Nữ lãnh đạo là Thẩm phán mẫu mực, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán giỏi năm 2021

Nhân dịp Quốc tế phụ nữ, Tạp chí TAND điện tử giới thiệu các nữ lãnh đạo là Thẩm phán mẫu mực, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán giỏi trong hệ thống TAND. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%... Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, xác định: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh chủ trương: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Hệ thống TAND đã chú trọng, đáp ứng về tỷ lệ và chất lượng lãnh đạo, Thẩm phán nữ.

Thẩm phán mẫu mực Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng

Trên cương vị là Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thẩm phán trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chị đã luôn đi đầu, gương mẫu và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, luôn tìm ra được các giải pháp để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất. Với những kinh nghiệm rút ra trong thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/4/2021, bà đã giải quyết 586,5 vụ, việc các loại (trong đó trực tiếp giải quyết 400 vụ, việc; tham gia giải quyết 186,5 vụ, việc); ban hành 566 Quyết định thi hành án hình sự; xét xử 04 phiên tòa rút kinh nghiệm; công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao 91 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đảm bảo chất lượng giải quyết, xét xử các loại án (không có án quá hạn luật định; không có án bị sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán); số vụ, việc bị hủy 1,5 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 0,25%).

 

“Thẩm phán mẫu mực” Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng

Bên cạnh công tác chuyên môn, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, hoạt động phong trào ở cơ quan cũng như tại địa phương và có những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao của cơ quan, khuyến khích, cổ vũ, động viên kịp thời toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các hoạt động thi đua yêu nước, điển hình như: phong trào xây nhà tình nghĩa cho người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng phát động; đóng góp ủng hộ quỹ tình nghĩa của Tòa án nhân dân; ủng hộ đồng bào bị bão lụt và ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19 của địa phương. Luôn tích cực phối hợp với Công đoàn Tòa án nhân dân thành phố thăm hỏi, động viên kịp thời công chức, người lao động trong đơn vị ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm và tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng…

Với những kết quả và thành tích đã đạt được, chị được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2015 và “Thẩm phán mẫu mực” năm 2021; từ năm 2018 đến năm 2020, liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và “Chiến sĩ thi đua Tòa án”; đặc biệt, được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng ba” năm 2015.

Thẩm phán mẫu mực Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh được tặng thưởng "Bằng khen" của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 

Thẩm phán Phan Thị Nguyệt Thu, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

image

Thẩm phán Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022

Trong thực hiện nhiệm vụ xét xử, bà luôn đầu tư thời gian nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết nhằm giải quyết vụ án nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các vụ án được giao đều được giải quyết trong hạn luật định, đúng quy định pháp luật, không có án bị huỷ, cải sửa do lỗi chủ quan, thường xuyên học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn nhiệt tình cho các Thẩm phán và Thư ký trong công tác chuyên môn, cùng với các Thẩm phán và Thư ký trao đổi và giải quyết những vụ án phức tạp. Trong các cuộc giao ban hàng tuần, hàng tháng, sơ kết, tổng kết hàng năm, đã kịp thời trao đổi chỉ đạo, giải đáp các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Từ 2016 đến nay, Thẩm phán Phan Thị Nguyệt Thu đã trực tiếp giải quyết, xét xử 279/279 vụ, việc (đạt tỷ lệ 100%). Các vụ án được giải quyết, xét xử đều đảm bảo chất lượng, đúng người, đúng tội, đúng đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không có án kết oan người vô tội, không có án bỏ lọt tội phạm. So với giai đoạn 2011- 2015, thì giai đoạn từ năm 2016 đến nay số lượng án ngày càng tăng (tăng 71 vụ, việc), diễn biến phức tạp, nhiệm vụ chính trị nặng nề hơn, nhưng bản thân bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 2 lần đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân”, 01 lần đạt danh hiệu “Thẩm phán giỏi” , 1 lần được tặng “Bằng khen” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, 5 lần được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bên cạnh công tác chuyên môn, chị luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công chức và người lao động. Tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn hoạt động ngày càng có chiều sâu và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan xét xử. Tích cực tham gia các hoạt động của hội Luật gia, ủng hộ các loại quỹ Mái ấm Công đoàn, Quỹ Người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ tương thân tương ái, Quỹ tình nghĩa Tòa án nhân dân tối cao, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt…

Nhiều năm kinh nghiệm trong công tác, đặc biệt kinh nghiệm trong tổ chức, xét xử các vụ án điểm, án đặc biệt nghiêm trọng, bản thân bà đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kinh nghiệm được Hội đồng khoa học sáng kiến công nhận, điển hình như năm 2016 với sáng kiến: “ Các sáng kiến trong tổ chức công tác xét xử và quản lý”; năm 2017 với sáng kiến “Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự”, năm 2018 với sáng kiến “Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành”; năm 2019: “Sáng kiến trong việc giải quyết án hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài” và năm 2020: Sáng kiến “Nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hà Tĩnh”.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được của tập thể đơn vị nói chung và những đóng góp, lập thành tích xuất sắc của người đứng đầu nói riêng; Thẩm phán, Chánh án Phan Thị Nguyệt Thu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng “Bằng khen” năm 2021; đây là niềm vinh dự to lớn, ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và thành quả lao động của bản thân chị trên cương vị Bí thư chi bộ, Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

“Thẩm phán mẫu mực” Huỳnh Thị Bạch Tuyết, Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang

Thẩm phán Huỳnh Thị Bạch Tuyết, trên cương vị Bí thư chi bộ, Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thẩm phán Huỳnh Thị Bạch Tuyết, Chánh án TAND thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang

Với quan điểm, trong giải quyết án, không chỉ xem xét trên chứng cứ, nội dung tranh chấp để giải quyết nhanh vụ án mà còn tuân thủ theo quy định về tố tụng, kiểm tra xem xét kỹ trình tự tố tụng để hạn chế vi phạm tố tụng; thực hiện nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm; chú trọng công tác hòa giải,…nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, luôn luôn phải đưa ra được các biện pháp, giải pháp trong việc đổi mới công tác quản lý; Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với Tòa án nhân dân: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn…” với phương châm “Dân vận trong công tác giải quyết án”, Thẩm phán Huỳnh Thị Bạch Tuyết luôn tích cực nghiên cứu các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm để đưa vào áp dụng trong thực tiễn, điển hình là giải pháp: “Tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án - năm 2018”.

Năm 2019, với giải pháp: “Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm gắn với chất lượng xét xử”: Năm 2020, với giải pháp “Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, khắc phục hạn chế án tồn đọng, kéo dài” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giải quyết án, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án chung của cả đơn vị cũng như của cá nhân Thẩm phán Huỳnh Thị Bạch Tuyết. Cụ thể, trong thời gian (từ ngày 01/6/2018 đến ngày 30/4/2021): Bà đã trực tiếp giải quyết 577 vụ, việc các loại (bình quân giải quyết 16,48 vụ, việc/1 tháng), cao hơn 5,9 vụ, việc so với bình quân mỗi Thẩm phán trong đơn vị giải quyết (10,58 vụ, việc/1 tháng); tổ chức 03 phiên tòa rút kinh nghiệm/1 năm; công bố 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; chất lượng giải quyết án đảm bảo không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán.

Trong quá trình công tác, Thẩm phán Huỳnh Thị Bạch Tuyết luôn tự ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, không để mất đoàn kết nội bộ. Tham gia và triển khai trong đơn vị thực hiện đầy đủ các hoạt động phong trào do địa phương và cấp trên phát động như: đóng góp các loại quỹ từ thiện, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ…

Để ghi nhận, tôn vinh tấm gương Thẩm phán có thành tích xuất sắc trong các mặt công tác, trong các năm từ 2018 đến năm 2020 chị đã liên tục được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; đặc biệt vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2018 và “Thẩm phán mẫu mực” năm 2021.

Thẩm phán mẫu mực Trần Thị Kim Thảnh, Chánh án TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Trên cương vị là Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Thẩm phán Trần Thị Kim Thảnh xác định mục tiêu, phương hướng và kế hoạch thực hiện công tác thi đua cho từng năm theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phát động từng công chức, người lao động trong đơn vị tích cực đăng ký thi đua để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.

Kết quả ttừ ngày 01/6/2018 đến ngày 30/4/2021 đơn vị đã giải quyết, xét xử 5.363/6.109 vụ, việc các loại (đạt tỷ lệ 87,79%); hòa giải, đối thoại thành 2.154/4.120 vụ, việc (đạt tỷ lệ 52,28%); không có án quá hạn luật định; tổ chức 99 phiên tòa rút kinh nghiệm; công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao 1.443 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải đăng tải. Cá nhân Thẩm phán Trần Thị Kim Thảnh đã trực tiếp giải quyết, xét xử 732/765 vụ, việc (đạt tỷ lệ 95,69%), bình quân giải quyết 20,91 vụ, việc/ 1 tháng; hòa giải thành 385/615 vụ (đạt tỷ lệ 62,60%); không có án bị hủy; tổ chức 08 phiên tòa rút kinh nghiệm; công bố 171 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thuộc diện phải công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

 

image

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Ngoài vai trò là người định hướng, kết nối trong tập thể đơn vị, với nhiệm vụ của mình chị còn đưa ra được các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác.

 Trong lãnh đạo công tác chuyên môn, bản thân bà luôn đảm bảo việc phân công thụ lý và giải quyết án đúng theo quy định của pháp luật đề ra, áp dụng các sáng kiến nhằm đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án cũng như nâng cao chất lượng án xét xử trong toàn đơn vị, đảm bảo tiến độ và hiệu quả công tác giải quyết án hoàn thành vượt chỉ tiêu

Ngoài việc lãnh, chỉ đạo công tác chuyên môn,Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An: Trần Thị Kim Thảnh còn luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để công chức trong đơn vị tham gia nghiên cứu, học tập các Nghị quyết của Đảng, tham gia đóng góp đầy đủ các dự thảo văn bản pháp luật. Chi đoàn, công đoàn đơn vị đã phát huy tốt, hiệu quả vai trò của mình, được các tổ chức cấp trên đánh giá là tổ chức vững mạnh, việc hưởng ứng, tham gia các phong trào văn, thể mỹ tại địa phương, tham gia các cuộc vận động đóng góp xã hội như: Quỹ tình nghĩa ngành, quỹ tấm lòng vàng, quỹ chất độc da cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo…

Với vai trò là Thẩm phán trực tiếp giải quyết, xét xử các loại án, từ thực tiễn công tác của bản thân Thẩm phánTrần Thị Kim Thảnh đã đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm, bà chia sẻ: Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật của Nhà nước, quán triệt thực hiện theo đúng đường lối nghị quyết của Đảng để vận dụng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; phải nắm rõ các quy định của ngành về công tác thi đua khen thưởng để nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của hoạt động thi đua, khen thưởng để đưa vào quy chế, phát động thành phong trào thi đua, giúp công chức, người lao động hăng hái thi đua trong giải quyết án; Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Thẩm phán Trần Thị Kim Thảnh đã liên tục trong các năm từ năm 2018 đến năm 2020 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2015, “Thẩm phán tiêu biểu”năm 2018, đặc biệt được tặng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”và “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” năm 2021.

“Thẩm phán tiêu biểu” Vũ Thị Thu Hà, Chánh tòa Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng

Thẩm phán Vũ Thị Thu Hà hiện là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Chi bộ, Chánh tòa Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

 

“Thẩm phán tiêu biểu” Vũ Thị Thu Hà

Là một Thẩm phán có nhiều năm kinh nghiệm trong xét xử các loại án Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại... Từ ngày 01/12/2015 đến 30/04/2021, bà đã giải quyết xét xử 524 vụ, việc trong đó trực tiếp chủ tọa 455 vụ việc, tham gia giải quyết, xét xử 69 vụ, việc. Chất lượng xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật, duy nhất có 01 vụ bị hủy chiếm tỉ lệ 0,19%, không có vụ nào bị sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được thực hiện nghiêm túc, trong 03 năm bà đã tổ chức được 10 phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố 164/164 bản án thuộc diện phải công bố. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác quản lý, cũng như công tác xét xử, bà luôn có lập trường chính trị vững vàng, luôn “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nói đi đôi với làm, chỉ đạo đi đôi với thực hiện, rèn luyện đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, giữ gìn phong cách người cán bộ Tư pháp- Người Thẩm phán yêu nghề, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tận tụy trách nhiệm với công việc.

Chị đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Năm 2014, được vinh danh “Thẩm phán giỏi”, năm 2019 được tặng “Bằng khen”của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; từ 2018-2021 liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; năm 2020 đạt “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”. Đặc biệt năm 2021, chị đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”.

“Thẩm phán giỏi” Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

 

image

Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang trao Quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND thành phố Phú Quốc đối với Thẩm phán giỏi Phạm Thị Kim Thoa 

Đã có gần 20 năm làm "nghề Thẩm phán”, nữ Thẩm phán Phạm Thị Kim Thoa, Thành ủy viên, Bí thư Chi bộ,Chánh án TAND thành phố Phú Quốc nhiều năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Trong đó, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” năm 2020, được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2018, được Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Kiên Giang tặng “Bằng khen” năm 2019. Đặc biệt, chị đã được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2021, đây là phần thưởng cao quý dành cho Thẩm phán có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác xét xử, có số lượng án bị hủy, sửa thấp hơn mức quy định chung cho phép.

Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu du lịch của tỉnh, có nhiều du khách và dân cư, các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp nên lượng án phát sinh hằng năm thường tăng lên so với những năm trước. Từ năm 2018-2020 Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc thụ lý 3.862 vụ, việc, đã giải quyết 3.245 vụ, việc (đạt tỷ lệ 84%); trên cương vị là Chánh án chị đã cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị vừa quản lý đơn vị, vừa trực tiếp giải quyết, xét xử 561 vụ, việc.

Đối với một Thẩm phán cấp huyện, luôn phải xét xử tất cả các loại án, mỗi loại án có khó khăn riêng đòi hỏi người Thẩm phán phải có kỹ năng, xác định các mối quan hệ pháp luật, nghiên cứu kỹ và vận dụng hợp lý. Án dân sự là án phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề của đời sống xã hội nói chung, từ giải quyết tranh chấp đất đai đến ly hôn, phân chia tài sản và hàng loạt các tranh chấp khác… Để làm tròn vai trò của người Thẩm phán, giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án, bà luôn phải có một ý chí, tinh thần trách nhiệm cao, say mê công việc, đặc biệt với tinh thần độc lập, nỗ lực tìm ra cách giải quyết phù hợp với công việc. Đối với án hình sự (do bàị trực tiếp xét xử cũng như phụ trách), trong quá trình xét hỏi người Thẩm phán nên đưa ra những câu hỏi mang tính đặt vấn đề để bị cáo tự nhận thức hành vi phạm tội và tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi, để mỗi khi tuyên án, bị cáo cúi đầu nhận tội, không kêu oan. Đối với vụ án có đồng phạm cần xác định đúng vai trò chủ mưu, cầm đầu và trách nhiệm của từng bị cáo để lượng hình cho phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo. Ở dạng án này, bản tính kiên trì, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, khéo léo vốn có của người phụ nữ chính là “chìa khóa” giúp Chánh án Phạm Thị Kim Thoa thành công.

“Thẩm phán giỏi” Nguyễn Thúy Hiền, Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Thị ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án Hiền luôn gương mẫu trong việc rèn luyện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản của Đảng đến từng đảng viên trong Chi bộ.

 

Thẩm phán Nguyễn Thúy Hiền, Chánh án TAND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đã cùng với cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch công tác năm theo tinh thần Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án; năm 2021, hưởng ứng, triển khai thực hiện phong trào “Thi đua vì công lý” tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong toàn đơn vị. Từ 01/12/2015 đến 30/4/2021, Tòa án nhân dân thị xã Đông Triều đã giải quyết 4.114/4.279 vụ , việc đạt tỉ lệ 96,7%. Tỉ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán thấp hơn quy định. Đã tổ chức được 38 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 03 phiên tòa được truyền hình trực tiếp trên DDCI Đông Triều, 02 phiên tòa xét xử tội phạm chống người thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, 01 phiên tòa xét xử tội phạm hủy hoại rừng phòng hộ, công bố 1.242 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân. Đơn vị đã thực hiện rất tốt công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, hành chính, số lượng các vụ, việc được hòa giải, đối thoại thành rất cao: 2.612/3360 vụ, đạt tỉ lệ 77,8%.

Trên cương vị là Thẩm phán trung cấp, từ ngày 01/12/2015 đến 30/4/2021 Thẩm phán Nguyễn Thúy Hiền đã trực tiếp giải quyết, xét xử 536 vụ, việc, bình quân giải quyết, xét xử 08 vụ, việc/tháng. Chị Nguyễn Thúy Hiền đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2021.

**

 Các Thẩm phán trên đây là những đại diện của lãnh đạo,Thẩm phán nữ trong các Tòa án đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, đã thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

 Những nỗ lực, sự thành công của các chị là những tấm gương sáng, truyền thêm ngọn lửa yêu nghề, tâm huyết với "nghề Thẩm phán" cho các chị em trong cơ quan, đơn vị. 

HẢI HÀ