Người hùng quên mình trong bão biển cứu người

Đầu tháng 12, Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã tổ chức Lễ trao các giải thưởng và bằng khen năm 2021 tặng các các nhân, tập thể đã có đóng góp cho ngành hàng hải toàn cầu tại trụ sở chính của mình ở thủ đô London (Vương quốc Anh). Vượt qua 37 ứng cử viên do 23 quốc gia thành viên IMO và 4 tổ chức phi chính phủ đề cử, anh Trần Văn Khôi, đã được trao Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” năm 2021 và vinh dự trở thành thuyền viên Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng uy tín này của IMO.

Hình ảnh anh Trần Văn Khôi, nhân viên cứu nạn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng) đang chuẩn bị cho công tác cứu 12 thuyền viên của tàu Vietship 01 gặp nạn do ảnh hưởng của bão số 6 hồi đầu tháng 10/2020 trên vùng biển Quảng Trị

Không phải vì diễn biến phức tạp của đại dịch ở nước sở tại mà lễ trao giải theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến mất đi sự trang trọng như mọi năm. Một điều đặc biệt là trong sự kiện lần này, giải thưởng thường niên quan trọng nhất của IMO là “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” (IMO Award for Exceptional Bravery at Sea) đã lần đầu tiên xướng tên một người Việt Nam. Đó là anh Trần Văn Khôi, nhân viên cứu nạn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng) thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC).

Theo dõi hình ảnh trực tiếp về buổi lễ, chúng ta có thể thấy những cái gật đầu tấm tắc, những tiếng “ồ” “à” cảm phục và những tràng vỗ tay không ngớt khi các đại biểu xem thước phim về hành động dũng cảm của anh Khôi trong việc cứu các nạn nhân trên biển cách đây hơn một năm. Anh xứng đáng có mặt ở đây để nhận được lời tán thưởng, được sự tôn vinh này. Dẫu vậy, một phần vì tình hình dịch bệnh nên điều đó không thể thành hiện thực. “Hành động của anh Khôi thật sự phi thường”, Tổng thư ký IMO Kitack Lim ca ngợi tại buổi lễ.

Trong giây phút được IMO vinh danh, được biết anh Khôi vẫn đang mải mê cùng đồng đội trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ cứu nạn trên biển. Sự miệt mài, tinh thần cống hiến của những con người ấy cũng được thể hiện qua lời phát biểu của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh Tô Minh Thu khi thay mặt anh Khôi nhận giải thưởng và phát biểu đáp từ: “Hành động dũng cảm đặc biệt của anh Khôi thể hiện tinh thần, ý chí không khuất phục của dân tộc Việt Nam và là niềm tự hào của ngành hàng hải Việt Nam”.

Cảm phục thành tích đó, tôi đã có cuộc trao đổi với anh Khôi để hiểu hơn về chuyện đời, chuyện nghề của người “chiến binh trên biển” này.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai!”

Đó là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi anh Khôi về công việc mà anh đã lựa chọn – nghề cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Lớn lên ở làng quê nghèo thuộc xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tuổi thơ của anh là những tháng ngày cùng đám bạn bơi qua con sông quê (một nhánh của sông La), chảy nặng phù sa vào mùa lũ. Có lẽ vì vậy mà anh đã được rèn luyện kỹ năng bơi cừ khôi ngay từ khi còn là một cậu bé.

Ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Hàng hải ở TP Hải Phòng, chuyên ngành điều khiển tàu biển, cuối năm 2004, anh nhận được thông báo tuyển dụng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam. Như tìm thấy “con đường đi” của riêng mình, cậu sinh viên mới tốt nghiệp Trần Văn Khôi đã ngay lập tức nộp đơn xin tuyển dụng vào làm việc. Đến đầu năm 2005, anh tham gia thi tuyển và chính thức trở thành nhân viên của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II. Vừa mừng vừa lo khi nhận nhiệm vụ mới, nhưng phần lo nhiều hơn vì môi trường làm việc trên tàu cứu hộ, cứu nạn không giống như làm việc trên tàu hàng. Hơn nữa, dù xác định đây là một công việc gian nan, rất ít sinh viên theo học, nhưng ngay từ đầu anh vẫn chưa thể hình dung được hết sự khó khăn và cả sự hiểm hóc không lần nào giống lần nào của những tình huống thực tế xảy ra mà một nhân viên cứu nạn phải trải qua. “Đây là một công việc thầm lặng, rất nguy hiểm, nhưng đổi lại lại hết sức mạo hiểm, độc đáo và nhất là có ý nghĩa nhân văn cao cả, bởi nó sẽ giúp giành giật lại sự sống chỉ trong gang tấc cho những người hành nghề trên biển, đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, anh Khôi chia sẻ.

Anh Trần Văn Khôi cùng những ngư dân trên con tàu đánh cá, không ngại hiểm nguy, vượt sóng lớn để tiếp cận tàu Vietship 01, nơi có 12 thuyền viên đang bị gặp nạn do tác động của bão số 6

Hơn 15 năm “làm bạn” với biển cả, bản thân anh đã trải qua không ít lần những tình thế thoát chết trong gang tấc, đứng giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, không những đối với bản thân, anh em đồng nghiệp mà còn chính đối với những người gặp nạn. Trong cái khoảnh khắc “nghìn cân treo sợi tóc” ấy, anh và đồng nghiệp không có thời gian để run sợ mà chỉ nhanh chóng “vận công” hết trí lực, kinh nghiệm, bản lĩnh để nghĩ ra cách tốt nhất, đưa những nạn nhân thoát khỏi “lưới tử thần”, hoặc chí ít là kéo họ ra khỏi từng cấp độ nguy hiểm, thậm chí, vừa cứu hộ vừa phải làm công tác tư tưởng để người bị nạn vượt qua sự sợ hãi, cùng các anh tìm lối thoát tốt nhất có thể, bởi lúc đó, chỉ một sai lầm nhỏ, chỉ một tích tắc trôi qua cũng có thể khiến cả tập thể tàu lâm vào tình huống nguy hiểm hơn.

“Gian nan, vất vả, hiểm nguy là thế nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn làm một nhân viên cứu nạn. Vì chỉ hiểu đơn giản là: nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai, lấy ai cứu thuyền viên, ngư dân gặp nạn trên biển đây?”, anh Khôi quả quyết. “Khoảnh khắc nhìn thấy ngư dân vật lộn giành sự sống với thủy thần, tôi không có dư nổi lấy một giây để nghĩ tới việc run sợ hay thậm chí là gia đình nữa. Khi đó tôi chỉ nhanh chóng đưa ra phương án xử trí phù hợp, tránh rủi ro ở mức cao nhất có thể. Hoàn cảnh và thời gian không cho phép chúng tôi do dự hay chùn bước, tất cả những gì tôi nghĩ tới là lập tức xông pha cứu người”, anh khẳng định khi được hỏi liệu có lúc nào bản thân cảm thấy “chùn bước” trong lúc thực hiện nhiệm vụ hay không. 

“Chứng kiến sự vất vả và nguy hiểm mà chồng đối mặt hằng ngày, hằng giờ, vợ con anh chắc chắn vô cùng lo lắng?” Giọng anh Khôi bùi ngùi nhưng khẳng khái: “Lo quá ý chứ. Nhưng tôi luôn động viên bà xã và các con. Chính sự cảm thông và thấu hiểu của bà xã là động lực cho bản thân tôi. Công việc của mình là hỗ trợ bà con, là cứu nạn. Tôi coi mỗi người đi biển đều là người thân của mình. Tôi không phải là anh hùng như có người từng nói. Tôi chỉ làm việc từ chính lương tâm của mình thôi. Người chọn nghề và rồi nghề chọn người. Tôi vui và hạnh phúc với điều đó”.

Vượt “cửa tử” giành sự sống cho thuyền viên tàu Vietship 01

Sau hơn một thập kỷ bám biển, anh Khôi đã “chinh chiến” trung bình trên 20 chuyến tìm kiếm cứu nạn hằng năm, đa phần trong số đó là nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, ứng cứu, hỗ trợ y tế cho bà con ngư dân trên các tàu cá. Tuy nhiên, “cuộc chiến” để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất chính là lần tham gia cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 ở tỉnh Quảng Trị hồi đầu tháng 10-2020.

Nụ cười hạnh phúc của anh Khôi khi hoàn thành nhiệm vụ giải cứu 12 thành viên tàu Vietship 01 gặp nạn trên vùng biển Quảng Trị và hành động dũng cảm đó của anh Khôi đã được Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) trao Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” năm 2021

Anh Khôi nhớ lại, ngày 8-10-2020, dưới tác động của cơn bão số 6 (tên quốc tế là Linfa), tàu Vietship 01 đang neo đậu tại cảng Cửa Việt-Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị thì bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn cách bờ khoảng 400m và chìm dần, chỉ còn sót lại phần cabin, ống khói và giàn sắt phía sau tàu nổi trên mặt nước. 12 thuyền viên trên tàu bị mắc kẹt, đứng cầu cứu trên nóc ca-bin trong điều kiện mưa gió dữ dội, không có lương thực, nước ngọt, thiết bị liên lạc duy nhất là điện thoại di động cá nhân. Vị trí tàu chìm vừa chịu ảnh hưởng gió giật mạnh trên 70km/h, sóng đa hướng cao 5m, lại vừa chịu ảnh hưởng của dòng nước lũ chảy siết đổ ra từ sông Thạch Hãn khiến tàu Vietship 01 có nguy cơ bị lật úp bất cứ lúc nào. Trước tình huống đó, anh Khôi được phân công tham gia tiếp cận tàu bị nạn trên một ghe cá được huy động của người dân.

Sáng ngày 9-10, khi đang làm nhiệm vụ cảnh giới trên bờ, anh Khôi bắt gặp cảnh hai thuyền viên tàu Vietship 01 bất ngờ bị sóng đánh rơi xuống biển. Không một giây chần chừ, anh lập tức buộc dây vào người, xả thân vượt những con sóng cao đến 5m và thành công đưa được hai thuyền viên này về bờ để chăm sóc y tế. “Mỗi giây mình chậm là mỗi giây nạn nhân có thể gặp thêm hiểm nguy. Kinh nghiệm của tôi là trước những cơn sóng to thì phải bơi vào giữa hai ngọn sóng, cố gắng bơi sát ngọn sóng. Việc phối hợp giữa các động tác của tay, chân với nhịp thở của mình rất quan trọng nếu không muốn bị sóng nhấn chìm”, anh Khôi chia sẻ.

Sáng ngày 10-10, điều kiện thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Anh nhận lệnh triển khai phương án tiếp cận tàu Vietship 01 trên một tàu đánh cá cùng 4 ngư dân địa phương. Tuy nhiên, lần tiếp cận đầu tiên của anh cùng các ngư dân không hiệu quả. Sóng quá lớn và dòng chảy siết không những đánh chìm chiếc tàu cá ngư dân mà còn khiến 3 ngư dân phải bám vào tàu Vietship 01, con số ngư dân mắc kẹt trên tàu vì thế mà lại tăng lên. Ngư dân còn lại may mắn được sóng đánh vào bờ. Anh hồi tưởng: “Dù sao đây vẫn là tin tốt đến thời điểm đó bởi không có ai thương vong. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực triển khai cứu hộ một cách nhanh nhất có thể”.

Quay trở lại bờ trong tâm trạng day dứt khôn nguôi vì chưa cứu được các ngư dân bị nạn, anh Khôi lập tức nghiên cứu phương án tiếp theo. Nhiệm vụ này rất cần đến sự hỗ trợ của ngư dân địa phương kỳ cựu, thông thuộc dòng chảy và địa thế. Tuy nhiên, anh lại phải đối mặt với một tình huống khó khăn khác, đó là sự níu giữ và khẩn thiết van xin của người nhà những người ngư dân kia. “Họ van nài chồng/cha mình đừng đi. Tôi đã động viên, thuyết phục người nhà cho các ngư dân cùng tôi ra đi cứu người. Đây là hình ảnh khiến tôi cảm thấy ám ảnh nhất trong toàn bộ chuyến cứu nạn này. Nó làm tôi nhớ lại ánh mắt của vợ và các con thơ trước khi lên đường “ra trận””, anh Khôi nhớ lại. Sự lo lắng đó hoàn toàn dễ hiểu bởi những cơn sóng dữ ngoài kia có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai dám “thách thức tử thần”. Lần lâm trận này, anh cùng 3 ngư dân kỳ cựu trên một tàu cá khác đã nỗ lực tiếp cận con tàu gặp nạn. Tuy nhiên, lại một lần nữa, “thủy thần” đã chặn đứng mọi sự hy vọng và cố gắng của họ. Vào thời điểm đó, 2 ngư dân đang mắc kẹt trên tàu đã nhảy xuống biển, tìm cách bơi qua tàu cá. Ngư dân mình rất “khỏe sóng”. Tuy nhiên, do sức khỏe đã suy giảm, họ khó lòng nào trụ được lâu trong điều kiện sóng to gió lớn như vậy. Nhìn đồng bào mình đang chới với trên biển, anh không đợi phải hô hoán mà cứ thế hành động ngay. Tình huống cấp bách đó, bỏ ngoài tai những cơn rú hét ầm ĩ của “thần chết biển cả”, anh Khôi lại tiếp tục lao xuống biển, gồng mình vượt sóng dữ, đưa thành công những người này lên tàu cá về bờ an toàn.

Chiều muộn cùng ngày, trung tâm đã tăng cường thêm một xuồng công tác cùng anh Khôi ra hiện trường. Sau hai ngày nỗ lực tiếp cận bất thành, anh đã hiểu rõ tính chất nguy hiểm của vụ việc. “Lúc này, tôi và các đồng nghiệp đã xác định trước rằng, chuyến đi lần này lành ít dữ nhiều, với chỉ một phần trăm cơ hội sống sót trở về”, anh Khôi kể. Những lời dặn dò, hướng dẫn của thuyền trưởng tàu SAR 412 lúc ấy là anh Trần Quang Thanh như tiếp thêm động lực cho anh Khôi: “Anh biết khó nhưng lúc này tại hiện trường, không lực lượng nào có đủ khả năng để tiếp cận, mình không làm thì không ai làm. Nếu nhanh và đúng cách, anh em sẽ không chết!” Thế rồi, anh Khôi cùng đồng đội lập tức nổ máy tiến thẳng vào “lưỡi hái tử thần” để tiếp cận con tàu bị nạn. Ra đi với với tâm trạng vừa bịn rịn, vừa hồi hộp, “mỗi cơn sóng phủ qua là một lần anh biết mình vẫn còn sống”. Khi tiếp cận được gần tàu Vietship 01, cả đoàn chuẩn bị súng bắn dây nhưng do nước chảy siết, sóng phủ liên hồi đánh xuồng trôi mắc vào một sợi dây cáp của tàu Vietship 01, một nhân viên cứu nạn bị dây cáp đè nghiến vào chân mắc kẹt, cả đoàn lại cùng nhau xử lý sự cố. Tuy nhiên, một cơn sóng to trùm qua đã làm xuồng chết máy. Sau khi khắc phục sự cố, máy nổ trở lại, chưa kịp vui mừng thì những đợt sóng lớn hơn, dòng chảy siết hơn lại ập tới, vượt quá khả năng của xuồng công tác. Chỉ huy hiện trường yêu cầu xuồng quay trở lại bờ. Anh đành điều khiển xuồng quay về bờ, trong lòng vẫn tiếc nuối và có phần tự trách bản thân. Đến hôm sau thì trực thăng được huy động đến hiện trường và đã cứu được toàn bộ các nạn nhân.

Tình người tỏa sáng

Khi được hỏi động lực nào đã khiến anh dám làm những hành động phi thường, vượt quá khả năng của một người bình thường, giọng anh Khôi nghẹn ngào, rưng rưng xúc động: “Khi phải nhiều lần trực tiếp chứng kiến những ánh mắt cầu cứu của các ngư dân bị nạn lẫn giữa các đợt sóng, sự vùng vẫy một cách vô vọng trong “lưới hái của thần chết”, hay nước mắt của người thân các ngư dân van nài họ đừng đi... tôi không cho phép bản thân bỏ cuộc, càng không được có một giây phút nào run sợ”. Có lẽ đối với anh Khôi, điều gây ám ảnh nhất chính là việc phải chứng kiến những người gặp nạn ngay trước mắt mà bản thân “lực bất tòng tâm”. 

Đặc biệt, đây không chỉ đơn thuần là một chuyến thực hiện nhiệm vụ mà giữa biển cả mênh mông, giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống-cái chết, tình người cao đẹp vẫn luôn tỏa sáng mà không một con sóng nào có thể nhấn chìm được. “Anh có nguyện vọng gì không?” “Biển lặng sóng, người đi biển bình an!”, anh Khôi đáp nhanh. Quả thật, sự bình yên của biển cả, sự an toàn của thuyền viên, ngư dân chính là nỗi mong ngóng hằng ngày, hằng giờ, là tâm niệm của bất cứ người nào làm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Trước mỗi chuyến đi cứu nạn, tất cả các thuyền viên cũng như ngư dân đều phải ghi lại tên, tuổi và quê quán. Đây là một sự thật khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy rùng mình, vì giữa biển cả hung dữ, họ có thể phải đánh đổi sinh mệnh của bản thân bất cứ lúc nào. Thế nhưng, những “người hùng cứu hộ” như anh Khôi vẫn sẵn sàng xông pha vào nơi hiểm nguy nhất, nơi ở đó vẫn còn những con người đang cố gắng vật lộn để giành giật lấy sự sống cho đồng bào mình. Cũng giống như những câu chuyện xung quanh công tác cứu hộ, cứu nạn trong đợt lũ lớn cuối năm 2020, từ những tướng lĩnh quân đội cho tới những ngư dân áo vải, dù ở nơi đâu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, không điều gì có thể làm họ chùn bước. Bởi đó là tình người!

    

Vượt qua 37 ứng cử viên do 23 quốc gia thành viên IMO và 4 tổ chức phi chính phủ đề cử, anh Trần Văn Khôi, đã được trao Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” năm 2021, qua đó vinh dự trở thành thuyền viên Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng uy tín này của IMO.

Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” là một trong hai giải thưởng thường niên lớn nhất của IMO, nhằm tôn vinh những cá nhân không ngại hiểm nguy và tính mạng bản thân để thực hiện những hành động đặc biệt dũng cảm và sự quả cảm xuất sắc để cứu người gặp nạn trên biển, hoặc ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường biển.

Trước đó, năm 2020, ông Đinh Xuân Trường - thuyền trưởng tàu SAR 413 thuộc Vietnam MRCC - đã được Tổng thư ký IMO gửi thư khen ghi nhận sự chuyên nghiệp, quyết tâm và nỗ lực trong vụ việc cứu nạn 11 thuyền viên và hành khách của tàu Đại Hải Phát 17 trong điều kiện thời tiết khó khăn ngày 20/11/2019.

Nguồn ảnh, clip: Bảo Trung

MINH NAM- MINH ANH