Một số điểm đáng chú ý trong phán quyết của ICJ về phân định biển giữa Somalia và Kenya

Somalia và Kenya là hai quốc gia có bờ biển tiếp liền ở khu vực Đông Phi, bên bờ Ấn Độ Dương, tranh chấp một vùng biển rộng hơn 100.000 km2, có tiềm năng lớn về dầu khí và thủy sản trong nhiều năm. Ngày 12/10/2021, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) công bố Phán quyết cuối cùng về phân định biển Somalia và Kenya.

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc,  có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), với hai chức năng chính là giải quyết tranh chấp và ban hành ý kiến tư vấn.  Tòa có 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.  Trải qua 75 năm thành lập, ICJ đã giải quyết và cho ý kiến tư vấn hơn 160 vụ việc,  được đánh giá là một cơ quan tài phán quốc tế uy tín bậc nhất giúp hoà bình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như góp phần tích cực cho sự phát triển của luật pháp quốc tế.  Gần đây nhất, Toà đã xét xử Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya, chấm dứt vụ kiện sau 7 năm với 77 trang Phán quyết (bao gồm 5 trang bản đồ).

1. Vài nét về tranh chấp của Somalia và Kenya

Somalia và Kenya là hai quốc gia có bờ biển tiếp liền ở khu vực Đông Phi, bên bờ Ấn Độ Dương, tranh chấp một vùng biển rộng hơn 100.000 km2, có tiềm năng lớn về dầu khí và thủy sản trong nhiều năm. Cả hai nước đều là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Dựa trên Điều 76 UNCLOS,[1] Somalia và Kenya đều đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (TLĐMR) lần lượt vào ngày 14/4/2009 và 06/5/2009 (cùng thời điểm với đệ trình của Việt Nam và Malaysia lần lượt vào các ngày 06 và 07/5/2009). Mặc dù Somalia và Kenya đã ký Bản ghi nhớ (MOU) vào ngày 07/4/2009 thỏa thuận không phản đối báo cáo của nhau, nhưng cả hai nước đều đã phản đối việc CLCS xem xét đệ trình của Bên kia. Tuy nhiên, sau đó hai Bên đã đồng ý cùng rút lại những phản đối này. Cho đến nay, CLCS đang xem xét các thông tin mà Somalia và Kenya đệ trình và chưa ra kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của hai nước này.

Ngày 22/8/2014, Somalia đơn phương đưa vụ việc với Kenya ra ICJ trên cơ sở cả Somalia và Kenya đều tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ theo Khoản 2 Điều 36 Quy chế ICJ lần lượt vào ngày 11/4/1963 và 19/4/1965.[2] Somalia đề nghị Toà (i) xem xét việc thiết lập một đường biên giới biển duy nhất cho tất cả các vùng biển chồng lấn tại Ấn Độ Dương giữa Somalia và Kenya, bao gồm khu vực TLĐMR; (ii) tuyên bố Kenya đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế trong việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Somalia trong vùng biển tranh chấp và có trách nhiệm bồi thường cho nước này.

Về phần mình, Kenya lập luận ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ việc,[3] nhiều lần đề nghị hoãn phiên tranh tụng về nội dung và chính thức tuyên bố vắng mặt khi phiên tranh tụng này diễn ra.[4]

2. Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế về phân định biển

Ngày 12/10/2021, ICJ công bố Phán quyết cuối cùng về phân định biển Somalia và Kenya. Phán quyết này có một số điểm đáng chú ý về phân định biển và vấn đề vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của một quốc gia qua các hành vi đơn phương trong vùng biển tranh chấp.

Thứ nhất, Toà chú ý đến việc hai Bên có sự khác biệt cơ bản về cách phân định biển. Kenya lập luận giữa hai nước đã có đường biên giới biển do Somalia đã ngầm đồng ý (acquiescience) với đường biên giới theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam. Trong khi đó, Somalia khẳng định không tồn tại ranh giới biển như vậy và đề nghị Toà sử dụng phương pháp đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt để phân định vùng biển tranh chấp cũng như đề xuất đường ranh giới biển tiếp nối đường biên giới trên đất liền.[5]

Trên cơ sở đó, Toà xem xét liệu có tồn tại một ranh giới biển đã được thoả thuận giữa hai Bên hoặc do Somalia ngầm đồng ý hay không. Toà cho rằng Toà áp dụng một tiêu chuẩn cao về bằng chứng của việc thiết lập đường ranh giới biển dựa trên ngầm chấp nhận (acquiescience) hay thoả thuận ngầm (acit agreement). Bởi vì tầm quan trọng và giá trị vĩnh viễn của việc thiết lập ranh giới biển, những bằng chứng phải hết sức thuyết phục.[6] Do đó, Toà xem xét tất cả các hành vi của hai Bên trong khoảng giai đoạn 1979-2014, và kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia rõ ràng và nhất quán ngầm đồng ý đường biên giới được đưa ra bởi yêu sách của Kenya. [7]

Như vậy, án lệ quốc tế cho thấy đường biên giới giữa các quốc gia có thể được thiết lập bởi sự đồng ý.[8] Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của vấn đề biên giới, các cơ quan tài phán quốc tế đều đặt ra ngưỡng rất cao đối với việc một quốc gia đã chấp nhận hoặc ngầm đống ý với yêu sách biển của quốc gia kia.[9]

Thứ hai, Toà tiến hành phân định các vùng biển chồng lấn giữa Somalia và Kenya trên cơ sở các quy định của UNLCOS.

Trước hết, ICJ đã sử dụng 1 đường phân định duy nhất áp dụng cho cả lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (kể cả TLĐMR - nếu có) của hai quốc gia này. Điều đó tái khẳng định tính ưu việt của giải pháp 1 ranh giới biển duy nhất cho tất cả các vùng biển chồng lấn của hai quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện, góp phần xây dựng thực tiễn quốc tế về phân định biển. Giải pháp này không chỉ được sử dụng rộng rãi bởi các cơ quan tài phán quốc tế mà còn bởi các quốc gia khi tiến hành phân định biển.[10] Sở dĩ có thực tiễn như vậy vì (i) Điều 74 và Điều 83 UNCLOS quy định về phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa hoàn toàn giống nhau về câu chữ; (ii) trong vòng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, danh nghĩa pháp lý của vùng ĐQKT và thềm lục địa đều là danh nghĩa khoảng cách; và (iii) Điều 56 UNCLOS quy định về quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong vùng ĐQKT đối với tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở trong vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, do đó, chế độ pháp lý của vùng ĐQKT gộp luôn chế độ pháp lý của thềm lục địa trong vòng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.[11] Mặc dù vậy, ICJ khẳng định các điều ước quốc tế đa phương không quy định về giải pháp 1 đường phân định mà xuất phát từ mong muốn của các nước,[12] để thuận tiện cho công tác quản lý biển. Về nguyên tắc, hoàn toàn có khả năng tồn tại hai đường phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khác nhau.[13]

Bên cạnh đó, trong Phán quyết của ICJ về phân định biển giữa Somalia và Kenya có những điểm nổi bật về phương pháp phân định và vấn đề phân định TLĐMR mà các đoạn dưới đây sẽ phân tích cụ thể.

(i) Về phương pháp phân định biển

- Đối với phân định lãnh hải:

Tòa sử dụng phương pháp “đường cách đều”[14] và bỏ qua ảnh hưởng của các thực thể nhỏ trên biển.[15] Do đó, đường phân định lãnh hải giữa Somalia và Kenya là đường cách đều giữa các điểm cơ sở của hai nước do Toà lựa chọn, bắt đầu từ điểm cuối cùng của đường biên giới,[16] kéo dài ra biển 12 hải lý. Tòa cho rằng đường phân định này phù hợp với xu thế chung của bờ biển.[17]

- Đối với phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa (kể cả TLĐMR - nếu có):

Về phương pháp phân định biển, Tòa khẳng định rằng Điều 74 và 83 UNCLOS (quy định về phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa) không đưa ra phương pháp phân định cụ thể mà đặt ra mục tiêu là đạt được một giải pháp công bằng. Nếu hai Bên nhất trí với đường phân định biển, nghĩa là đã đạt được giải pháp công bằng. Phương pháp 3 bước được mô tả trong Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009) [18] không phải là quy định của UNCLOS, mà chỉ là bước phát triển của các Tòa án (ICJ, Tòa án Quốc tế về Luật Biển - ITLOS) nhằm hướng tới đạt được giải pháp công bằng theo quy định tại Điều 74 và 83 UNCLOS. Do đó, phương pháp 3 bước là không bắt buộc. Phương pháp 3 bước sẽ không được sử dụng nếu có những yếu tố khiến việc xác định đường phân định theo đường cách đều tạo ra giải pháp không công bằng. Tuy nhiên, trong vụ việc giữa Somalia và Kenya, Tòa cho rằng có thể sử dụng phương pháp 3 bước và không xem xét đến việc sử dụng đường phân định là đường theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam như gợi ý của Kenya. Bởi vì, phương pháp mà Kenya đề xuất tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng (cắt ngang các dự án trên biển ở bờ biển phía nam của Somalia) và giữa hai nước chưa bao giờ tồn tại ranh giới biển về mặt thực tế (de facto) như vậy.[19]

Theo đó, Toà tiến hành phân định biển theo các bước sau đây. ICJ bắt đầu phân định bằng việc xác định các bờ biển và khu vực có liên quan. Toà cho rằng vùng biển biên giới phía Nam giữa Kenya và Tanzania không thuộc khu vực hữu quan.[20] Tiếp theo, Toà vạch đường phân định tạm thời là đường cách đều giữa các điểm cơ sở của hai nước do Toà lựa chọn. Về các các hoàn cảnh liên quan đòi hỏi việc điều chỉnh đường phân định tạm thời để đạt được kết quả công bằng, Tòa không chấp nhận các yếu tố sau đây là hoàn cảnh liên quan: (i) đường biên giới trên biển về mặt thực tế giữa hai nước (a de facto maritime boundary) là đường theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam;[21] (ii) Lợi ích an ninh của Kenya;[22] và (iii) Quyền tiếp cận đến tài nguyên thiên nhiên của ngư dân Kenya.[23] Đáng chú ý, Tòa đồng ý với lập luận của Kenya rằng đường cách đều khi áp dụng tại những khu vực mà đường bờ biển của Kenya bị lõm (bờ biển bất lợi) tạo ra hệ quả đủ nghiêm trọng đối với quyền lợi của Kenya trong các vùng biển của mình. Cụ thể, Toà cho rằng cần xem xét cả bờ biển của bên không tham gia tranh chấp là Tanzania và xác định rằng các quyền lợi về biển của Kenya sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu sử dụng đúng đường cách đều. Do đó, Tòa chấp nhận đây là hoàn cảnh có liên quan và điều chỉnh đường cách đều lên phía Bắc (theo phương vị 114 độ).[24]  Cuối cùng, Tòa kiểm tra tính công bằng bằng việc tính toán tỷ lệ đất là 1:1.43 nghiêng về Somalia, tỷ lệ nước là 1:1.30 nghiêng về Kenya. Vì vậy, Toà kết luận tỷ lệ này không tạo ra sự bất công bằng.[25]

Như vậy, những quyết định của ICJ về phương pháp phân định biển trong vụ việc này cơ bản chia sẻ quan điểm đã có của các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế khác.[26] Đáng chú ý, việc ICJ xem xét cả bờ biển của bên không tham gia tranh chấp (Tanzania) để điều chỉnh đường cách đều là nét mới. Điều này thể hiện sự linh hoạt của Toà nhằm đạt được giải pháp công bằng mà UNCLOS quy định. Tuy nhiên, ý kiến riêng của các thẩm phán Abraham, Yusuf Bhandari và Salam cũng như một số luật gia cho rằng cách đánh giá này của Toà chưa thuyết phục.[27] Mặt khác, việc Tòa tái khẳng định rằng nếu hai Bên nhất trí với đường phân định, nghĩa là đã đạt được giải pháp công bằng phản ánh nghĩa vụ thiện chí thực hiện điều ước quốc tế được quy định tại Điều 26 Công ước viên năm 1969 về điều ước quốc tế. Theo đó, các điều ước quốc tế đã có hiệu lực ràng buộc giữa các quốc gia phải được các bên thi hành với thiện chí. Điều này góp phần đảm bảo cho sự ổn định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế về phân định biển.

(ii) Vấn đề phân định TLĐMR khi CLCS chưa đưa ra chấp thuận hay kiến nghị đối với các Báo cáo đệ trình xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng của các nước

Trên cơ sở cả Somalia và Kenya đều đề nghị Tòa phân định khu vực TLĐMR chồng lấn, ICJ đã vạch đường phân định TLĐMR giữa hai nước (nếu có) bằng cách kéo dài đường phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa trong vòng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tuy nhiên, Tòa lưu ý rằng đường phân định này chỉ có hiệu lực khi các bên nhận được ý kiến của CLCS đồng ý với khu vực TLĐMR mà mỗi nước đã đệ trình, và đường ranh giới này chỉ kéo dài đến khu vực mà không có quyền lợi của bên thứ ba bị ảnh hưởng.[28]

Như vậy, sau khi ITLOS tiến hành phân định TLĐMR giữa Bangladesh và Myanmar vào năm 2012, [29] đây là lần thứ 2 một cơ quan tài phán quốc tế phân định TLĐMR trước khi CLCS đưa ra chấp thuận hay kiến nghị đối với các Báo cáo đệ trình xác định ranh giới TLĐMR của các nước liên quan. Quyết định của ICJ trong vụ việc này cũng phù hợp với kết luận của Toà trong Vụ phân định biển giữa Nicaragua và Colombia năm 2012.[30] Các Tòa chia sẻ quan điểm rằng việc ranh giới TLĐMR chưa được thiết lập trên cơ sở kiến nghị của CLCS không hạn chế thẩm quyền của Tòa án trong việc phân định thềm lục địa giữa các bên có liên quan.

3. Vấn đề vi phạm các nghĩa vụ quốc tế bởi các hành vi đơn phương trong khu vực biển có tranh chấp

Thứ nhất, Somalia cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (khảo sát và khoan) đã xâm phạm đến chủ quyền của Somalia trong lãnh hải và quyền chủ quyền của Somalia trong vùng ĐKQT và thềm lục địa.

Về vấn đề này, Tòa cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (khảo sát và khoan) không xâm phạm đến chủ quyền của Somalia trong lãnh hải và quyền chủ quyền của Somalia trong vùng ĐKQT và thềm lục địa vì: (i) giữa hai nước chưa có đường biên giới trên biển; và (ii) các hành động đơn phương của một quốc gia trong vùng biển mà sau này thuộc về một quốc gia khác bởi quyết định của Tòa án không được coi là xâm phạm đến chủ quyền của quốc gia kia nếu những hành động đó được tiến hành trước khi có quyết định của Tòa án và nằm trong khu vực tranh chấp mà được cả hai Bên yêu sách dựa trên thiện chí. Trong Vụ việc này, Kenya tiến hành các hoạt động khảo sát và khoan trong khu vực nằm hoàn toàn hoặc một phần ở phía Bắc của đường cách đều (là đường phân định biển theo yêu sách của Somalia), nhưng Toà không thấy yêu sách này của Kenya được tuyên bố một cách không thiện chí.[31]

Thứ hai, Toà xem xét cáo buộc của Somalia cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (trao quyền khai thác mỏ dầu cho các doanh nghiệp tư nhân và khảo sát tại các mỏ này) vi phạm nghĩa vụ không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ chờ đợi ký kết thỏa thuận phân định quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS. Tòa giải thích “giai đoạn quá độ” quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS đề cập đến giai đoạn bắt đầu bằng thời điểm phát sinh tranh chấp cho đến khi có kết quả phân định cuối cùng bởi hai Bên hoặc quyết định của Tòa án. Trong Vụ việc này, thời điểm phát sinh tranh chấp là năm 2009, nên Tòa sẽ xem xét các hoạt động đơn phương của Kenya (trao quyền khai thác mỏ dầu cho các doanh nghiệp tư nhân và khảo sát tại các mỏ này) được tiến hành từ năm 2009. Tòa cho rằng các hành động này không gây ra sự thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý cho môi trường biển, do đó, không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng.[32] Bên cạnh đó, Tòa chú ý đến các cuộc đàm phán của hai Bên về phân định biển trong năm 2014 và việc Kenya đã đình chỉ các hoạt động của mình trong vùng biển tranh chấp, đề nghị một giàn xếp tạm thời với Somalia. Do đó, Tòa kết luận rằng Kenya không vi phạm nghĩa vụ không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS.[33]

Trên cơ sở đó, Toà kết luận Kenya không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế thông qua các hoạt động trên biển tại khu vực tranh chấp, vì vậy, không xem xét đề nghị đòi bồi thường của Somalia.

Thay lời kết

Phán quyết là thắng lợi pháp lý của quốc gia và dân tộc Somalia,[34] một lần nữa minh chứng cho vai trò của luật pháp quốc tế trong việc hoà bình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Mặc dù Kenya phản đối Phán quyết,[35] một số nhà bình luận cho rằng đây là cơ hội để nước hai giải quyết bất đồng nếu hai Bên có thiện chí xây dựng lòng tin.[36]

Tóm lại, phân định biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và thiện chí từ các bên, kể cả khi sử dụng bên thứ ba để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Do đó, việc tham khảo các án lệ, với vai trò là một nguồn bổ trợ của luật pháp quốc tế,[37] là cần thiết để các quốc gia giải quyết ổn thỏa vấn đề này, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể tham khảo một số điểm đáng chú ý trong Phán quyết của ICJ ngày 12/10/2021 về phân định biển giữa Somalia và Kenya trong phân định biển với các nước láng giềng, góp phần xây dựng thực tiễn quốc tế về vấn đề này, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực./.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 


[1] Khoản 8 Điều 76 UNCLOS 1982 quy định quốc gia ven biển thông báo những thông tin về các ranh giới thềm lục địa của mình, khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.

[2] Điều 2 Khoản 36 Quy chế ICJ cho phép các quốc gia có thể đưa ra tuyên bố bất cứ lúc nào về việc chấp nhận thẩm quyền của Toà án trong các vụ kiện với các quốc gia khác cũng có tuyên bố như vậy mà hai bên không phải ký thoả thuận đặc biệt (special agreement) để đưa vụ kiện ra Toà án giải quyết.

[3] Ngày 02/02/2017, ICJ công bố phán quyết khẳng định Tòa có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này. Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết thẩm quyền, đoạn 31-33.

[4] Năm 2016-2017, Kenya và Somalia đã tham dự phiên tòa về thẩm quyền. Ngày 18/3/2021, Bộ Ngoại giao Kenya thông báo về quyết định không tham gia phiên tòa, bày tỏ ủng hộ giải pháp ngoại giao, mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. https://kenyaembassydc.org/press-statement-maritime-delimitation-case/ truy cập 20/10/2021.

[5] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 36-47.

[6] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 52.

[7] Tòa giải thích rằng giữa Somalia và Kenya chưa bao giờ tồn tại đường biên giới này vì các lý do sau đây. Thứ nhất, không có bằng chứng thuyết phục cho thấy yêu sách của Kenya về biên giới trên biển giữa hai nước là đường theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam đã được duy trì nhất quán đến mức cần Somalia có phản ứng vì (i) các Tuyên bố ngày 28/02/1979 và 09/6/2005 của Kenya đưa ra yêu sách về biên giới trên biển giữa hai nước là là đường theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam, nhưng lại đề cập đến đường cách đều. Trong các công hàm gửi ngày 26/9/2007 và 04/7/2008, Kenya đề nghị Somalia khẳng định sự đồng ý của mình về biên giới trên biển giữa hai nước là là đường theo vĩ tuyến 1o39’42.2’’ Nam, tuy nhiên phía Somalia không hề có sự khẳng định như vậy; (ii) Trong cả Báo cáo năm 2009 đệ trình lên CLCS của Kenya và MOU ký bởi hai nước cùng năm đều thừa nhận sự tồn tại tranh chấp biển giữa hai Bên; và (iii) các cuộc đàm phán giữa Bên vào năm 2014 cũng như những Công hàm của Kenya vào các năm 2014, 2015 cũng cho thấy giữa hai nước chưa có sự thống nhất về đường biên giới trên biển. Thứ hai, Tòa xem xét những biểu hiện của Somalia đối với đường biên giới trên biển với Kenya từ năm 1979-2014 và thấy rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia rõ ràng và nhất quán ngầm chấp nhận đường biên giới được đưa ra bởi của Kenya, vì (i) việc ngầm chấp nhận đó không thể suy ra từ sự phản đối phương pháp “đường cách đều” của Somalia trong Hội nghị Luật Biển lần thứ 3, (ii) không có dấu hiệu cho thấy Somali đã đồng ý với đường biên giới mà Kenya yêu sách trong những cuộc đàm phán vào năm 1980 và 1981; (iii) mặc dù Luật Biển Somalia năm 1988 có đề cập đến biên giới lãnh hải là đường kéo dài về phía biển từ đường biên giới trên đất liền, nhưng cụm từ này không rõ ràng; (iv) trong MOU năm 2009 ký bởi hai quốc gia, Báo cáo năm 2009 của Somalia đệ trình lên CLCS, lá thư của Somalia ngày 19/8/2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng như Phản đối vào năm 2014 của Somalia về việc CLCS xem xét Báo cáo của Kenya đều đề cập đến sự tồn tại tranh chấp biển giữa hai nước; (v) cuộc nội chiến đã khiến Somalia không thể thực hiện đầy đủ chức năng nhà nước trong việc phản hồi các yêu sách của Kenya trong suốt giai đoạn 1991-2005. Tòa cũng đã xem xét các hành vi tuần tra biển, khai thác cá, nghiên cứu khoa học biển và nhượng quyền khoan dầu của hai Bên trong những năm 1979-2014 và kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia rõ ràng và nhất quán ngầm chấp nhận đường biên giới được đưa ra bởi yêu sách của Kenya. Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 36-89.

[8] Tham khảo Vụ Jan Mayen (ICJ, 1993), Vụ đảo Đông Greenland (PCIJ, 1933), Vụ Đền Preah Vihear (ICJ, 1962), Vụ Fisheries (ICJ, 1951) …

[9] Tham khảo Vụ các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (ICJ, 2008), Vụ đảo Đông Greenland (PCIJ, 1933) …

[10] Cho đến nay, thực tiễn quốc tế chỉ ghi nhận hai trường hợp sử dụng hai đường phân định đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong cùng một vùng biển chồng lấn. Một là, Hiệp định Australia – Indonesia thiết lập ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và các ranh giới đáy biển nhất định ngày 14/3/1997 (chưa có hiệu lực do hai Bên chưa làm thủ tục phê chuẩn do phải chờ sau khi Australia thỏa thuận được với Timor-Leste về ranh giới biển để xác định điểm kết nối ranh giới biển của ba nước). Hai là, Hiệp định Australia – Papua New Guinea về chủ quyền và ranh giới biển trong khu vực giữa hai nước, bao gồm khu vực được biết đến là Eo biển Torres, và các vấn đề liên quan ngày 18/12/1978 (có hiệu lực ngày 15/02/1985).

[11] Điều 77 UNCLOS 1982 về các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa.

[12] Vụ phân định biển giữa Qatar và Bahrain (ICJ, 2001), đoạn 173.

[13] Vụ phân định khu vực Vịnh Maine (ICJ, 1984), đoạn 194.

[14] Phương pháp đường cách đều sẽ được sử dụng để phân định lãnh hải của hai quốc gia có bờ biển tiếp liền. Phương pháp đường trung tuyến sẽ được sử dụng để phân định lãnh hải của hai quốc gia có bờ biển đối diện.

[15] Điều 15 UNCLOS 1982 về phân định lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện quy định về phương pháp đường cách đều, có tính đến các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải.

[16] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 93-98.

[17] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 99-118.

[18] Trong Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009), ICJ nêu ra phương pháp 3 bước để phân định biển nhằm đạt được giải pháp công bằng như sau: (i) Bước 1: xác định đường cách đều tạm thời; (ii) Bước 2: Xác định các hoàn cảnh liên quan đòi hỏi việc điều chỉnh đường cách đều tạm thời để đạt được kết quả công bằng (tỷ lệ chiều dài bờ biển, sự hiện diện của đảo, thực tiễn sử dụng biển của các bên bao gồm khai thác dầu khí, đánh bắt cá và tuần tra biển…); và (iii) Bước 3: xác minh đường phân định không dẫn đến một kết quả không công bằng do bất cứ sự chênh lệch nào giữa tỷ lệ chiều dài đường bờ biển và tỷ lệ vùng biển tương ứng.

[19] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 119-131.

[20] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 131-141.

[21] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 119-131.

[22] Tòa giải thích rằng vì an ninh của Kenya chỉ bị ảnh hưởng nếu đường biên giới quá gần với bờ biển của Kenya, và trong vụ việc này thì đường cách đều không như vậy. Bên cạnh đó, tình trạng an ninh hiện tại của Somalia ở các không gian biển liền kề với Kenya không kéo dài vĩnh viễn.

[23] Tòa giải thích rằng đường cách đều không tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của ngư dân Kenya.

[24] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 147-174.

[25] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 175-177.

[26] Có thể tham khảo Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009) về phương pháp phân định biển ba bước; Vụ Thềm lục địa Biển Bắc giữa Hà Lan, Đan Mạch và Đức (ICJ, 1969), Vụ phân định biển giữa Guinea-Bissau và Senegal (ICJ, 1989) về hình dáng bất lợi của bờ biển được coi là là hoàn cảnh liên quan điều chỉnh đường cách đều tạm thời trong phân định biển; Vụ phân định Vịnh Maine giữa Mỹ và Canada (ICJ, 1984) về yếu tố kinh tế không được coi là hoàn cảnh liên quan để điều chỉnh đường cách đều tạm thời trong phân định biển…

[27] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, trang 76. Xem thêm bình luận của PGS.TS Massimo Lando tại https://cil.nus.edu.sg/a-trip-down-memory-lane-the-judgment-of-the-international-court-of-justice-in-maritime-delimitation-in-the-indian-ocean-somalia-v-kenya-by-masssimo-lando/?fbclid=IwAR06K8h9MtfTVPAIEvPV7Cb5NdHjXxGuv-5zdfalHThVe_10_udh38CI83M, truy cập 20/10/2021.

[28] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 178-197.

[29] Vụ phân định biển giữa Bangladesh và Myanmar (ITLOS, 2012), đoạn 410.

[30] Vụ phân định biển giữa Nicaragua và Colombia (ICJ, 2012), đoạn 125.

[31] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 198-204.

[32] Somalia cho rằng một số hoạt động khoan cụ thể có thể dẫn tới sự thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý cho môi trường biển, có thể làm thay đổi nguyên trạng (status quo) tranh chấp biển giữa hai Bên và có thể làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Tòa không đồng ý với quan điểm này.

[33] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), Phán quyết nội dung, đoạn 205-213.

[34] Tổng thống Somalia khẳng định Phán quyết là thắng lợi của quốc gia và cả dân tộc, khẳng định vai trò của luật pháp và công lý và tinh thần thượng tôn pháp luật. https://www.youtube.com/watch?v=j_Sy2nJzDlk, truy cập 20/10/2021.

[35]Tổng thống Kenya ngày 12/10/2021 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về hệ quả của Phán quyết đối với khu vực Sừng Châu Phi và luật pháp quốc tế nói chung; cho rằng Toà đã vượt quá thẩm quyền và vi phạm chủ quyền quốc gia của Kenya; bác bỏ hoàn toàn và không công nhận Phán quyết; tiếp tục cam kết sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết nhưng khẳng định Kenya có thể thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ lãnh thổ. https://www.reuters.com/world/africa/kenya-rejects-un-court-ruling-somalia-row-seek-diplomatic-solution-2021-10-13/, truy cập 20/10/2021.

[36] Timothy walker và Mohamed gaas, ICJ draws the line in Kenya and Somalia’s troubled waters, https://issafrica.org/iss-today/icj-draws-the-line-in-kenya-and-somalias-troubled-waters, truy cập 20/10/2021.

[37] Khoản 1 Điều 38 Quy chế ICJ.

 

Ảnh minh họa: Báo Pháp luật

NGUYỄN MAI HƯƠNG (Chuyên viên Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia)