịch số 05/2021.

[11] Xem: https://zingnews.vn/pho-chanh-an-tand-toi-cao-khong-phai-tat-ca-vu-an-deu-xu-truc-tuyen-post1263737.html

[12]https://congly.vn/lay-y-kien-voi-du-thao-de-an-xay-dung-toa-an-dien-tu-dap-ung-cai-cach-tu-phap-209294.html

[13] Xem: https://www.vietnamplus.vn/chi-nen-xet-xu-truc-tuyen-voi-cac-vu-an-co-tinh-tiet-don-gian/748617.vnp

PHẠM HOÀI NGÂN (Tòa án nhân dân tối cao), NGÔ THỊ TUYẾT THANH (Bộ môn Khoa học Chính trị trường Đại học Điện lực)