Sơ lược về chế định Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới

Bài viết này giới thiệu tổng quát về chế định Thẩm phán của 11 quốc gia, bao gồm một số quốc gia/ theo truyền thống luật dân sự, như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan; một số quốc gia theo truyền thống thông luật, như: Mỹ, Canada, Úc; và Trung Quốc, Nga.

I.  CỘNG HOÀ PHÁP

1. Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán

1.1. Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán cho Tòa án ngạch tư pháp

  • Đào tạo ban đầu
  • Cơ quan đào tạo

Trường Thẩm phán quốc gia có chức năng đào tạo nghề Thẩm phán cho các đối tượng có liên quan và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán đang công tác.

Trường Thẩm phán quốc gia là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp.

Về cơ cấu tổ chức: Trường có Hiệu trưởng và Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị là Chánh án Tòa phá án và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị là Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án (tương tự Viện trưởng VKSNDTC ở ta). Như vậy, Trường được đặt dưới sự quản lý của hai nhân vật cao cấp nhất của hệ thống tư pháp của Pháp.

Giảng viên của Trường đều là các Thẩm phán chuyên nghiệp được biệt phái đến giảng dạy trong thời hạn 3 năm (cũng có thể được kéo dài thêm 3 năm nữa).

Ngân sách của Trường được Nhà nước cấp riêng trên cơ sở Dự toán hàng năm do Hội đồng quản trị phối hợp với Bộ Tư pháp lập.

Về đối tượng tuyển dụng

Thẩm phán ngạch Tòa án Tư pháp bao gồm Thẩm phán xét xử và Thẩm phán công tố (Kiểm sát viên). Cụ thể, việc tuyển dụng đào tạo nguồn Thẩm phán được thực hiện thông qua 3 kỳ thi tuyển dành cho các đối tượng học viên khác nhau.

Kỳ thi thứ nhất: Dành cho đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Luật, không quá 27 tuổi.

Kỳ thi tuyển thứ hai: Dành cho các công chức Nhà nước có nguyện vọng trở thành Thẩm phán, có thời gian công tác ít nhất 4 năm, không quá 46 tuổi 5 tháng (tính đến ngày dự thi).

Kỳ thi tuyển thứ ba: Dành cho tất cả các đối tượng khác có nguyện vọng trở thành Thẩm phán: không quá 40 tuổi, có 8 năm công tác trong ngành nghề chuyên môn thuộc khu vực tư nhân.

Ngoài ra còn có hình thức cử tuyển (không phải thi) nếu đủ các điều kiện sau:

  • Tuổi từ 27 đến 40; Về trình độ, thuộc một trong ba trường hợp như sau: (i) có bằng Đại học Luật và có 4 năm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; (ii) có bằng Tiến sĩ Luật và một bằng đại học chuyên ngành khác; (iii) có bằng Đại học Luật và có 3 năm tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở một cơ sở đào tạo về Luật.
  • Về quy trình đào tạo

Thời gian đào tạo là 31 tháng, trong đó: 25 tháng đào tạo tổng thể; 6 tháng đào tạo chuyên sâu.

Thời gian đào tạo 25 tháng: Học viên đi thực tập trước (khoảng 3 tháng 1 tuần) tại Tòa án và các cơ quan khác (như doanh nghiệp, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi…). Sau đó 8 tháng được học lý thuyết: viết bản án, viết cáo trạng, kỹ năng xét xử… Tiếp đến 14 tháng thực tập, học viên lần lượt thực hiện chức năng của Thẩm phán (xét xử, công tố).

Thời gian đào tạo chuyên sâu 6 tháng: Tập trung đào tạo kỹ năng về lĩnh vực mà học viên lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Thí dụ: Học viên lựa chọn vị trí Thẩm phán chuyên xét xử án hôn nhân gia đình thì sẽ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

1.1.2.  Đào tạo bồi dưỡng

Hàng năm các Thẩm phán phải tham dự một khoá bồi dưỡng kiến thức một tuần, khoá bồi dưỡng này được tổ chức dưới hình thức tập trung tại cơ sở bồi dưỡng Thẩm phán của Trường Thẩm phán quốc gia tại Paris hoặc dưới hình thức không tập trung trong quản hạt của mỗi Tòa phúc thẩm. Trong mỗi Tòa phúc thẩm, có một Thẩm phán chuyên trách về vấn đề đào tạo thường xuyên cho Thẩm phán.

1.2. Tuyển dụng và đào tạo Thẩm phán hành chính

1.2.1.  Tuyển dụng 

Tuyển dụng thành viên Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao)

  • Qua thi tuyển

Thẩm phán sơ cấp (auditeurs) được tuyển dụng trong số các học viên tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia (để vào được Trường này, học viên phải qua thi tuyển).

Sau thời gian công tác 3 năm, Thẩm phán sơ cấp được chuyển lên bậc Thẩm phán phụ trách điều tra và sau khoảng 12 năm lên bậc Ủy viên Tham chính viện.

  • Qua “bên ngoài”

Một phần tư Thẩm phán phụ trách điều tra và một phần ba Ủy viên Tham chính viện do Chính phủ bổ nhiệm. Một nửa là Thẩm phán trong các Tòa hành chính sơ thẩm và phúc thẩm.

  • Tuyển dụng tạm thời

Tham chính viện tuyển dụng các Thẩm phán phụ trách điều tra và Ủy viên Tham chính viện với thời hạn một vài năm (“nhiệm vụ đặc biệt”): Tỉnh trưởng, Giáo sư đại học, nhà ngoại giao, v.v… Kinh nghiệm của những thành viên này đảm bảo tính đa dạng đối với Tham chính viện.

Trên thực tế, việc thăng tiến dựa vào thâm niên: đảm bảo tính độc lập.

Tuyển dụng các thành viên trong các Tòa án

  • Qua thi tuyển

Một số Thẩm phán trong các Tòa án được tuyển dụng vào làm Thẩm phán sơ cấp tại Tham chính viện, cũng giống như học viên Trường Hành chính quốc gia. Một số thành viên khác được tuyển dụng qua một kỳ thi đặc biệt được tổ chức hàng năm hoặc hai năm một lần.

  • Qua “bên ngoài”

Cũng có tuyển dụng qua “bên ngoài” để vào làm việc tại các Tòa án. Hình thức này dành cho công chức mong muốn làm việc tại Tòa án.

1.2.2.  Đào tạo

Công tác đào tạo do Tham chính viện đảm nhiệm thông qua một bộ phận đặc trách thực hiện nhiệm vụ này (“Trung tâm đào tạo pháp luật hành chính”).

a) Đào tạo ban đầu

Tất cả các Thẩm phán hành chính theo khoá học kéo dài 6 tháng trước khi được phân công công tác tại một Tòa án. Khoá học được tổ chức từ  tháng 1 đến tháng 6.

* Lưu ý: khóa học này không dành cho các thành viên Tham chính viện, mà chỉ dành cho đối tượng là Thẩm phán các Tòa án. Những người được bổ nhiệm vào Tham chính viện thông qua kỳ thi tuyển nội bộ hoặc bên ngoài sẽ đảm nhiệm chức vụ ngay lập tức. Đối tượng này được đào tạo “trong công việc” thông qua việc tham dự vào một vài cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức trong những tuần đầu tiên.

Khóa học dành cho Thẩm phán Tòa án bao gồm 450 giờ (cả lý thuyết và thực hành).

  • Đào tạo lý thuyết chung
  • Tổ chức tài phán hành chính;
  • Hiểu biết về môi trường thể chế: cơ quan hành chính Nhà nước, Hội đồng bảo hiến, Tòa phá án, v.v…;
  • Các công cụ phục vụ công tác Thẩm phán: tài liệu, công cụ tin học, cơ sở dữ liệu pháp luật, v.v…;
  • Nguyên tắc căn bản trong pháp luật hành chính;
  • Nguyên tắc căn bản trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện;
  • Thủ tục khiếu nại, khiếu kiện;
  • Đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán;
  • Các lĩnh vực khiếu kiện: thuế, đô thị, công vụ, mua sắm công, v.v…
  • Đào tạo kỹ năng
  • Sử dụng máy tính (xử lý văn bản,…);
  • Sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật;
  • Cách thức tìm hiểu một hồ sơ khiếu kiện;
  • Cách thức soạn thảo một văn bản trong tranh chấp;
  • Cách thức soạn thảo trích lục văn bản, bản án.
  • Thực tập và tham quan
  • Tham quan một Tòa án;
  • Thực tập hai tuần tại một Tòa án;
  • Thực tập sáu tuần tại một cơ quan hành chính;
  • Thực tập hai tuần tại Tham chính viện.
  • b) Đào tạo bồi dưỡng

Thẩm phán hành chính được tham gia vào các khoá bồi dưỡng trong suốt quá trình công tác (tại Pháp, luật pháp quy định tất cả lao động trong khu vực công được quyền tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng; một năm làm việc toàn thời gian được quyền tham gia 20 giờ đào tạo bồi dưỡng).

Hàng năm, các Thẩm phán được mời tham gia vào các lớp bồi dưỡng. Có nhiều chương trình bồi dưỡng như:

  • Khoá bồi dưỡng dành cho Chánh án Tòa án: quản lý ngân sách, quản lý nhân sự, v.v…;
  • Sử dụng công cụ tin học;
  • Khóa bồi dưỡng về các lĩnh vực khiếu kiện: thuế, đô thị, công vụ, pháp luật lao động, pháp luật cộng đồng Châu Âu, v.v…;
  • Biến động trong án lệ của Tham chính viện.

Một số khoá bồi dưỡng được phối hợp tổ chức với các đơn vị khác: các Bộ, Nghị viện, Tòa phá án, Trường Thẩm phán quốc gia, v.v…

2.  Bổ nhiệm Thẩm phán

2.1. Bổ nhiệm Thẩm phán ngạch tư pháp

2.1.1. Các Thẩm phán ngạch tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm phán tối cao hoặc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phục vụ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi). Cụ thể như sau:

Chánh án và các Thẩm phán Tòa phá án, Chánh án các Tòa án phúc thẩm, Chánh án các Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng do Hội đồng Thẩm phán tối cao lựa chọn ứng cử viên và trình lên Tổng thống bổ nhiệm.

Đối với các Thẩm phán xét xử khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lựa chọn ứng cử viên và đề nghị lên Tổng thống bổ nhiệm. Đề nghị này phải có ý kiến chấp thuận của Hội đồng Thẩm phán tối cao, nếu Hội đồng không đồng ý với đề nghị bổ nhiệm một ứng cử viên nào đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không thể đề nghị bổ nhiệm họ.

2.1.2. Hội đồng Thẩm phán tối cao được thành lập theo Luật ngày 30-8-1883, nhưng mãi đến năm 1946 mới được ghi nhận trong Hiến pháp ngày 27-10-1946. Theo quy định tại Điều 65 của Hiến pháp, Hội đồng Thẩm phán tối cao do Tổng thống làm Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó Chủ tịch. Qua nhiều lần cải tổ, đến năm 2008 Hội đồng có cơ cấu như sau: Bộ phận chuyên trách về Thẩm phán có 6 thành viên, gồm 5 Thẩm phán và 1 Công tố viên do Chánh án Tòa phá án làm Chủ tịch; bộ phận chuyên trách về Công tố viên có 6 thành viên, gồm 5 Công tố viên và 1 Thẩm phán, do Công tố viên trưởng Tòa phá án làm Chủ tịch. Ngoài các thành viên nói trên, thành viên của cả hai bộ phận còn bao gồm 8 thành viên khác không thuộc ngành Tòa án: 1 thành viên của Tham chính viện do Đại hội đồng của Tham chính viện bầu ra, 1 Luật sư do Chủ tịch Hội đồng Luật sư quốc gia bổ nhiệm trên cơ sở ý kiến thông qua của Đại hội đồng của Hội đồng Luật sư quốc gia, 6 cá nhân có phẩm chất nổi bật được Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm theo cặp 1 nam – 1 nữ.

2.2. Bổ nhiệm Thẩm phán ngạch hành chính

2.2.1. Các Thẩm phán hành chính sơ thẩm và Thẩm phán hành chính phúc thẩm do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tối cao các Tòa án hành chính và các Tòa án hành chính phúc thẩm. Hội đồng này do Phó Chủ tịch Tham chính viện làm Chủ tịch và 12 thành viên khác:

  • Một thành viên của Tham chính viện,
  • Hai thành viên của Bộ Tư pháp,
  • Một thành viên của Bộ Nội vụ,
  • Năm thành viên là Thẩm phán hành chính do các Thẩm phán hành chính lựa chọn,
  • Ba thành viên do Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện mỗi người bổ nhiệm một thành viên.

2.2.2. Khác với Thẩm phán hành chính sơ thẩm và Thẩm phán hành chính phúc thẩm, các Ủy viên Tham chính viện (tức là Thẩm phán Tòa án hành chính tối cao) và các chức vụ quản lý của Tham chính viện đều do Hội đồng Bộ trưởng chỉ định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, (Hội đồng Bộ trưởng là phiên họp các Bộ trưởng thành viên Chính phủ dưới sự chủ toạ của Tổng thống).

3. Kỷ luật, bãi miễn Thẩm phán

3.1.  Thẩm phán không hoàn thành chức trách, mất danh dự, phẩm giá, thiếu sự tế nhị đều coi như vi phạm kỷ luật.

Các hình thức kỷ luật bao gồm:

(i) Khiển trách kèm theo ghi tên vào hồ sơ;

(ii) Thuyên chuyển nơi công tác;

(iii) Cấm làm một số công việc;

(iv) Tạm đình chỉ công tác trong thời gian tối đa một năm kèm theo trừ toàn bộ hay một phần lương;

(v) Hạ bậc Thẩm phán;

(vi) Buộc về hưu không được quyền hưởng trợ cấp hưu trí;

(vii) Miễn nhiệm có thể có hoặc không kèm theo cắt mọi chế độ.

3.2. Hội đồng Thẩm phán tối cao có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với các Thẩm phán xét xử thuộc ngạch tư pháp.

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo về những hành vi vi phạm của Thẩm phán do các Chánh án các Toà phúc thẩm hoặc do đương sự gửi đến, Hội đồng Thẩm phán sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật do Chánh án Tòa phá án (tương đương Chánh án TANDTC ở Việt Nam) làm Chủ tịch. Hội đồng kỷ luật sẽ tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

II.CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

1.  Đào tạo Thẩm phán

1.1. Cơ sở đào tạo

CHLB Đức không thành lập các cơ sở đào tạo tập trung dưới hình thức các học viện hay trường đào tạo để đào tạo Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư tranh tụng. Thay vào đó, để trở thành Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư tranh tụng, những ứng viên đã vượt qua kỳ sát hạch Tư pháp quốc gia thứ nhất (tức là tốt nghiệp đại học Luật) phải đăng ký tham gia khoá đào tạo chuyên môn trong 2 năm rưỡi. Những khoá đào tạo như vậy được tổ chức tại từng bang. Trước đây, Tòa án tối cao liên bang chịu trách nhiệm tổ chức những khoá đào tạo như vậy nhưng hiện nay chức năng này đã được chuyển giao cho Bộ Tư pháp.

1.2. Chương trình đào tạo

Đức có một hệ thống chương trình và nội dung đào tạo tư pháp khá thống nhất. Chương trình đào tạo được xây dựng tập trung vào các kỹ năng thực tế. Các giảng viên tham gia vào các khoá đào tạo là những cán bộ đương chức (Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư tranh tụng, Công chứng viên hay các cán bộ nhà nước cao cấp từ các cơ quan tư pháp và hành chính). Chương trình đào tạo được chia thành các giai đoạn khác nhau gồm có các giai đoạn bắt buộc và một giai đoạn không bắt buộc.

  • Các giai đoạn bắt buộc gồm có:
  • Giai đoạn thực tập tại cơ quan tư pháp: Giai đoạn này bao gồm 6 tháng thực tập tại một Tòa dân sự và 3 tháng thực tập tại một Tòa hình sự hoặc một văn phòng Công tố. Trong giai đoạn thực tập này, tất cả các ứng viên phải làm quen với quy trình thủ tục dân sự hoặc hình sự tại Tòa án như điều tra, chuẩn bị và điều hành một phiên Tòa (dân sự hoặc hình sự) và soạn thảo bản án hoặc quyết định.
  • Giai đoạn thực tập tại cơ quan hành chính: Giai đoạn này bao gồm 5 tháng thực tập tại một cơ quan hành chính cấp quận hoặc cấp tương ứng nơi có ít nhất một cán bộ công chức nhà nước đã được cấp chứng chỉ Thẩm phán đang làm việc và 2 tháng thực tập tại một cơ quan chính quyền bang hoặc thành phố hoặc tại một Tòa hành chính hoặc văn phòng Công tố. Giai đoạn này giúp ứng viên làm quen với các công việc chuyên môn tại các cơ quan hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính, soạn thảo các quyết định, các đạo luật hành chính, các thủ tục hành chính như điền đơn khiếu nại cho đến giải quyết các đơn khiếu nại bằng các phán quyết hay quyết định hành chính.
  • Giai đoạn thực tập tại Văn phòng luật sư: Thời gian thực tập tại văn phòng luật sư kéo dài 4 tháng. Thời gian thực tập này không những giúp các ứng viên nâng cao kỹ năng soạn thảo công văn (trao đổi với khách hàng hoặc bên có tranh chấp với khách hàng, hoặc với cơ quan tư pháp, Tòa án) mà còn nâng cao kỹ năng chuyên môn để đại diện cho khách hàng tiến hành các thủ tục tố tụng tại Tòa án.
  • Giai đoạn không bắt buộc: Giai đoạn không bắt buộc kéo dài trong thời gian 4 tháng. Trong thời gian này, ứng viên có thể xin thực tập tại một hay hai cơ quan luật pháp thuộc các lĩnh vực được quy định như trên gồm có tư pháp (Tòa án, nhà tù, Văn phòng Công chứng, Văn phòng luật sư), hành chính, kinh tế, lao động và luật xã hội, luật quốc tế và luật Châu Âu, luật thuế quan.

Khi chương trình đào tạo bắt đầu, học viên phải tham gia đầy đủ các khoá đào tạo tư pháp và hành chính. Những khoá đào tạo như vậy cũng được tổ chức trong các giai đoạn bắt buộc. Chương trình đào tạo thường đi kèm với các chương trình kỹ năng thực tế. Khác với các chương trình đào tạo lý thuyết tại các trường đại học, trong chương trình đào tạo này, giảng viên tập trung vào các tình huống được xây dựng từ những kinh nghiệm thực tế của mình và từ hồ sơ các vụ việc trên thực tế.

Sau khi hoàn thành các khoá đào tạo hay các giai đoạn đào tạo học viên sẽ được giảng viên hoặc người hướng dẫn nhận xét và cho điểm cho khoá đào tạo hoặc giai đoạn đào tạo đó. Điểm được cho dựa trên điểm kiểm tra thường kỳ của các học viên và đánh giá chung về việc học viên tham gia vào các phần thảo luận do giảng viên đưa ra. Những điểm số này được đưa vào điểm thi nói trong kỳ thi sát hạch tư pháp quốc gia.

1.3 Kỳ thi sát hạch Tư pháp quốc gia thứ hai

Chương trình đào tạo sẽ kết thúc sau khi các học viên hoàn thành kỳ thi sát hạch Tư pháp quốc gia lần thứ hai. Kỳ thi này do một đơn vị chuyên trách về các kỳ sát hạch tư pháp là Vụ Sát hạch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện.

Kỳ thi gồm hai phần: kiểm tra nói và thi viết. Trong phần thi viết, các thí sinh phải thực hiện 11 bài luận trong thời gian 11 ngày liên tiếp. Thí sinh phải thực hiện các bài luận bắt buộc về Luật dân sự (trong đó có Luật thương mại và Công luật), Luật lao động, luật tố tụng, 2 bài luận về Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, 4 bài luận chủ yếu về luật cơ bản gồm có luật nội dung, luật tố tụng và Luật thuế quan.

Mỗi thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra nói trước hội đồng 4 Thẩm phán. Những câu hỏi trong phần thi này đều thuộc các lĩnh vực đã được giới hạn trước khi kỳ thi diễn ra. Mỗi thí sinh được hội đồng kiểm tra trong thời gian 50 phút và được nhận 4 loại điểm tương ứng với các lĩnh vực Luật dân sự, Luật lao động, Luật hình sự, Công luật và một số lĩnh vực luật tuỳ chọn.

Tổng điểm của kỳ thi được tính là điểm số trung bình của phần thi nói và phần thi viết. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận đã qua kỳ sát hạch nếu đạt điểm số trên. Những thí sinh không đạt chỉ được phép thi lại một lần nữa.

2. Bổ nhiệm Thẩm phán

2.1. Bổ nhiệm Thẩm phán ở các Tòa án Hiến pháp

2.1.1. Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang được đề cử từ nhiều cơ quan khác nhau: Bộ Tư pháp liên bang, các nhóm trong Hạ nghị viện, Chính phủ bang. Trong số 16 Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang thì 8 người do Thượng nghị viện bầu trực tiếp, 8 người do Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang của Hạ nghị viện tuyển chọn (Ủy ban này được bầu theo tỉ lệ đại diện các đảng phái chính trị trong Hạ nghị viện). Sau khi được lựa chọn, danh sách Thẩm phán sẽ được đưa lên Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 12 năm và không được tái nhiệm.

2.1.2. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp bang do Nghị viện của bang bầu ra và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Nghị viện.

2.2. Bổ nhiệm Thẩm phán ở các Tòa án khác

2.2.1. Những người đã vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia lần thứ hai phải nộp đơn lên Bộ Tư pháp bang đề nghị được làm Thẩm phán. Nếu được chấp nhận, họ sẽ được bổ nhiệm làm “Thẩm phán thử việc”, thời gian thử việc là 5 năm kể từ ngày bổ nhiệm; nếu họ đã là công chức, thời gian thử việc là 2 năm.

Sau khi kết thúc thời gian thử việc, Thẩm phán thử việc có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán chính thức. Việc bổ nhiệm Thẩm phán ở các bang rất khác nhau. Nhìn chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán của Tòa án thẩm quyền chung, Tòa án hành chính và Tòa án tài chính; Bộ trưởng Bộ Lao động bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án lao động, Tòa án xã hội.

2.2.2. Thẩm phán các Tòa án liên bang do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang hoặc Bộ trưởng Bộ Lao động liên  bang và Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán liên bang.

2.2.3. Các Thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).

3.Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán

Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định như sau: Điều 97 (khoản 2): “Các Thẩm phán được bổ nhiệm vĩnh viễn cho vị trí toàn thời gian để chỉ có thể bị sa thải vĩnh viễn hoặc tạm thời, luân chuyển hoặc nghỉ hưu trước khi hết hạn nhiệm kỳ theo quyết định của cơ quan tư pháp và chỉ do những lý do và cách thức được luật định. Cơ quan lập pháp có thể thiết lập giới hạn tuổi nghỉ hưu của các Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Trong trường hợp có sự thay đổi trong cơ cấu của Toà án hoặc ở các khu vực, các Thẩm phán có thể được luân chuyển tới Toà án khác hoặc bị bãi miễn, miễn là nguyên tiền lương đầy đủ của họ”. 

Điều 98 (khoản 2): “Nếu một Thẩm phán liên bang vi phạm nguyên tắc của Hiến pháp liên bang hoặc trật tự Hiến pháp của bang bằng nghề nghiệp chính thức của mình hoặc một cách không chính thức, Toà án Hiến pháp liên bang, theo đề nghị của 2/3 thành viên Thượng viện yêu cầu Thẩm phán phải bị luân chuyển hoặc nghỉ hưu. Trong trường hợp vi phạm do cố ý, Toà án có thể ra lệnh miễn nhiệm Thẩm phán”. 

Theo quy định của khoản 3 Điều 98 và điểm 27 khoản 1 Điều 74 thì các bang sẽ quy định cụ thể về vấn đề kỷ luật, miễn nhiệm Thẩm phán bang.

III. NHẬT BẢN

1.  Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán

1.1.Đào tạo ban đầu

Ở Nhật Bản, để trở thành Luật sư, Công tố viên, Thẩm phán, ứng cử viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia để vào học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án tối cao.

1.1.1. Cơ quan đào tạo

Cơ quan có chức năng đào tạo tư pháp là Trường đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án tối cao. Trường được thành lập năm 1947, có chức năng đào tạo nghiệp vụ để làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư, và bồi dưỡng (đào tạo lại) các Thẩm phán đã được bổ nhiệm. Mô hình đào tạo và bồi dưỡng này một mặt giúp Nhật Bản thống nhất hoá việc đào tạo nghề vào một cơ quan nhằm trang bị cho những người sẽ làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư cùng những kỹ năng nghề nghiệp ban đầu tiêu chuẩn chung, và mặt khác, giúp Tòa án, Viện Công tố và Đoàn Luật sư có những sáng kiến xây dựng giáo trình đào tạo và cập nhật kiến thức phù hợp với các yêu cầu thực tiễn cho mỗi chức danh.

Với chức năng đào tạo cho những người sẽ làm Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư, thường xuyên bồi dưỡng cho Thẩm phán, bộ phận đào tạo của Trường có hai phòng: phòng thứ nhất là phòng đào tạo (theo nghĩa đào tạo lại) và nghiên cứu tư pháp dành cho các Thẩm phán đã được bổ nhiệm, và phòng thứ hai là phòng đào tạo các chức danh tư pháp (dành cho những học viên tư pháp thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia) là nguồn của Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Ngoài bộ phận đào tạo, Trường có Ban Thư ký chịu trách nhiệm về công việc hành chính và hậu cần.

  • Về kỳ thi Tư pháp quốc gia

Để được học tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, học viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia. Việc tiến hành kỳ thi này phải tuân thủ chặt chẽ quy định về kỳ thi tư pháp quốc gia.

  • Hội đồng quản lý kỳ thi Tư pháp quốc gia

Hội đồng tiến hành các kỳ thi, bao gồm các thành viên đến từ Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư quốc gia. Giúp việc cho Hội đồng là Ban Thư ký do Bộ Tư pháp thành lập. Giám khảo là các Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên do các cơ quan liên quan chỉ định. Các Luật sư nổi tiếng làm việc tại các cơ sở đào tạo lớn cũng được tham gia Ban giám khảo.

  • Điều kiện tham gia kỳ thi Tư pháp quốc gia

Luật về kỳ thi Tư pháp quốc gia không giới hạn thí sinh tham gia về độ tuổi, trình độ, giới hoặc số lần tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, do yêu cầu chuyên môn rất cao của kỳ thi, nên phần lớn thí sinh đều có kiến thức pháp luật cơ bản. Thông thường, những người đỗ kỳ thi là người có bằng đại học Luật của các trường đại học.

  • Tiến hành kỳ thi Tư pháp quốc gia

Kỳ thi Tư pháp quốc gia được tổ chức hàng năm, vòng thi thứ nhất vào tháng 1 và vòng thi thứ hai vào tháng 5, kết thúc vào tháng 11. Về nguyên tắc, thí sinh phải thi đỗ hai vòng: vòng thứ nhất kiểm tra các chủ đề kiến thức cơ bản như địa lý, lịch sử, văn học. Những người đã kết thúc khoá học cơ bản 2 năm về các chủ đề này có quyền tham dự vòng thi thứ hai. Vòng thi thứ hai là về các môn luật Hiến pháp, luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật hình sự, luật tố tụng hình sự. Thí sinh có quyền chọn một số môn họ quan tâm. Vòng thi chuyên môn này tổ chức vào tháng 5. Nhưng từ kỳ thi Tư pháp quốc gia năm 2000, bắt buộc thí sinh phải kiểm tra 2 môn: tố tụng dân sự và tố tụng hình sự.

Để thi đỗ vòng thi này, thí sinh phải viết bài thi vào tháng 7. Chủ đề bài thi liên quan đến các luật cụ thể: Hiến pháp, hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, luật thương mại hoặc luật chuyên ngành khác.

Thí sinh thi đỗ bài viết phải chuẩn bị cho kỳ thi vấn đáp được tổ chức vào tháng 9. Hội đồng thi vấn đáp sẽ phỏng vấn thí sinh những vấn đề nghiệp vụ và định hướng nghề nghiệp của thí sinh, đánh giá kỹ năng nói, khả năng trình bày, giải quyết tình huống. Thời gian thi vấn đáp là từ 10-20 phút, tuỳ từng thí sinh.

Căn cứ vào chỉ tiêu hàng năm, Ủy ban kiểm tra sẽ kiểm tra và lựa chọn thí sinh đỗ. Ví dụ, trước năm 1957, chỉ tiêu này là 200, từ năm 1957-1990: 500; đến 1993: 700; 1998:800; và năm 2000:1000. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cán bộ tư pháp của xã hội, số lượng thí sinh đỗ tăng dần hàng năm. Theo báo cáo của Hội đồng đánh giá cải cách tư pháp Nhật Bản, trong giai đoạn 2005-2010, số lượng thí sinh đỗ có thể lên tới 3000 hàng năm.

Kỳ thi Tư pháp quốc gia là kỳ thi khó nhất tại Nhật Bản. Rất ít người đỗ ngay đợt thi đầu tiên. Một số đỗ sau lần thi thứ 7 và nhiều người không thể đỗ kỳ thi này. Ví dụ, năm 2000, có 30.000 thí sinh nhưng chỉ có 1000 người đỗ. Để thi đỗ, nhiều người đã tham dự các khoá đào tạo tư nhân và dịch vụ đào tạo này có lợi nhuận cao.

Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản tiến hành thay đổi kỳ thi Tư pháp quốc gia. Nhật Bản quyết định thành lập hệ thống “Trường Luật” theo kiểu Nhật, bắt đầu hoạt động từ năm 2004, với mục đích là cung cấp kiến thức chuyên môn cơ bản và pháp lý cho những người chuẩn bị tham gia kỳ thi Tư pháp quốc gia để học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp. “Trường Luật” được tổ chức trong các trường đại học. Những thí sinh có bằng đại học Luật sẽ học trong “Trường Luật” 02 năm, còn những người tốt nghiệp đại học ngành khác phải học luật trong “Trường Luật” 03 năm. Những người tốt nghiệp “Trường Luật” được cấp bằng Thạc sĩ Luật, và nếu họ mong muốn theo học tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp, họ phải làm đơn xin và chỉ phải làm bài thi viết. Với mô hình này, hy vọng rằng số lượng Luật sư nói chung, cũng như số lượng cán bộ tư pháp nói riêng sẽ tăng lên, đồng thời chất lượng nghiệp vụ của họ cũng được cải thiện đáng kể.

Thay đổi trong quy trình đăng ký thi tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp được áp dụng từ năm 2006. Theo quy định mới, thí sinh phải tốt nghiệp “Trường Luật” và được phép dự thi tối đa là 3 lần.

  • Chương trình đào tạo và thực hiện chương trình đào tạo
  • Tổng quan về chương trình đào tạo

Một đặc điểm của đào tạo tư pháp tại Nhật Bản là các học viên nghiên cứu cùng một chương trình, bất kể họ sẽ giữ các chức danh tư pháp khác nhau trong tương lai: Thẩm phán, Luật sư, Công tố viên. Học viên được trang bị kỹ năng của cả Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên. Không chia thành các lớp học riêng rẽ. Cũng không có chương trình dành riêng cho người muốn trở thành Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư. Chương trình giảng dạy này nhằm cung cấp cho học viên kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chung, hạn chế những khác biệt không cần thiết về quan điểm của Thẩm phán, Luật sư và Công tố viên trong cùng  vụ kiện.

  • Các giai đoạn đào tạo

Trước 2011, chương trình đào tạo chức danh tư pháp kéo dài 18 tháng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 3 tháng, là giai đoạn học tại Trường. Giai đoạn 2 dài 12 tháng, thực tập tại Tòa án, Viện Công tố và hãng luật. Giai đoạn 3 dài 3 tháng, là giai đoạn đào tạo đặc biệt tại Trường.

Từ 2011, chương trình đào tạo chỉ còn 12 tháng, tức là chỉ còn giai đoạn 2 trước năm 2011.

  • Giảng viên

Cán bộ giảng dạy của Trường là các Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Họ là các chuyên gia giỏi, được chỉ định làm giảng viên của Trường trong thời hạn phân công từ 3-4 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ quay trở lại đơn vị công tác cũ, được bố trí công tác mới; Luật sư quay lại hành nghề luật.

1.2. Đào tạo lại (bồi dưỡng) Thẩm phán

Nhật Bản rất quan tâm đến việc bồi dưỡng Thẩm phán và vấn đề này được pháp luật quy định. Trường đào tạo các chức danh tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng Thẩm phán dưới nhiều hình thức.

Các Thẩm phán phụ thẩm (tức các Thẩm phán dưới 10 năm kinh nghiệm) là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong việc bồi dưỡng. Theo quy định của luật, các Thẩm phán này bắt buộc phải tham dự lớp bồi dưỡng sau năm thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ mười sau khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán phụ thẩm (hay còn gọi là trợ lý Thẩm phán). Chương trình bồi dưỡng được tổ chức một cách có hệ thống, bao hàm tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, người chưa thành niên. Chương trình này được áp dụng cho tất cả các Thẩm phán phụ thẩm bất kể họ đang đảm nhận công việc trong lĩnh vực nào.

Ngoài việc bồi dưỡng các Thẩm phán phụ thẩm, Trường cũng tiến hành bồi dưỡng cho các Thẩm phán đã được bổ nhiệm chính thức, cho các Chánh án có nhiều năm kinh nghiệm.

Việc bồi dưỡng được tiến hành dưới nhiều hình thức:

Học tập trung tại Trường; 

Học tập tại chỗ: làm việc tại Trường, làm việc tại cơ quan hành chính, tham gia vào hoạt động của bệnh viện, nhà tù v.v…

Bồi dưỡng theo chủ đề, như: phá sản, dân sự, y tế… 

Tự đào tạo: Trường cung cấp các phương tiện, tài liệu cho học viên tự học như bài giảng, băng video, nghiên cứu vụ án.

2. Bổ nhiệm Thẩm phán

2.1. Chánh án Tòa án tối cao do Hoàng đế bổ nhiệm theo đề nghị của Nội các. Thẩm phán Tòa án tối cao do Nội các bổ nhiệm và Hoàng đế phê chuẩn. Chánh án Tòa án tối cao ngang cấp với Thủ tướng, Thẩm phán Tòa án tối cao ngang cấp với Bộ trưởng, Tổng Công tố (tương đương Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam).

Thẩm phán Tòa án tối cao là những người có tầm hiểu biết rộng, có kiến thức sâu về pháp luật và từ 40 tuổi trở lên. Trong số 15 Thẩm phán Tòa án tối cao thì ít nhất phải có 10 Thẩm phán được chọn trong số các Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư, Giáo sư, Phó Giáo sư xuất sắc trong các khoa luật. Những Thẩm phán còn lại không nhất thiết phải là luật gia.

Việc bổ nhiệm Chánh án Toà án tối cao và Thẩm phán Toà án tối cao sẽ được cử tri bỏ phiếu tín nhiệm cùng với việc bầu cử Hạ viện. Và cứ sau 10 năm nhân dân lại bỏ phiếu “chuẩn y” việc bổ nhiệm trên tại cuộc bầu cử Hạ viện.

2.2. Thẩm phán Tòa án cấp dưới (Tòa án cấp cao, Tòa án địa phương cấp tỉnh, Tòa án gia đình và Tòa án đơn giản), do Nội các bổ nhiệm theo đề nghị của Tòa án tối cao.

Ủy ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán sẽ thẩm tra các ứng cử viên bổ nhiệm Thẩm phán do Tòa án tối cao đề xuất. Tòa án tối cao sẽ chuyển danh sách nayhf cho Nội các bổ nhiệm. Uỷ ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán gồm 11 thành viên, trong đó 6 người được chọn từ Thẩm phán, Công tố viên, luật sư, 5 người khác được chọn từ giới “thượng lưu” pháp luật.

Để được bổ nhiệm Thẩm phán thì trước hết phải tốt nghiệp Trường đào tạo các chức danh tư pháp và phải có đơn gửi Tòa án tối cao. Ủy ban tư vấn bổ nhiệm Thẩm phán sẽ tư vấn cho Tòa án tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán. Những người được chấp nhận sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán phụ thẩm, sau 10 năm sẽ được bổ nhiệm Thẩm phán chính thức.

2.3. Thẩm phán Tòa án đơn giản được bổ nhiệm trong số những người giữ chức vụ Chánh án Toà án cấp cao, Thẩm phán hoặc từ những người đã hành nghề luật (Thẩm phán phụ thẩm, Công tố viên, Luật sư) từ 3 năm trở lên hoặc từ những Thư ký Tòa án, những người có nhiều kinh nghiệm xét xử thực tiễn hoặc kiến thức nghề nghiệp cần thiết.

Thẩm phán Toà án đơn giản do Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án đơn giản tuyển chọn.

2.4. Nhiệm kỳ của các Thẩm phán (trừ Thẩm phán Tòa án tối cao) là 10 năm. Thẩm phán Tòa án tối cao và Thẩm phán Tòa án đơn giản nghỉ hưu ở tuổi 70, các Thẩm phán khác nghỉ hưu ở tuổi 65.

3.Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán

3.1.  Kỷ luật Thẩm phán: Theo quy định tại Điều 49 Luật Toà án Nhật Bản thì Thẩm phán sẽ bị kỷ luật do vi phạm hoặc có hành vi bất cẩn nghề nghiệp, có hành vi cư xử không đúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của Toà án. Các biện pháp kỷ luật do Toà án tối cao hoặc Toà án cấp cao thực hiện.

3.2.  Bãi nhiệm Thẩm phán: Theo Điều 64 của Hiến pháp Nhật Bản thì: Quốc hội sẽ lựa chọn đại biểu của cả hai Viện (Thượng viện và Hạ viện) để thành lập một Hội đồng xem xét việc bãi nhiệm Thẩm phán. Hội đồng gồm bảy thành viên của hai Viện (nhưng độc lập và không bị ràng buộc bởi quyết định của Quốc hội) sẽ giải quyết vụ việc do Uỷ ban Công tố của Quốc hội đưa ra. Cơ sở bãi nhiệm là hành vi vi phạm hoặc bất cẩn nghiêm trọng và cư xử không đúng làm ảnh hưởng đến quyền lực và uy tín của Thẩm phán (bất kể hành vi đó xảy ra trong hay ngoài thời gian thực hiện công vụ của Thẩm phán). Hội đồng quyết định bãi nhiệm hoặc miễn trách (thông qua đa số 2/3 thành viên).

IV.HÀN QUỐC

1.Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán

1.1. Đào tạo ban đầu

Cũng tương tự như ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc, một người muốn trở thành Thẩm phán, trước tiên phải vượt qua kỳ thi Tư pháp quốc gia và sau đó hoàn thành khoá học 2 năm tại Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp.

Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp được thành lập vào năm 1971 và trực thuộc Tòa án tối cao. Viện có chức năng đào tạo nguồn Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư. Viện trưởng do Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm trong số các Chánh án Tòa án cấp cao.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Hàn Quốc sẽ bãi bỏ mô hình đào tạo này và theo mô hình đào tạo của Mỹ. Theo đó, sau 4 năm học và tốt nghiệp đại học luật, sinh viên được đăng ký theo học tại các trường cao học luật, chương trình 3 năm. Các sinh viên tốt nghiệp cao học luật được coi là đủ trình độ làm việc trong hệ thống tư pháp.

1.2. Bồi dưỡng Thẩm phán

Việc bồi dưỡng Thẩm phán cũng do Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp thực hiện.

Các Thẩm phán mới được bổ nhiệm bắt buộc phải trải qua một khoá bồi dưỡng để chính thức được làm Thẩm phán.

Các Thẩm phán đương nhiệm cũng phải tham gia các khoá bồi dưỡng ít nhất 5 năm một lần.

2. Bổ nhiệm Thẩm phán

2.1. Chánh án Tòa án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội. Các Thẩm phán Tòa án tối cao do Chánh án Tòa án tối cao đề nghị Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội.

Để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao, Ban tư vấn về bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao được thành lập và nằm trong Tòa án tối cao. Ban có 6 đến 8 thành viên, gồm: Chánh án Tòa án tối cao nhiệm kỳ trước, một Thẩm phán có vị trí cao nhất trong số các Thẩm phán hiện có của Tòa án tối cao, Bộ trưởng Bộ Quản lý hành chính Tòa án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư luật Hàn Quốc và 2 thành viên bổ sung do Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm nếu thấy cần thiết. Ban tư vấn sẽ có ý kiến về các ứng viên Thẩm phán Tòa án tối cao, nhưng những ý kiến này không có giá trị ràng buộc Chánh án Tòa án tối cao trong việc đề nghị Tổng thống bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ của Chánh án và Thẩm phán Tòa án tối cao là 6 năm. Giới hạn tuổi của Chánh án Tòa án tối cao là 70 và không được đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thẩm phán Tòa án tối cao ở tuổi 65 có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

2.2. Thẩm phán của các Tòa án cấp dưới do Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao (Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao gồm toàn thể Thẩm phán Tòa án tối cao, do Chánh án Tòa án tối cao làm Chủ tịch). Những người đã tốt nghiệp Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp, nếu không làm Luật sư hoặc Công tố viên mà xin làm Thẩm phán, sẽ phải tập sự trong 2 năm dưới sự hướng dẫn của các Thẩm phán cấp cao, sau thời gian tập sự này họ sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Nhiệm kỳ của các Thẩm phán của Tòa án cấp dưới là 10 năm, có thể được tái bổ nhiệm cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu là 63 tuổi.

3.Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán

3.1. Kỷ luật Thẩm phán: Theo Điều 48 Luật tổ chức Toà án, Hội đồng kỷ luật Thẩm phán trong Toà án tối cao sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với những Thẩm phán vi phạm nghiêm trọng hoặc sơ suất trong khi thi hành nhiệm vụ của mình. Việc kỷ luật cũng có thể được áp dụng đối với những Thẩm phán vi phạm đạo đức, tư cách nghề nghiệp.

Các hình thức kỷ luật bao gồm:

– Đình chỉ công tác (bao gồm cả buộc nghỉ không lương) từ một tháng đến một năm.

– Giảm lương: giảm 1/3 lương từ một tháng đến một năm.

– Khiển trách.

3.2. Bãi nhiệm Thẩm phán: Theo quy định tại Điều 65 (khoản 1) và Điều 106 (khoản 1) Thẩm phán bị bãi nhiệm trong trường hợp bị đàn hạch hoặc bị kết án tù không kèm bắt buộc lao động hoặc bị kết án nặng hơn. (Kỳ sau đăng tiếp)

NGÔ CƯỜNG ( Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT TANDTC)