Thương tiếc Thẩm phán Chu Xuân Minh

Thẩm phán Chu Xuân Minh (1957-2021) – một cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Tòa án nhân dân, một chuyên gia về pháp luật dân sự - vừa qua đời do bệnh hiểm nghèo. Để tưởng nhớ Thẩm phán Chu Xuân Minh, chúng tôi xin đăng một vài kỷ niệm trong cuộc đời hơn 40 năm làm Thẩm phán, trong đó hơn 30 năm là Thẩm phán TANDTC của ông…

Tiết lộ chiêu chạy án vụ Dung “Hà”

Vụ án xét xử Dung “Hà”, ở thành phố Hải Phòng là một trong những vụ Thẩm phán Chu Xuân Minh nhớ mãi. Đó là năm 1995, Hải Phòng tập trung giải quyết các nhóm phạm tội có tổ chức, mà nổi nhất là ba nhóm Cu Nên, Lâm già và Dung “Hà”. Các đối tượng này lần lượt bị bắt và truy tố. Năm 1995, Dung “Hà” bị bắt và Tòa án Hải Phòng tuyên hết khung là 7 năm tù giam do hành vi đánh bạc có tổ chức. Bị cáo kháng cáo kêu oan, một vài tờ báo cũng có bài bênh vực bị cáo, thậm chí có cả những vị trong cơ quan bảo vệ pháp luật muốn cứu Dung “Hà” cũng tác động cho rằng có oan sai... Vụ án phức tạp, nhiều người quan tâm này được giao cho Thẩm phán Chu Xuân Minh.

Bây giờ thì thông tin về Dung “Hà”, sau cái chết mở đầu chuyên án Năm Cam thì khá rõ rồi nhưng năm 1995 thì dư luận còn ít thông tin. Dung “Hà” tên thật là Vũ Thị Hoàng Dung, giới giang hồ gọi kèm tên bố thành Dung “Hà”, sinh năm 1965. Nhà có bốn anh em, Dung là con gái út. Là con gái nhưng thích mang bộ dạng con trai, Dung “Hà” đã sớm bộc lộ cá tính giang hồ, anh chị. Năm 1986, khi mới 21 tuổi Dung “Hà” đã có tiền án đầu tiên là tù 12 tháng về tội cướp giật ở khu vực chợ Sắt (Hải Phòng). Năm 1991, Dung “Hà” lại bị xử 7 tháng tù giam do tham gia vào một vụ đánh nhau ở chợ Sắt.

 Năm 1995, Dung “Hà” lĩnh bản án thứ ba. Ngay sau khi ông Minh được phân công, có người qua anh em bạn bè đã tìm đến. Họ nói khích rằng “biết tiếng anh là người công bằng, luôn bênh vực lẽ phải lại có chuyên môn giỏi nên xét xử không oan sai” và cuối cùng là gửi thông điệp “Dung bị oan, nhờ anh quan tâm”.

 Nghiên cứu đơn kháng cáo và toàn bộ hồ sơ, đọc từng bút lục rồi đọc các bài báo bênh vực bị cáo… Thẩm phán Chu Xuân Minh thấy án sơ thẩm xử đúng. Dung “Hà” là một trùm cờ bạc, với hệ thống sòng bài chặt chẽ. Như báo chí đã phản ánh, thời kỳ từ năm 1993 đến 1995 là thời kỳ được coi là hoàng kim của Dung “Hà”. Song song với việc hùn hạp vốn vào các sới cờ bạc ở nhiều nơi, Dung “Hà” còn tổ chức thêm một sòng bạc nữa ngay tại ngôi nhà trong ngõ 23 phố Trạng Trình mà gia đình đang ở. Nhiều con bạc “khát nước”, sau khi thua cháy túi ở những chiếu bạc của Dung “Hà” đã phải tự tử thê thảm hoặc phải vào tù do đi cướp của, giết người, lừa đảo… để lấy tiền gỡ bạc. Vừa biết cách vung tiền để thu phục, mua chuộc, lại vừa biết cách lấy đao búa để thị uy, dằn mặt, nên các “công ty” cờ bạc của Dung “Hà” đã tồn tại trong một thời gian khá dài ở đất Cảng khiến nhiều người cho rằng, Dung “Hà” là một thế lực ngầm không thể triệt phá…

Trong sới bạc của Dung “Hà”, hình thức đánh bạc chủ yếu là xóc đĩa. Sát phạt kiểu này vừa tạo ra sự cuốn hút với người chơi, vừa xác định kết quả được - thua một cách nhanh nhất, lại vừa dễ tẩu tán tang vật khi bị Công an phát hiện. Dung “Hà” cũng nhiều lần trực tiếp ngồi xóc cái. Nhưng ở sới bạc của Dung “Hà” không chỉ có hoạt động cờ bạc mà là một hệ thống khép kín bao gồm cả cho vay nặng lãi, cầm đồ ngay trên chiếu bạc. Dung “Hà” là trùm của tất cả hệ thống này. Vì vậy, số tiền lợi nhuận thu được ở sòng bạc, ngoài số tiền vào cửa mà tất cả các con bạc đều phải nộp cho nhà cái, còn là những khoản lãi khổng lồ từ việc cho vay nóng và cầm đồ với lãi suất cắt cổ.

Đến ngày xét xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm ở Quảng Ninh trước rồi sang Hải Phòng. Khi đến Quảng Ninh, qua giới thiệu của những người thân quen với Tòa án mà không thể từ chối, có người đến gặp Thẩm phán Chu Xuân Minh  đặt vấn đề cụ thể: “Bản án phúc thẩm sắp tới, không dám xin anh xử Dung không phạm tội mà chỉ xin anh cho hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung. Chúng tôi xin gửi anh 50.000 USD”. Con số 50.000 USD ở thời điểm 1995 quá lớn, bằng cả một gia tài, nhiều cán bộ công chức cho đến lúc đó chưa từng nhìn thấy tờ đô la Mỹ xanh đỏ thế nào.

Nhưng sang đến Hải Phòng thì một không khí khác, rất căng thẳng, “mình vào phòng khách sạn rồi mà thấy bên ngoài đi lại rậm rịch. Ra hỏi mới biết, Công an yêu cầu khách sạn chuyển hết khách ở gần các phòng của thành viên Hội đồng xét xử, kể cả tầng trên và tầng dưới để họ vào ở, nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối. Vì thấy công tác bảo vệ ở khách sạn quá phức tạp, hôm sau, đoàn xin rút về ở nhà khách ngay trong khuôn viên Tòa án thành phố Hải Phòng. Cảnh sát đến Tòa bảo vệ, mang theo cho hai con chó becgie to tướng. Hội đồng đi xét xử phúc thẩm chuyến đó có ba Thẩm phán là Chu Xuân Minh, Đỗ Cao Thắng và Vũ Thế Đoàn. Ông Thắng chủ tọa vụ Lâm già, tội hiếp dâm, cũng xử liền sau đó… Cả đoàn chỉ ở trong nhà khách, hạn chế ra ngoài” – ông Minh nhớ lại.

Đồng thời, một loạt những diễn biến phức tạp đã xảy ra đối với các nhân chứng. Tay chân của Dung “Hà” đã dùng nhiều cách để đe dọa các nhân chứng, ép buộc họ vắng mặt hoặc phải thay đổi lời khai, nếu không thì có thể mất mạng. Thậm chí có nhân chứng viết thư đến cho cơ quan Công an báo tin đã nhận được điện thoại của ai đó gọi đến nói nếu ra Tòa khai báo thì cả nhà sẽ bị tiêu diệt. Đây là lý do khiến cho phiên tòa xét xử Dung “Hà”, Tòa án triệu tập 21 nhân chứng thì cả 21 người đều làm đơn xin vắng mặt.

Phiên tòa diễn ra trong sự bảo vệ chặt chẽ, với một không khí hết sức nghiêm trọng. Từng nội dung kháng cáo được làm rõ. Cuối cùng, Thẩm phán Chu Xuân Minh, chủ tọa phiên tòa tuyên án, kết luận bản án sơ thẩm xử đúng, bác kháng cáo của bị cáo Vũ Thị Hoàng Dung, giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt bị cáo 7 năm tù.

Hôm sau, Công an Hải Phòng huy động hàng trăm Cảnh sát, với mấy xe ô tô đưa đoàn về, mỗi Thẩm phán ngồi một xe để đề phòng bất trắc. Nhưng hết địa phận Hải Phòng thì anh em lại lên chung một xe của Tòa chạy về Hà Nội.

Thẩm phán Chu Xuân Minh chia sẻ: Vụ việc này để lại cho tôi một bài học kinh nghiệm lớn, phải có dũng khí, can đảm đã đành nhưng cũng phải khéo léo, mềm dẻo để tránh được những sự tác động. Nếu mình cứng quá, thẳng thừng quá thì họ cho rằng mình không quan tâm đến quyền lợi của họ, không có sự thông cảm với hoàn cảnh của họ, họ sẽ quay ra chống phá, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Hai nữa là mình báo cáo lãnh đạo nhưng đề nghị giữ kín, coi như không có chuyện gì xảy ra. Họ thấy thông tin đó không bị lọt ra ngoài thì họ yên tâm, tin tưởng ở mình hơn.

 Câu chuyện về Dung “Hà” như mọi người đã biết, tháng 9 năm 1998, sau khi ở tù 3 năm rưỡi, Dung “Hà” được ân xá trở về địa phương. Nếu dừng lại ở đó thì cuộc đời người phụ nữ giang hồ này không đến nỗi đen tối. Sau khi ra tù, không còn điều kiện làm ăn ở Hải Phòng, Dung “Hà” vào Thành phố Hồ Chí Minh gây dựng cơ nghiệp bằng cách mở sòng bài tại số 17 Bùi Thị Xuân, quận 1. Hai năm sau, ngày 1/ 10/ 2000, trùm xã hội đen Năm Cam đã lệnh cho đàn em thân tín là Hải “bánh” cho người bắn chết Dung “Hà” ngay trên đường phố. Vụ ám sát này cho thấy Năm Cam coi trời bằng vung, nhưng chính vì vậy mà một chuyên án lớn - Chuyên án Z5.01 - điều tra hoạt động phạm tội của trùm xã hội đen Trương Văn Cam được bắt đầu. Kết cục cuối cùng là băng nhóm của Năm Cam cũng bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

 Cũng vì thế mà nhân vật Dung “Hà” sau khi chết có lẽ nổi tiếng hơn cả lúc sống, nhiều bài báo dài kỳ viết về Dung “Hà”. Đọc lại những trang viết này, Thẩm phán Chu Xuân Minh thấy các tác giả đưa cả chi tiết chạy án 50.000 USD vào bài viết. Thế ra họ biết cả, dù  chính ông chưa hề tiết lộ chi tiết này với báo chí…

 Người phụ nữ ly hôn

 Khi làm Thẩm phán Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao, năm 2001 Thẩm phán Chu Xuân Minh được giao xét xử giám đốc thẩm vụ án ly hôn rất phức tạp, đã kéo dài nhiều năm. Đây là bản án xét xử giám đốc thẩm lần thứ hai, tức là trước đó đã có năm bản án. Lần này, muốn cho vụ án được giải quyết dứt điểm, Thẩm phán Chu Xuân Minh đã mời cả hai vợ chồng đến hòa giải. Nhờ sự kiên trì thuyết phục của Thẩm phán nên anh chồng đồng ý giảm cho chị vợ 15 triệu đồng, trong số tiền 50 triệu đồng mà cấp phúc thẩm yêu cầu chị vợ trả lại cho chồng để lấy toàn bộ căn nhà.

 Tưởng như giải quyết xong được một vụ án khó thì lại phát hiện ra bản án có chỗ tính nhầm, đáng lẽ, 50 triệu trừ đi 15 triệu thì còn 35 triệu nhưng bản án lại ghi nhầm là 25 triệu đồng. Thế là phải đính chính, nêu rõ là chị vợ phải thanh toán cho anh chồng 35 triệu đồng. Không ngờ vì bản đính chính này mà một hành trình gian nan, mệt mỏi bắt đầu đối với Thẩm phán Chu Xuân Minh…

 Chị vợ nhận được bản đính chính xong liên tục gọi điện vào máy cơ quan của Thẩm phán Chu Xuân Minh. Mỗi lần gọi chị ta nói xối xả, cho rằng Tòa xử oan sai, thiên vị nhưng không thèm nghe bất cứ lời giải thích nào và hầu như ngày nào cũng đến cổng Tòa án tối cao để gây áp lực. Chị ta đòi Tòa xử cho được cả căn nhà. Ông Minh mời vào gặp vài lần để giải thích rằng, chúng tôi chỉ có quyền đính chính chỗ nhầm trong bản án chứ không có quyền tùy ý xử theo yêu cầu của chị. Xử trái pháp luật thì cũng không  được chấp nhận, nhưng đương sự không nghe.

Lần nào đến xin gặp đương sự cũng chuẩn bị sẵn máy ghi âm, ông Minh biết nhưng để yên cho chị ta ghi âm. Khi thấy có dấu hiệu hết băng, ông Minh vờ đứng dậy đi lấy gì đó cho chị thay băng với ý nghĩ  chị ta có thể về nghe lại cho kỹ hoặc nhờ ai đó tư vấn, giải thích giúp cho cũng tốt. Nhưng nói thế nào người phụ nữ quê Phú Thọ này cũng không nghe. Và hôm sau lại tiếp tục “tra tấn” bằng điện thoại, nhưng chỉ có chị ta nói, Thẩm phán nói gì cũng không ngắt được cơn tức giận của chị ta. Nếu cúp máy thì ngay sau đó chị ta sẽ gọi lại, vì thế ông Minh đành dùng cách nhấc máy, a lô rồi úp máy xuống, cho chị ta nói chán thì thôi.

 Một hôm Thẩm phán Chu Xuân Minh nhận được bức thư của người phụ nữ này, trong đó nêu nguyện vọng được xử cho chị ta được cả căn nhà, chị ta sẽ hậu tạ 100 triệu đồng. Khi chị ta gọi lại, ông Minh lại giải thích rằng mình không có quyền làm việc đó, dù rất thông cảm nhưng không thể giúp được. Chị ta lại tiếp tục gọi vào điện thoại và chờ chực ở cổng Tòa án nhân dân tối cao. Hôm đó, anh em bảo vệ báo tin là người phụ nữ này đã nói là sẽ giết ông Minh nên cần cẩn thận đề phòng. Rồi an ninh ở Chợ 19-12, hồi đó sát với trụ sở Tòa án tối cao, báo tin có hai mẹ con mua hai con dao chọc tiết lợn với thái độ rất bất thường, xác định thì đúng là hai mẹ con người phụ nữ Phú Thọ đang bức xúc với ông Minh.  Thẩm phán Chu Xuân Minh báo cáo với lãnh đạo và cơ quan Công an. Hôm đó, Phó Chánh án Trần Văn Tú cho xe ô tô đưa Thẩm phán Chu Xuân Minh về cho an toàn. Sáng hôm sau, vừa đến cơ quan thì chuông điện thoại réo, nhấc máy lên thì thấy chị ta nói: “Hôm qua may mà trời mưa, nếu không thì hôm nay ông đã ở dưới âm phủ rồi nhé”.

Việc theo đuổi, đe dọa, quấy rối như thế kéo dài cả năm liền. Thẩm phán Chu Xuân Minh vẫn hàng ngày đi làm bằng xe máy, phải đưa đón con đi học nên tâm trạng rất nặng nề và lo lắng. Trong đầu luôn luôn cảnh giác và đặt ra các tình huống, nếu gặp chị ta manh động thì xử lý thế nào, bảo vệ con ra sao…

 Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Minh  quyết định viết cho chị ta một bức thư ngỏ, gửi qua đường công văn nhưng với danh nghĩa cá nhân. Bức thư có nội dung giải thích lại về thẩm quyền của Thẩm phán và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, nói rõ rằng mình đã làm hết trách nhiệm với tinh thần vô tư, không vụ lợi và đã làm lợi cho chị ở mức cao nhất có thể; dù chị hứa cho tôi 100 triệu tôi cũng không thể làm khác được. Hơn nữa, làm nghề này chúng tôi đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi sự dọa dẫm hay nguy hiểm, chị có dọa nữa cũng không khiến tôi thay đổi, mong rằng chị cân nhắc, xử sự sao cho phù hợp để có một cuộc sống bình yên…

Thư gửi đi rồi, Thẩm phán Chu Xuân Minh hồi hộp chờ kết quả, chờ tiếng điện thoại phản ứng, nhưng dăm ba ngày không thấy.  Không ngờ bức thư ấy có tác dụng đặc biệt, chị ta như ngộ ra lẽ phải và  không “tra tấn” Thẩm phán Chu Xuân Minh nữa, khép lại một năm vô cùng mệt mỏi đối với cả hai bên.

 Ông Minh chia sẻ, hồi đó ít khi lãnh đạo ký công văn trả lời đơn nhưng vụ việc này đã được rất nhiều lãnh đạo xem xét trả lời đơn, từ Chánh án Trịnh Hồng Dương sau đó là Chánh án Nguyễn Văn Hiện, rồi Phó Chánh án Hoàng Khang, Chánh tòa Dân sự Tưởng Duy Lượng nhưng không hiểu sao chị ta chỉ nhằm vào ông Chú Xuân Minh để đấu tranh. Có lẽ người phụ nữ sau khi ly hôn, họ bị khủng hoảng nên quy mọi trách nhiệm cho Thẩm phán, cho rằng vì bản án đó mà gia đình họ tan vỡ, khiến họ bất hạnh như vậy, mà mình là người xử bản án cuối cùng nên phải gánh chịu. Hơn nữa, thấy mình có thể đính chính bản án, nên chị ta lầm tưởng rằng Thẩm phán muốn sửa thế nào cũng được…

 Chị phụ nữ này gặp hoàn cảnh éo le, hai người đều đã từng ly hôn, khi đi lao động xuất khẩu họ gặp nhau và kết hôn. Theo chị ta nói thì vợ có nhiều tài sản hơn chồng, họ đã cùng làm ngôi nhà lớn mà bố mẹ chồng đang ở và ngôi nhà nhỏ hơn hai vợ chồng ở. Ra Tòa thì tiền đóng góp xây ngôi nhà lớn không chứng minh được, do đó chỉ coi căn nhà nhỏ là tài sản chung của vợ chồng để phân chia. Chị vợ cho rằng mình bị thua thiệt, vừa mất chồng vừa mất tài sản nên khủng hoảng tâm  lý, cứ cố bám víu lấy Tòa như một hy vọng hay cho quên nỗi đau khổ… Mình cũng hiểu như vậy để thông cảm với họ.

 Ông Minh trầm ngâm rồi nói: Ở bên Úc, Thẩm phán xét xử án hôn nhân gia đình được bảo vệ 24/24 giờ, nghiêm ngặt hơn các Thẩm phán khác là vì thế. Nhiều người sau ly hôn bị sang chấn tâm lý, không còn làm chủ được mình nên họ rất dễ manh động, làm liều. Mấy năm trước, ở phòng tiếp dân của Tòa án tối cao một số đối tượng khiếu kiện quá khích, dai dẳng, liều lĩnh… xem ra cũng đều là những phụ nữ sau ly hôn.

 “Má chồng không đến rước”…

 Trong cuộc đời công tác, ông Chu Xuân Minh có một niềm tự hào, đó là năm 1990 về làm Thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội thì khi đó bác ruột ông Minh là ông Chu Văn Gia cũng đang làm Thẩm phán Tòa này, vậy là hai bác cháu cùng làm Thẩm phán ở một cơ quan. Nhiều người nói đùa, như ngày xưa người ta sẽ nói hai bác cháu là “quan thượng thẩm đồng triều”. Hơn nữa, ông Chu Văn Gia được đồng nghiệp đánh giá là một Thẩm phán giỏi…

Trong nhiều câu chuyện xung quanh việc xét xử xa gần, có câu chuyện nữa ông Minh kể, vui vui làm tôi nhớ mãi. Hồi ấy, ông Minh là Thẩm phán của một Tòa án miền Tây Nam bộ gặp một vụ án ly hôn rắc rối. Hai vợ chồng giận nhau do anh chồng hay nhậu nhẹt, đã nhậu thì quên hết sự đời, uống “như ghe chài chở trấu”. Hôm đó đi nhậu về còn đang tưng tưng thì cô vợ càm ràm, nhiếc móc… tức quá, anh chồng tát cho cô vợ một cái. Cô vợ  hờn giận ôm quần áo về nhà mẹ đẻ. Suốt một năm trôi qua không hàn gắn được nên họ xin ly hôn. Tại phiên tòa, xem ra hai bên vẫn còn thương nhau, trách móc vậy mà trong giọng nói không có oán thù gì, nhưng do sĩ diện nên không bên nào chịu xuống nước. Bên vợ thì nói lỗi do chồng nên muốn cô về thì “má chồng phải mặc áo dài, đi cùng bà mai đi xuồng đến rước (đón) để bà con chòm xóm trông thấy, cho họ khỏi chê cười là cô bỏ đi rồi nhà chồng chẳng thèm rước cũng  phải quay về”. Bên chồng thì biểu, “tự đi được thì tự về được, không có ai mà mặc áo dài đi rước như vầy”… Thẩm phán Chu Xuân Minh khi đó còn chưa có vợ, lại là dân miền Bắc, không hiểu phong tục địa phương  lắm nên chưa biết giải quyết thế nào cho thỏa đáng, bỗng bà Hội thẩm ngồi bên cạnh phán:

- Thôi hén, má chồng và bà mai không đến rước nhưng có người mặc áo dài, đi xuồng, có cán bộ phụ nữ đi cùng đến rước nghe.

Hai bên sững lại rồi đồng ý liền, thế là giải quyết được nguyện vọng của cả hai bên, cứu vãn được một cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ chỉ vì sự cố chấp. Bà Hội thẩm cười cười nói nói vỗ về cả hai bên, đôi vợ chồng trẻ líu ríu dắt nhau ra về khiến cho những người xét xử ngồi lại cũng vui vẻ bàn luận về hướng giải quyết quá hay của bà Hội thẩm.

**

Tang lễ Thẩm phán Chu Xuân Minh tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội vào ngày 10/2/2021 tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý. Lễ viếng từ hồi 13 giờ 15 phút đến 14 giờ  15 phút. Lễ truy điệu vào hồi 15 giờ - Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.

Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi đến gia quyến Thẩm phán Chu Xuân Minh lời chia buồn sâu sắc!

 

 

NGUYỄN PHAN KHIÊM