Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc: Những sai trái nhìn từ luật pháp quốc tế

Ngày 22-1-2021, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2-2021. Ngay từ khi mới chỉ là dự thảo đến nay, bộ luật này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế và khu vực. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thậm chí nhận định động thái này của Trung Quốc là "lời đe dọa chiến tranh".

Cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc (Ảnh: TTXVN)

Tại sao việc ban hành một bộ luật, mà như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, rằng việc thông qua Luật hải cảnh là "hoạt động lập pháp bình thường", lại bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ như vậy? Theo các chuyên gia, việc thông qua luật là thẩm quyền quốc gia, nhưng nội dung luật không được trái với luật pháp quốc tế và đặc biệt không được áp đặt lên vùng nước yêu sách không phù hợp luật pháp quốc tế. Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc tuy là nội luật, nhưng nhiều điều khoản trong đó đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Đặc biệt là việc mở đường cho lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết”, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài hoạt động tại vùng biển mà Bắc Kinh cho là vi phạm “quyền tài phán” của họ. Chủ quyền hợp pháp trên biển của nhiều nước; vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực; môi trường sinh tồn, sinh kế của hàng triệu ngư dân xung quanh khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông sẽ phải đối mặt với những thách thức như thế nào trước chính sách “ngoại giao pháo hạm” này của Bắc Kinh?

Để làm rõ những vấn đề nêu trên, góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Tạp chí Toà án Nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: “Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc: Những sai trái nhìn từ luật pháp quốc tế”. Loạt bài có tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Kỳ 1: Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc: Mối quan ngại của cộng đồng quốc tế

Một trong những nội dung gây quan ngại nhiều nhất của Luật hải cảnh mới của Trung Quốc là việc trao quyền cho lực lượng hải cảnh nước này "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của nước này bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp" (Điều 22). Điều này có nghĩa, Hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết. Bên cạnh đó, phạm vi địa lý mơ hồ của việc áp dụng luật và lý do không rõ ràng cho việc sử dụng vũ khí… cũng là những điều gây tranh cãi.

15 lần nhắc tới việc “sử dụng vũ khí”

Theo nội dung về luật được đăng toàn văn trên trang www.gov.vn (trang mạng của Chính phủ Trung Quốc) và nhiều trang mạng khác, Luật Hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều.  

Tại chương 3 về "bảo vệ an ninh trên biển", điều 22 ghi: "Khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm trái pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp, theo luật này và các luật liên quan khác, cơ quan hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy hiểm".

Theo các chuyên gia, việc thông qua luật là thẩm quyền quốc gia, nhưng nội dung luật không được trái với luật pháp quốc tế và đặc biệt không được áp đặt lên vùng nước yêu sách không phù hợp luật pháp quốc tế (Ảnh: Báo QĐND)

Luật này nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí, với từ "vũ khí" được nhắc 15 lần. Trong đó Chương 6: "Cảnh giới và sử dụng vũ khí" gồm 6 điều, thì có tới 5 điều (điều 47, 48, 49, 50, 51), 11 lần nhắc tới từ “vũ khí”, đồng thời nêu lên những trường hợp mà lực lượng hải cảnh có thể sử dụng. Cụ thể như điều 47 ghi: Với một trong những tình huống dưới đây, khi cảnh báo vô hiệu, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay: Có chứng cứ cho thấy tàu thuyền chở người tình nghi phạm tội hoặc vận chuyển trái phép vũ khí, đạn dược, tài liệu mật nhà nước, ma túy và những vật phẩm trái phép khác, mà cố tình bỏ trốn sau khi hải cảnh ra lệnh dừng lại. Tàu thuyền nước ngoài đi vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc hoặc hoạt động sản xuất trái phép,  không chấp hành hiệu lệnh về việc dừng tàu hoặc bằng phương thức khác từ chối việc lên tàu, kiểm tra, mặc dù hải cảnh đã sử dụng biện pháp khác nhưng không đủ để ngăn chặn hành vi trái phép. 

Ngoài việc được phép sử dụng vũ khí cầm tay, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc còn cho phép nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay, khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố trên biển; xử lý vụ việc bạo lực nghiêm trọng trên biển; tàu thuyền, thiết bị bay chấp pháp của hải cảnh bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác (điều 48). 

Trong khi đó, điều 49 khẳng định: Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu không kịp cảnh báo hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn.

Phạm vi địa lý mơ hồ và lý do không rõ ràng cho việc sử dụng vũ khí

Một nội dung gây tranh cãi khác trong Luật hải cảnh của Trung Quốc là việc nêu lên “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” – một khái niệm địa lý với phạm vi rất mơ hồ cho việc áp dụng luật. Xuyên suốt cả bộ luật, cụm từ không được định nghĩa rõ ràng này được nhắc đi nhắc lại đến 12 lần.

Ngay trong điều 3 của chương đầu tiên về "quy tắc chung", chỉ nói chung chung rằng: “Luật này được áp dụng cho cơ quan hải cảnh khi triển khai hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển và trên không tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.”

Hay như điều 20 cho phép hải cảnh ngăn chặn các tổ chức và cá nhân nước ngoài xây dựng các công trình và lắp đặt tất cả các công trình nổi hay cố định trong “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, đồng thời cho phép các lực lượng Hải cảnh Trung Quốc phá bỏ những công trình này. Cụm từ “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” cũng được đề cập tại điều 21, trong đó đưa ra quy định đối với tàu quân sự nước ngoài hoặc tàu chính phủ hoạt động vì mục đích phi thương mại vi phạm pháp luật của Trung Quốc trong “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, cơ quan hải cảnh có quyền áp dụng các biện pháp cảnh giới hoặc kiểm soát cần thiết để ngăn chặn, ra lệnh cho tàu thuyền đó lập tức rời khỏi vùng biển liên quan; đối với các tàu thuyền kiên quyết không rời đi, gây ra nguy hại hoặc uy hiếp nghiêm trọng, cơ quan hải cảnh có quyền áp dụng các biện pháp như xua đuổi hoặc cưỡng chế lai kéo. 

Theo các chuyên gia, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc tuy là nội luật, nhưng nhiều điều khoản trong đó đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên (Ảnh: Báo QĐND)

Bên cạnh đó, theo bộ luật này thì hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí với những lý do rất mơ hồ như “ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm” hoặc “khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng hải cảnh”.

Ví dụ như điều 47 cho phép các nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ lực lượng hải cảnh và khi các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu lực. Điều 48 cho phép sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay trong trường hợp đối mặt với cuộc tấn công bằng vũ khí và “các phương thức nguy hiểm khác” -- có thể có nghĩa là bất cứ điều gì mà phía Trung Quốc cho là nguy hiểm.

Tiến sỹ Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng những ngôn từ mơ hồ trong Luật hải cảnh của Trung Quốc, chẳng hạn như “vùng nước thuộc quyền tài phán quốc gia", cần được định nghĩa phù hợp. Ngôn ngữ không rõ ràng này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong các vùng biển tranh chấp. Sự mập mờ này có thể cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực ngay cả khi lực lượng này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước khác.

Dấu hiệu Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển 

Việc Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh mới đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, mô tả đó là "mối đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo". Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines, nhấn mạnh: “Theo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp đều bị cấm”. 

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (MSA), Phó Đô đốc Aan Kurnia cảnh báo Luật hải cảnh mới của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, đồng thời cho thấy "Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở Biển Đông".

Bộ Quốc phòng Nhật Bản phê phán Luật hải cảnh của Trung Quốc có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại luật này có thể làm leo thang các tranh chấp trên biển và được viện dẫn để khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 19-2, bày tỏ “quan ngại về ngôn ngữ trong luật mới, vốn gắn một cách rõ ràng khả năng sử dụng vũ lực, kể cả sức mạnh vũ trang của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cũng như các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông".  

Chuyên gia cao cấp Anthony Bergin từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cũng cảnh báo rằng với luật mới được ban hành, các tàu hải cảnh của Trung Quốc có thể ngăn chặn các hoạt động hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng biển của họ.

Trang tin của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) trụ sở tại Singapore đăng bài viết cho rằng Luật hải cảnh mới của Trung Quốc gây bất lợi cho an ninh khu vực bởi nó vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán về COC, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Theo bài viết, Luật hải cảnh mới của Trung Quốc rất có khả năng đi ngược lại một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được ghi rõ trong UNCLOS 1982, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung về việc sử dụng đại dương vì mục đích hòa bình và không sử dụng vũ lực. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Biển Đông đồng thời cho rằng Luật hải cảnh của Trung Quốc rõ ràng đang đặt ra “vấn đề lớn”, có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông. 

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc ISEAS-Yusof Ishak, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền các nước khác trong những vùng biển trên sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng hải và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Việc Trung Quốc trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang. 

Trong một bài viết đăng ngày 28-4, tờ The Diplomat cho rằng, Luật hải cảnh Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Nó cho phép lực lượng hải cảnh tăng cường quyền lực để “đe dọa” các nước láng giềng và cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong bài viết này, tác giả Thiếu tá Wataru Okada thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tranh luận rằng, trong khi Trung Quốc tuyên bố Luật hải cảnh là phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng thực tế luật này mâu thuẫn với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong một số lĩnh vực. Thứ nhất, Điều 21 của Luật hải cảnh quy định rằng nếu một tàu chiến nước ngoài hoặc tàu chính phủ vi phạm luật nội địa của Trung Quốc trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán, Luật hải cảnh sẽ thực hiện các biện pháp thực thi, bao gồm cả việc  buộc trục xuất và lai dắt. Điều 22 Luật hải cảnh cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên biển. Tuy nhiên, các điều 32, 95 và 96 của UNCLOS 1982 quy định rằng tàu chiến và tàu chính phủ “hoàn toàn miễn nhiễm” với quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào khác ngoài quốc gia treo cờ. Do đó, nếu Bắc Kinh thực hiện các hành động quy định tại Điều 21 và 22 của Luật hải cảnh thì sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Thực hiện các biện pháp  cưỡng chế bất hợp pháp đối với tàu chiến của nước khác và tàu của chính phủ có thể làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang.

Cũng theo ông Wataru Okada, một vấn đề khác là định nghĩa mơ hồ về những gì cấu thành cái gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Mặc dù phiên bản chính thức của Luật hải cảnh mới đã bỏ đi nội dung tại điều 74 trong chương 11 của dự thảo, vốn định nghĩa “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” bao gồm: lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, việc bỏ đi này, nhất là cụm từ “các vùng biển khác”, Trung Quốc có thể đã quyết định rằng tốt hơn là nên che giấu ý định lâu dài của mình đằng sau ngôn ngữ mơ hồ để tránh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Ryan D. Martinson tại Đại học chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng đây là điều đáng lo ngại bởi Bắc Kinh đưa ra phạm vi địa lý mập mờ cho việc áp dụng luật.

Trong bài viết trên website của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Giáo sư Aristyo Rizka Darmawan tại Đại học Indonesia (UI) cho rằng, Bắc Kinh đề cập rằng luật có thể được thực hiện phù hợp với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Darmawan nhấn mạnh, có lẽ Bắc Kinh đang đề cập đến “đường chín đoạn” gây tranh cãi ở Biển Đông; đồng thời lưu ý rằng Hội đồng Trọng tài quốc tế (goi tắt là Tòa Trọng tài quốc tế) đã phán quyết “đường chín đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Nói cách khác, khi Trung Quốc triển khai bất kỳ biện pháp nào nhằm thực thi luật pháp trong một khu vực có tuyên bố chủ quyền phi pháp cũng sẽ là sai trái theo luật pháp quốc tế.

Trong vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến của Bộ Ngoại giao, chiều 4-2, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định rõ: Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc không đề cập tới một vùng biển cụ thể nào, nhất là Biển Đông, mà chỉ nêu chung chung luật được áp dụng cho cơ quan hải cảnh khi triển khai hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển và trên không tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là nội luật của Trung Quốc, xem xét nội hàm của câu chữ “các vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc”, logic từ chính lập trường, chính sách của Trung Quốc cùng những hành động của lực lượng hải cảnh nước này đã và đang được triển khai trên thực địa, có thể thấy cụm từ trên bao gồm hầu hết Biển Đông, cụ thể là phạm vi biển được bao vây bởi đường “lưỡi bò”, chiếm đến gần 90% Biển Đông – nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền trái với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việc Trung Quốc ban hành nội luật áp dụng vào vùng biển hợp pháp của quốc gia khác là điều không thể chấp nhận được. Những nội dung sai trái này sẽ tiếp tục được làm rõ ở phần tiếp theo của loạt bài.

Minh Nam - Văn Minh - Thanh Sơn (ghi)