Luật Việt thời Hai Bà Trưng

Kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhìn lại lịch sử gần 2000 năm trước, qua những tư liệu ít ỏi, các nghiên cứu về luật pháp buổi sơ khai của lịch sử dân tộc cho thấy những mốc son lấp lánh.

Năm 34, Thái thú Tô Định nổi tiếng gian tham, tàn bạo được nhà Đông Hán được cử đến Giao Châu thay Tích Quang. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi: “ Bấy giờ Thứ sử Giao Châu là Tô Định tham làm, tàn bạo, người trong châu quận khổ vì hắn”. Chính sử sách Trung Quốc cũng nhận xét tương tự. Sách Việt kiệu thư ghi: “ Thái thú Tô Định tham lam độc ác, dùng pháp luật trói buộc”. Ngoài việc bóc lột, chiếm đoạt ruộng đất, gia tăng thuế má, Tô Định dùng luật nhà Hán làm công cụ để đàn áp sự phản kháng của quý tộc và nhân dân Giao Chỉ[1].

Hàng loạt quý tộc, Lạc tướng, Huyện hầu bị sát hại bởi tên Thái thú bạo ngược này, trong đó có Thi Sách. Có lẽ Thi Sách cùng vợ là Trưng Trắc đã có sự chuẩn bị nổi dậy nên bị sát hại chăng?

Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa vào mùa Xuân năm Canh Tý, khoảng tháng 3 năm 40. Việt sử lược ghi : “Tô Định dùng pháp luật trói buộc. Trắc giận bèn cùng em gái là Nhị đem binh Phong Châu đánh hãm các quận huyện. Cửu Chân, Nhật Nam đều hưởng ứng. Bà lược định 65 thành, tự lập làm Vua”. Thần tích vùng Hạ Lôi (Yên Lãng) và Hát Môn (Phúc Thọ) ghi: “Trưng Vương khởi binh được 1 năm, tướng sĩ nam nữ có tới 3 vạn người”.

Bất ngờ và hoảng sợ trước sức mạnh như vũ bão của quân khởi nghĩa, tên Thái thú Tô Định phải cải trang “cắt tóc, cạo râu” bỏ chạy một mạch về Nam Hải. Sử Trung Quốc sau này ghi lại lời Mã Viện tố cáo Tô Định rằng: “Thấy tiền thì gương mắt lên, thấy  địch thì cụp mắt xuống”.

Sử sách nước ta đều ghi, sau khi đánh đổ được chính quyền đô hộ nhà Đông Hán, Bà Trưng xưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Đây là sự khẳng định quyền độc lập, tự chủ của quốc gia và do những người phụ nữ lãnh đạo.

Nhà Hán cử Mã Viện, với chức Phục Ba tướng quân dẫn quân thủy bộ đến 2 vạn người, 2000 cỗ xe ngựa, cùng các loại thuyền lớn nhỏ tiến vào Giao Châu. Sau mấy năm giao tranh nhiều trận, cuối cùng, khoảng tháng 5 năm 43, trong trận Cẩm Khê, Hai Bà anh dũng hy sinh.

Sử nhà Hán ghi rằng, sau đó chúng tiếp tục chinh phạt dư đảng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Cư Phong, chúng đã “giết và bắt bớ hơn 5000 người”. Thủy kinh chú còn cho biết: “Tướng giặc không hàng đều bị chém tới hàng trăm người”. Hơn 300 thủ lĩnh khác bị bắt đày sang Linh Lăng (Hồ Nam).

Nhìn ở góc độ pháp luật, sách Hậu Hán thư, trong “Mã Viện liệt truyện” có ghi: “Viện đem lâu thuyền lớn lớn nhỏ hơn 2000 ngàn chiếc, chiến sĩ hơn hai vạn người, đánh quân Cửu Chân, dư đảng của bà Trưng Trức là bọn Đô Dương. Từ đất Vô Thiết đến đất Cư Phong, vừa chém vừa bắt hơn năm ngàn người. Cõi Kiều Nam đều bình định. Viện tâu lên Vua rằng: Huyện Tây Vu ( thuộc quận Giao Chỉ) có ba vạn hai ngàn nhà, biên giới xa nhất, cách Trung Quốc ( Đình Huyện) hơn ngàn dặm. Vậy xin chia làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải”. Tiếp đó Mã Viện tâu rằng “Luật Việt và Luật Hán khác nhau hơn 10 việc, (nay) xin làm sáng tỏ cựu chế đối với người Việt để thúc ước họ”.

Hậu Hán Thư là một trong những tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc do Phạm Việp biên soạn vào thế kỷ thứ 5, sử dụng một số cuốn sách sử và văn bản trước đó làm nguồn thông tin. Nó bao quát giai đoạn lịch sử Đông Hán từ năm 25 đến năm 220.

Như vậy, có thể khẳng định, trước thời điểm này trên đất nước ta đã có luật pháp[2]. Và nền luật pháp này không lầm lẫn với nền luật pháp Trung Quốc. Về kỹ thuật pháp lý như vậy nước ta đã có trình độ khá cao. Có nhà nghiên cho rằng luật lệ ấy được viết bằng chữ khoa đẩu, kiểu chữ cố của người Việt, có trước chữ Hán. Trước thời bị nhà Tần đô hộ, nước ta đã có nền văn minh riêng, thứ chữ riêng và luật pháp đặc thù của dân Việt.

Chúng ta không có đủ cơ sở để biết “Luật Việt” thời Hai Bà Trưng “đã được điển chế hay chưa, nhưng điểm ấy không quan trọng. Một nền luật pháp không được điển chế không có nghĩa là thấp kém. Ta lấy ngay một thí dụ trong hiện đại sẽ hiểu rõ vấn đề: Luật hành chính của Pháp là một nền luật khá tinh tiến. Song nền hành chánh này, trong hiện trạng vẫn chưa được điển chế và chỉ gồm các đạo luật rời rạc, không có liên lạc với nhau thành hệ thống một bộ luật. Tuy nhiên, có ai dám quả quyết là Pháp không có luật hành chánh hay luật hành chánh của Pháp thấp kém”.[3]

Đất nước của dân Lạc Việt khi ấy chỉ gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam là những nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa. Ngoài ra còn 6 quận khác vẫn chịu sự đô hộ của nhà Hán. Khi cuộc khởi nghĩa bị tan rã, nhà Hán đem ba quận đã bình định áp dụng pháp luật chung với 6 quận kia. Chính vì thế mà Phạm Việp đã viết: “Ban bố phép cũ cho người Việt biết rõ”. Phép cũ là luật pháp thi hành trước cuộc khởi nghĩa của Ha Bà Trưng, là phép tắc của nhà Hán. “Đây là bằng chứng nội tại để chứng minh nền Việt luật nói trong Hậu Hán thư là một sự mới mẻ, đặc thù. Nền Việt luật ấy chỉ có thể mới xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa này, mặc dầu trong tình trạng đô hộ nó vẫn được dân chúng theo như những tục lệ, bên lề luật pháp mà người Hán sang cai trị đã ban bố trên đất Lạc Việt”[4].  Chính Mã Viện cũng phải thừa nhận Luật Việt khác Luật Hán hơn 10 điểm. Tiếc rằng, sử liệu hiếm hoi, không phản ánh nội dung luật Việt thời ấy nhưng có thể suy đoán khi đó gia đình được tổ chức theo mẫu hệ.

Theo ý kiến các nhà nghiên cứu hiện nay, phản ánh trong Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Viện Sử học thì “luật Việt” mà Mã Viện nói đến có thể đã lưu hành từ xa xưa. Đó là hệ thống các quy định của cộng đồng về tổ chức, tục lệ và quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng… Luật này mang tính chất dân chủ hơn luật Hán và có thể chỉ được truyền miệng. Kể từ thời Mã Viện trở về sau, tại các địa phương, luật Việt vẫn được duy trì bởi sức sống trường tồn của nó, nếu không có sự thi hành uyển chuyển với các yếu tố đan xen thì “Phép vua vẫn thua lệ làng”.

Cuộc khởi nghĩa và giành độc lập của Hai Bà Trưng 1979 năm trước, không chỉ chói lọi về truyền thống chống giặc ngoại xâm mà từ góc độ luật pháp cũng là lấp lánh những giá trị đáng tự hào.

 

 

[1] Viện Sử học – Lịch sử Việt Nam tập 1 – NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2013

[2] Viện Sử học – Lịch sử Việt Nam tập 1 – NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2013. Tr.234

[3] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, tr.147.

[4] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, tr.155

LÂM UYÊN