
Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp
(TCTA) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 08/5/2025, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Sáng 08/5/2025, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).
Chánh án Lê Minh Trí cho biết, nội dung cơ bản là không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện mà thay thế bằng mô hình TAND khu vực.
Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp Tòa án, số lượng Thẩm phán TAND tối cao.
Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực.
Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.
Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 1 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 1 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 1 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 3 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án nhân dân, Chánh án Lê Minh Trí nêu rõ, trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án theo hướng như sau:
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao có các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
“Do số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sự điều chỉnh nên cần sửa đổi, bổ sung đồng bộ quy định khoản 3 Điều 96 Luật hiện hành theo hướng tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài Tòa án và xác định không quá 3 người để bảo đảm tỷ lệ được bổ nhiệm từ nguồn ngoài Tòa án không quá 10% số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, Chánh án Lê Minh Trí nói.
Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mà mức cao nhất của khung hình phạt là trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc; đồng thời, giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đối với Tòa án nhân dân khu vực, cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực, trong đó quy định tại các Tòa án nhân dân khu vực có các Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Bổ sung quy định tại một số TAND khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
TAND tối cao dự kiến tổ chức 3 Tòa Phá sản tại 3 TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; tổ chức 2 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 2 TAND khu vực ở Hà Nội và TPHCM.
Sửa đổi dự án luật theo hướng TAND cấp tỉnh đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm nhân dân của TAND cấp tỉnh và TAND khu vực đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để HĐND cấp tỉnh bầu Hội thẩm nhân dân.
Chánh án TAND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đề nghị HĐND cấp tỉnh miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.
Sáng 08/5/2025, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Ảnh: Quốc hội.
Bài liên quan
-
Chính thức trình Quốc hội mô hình Viện kiểm sát nhân dân 3 cấp
-
Khai mạc Kỳ họp lịch sử - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
-
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam tại Vĩnh Long
-
Đoàn công tác Toà án nhân dân tối cao chào xã giao Chánh án Toà án tối cao Nhật Bản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Thanh Hóa: Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao
-
Nhất trí cùng nhau nỗ lực đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững
-
Kiên Giang: Đưa Tết đến cùng cán bộ, chiến sĩ vùng biển đảo Tây Nam
Bình luận