Năm 2024, nhiều lãnh đạo, quan chức Trung Quốc bị xử tử hình vì tội nhận hối lộ
Với số tiền tham nhũng lên tới gần 280 triệu nhân dân tệ (khoảng 39 triệu USD), ông Trần Kế Hưng, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại (tức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân) tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc ngày 12/11 đã bị kết án tử hình treo.
Ngày 12/11, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây mở phiên tòa xét xử cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Quảng Đông Trần Kế Hưng, đã có thời gian 25 năm làm việc trong ngành tài chính của tỉnh này.
Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Quảng Đông Trần Kế Hưng tại tòa. Ảnh: Nhân Dân nhật báo
Từ năm 2002-2017, cựu quan chức này đã hỗ trợ các đơn vị và cá nhân liên quan trong việc phát triển các dự án bất động sản, giải quyết tranh chấp, chuyển nhượng đất đai và nhận hối lộ hơn 278 triệu nhân dân tệ. Sau khi nghỉ hưu, tiếp tục nhận hơn 1,15 triệu nhân dân tệ.
Mặc dù so với các quan chức bị xét xử cùng mức án thời gian gần đây, số tiền tham nhũng của ông Trần Kế Hưng ít hơn khá nhiều, nhưng tòa án vẫn cho rằng cựu quan chức này đáng bị kết án tử hình vì nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn và gây tổn thất hết sức nặng nề cho lợi ích của đất nước và nhân dân.
Tuy nhiên, do có biểu hiện lập công chuộc tội, thành khẩn nhận tội và tích cực nộp lại số tiền tham nhũng, nên được hoãn thi hành án 2 năm.
Thông tin công khai cho thấy, ông Trần Kế Hưng, sinh năm 1954 tại Tăng Thành, Quảng Đông. Tháng 7/2023, ông ta bị điều tra, tháng 1/2024 bị khai trừ khỏi đảng. Cựu quan chức này bị cáo buộc thông đồng với doanh nghiệp thời gian dài, tham gia các hoạt động trao đổi lợi ích quy mô lớn, không quản lý giáo dục người nhà và vơ vét của cải, sau khi nghỉ hưu vẫn không dừng lại các hành vi sai trái.
Đây chỉ là một trong khoảng hơn 50 quan chức do Trung ương quản lý ở Trung Quốc bị điều tra, xét xử trong năm qua – con số kỷ lục kể từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để xem xét “Báo cáo tổng hợp về đợt thanh tra thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20”. Hội nghị nhấn mạnh cần tiến hành đấu tranh chống tham nhũng đến cùng với “tinh thần tự cách mạng triệt để” và tiếp tục duy trì trạng thái gây áp lực cao trong trừng trị tham nhũng.
Trước đó, ngày 29/10 Tòa án nhân dân trung cấp số 2 thành phố Thiên Tân đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án tử hình hoãn thi hành án 2 năm đối với cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu Tôn Chí Cương 70 tuổi vì đã nhận hối lộ với số tiền lên tới hơn 813 triệu nhân dân tệ (hơn 114 triệu USD) trong khoảng 11 năm, từ năm 2002-2023.
Ngày 27/8, Lý Kiến Bình, cựu Bí thư Đảng ủy Khu phát triển kinh tế và công nghệ thành phố Hohhot, bị Tòa án Nhân dân Cấp cao của Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) giữ nguyên án tử hình vì tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và thông đồng với tổ chức tội phạm đối với Lý Kiến Bình (Li Jianping), cựu quan chức tham nhũng bậc nhất Trung Quốc với số tiền biển thủ, nhận hối lộ lên tới hơn 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng).
Buổi tuyên án đối với Lý Kiến Bình tại Tòa án Nhân dân cấp cao của Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc), ngày 27/8/2024. Ảnh: Tòa án Nhân dân Cấp cao Khu tự trị Nội Mông
Ngày 2/6/2024, tòa án Trung Quốc tuyên án tử hình hoãn thi hành án 2 năm đối với cựu Bí thư Thành ủy Tam Á, tỉnh Hải Nam Đồng Đạo Trì vì tội nhận hối hộ và giao dịch nội gián.
Tòa án nhân dân Trung cấp thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã xử nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Hải Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Tam Á Đồng Đạo Trì án tử hình hoãn thi hành án 2 năm vì tội nhận hối lộ và giao dịch nội gián, đồng thời bị tước bỏ quyền lợi chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Theo kết luận tại tòa, bằng cách lợi dụng chức vụ quyền hạn, Đồng Đạo Trì đã hỗ trợ nhiều đơn vị, cá nhân trong niêm yết công ty, hoạt động kinh doanh, tài trợ vay vốn và thăng quan tiến chức, trực tiếp hoặc thông qua các bên nhận hối lộ 274 triệu nhân dân tệ (hơn 41 triệu USD), đồng thời sử dụng thông tin nội bộ để người thân hoặc những người có quan hệ thân thiết mua chứng khoán trị giá gần 31,7 triệu nhân dân tệ (hơn 4,7 triệu USD), thu lợi bất chính hơn 3,38 triệu nhân dân tệ (hơn 500.000 USD).