Bàn về phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sư theo BLTTDS năm 2015

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. BLTTDS năm 2015 cũng quy định đương sự có quyền thay đổi, bổ sung cầu khởi kiện trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Vấn đề đặt ra là theo quy định của pháp luật thời điểm nào đương sự được quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Tòa án sẽ xem xét giải quyết việc đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu như thế nào. Và trong thực tiễn hiện nay có những vướng mắc gì liên quan đến việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự.

1.Về phạm vi khởi kiện ban đầu của đương sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của BLTTDS năm 2015 thì “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Theo quy định này thì trong vụ án dân sự nói chung, đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) có quyền quyết định phạm vi yêu cầu để Tòa án xem xét, giải quyết. Đồng thời Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự. Như vậy, phạm vi khởi kiện của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải xác định đúng và đầy đủ yêu cầu của đương sự trong vụ án.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số vụ án khi xét xử sơ thẩm bị Tòa án cấp trên hủy bản án với lý do: (1) Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự. Ví dụ (1): trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn trả lại phần đất diện tích 300m2. Trong quá trình giải quyết vụ án, sau khi xem xét thẩm định tại chỗ thì phần đất tranh chấp là 400m2. Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án lại giải quyết buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn phần đất diện tích 400m2 là vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn; (2) Hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của đương sự. Ví dụ (2): trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn trả lại số tiền vay còn là 50 triệu đồng và tiền lãi của số tiền vay còn nợ. Khi xét xử Tòa án chỉ giải quyết buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền vay còn nợ mà không xem xét đến yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Về thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của BLTTS năm 2015 thì đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự được thực hiện trước khi Tòa án mở phiên tòa và tại phiên tòa. Tuy nhiên không phải trường hợp nào việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự cũng được Tòa án chấp nhận. Tại tại mục 7, Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án có giải đáp như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.

Tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS năm 2015 cũng có quy định như sau: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Như vậy, nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được Tòa án chấp nhận. Còn nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa thì Tòa án chỉ chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu ghi trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập.

Vậy thế nào là thay đổi yêu cầu, thế nào là bổ sung yêu cầu và thế nào là không vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu thì hiện nay không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn vẫn còn cách hiểu khác nhau. Theo tác giả đương sự thay đổi yêu cầu là việc đương sự đưa ra một yêu cầu khác với yêu cầu ban đầu của họ để Tòa án xem xét giải quyết trong cùng vụ án. Việc thay đổi này không làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp mà chỉ là thay đổi quan hệ pháp luật tranh chấp này sang quan hệ pháp luật tranh chấp khác. Ví dụ (3): theo đơn khởi kiện ban đầu nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại tài sản đã mượn trước đó nhưng vì tài sản này không còn hoặc không còn giá trị sử dụng được nữa nên nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện là yêu cầu bị đơn trả lại giá trị của tài sản mà nguyên đơn cho bị đơn mượn.

Còn đương sự bổ sung yêu cầu là việc đương sự bổ sung thêm yêu cầu ngoài yêu cầu ban đầu của họ và việc bổ sung yêu cầu này làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc làm tăng giá trị yêu cầu hoặc vừa tăng thêm quan hệ pháp luật tranh chấp vừa tăng thêm giá trị yêu cầu. Phần giá trị yêu cầu tăng thêm là có thể đo đếm được như tăng về số tiền, diện tích… Ví dụ (4): Ban đầu nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại gồm toàn bộ chi phí điều trị vết thương. Sau đó, nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là yêu cầu bị đơn bồi thường thêm tiền tổn thất tinh thần. Trường hợp này là bổ sung yêu cầu thuộc trường hợp làm tăng thêm giá trị yêu cầu. Hoặc ví dụ khác (5): Ban đầu nguyên đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bị đơn. Sau đó nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu buộc bị đơn trả tiền vay còn nợ. Trường hợp này là bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp khác là tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.

Đối với vấn đề thế nào không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu thì hiện nay cũng có cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên tác giả đồng quan điểm với cách hiểu sau: Thay đổi, bổ sung yêu cầu nhưng không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu là việc đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nhưng không làm phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp khác ngoài một hoặc nhiều quan hệ pháp luật mà Tòa án đang xem xét giải quyết trong cùng một vụ án hoặc không làm tăng thêm giá trị tranh chấp trong cùng quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án đang xem xét giải quyết.

Ví dụ (6): Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại phần đất bị lấn chiếm. Sau đó, nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu là yêu cầu bị đơn bồi thường tiền thuốc điều trị vết thương do bị đơn gây ra do trước do mâu thuẫn đất đai. Việc nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị vết thương là phát sinh thêm quan hệ pháp luật tranh chấp khác (tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại) là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Có quan điểm cho rằng việc đương sự bổ sung yêu cầu làm tăng giá trị yêu cầu nhưng trong cùng quan hệ pháp luật tranh chấp thì không coi vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Ví dụ (7): Ban đầu nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại 200m2. Sau đó, nguyên đơn bổ sung yêu cầu là yêu cầu bị đơn trả thêm 50m2 đất nữa, tổng cộng là 250m2 đất. Tác giả không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ như tác giả đã trình bày yêu cầu khởi kiện của đương sự phải thể hiện trong đơn khởi kiện và yêu cầu này được coi là yêu cầu khởi kiện ban đầu. Nếu nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu 50m2 đất tức là làm tăng thêm giá trị yêu cầu so với yêu cầu khởi kiện ban đầu. Trường hợp này nguyên đơn phải nộp thêm tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án. Tòa án cũng phải thông báo thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự khác trong vụ án biết như khi thụ lý vụ án ban đầu. Như vậy, trong ví dụ (7) này thì việc nguyên đơn bổ sung yêu cầu thêm 50m2 đất là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Một điều cần phải lưu ý là, Tòa án chỉ xem xét yêu cầu của đương sự có vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu hay không là trong trường hợp đương sự có thay đổi, bổ sung yêu cầu tại phiên họp hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần giải thích rõ ràng và trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cho tất cả đương sự trong vụ án biết quy định của pháp luật về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu cũng như hậu quả pháp lý của việc thay đổi, bổ sung yêu cầu. Từ đó sẽ hạn chế được trường hợp đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu nhưng không được Tòa án chấp nhận dẫn đến việc đương sự phải khởi kiện một vụ án khác gây mất thời gian, công sức, chi phí cho đương sự và cả cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn

Thông qua việc nghiên cứu quy định của pháp luật và công tác thực tiễn xét xử, tác giả thấy có một bất khó khăn vướng mắc sau:

3.1 Đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu tại hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ hai trở lên có được chấp nhận không?

Theo như Tòa án nhân dân tối cao có giải đáp thì “Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”. Theo tác giả hiểu, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong trường họp này là phiên họp lần thứ nhất. Tuy nhiên vì không giải đáp rõ là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy nên thực tiễn hiện nay có Thẩm phán hiểu và vận dụng giải đáp này theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như sau khi Tòa án đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất thì nguyên đơn mới bổ sung yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp này có Thẩm phán tổ chức lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và chấp nhận yêu cầu bổ sung của đương sự với lý do là nếu không chấp nhận yêu cầu bổ sung thì Tòa án sẽ không giải quyết hết các vấn đề mà đương sự tranh chấp, thậm chí có thể kéo dài việc giải quyết vụ án tranh chấp nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu bổ sung và vì Tòa án nhân dân tối cao không nêu rõ là sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu bổ sung của đương sự nếu yêu cầu bổ sung đó vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Tuy nhiên cũng có Thẩm phán giải quyết tình huống trên bằng cách không chấp nhận yêu cầu bổ sung của nguyên đơn. Nhưng hướng dẫn đương sự khởi kiện một vụ án khác. Sau đó, nhập hai vụ án lại thành một vụ án để tiếp tục giải quyết.

3.2 Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, đương sự bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập mặc dù vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu nhưng có lý do chính đáng thì có được chấp nhận không?

Thực tiễn vẫn có trường hợp xảy ra đó là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, đương sự bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập mặc dù vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu nhưng có lý do chính đáng như bị thiên tai, lũ, bị tai nạn… mà không kịp thời gian gửi đơn cho Tòa án trước ngày Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vậy trong trường hợp này Tòa án có chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự không. Theo quan điểm tác giả trong trường hợp này Tòa án vẫn phải chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn hoặc giải đáp nên thực tiễn vẫn còn đang vướng mắc.

3.3 Nguyên đơn, bị đơn đề nghị giải quyết nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì Tòa án có xem xét giải quyết đề nghị của nguyên đơn và bị đơn không?

Vướng mắc này liên quan đến quyền quyết định và định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015. Theo Điều 5 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án chỉ thụ lý xem xét giải quyết vụ việc dân sự khi đương sự có đơn khởi kiện (yêu cầu) và Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện (yêu cầu) đó của đương sự. Tác giả xin nêu một ví dụ để trao đổi thêm về vấn đề này.

Ví dụ (8): Trong vụ án hôn nhân và gia đình, nguyên đơn là chị A yêu cầu ly hôn anh B và yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh B có có nghĩa vụ trả trả ½ số nợ chung của vợ chồng chị cho bà C. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh B không thừa nhận có nợ tiền bà C và bà C có văn bản gửi cho Tòa án có nội dung là chưa có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị A và anh B trả nợ. Hiện nay có quan điểm thứ nhất cho rằng Tòa án vẫn xem xét giải quyết buộc chị A và anh B trả nợ cho bà C nếu có chứng cứ là chị A và anh B có nợ tiền bà C mặc dù bà C không có đơn yêu cầu độc lập. Tuy nhiên cũng có quan điểm thứ hai cho rằng bà C không có yêu cầu chị A và anh B trả nợ nên Tòa án sẽ không xem xét giải quyết. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì: thứ nhất, bà C là chủ nợ nên bà C có quyền yêu cầu hoặc chưa yêu cầu chị A và anh B có nghĩa vụ trả nợ cho bà A trong vụ án hôn nhân và gia đỉnh này. Thứ hai, bà C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có đơn yêu cầu độc lập nên Tòa án sẽ không xem xét giải quyết nợ chung của chị A và anh B theo yêu cầu của chị A. Thứ ba, việc Tòa án không giải quyết nợ chung của vợ chồng chị A không ảnh hưởng gì đến việc ly hôn của chị A và anh B. Sau khi Tòa án giải quyết việc ly hôn của chị A và anh B thì bà C cũng có quyền khởi kiện yêu cầu chị A và anh B trả nợ nếu hai bên có phát sinh tranh chấp.

3.4 Đương sự không có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết công sức đóng góp của họ thì Tòa án có xem xét giải quyết hay không?

Trong nhiều vụ án, Tòa án buộc phải xem xét công sức đóng góp của đương sự trong vụ án như vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, vụ án đòi lại đất cho thuê, mượn; vụ án tranh chấp chia thừa kế,…Nếu không sẽ bị Tòa án cấp trên hủy hoặc sửa một phần bản án với lý do chưa xem xét giải quyết toàn diện vụ án. Vấn đề đặt ra là nếu đương sự không có đơn yêu cầu Tòa án xem xét công sức đóng góp của họ thì Tòa án có buộc đương sự khác phải thanh toán phần công sức đóng góp của họ hay không.

Ví dụ (9): Trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, nguyên đơn cho rằng bị đơn đang sử dụng đất mà nguyên đơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên yêu cầu bị đơn trả lại. Bị đơn cho rằng đất tranh chấp là do ông bà để lại và đã canh tác, tu bổ đất mấy chục năm nay. Quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ chứng minh phần đất tranh chấp là của nguyên đơn nên Tòa án buộc bị đơn trả lại đất cho nguyên đơn. Ngoài ra, Tòa án buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn một số tiền để bù đắp công sức đóng góp, tu bổ vào đất của bị đơn.

Có quan điểm cho rằng, Tòa án giải quyết buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn một số tiền để bù đắp công sức đóng góp, tu bổ vào đất là đúng và không cần phải có yêu cầu phản tố của bị đơn vì bị đơn cho rằng đất tranh chấp là của họ, Tòa án không thể giải thích hoặc hướng dẫn bị đơn yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn phải thanh toán tiền công sức đóng góp, tu bổ vào phần đất mà bị đơn cho rằng là của họ. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng Tòa án giải quyết như vậy là không đúng quy định pháp luật. Bởi vì việc buộc bị đơn trả lại đất cho nguyên đơn và buộc nguyên đơn thanh toán tiền công sức đóng góp, tu bổ vào đất cho bị đơn là hai vấn đề khác nhau. Tòa án chỉ xem xét trong phạm vi đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn một số tiền để bù đắp công sức đóng góp, tu bổ vào đất là vượt quá phạm vi đơn khởi kiện. Trong vụ án này, phía bị đơn hoàn toàn có quyền phản tố yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán lại tiền công sức, đóng góp của bị đơn vào phần đất bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn. Nhưng vì bị đơn không có yêu cầu phản tố nên Tòa án sẽ không xem xét.

Kết luận: Việc xác định đúng, đầy đủ phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự trong vụ án là hết sức quan trọng. Làm cho việc giải quyết vụ án đúng bản chất và toàn diện. Quy định về thời điểm và trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự là quy định tiến bộ. Nhằm hạn chế việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, hạn chế công sức, chi phí của đương sự và cả cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên với những vướng mắc, khó khăn mà tác giả nêu ra trong bài viết này cho thấy nhận thức trong thực tiễn về phạm vi khởi kiện, quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự vẫn còn khác nhau. Thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao cần có những giải đáp hoặc hướng dẫn cụ thể hơn về các khó khăn, vướng mắc này để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)