Bàn về tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”

BLHS năm 2015 có hai quy định đó là “Côn đồ” và “Có tính chất côn đồ”, xét về mặt bản chất đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong thực tế, phân biệt rõ ràng “côn đồ” và “có tính chất côn đồ” chưa được rạch ròi, dẫn đến có trường hợp lúng túng trong giải quyết vụ án.

Thực tiễn xét xử

Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC giải thích về “Côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt… Như vậy, côn đồ chính là bản tính, tính cách của con người nó luôn tồn tại song song với con người và đó là một đặc điểm gắn liền của con người.

Hành vi “Có tính chất côn đồ” hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định, đây là một khái niệm hoàn toàn mang yếu tố định tính việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không chủ yếu dựa vào cảm quan của người đánh giá. Hiện nay thực tế một số vụ án chỉ dựa vào một yếu tố để đánh giá hành vi phạm tội đó có tính côn đồ là không phù hợp ví dụ: Vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà đánh người vô cớ, hay vì nhân thân xấu…, việc đánh giá một hành vi có tính côn đồ hay không phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Qua nghiên cứu thực tiễn giải quyết các vụ án phạm tội có tính côn đồ có thể đánh giá qua một số vụ án sau:

+ Án lệ số 17/2018.

Nội dung Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm. “Khoảng 08h ngày 13-01-2015, do có mâu thuẫn trong sinh hoạt nên xảy ra xô xát giữa các con của ông Dương Quang Q là Dương Quang T, Dương Quang R và Dương Quang K với ông Dương Quang H, Dương Quang L và Nguyễn Văn H. Các con của ông Q dùng tay, chân đấm đá vào người ông Dương Quang H làm ông H bị xây xát nhẹ. Thấy bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Q đánh, Nguyễn Văn H gọi điện báo cho Trần Quang V (là con rể của ông H). Biết tin bố vợ bị đánh, V đi từ Hà Tĩnh về Thừa Thiên Huế và rủ thêm Phạm Nhật T cùng đi đánh ông Q. Khi đi, V và T lấy ở nhà T 02 cây mã tấu, bỏ vào túi vợt cầu lông rồi mang theo. Khoảng 16 giờ ngày 19-01-2015, V chở T đến thị trấn Lăng Cô và gọi điện cho H đến nhậu cùng. Tại quán nhậu H nói với V “Ba bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”. V hỏi H địa chỉ nhà ông Q ở đâu và đặc điểm nhận dạng ông Q như thế nào. Nghe H nói xong, V nói với T “Tý nữa nhậu xong tau với mi đi đánh lại”, H nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Sau đó, H về trước, V và T vẫn tiếp tục nhậu.

Khoảng 17 giờ 45 phút, khi đang thanh toán tiền, Trần Quang V nói với Phạm Nhật T “Có gì tao vào đánh, người dân ra thì mi chặn lại”, T đồng ý và lên xe máy để V chở đến nhà ông Q. Sau khi chạy vòng quanh nhà ông Q, biết ông Q không có ở nhà, V dừng xe ở một chỗ vắng người, lấy vải nilon che biển số xe rồi chở T đi lên cầu Lăng Cô đứng đợi. Đến khoảng 18 giờ, V chở T vòng xe quay lại đến trước nhà ông Q và nhìn thấy ông Q đang cúi người mở cổng. V dừng xe mở túi vợt cầu lông lấy ra 01 cây mã tấu có lưỡi hình răng cưa rồi chạy đến chém liên tiếp vào đầu, mặt, lưng, chân và tay ông Q làm ông Q bị ngã gục xuống đất. Do nhiều người dân xung quanh nhìn thấy hô hoán và chạy đến nên T cầm mã tấu đe dọa, ngăn chặn tạo điều kiện cho V chạy đến chỗ để xe máy và nổ máy tẩu thoát. Khi đến gần đèo Phú Gia, V gọi điện thoại cho H hỏi về tình trạng thương tích của ông Q. H hỏi lại V “Thế em có chém ông Q không? Ông Q đi Bệnh viện rồi”. Gọi điện thoại cho H xong V gọi điện cho Dương Quang L nói “Anh vừa mới chém ông Q xong! Em ở đâu, về cất 02 cây mã tấu cho anh!”. Nghe V điện xong L ra đường đứng đợi V và T đến. T đưa cho L túi vợt cầu lông đựng 02 cây mã tấu nhờ L cất giấu rồi V tiếp tục chở T về nhà của V và ngồi uống bia với T. Sau khi L đưa túi đựng 02 cây mã tấu về nhà nhờ ông Dương Quang H cất hộ, ông H đem túi này sang nhà bếp của ông Hồ T (bố vợ của ông H) cất giấu. Ông Dương Quang Q được người dân đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện thành phố Đà Nẵng đến ngày 03-02-2015 thì được ra viện”.

+ Bản án số 125/2019/HS-PT Ngày: 28-02-2019 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Vào lúc 21 giờ, ngày 30/4/2018, tại nhà số 67/30, ấp 7, xã F, huyện Q, anh Trần Đình K cùng nhóm bạn bè gồm Võ Minh S, Nguyễn Vũ Hùng C, Nguyễn Hoàng V và 02 người thân trong gia đình gồm anh Nguyễn C, Nguyễn Q tổ chức ăn uống bia và hát karaoke. Đến 21 giờ 11 phút cùng ngày, lúc anh Nguyễn C cầm micro hát karaoke thì anh V dùng tay giật micro từ anh C rồi cầm micro vừa hát vừa dùng tay gõ trên bàn. Võ Minh S thấy anh Nguyễn Hoàng V có hành động ngang nhiên nên tức giận dùng tay phải lần lượt cầm 01 ly có quai và 01 ly không có quai đánh 02 cái vào đỉnh đầu và dùng tay đánh vào bụng của anh Nguyễn Hoàng V làm anh V té ngã. Tiếp sau đó anh V vừa đứng dậy thì Nguyễn Vũ Hùng C cầm ly thủy tinh có quai tiếp tục đánh trúng vào ngay mí mắt và trán bên phải của anh V làm vỡ ly tạo nhiều vết thương ở trán, quanh mắt, khóe môi trên và môi dưới của anh V. Sau khi đánh anh V gây thương tích thì S và C bỏ chạy khỏi nhà anh K, còn V được nười nhà anh K đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quận T và chuyển đến Bệnh viện 115 điều trị.

+ Bản án số 100/2017/HSST ngày 30-11-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Vào khoảng 20 giờ 10 phút ngày 10-4-2017, sau khi uống rượu xong, C đi về nhà số 410/20 đường Q, Khóm 5, Phường 2, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng, khi đi đến hẻm thì gặp Huỳnh Trung Thanh B một mình điều khiển xe mô tô từ hướng nhà của C ra ngoài hẻm. Trong lúc C và B nói chuyện với nhau thì xảy ra cự cãi, C mới dùng dao loại dao làm cá, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại màu đen có chiều dài khoảng 36cm, C dùng tay trái cầm dao chém vào người anh B nhiều dao trúng vào đầu, mặt, thái dương, cổ, tay … Sau khi gây thương tích cho anh B xong thì C đem cây dao về nhà cất giấu, còn B chạy vào nhà chị Tiền Thị Tuyết V nhờ báo công an dùm. Sau đó, B tự điều khiển xe đến Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cấp cứu và điều trị đến ngày 19-6-2017 thì xuất viện.

+ Bản án số: 36/2019/HS-PT Ngày 28 – 3 – 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông.

Sau khi uống rượu, Bùi Văn T và anh Đỗ Văn M hát karaoke tại phòng Vip 1 của quán T (Bon P, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông) vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 10-8-2018. Khi Bùi Văn T đi ngang qua phòng Vip 2 thấy bên trong có người đang hát, T nhầm là người quen nên vào phòng rót bia mời mọi người uống nhưng không ai uống; những người trong phòng Vip 2 gồm có anh Đàm Trung Th, anh Hoàng Văn H, anh Hứa Văn T, anh Huỳnh Thanh T và anh Võ Anh B. Khi anh M vào phòng nói T về nhưng T không về nên anh Th đi đến dùng tay đẩy T ra phía cửa; T dùng tay phải lấy con dao tự chế trong túi quần và đâm anh Th 01 nhát vào sườn trái rồi vứt dao lại rồi bỏ chạy về nhà; anh Th được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đ.

Các yếu tố xác định hành vi côn đồ

Từ nghiên cứu nội dung các vụ án nêu trên có thể khái quát một số yếu tố để xác định hành vi phạm tội có tính côn đồ bao gồm:

Thứ nhất: Ý thức của hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Đây là một yếu tố quan trọng, quyết định hành vi phạm tội của một người có tính côn đồ hay không. Theo Từ điển Tiếng Việt “Ý thức là những suy nghĩ, những tính toán hình thành trong ý nghĩ của con người khi thực hiện một công việc nào đó”, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ đó là hình thành quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội, là sự chủ động trong hành vi.

Trong khoa học pháp lý, ý thức tội phạm khi hình thành sẽ giúp cho con người có mong muốn thực hiện bằng mọi giá hành vi của mình và cũng nhờ ý thức giúp vượt qua mọi khó khăn, rào cản, đây là yếu tố thúc đẩy các yếu tố để cụ thể hóa các hành vi khác vận dụng vào trong tội phạm, hay nói cách khác đó là tiền đề cho mọi yếu tố khác trong hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Thứ hai: Sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội của hành vi phạm tội có tính chất côn đồ.

Khi hình thành ý thức phạm tội và để mục đích thực hiện được hành vi phạm tội thì người phạm tội phải có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội ví dụ như: Dao, kiếm, gậy… đây là những yếu tố có mục đích hỗ trợ cho hành vi phạm tội được thực hiện một cách đúng như ý thức đã hình thành trước đó. Ngoài ra, cũng có những người luôn chuẩn bị sẵn các loại hung khí mang tính sát thương cao để sẵn sàng sử dụng khi có va chạm hoặc vì bất cứ lý do gì, đây cũng là một dạng hành vi thể hiện tính chất côn đồ.

Thứ ba: Mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi.

Mức độ tấn công và cường độ tấn công là hai thái cực thể hiện tính quyết liệt trong hành vi của người phạm tội có tính chất côn đồ hay không, thông thường một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không thể hiện rất rõ ở dấu hiệu này, một người thực hiện một hành vi phạm tội với mức độ tấn công, cường độ tấn công nhanh, mạnh, thực hiện nhiều làn và liên tục và quyết liệt bất kể mọi người có sự can ngăn nhưng vẫn thực hiện thậm chí là có hành vi đe dọa người khác nếu không để cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí công khai ngang nhiên thách thức các lực lượng chức năng thực thi công vụ đây cũng là một yếu tố thể hiện tính côn đồ trong hành vi phạm tội.

Thứ ba: Nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội có tính côn đồ.

Đây hoàn toàn không phải là yếu tố quan trọng, vì dù bất cứ lý do gì có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác đều đều vi phạm pháp luật và nhưng thông thường nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có tính côn đồ là những lý dọ vụn vặt, những va chạm, xích mích nhỏ nhặt và những nguyên nhân đó chỉ là cái cớ để một người thực hiện hành vi phạm tội đó chính là sự thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật.

Thứ tư: Nhân thân của người phạm tội.

Thông thường khi đánh giá một người có nhân thân để từ đó đánh giá hành vi của họ có tính côn đồ hay không phải đánh giá một cách toàn diện như mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh sống, thái độ và quan điểm sống của người đó để đánh giá cho phù hợp.

Như vậy việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố cần đánh giá một cách toàn diện mới xác định một cách chính xác, khách quan.

“Côn đồ” là đánh giá về bản tính con người còn hành vi “Có tính chất côn đồ” cần đánh giá và bám vào hành vi phạm tội cụ thể. Một người côn đồ nhưng lúc họ thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc hành vi đó đã “Có tính chất côn đồ” thực tiễn trong nhiều vụ án đã có sự đồng nhất hai khái niệm này.

Từ những sự phân tích nêu trên có thể nhận thấy:

Thứ nhất: Cần có sự phân biệt và tách bạch giữa hai khái niệm “Côn đồ” và hành vi phạm tội “Có tính chất côn đồ” để khi áp dụng cho phù hợp. Côn đồ là khái niệm mang tính chất bổ trợ cho hành vi “Có tính côn đồ” khi đánh giá chủ yếu đánh giá tính chất của hành vi đó có tính chất côn đồ hay không?

Thứ hai: Khi đánh giá hành vi có tính côn đồ hay không phải đánh giá chủ yếu là xem xét diễn biến của hành vi phạm tội như ý thức của người phạm tội; có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; tính chất phạm tội có quyết liệt hay không? Mức độ tấn công, cường độ tấn công…phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố để đánh giá cho phù hợp.

 

TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế  xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Võ Anh Tuấn cùng 9 đồng phạm về tội “Giết người”. Ảnh: Quang Công/NĐT

 

 

 

 

 

 

TRẦN VĂN HÙNG (Thẩm phán TAQS Khu vực 1 QK4)