Công ước Singapore về hòa giải – một thời đại mới xuất hiện
Ngày 17/9, TANDTC tổ chức Hội thảo trực tuyến về Hòa giải và Công ước Liên Hợp Quốc về thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (Công ước Singapore về hòa giải). Ông Sundaresh Menon - Chánh án Tòa án tối cao Singapore đã có bài giới thiệu rất hữu ích với tựa đề “Công ước Singapore về hòa giải – một thời đại mới xuất hiện”, giới thiệu về hòa giải và Công ước Singapore. Tapchitoaan.vn xin lược ghi bài phát biểu quan trọng này.
1.Một bước ngoặt trong hòa giải thương mại quốc tế
Ngày 7/8/2019, các đoàn đại biểu đến từ 70 quốc gia, bao gồm khoảng 1.600 nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ, giới kinh doanh, thẩm phán, luật sư và các học giả đã tụ họp tại Singapore để tham gia lễ ký kết và hội nghị. Tổng số 46 nước đã ký kết Công ước, bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (Mỹ và Trung Quốc); ba trên bốn nền kinh tế lớn nhất Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc); và năm nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Lào, Philippines và Singapore). Khi ban hành Công ước, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định đặt tên Công ước là Singapore, và nay Công ước được gọi là “Công ước Singapore về Hòa giải”.
Công ước Singapore về Hòa giải không chỉ như một bước ngoặt phát triển của hòa giải thương mại quốc tế, mà còn là nền tảng cho hợp tác đa phương và thương mại quốc tế. Khi mà những nỗ lực quốc tế về hòa giải rất mạnh mẽ và sôi nổi trong nhiều năm, chủ yếu là do công việc của những sáng kiến và tổ chức như Viện Hòa giải quốc tế (IMN), UNCITRAL, và Hội nghị toàn cầu Pound, không nghi ngờ gì nữa, Công ước là một trong các đỉnh cao của giải pháp hợp tác về hòa giải.
Bài phát biểu của Chánh án Singapore có ba phần. Thứ nhất, cách thức tiếp cận của Singapore về hòa giải, xem xét vắn tắt các cơ chế và những người tham gia trong lĩnh vực hòa giải tại Singapore. Thứ hai, sự phát triển và vận hành của Công ước Singapore. Thứ ba, hòa giải thương mại quốc tế sẽ trở nên nổi bật và phổ biến, cho phép nó diễn ra song song với trọng tài thương mại và tố tụng tại tòa án.
2.Khảo sát về hòa giải tại Singapore
Hòa giải tại Singapore vào đầu những năm 1990 ở thời kỳ phôi thai và cơ bản bị bỏ qua. Một khảo sát thực hiện năm 1991 cho thấy rằng những người hành nghề công nghiệp xây dựng “chỉ hiểu biết sơ sài” về hòa giải, và phần còn lại trong khu vực tư nhân chỉ “thỉnh thoảng lắm’ mới sử dụng hòa giải. Nhận xét rằng chỉ có khi hòa giải gắn liền với tòa án bùng nổ thì nhận thức về hòa giải như là một biện pháp thay thế cho tố tụng mới bắt đầu phát triển. Mãi đến năm 1994, một quyết định quan trọng được đưa ra để thúc đẩy sử dụng các qui trình giải quyết tranh chấp thay thế (ADR), đặc biệt là hòa giải. Quyết định này có động lực từ bốn mục tiêu: thứ nhất, kiểm tra lại việc người Singapore có khuynh hướng quá thiên về tố tụng; thứ hai, một biện pháp giải quyết tranh chấp ít tốn kém và đối nghịch hơn; thứ ba, giảm nhẹ khối lượng công việc của tòa án; và thứ tư, thúc đẩy giải quyết tranh chấp hài hòa theo cách thức phù hợp với văn hóa Á Châu.
Tại Lễ khai mạc Năm Tư pháp 1996, Chánh án Chan Sek Keong, khi đó là Bộ trưởng Tư pháp, nhận xét rằng hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp hài hòa hơn và tốt hơn so với tố tụng. Những nhận xét này chứng minh một động lực ngày càng phát triển ủng hộ hòa giải, dẫn tới việc Chánh án Yong Pung How thành lập Trung tâm Hòa giải Singapore (SMC) ngày 16/8/1997. Như Chánh án công bố, nhiệm vụ của SMC là làm “trung tâm hòa giải đầu tầu”, “dẫn dắt việc thúc đẩy hòa giải tư nhân, không dựa vào tòa án tại Singapore và phục vụ khu vực công, các nghề nghiệp và giới kinh doanh,” với quan điểm thậm chí mở rộng “dịch vụ tránh tranh chấp, quản lý tranh chấp và cơ chế ADR” của nó ra nước ngoài.
Một trong những nguyên lý quan trọng trong triết lý giải quyết tranh chấp của Singapore là hòa giải, tố tụng và trọng tài, mỗi phương thức đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, và có thể và phải sử dụng chúng một cách sáng tạo, bổ sung cho nhau nhằm đạt được kết quả tối ưu cho các bên và cộng đồng. Do vậy, Singapore đặt trọng tâm bình đẳng trong cả chính sách ngăn chặn, thông qua hòa giải; và giải quyết tranh chấp; thông qua tố tụng và trọng tài, trong khung khổ giải quyết tranh chấp.
Tòa án bang là “phòng máy” của hệ thống Tòa án Singapore, quản lý khối lượng công việc hằng năm khoảng 350.000 vụ án. Hướng dẫn thực hành của Tòa án ghi nhận “thử nghiệm giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cho tất cả các tranh chấp dân sự. Tòa án khuyến khích các bên cân nhắc lựa chọn ADR như “điểm dừng đầu tiên” để giải quyết tranh chấp trong giai đoạn sớm nhất có thể, và “tất nhiên”, Tòa án sẽ chuyển những vụ việc phù hợp sang kênh giải quyết tranh chấp tòa án hay hình thức ADR khác. Tòa án bang cũng áp dụng hòa giải cho những vụ việc hình sự ít nghiêm trọng, bắt đầu bằng khiếu nại đến Thẩm phán cấp thấp. Các bên có thể được hướng dẫn tham gia hòa giải hình sự do Thẩm phán cấp thấp hoặc Thẩm phán Hòa bình tiến hành, và nếu vụ việc được thỏa thuận giải quyết, thì khiếu nại được rút lại và không tiến hành bất kỳ hoạt động nào nữa. Tháng 10/2018, Tòa án bang cũng đưa thêm thương lượng vào kho công cụ ADR của mình. Đây là một qui trình qua đó một nhà thương lượng – Thẩm phán hướng dẫn và giúp đỡ các bên đạt được một kết quả ngoài tòa án bằng cách tích cực đưa ra các biện pháp hoặc đề xuất mà các bên có thể cân nhắc.
Hòa giải đóng vai trò quan trọng trong qui trình của Tòa án tối cao. Trong suốt vụ án, thẩm phán chủ tọa hoặc nhân viên tư pháp tổ chức hội nghị quản lý vụ án tại đó các bên được khuyến khích khai thác khả năng hòa giải hoặc dùng hình thức ADR khác. Những vụ án phù hợp được chuyển sang hòa giải tại SMC. Khi thực thi quyền tùy quyết quyết định chi phí, tòa án cũng có thể cân nhắc cách thức xử sự của các bên về bất kỳ nỗ lực nào giải quyết tranh chấp thông qua ADR. Điều này tạo động lực cho các bên cân nhắc nghiêm túc hòa giải hoặc hình thức ADR khác để giải quyết tranh chấp của mình.
Các đại biểu dự hội thảo tại đầu cầu trụ sở TANDTC – Ảnh: Vũ Dinh
Hòa giải là đặc trưng chính trong hệ thống công lý gia đình của Singapore. Ủy ban Công lý Gia đình, là một nhóm liên đơn vị được thành lập để nghiên cứu và đề xuất các khả năng cải cách hệ thống công lý gia đình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu các gia đình đang có vấn đề đã tiến hành một rà soát tổng hợp trong khoảng thời gian một năm rưỡi. Ủy ban nhận thấy rằng qui trình tranh tụng tại tòa án đóng góp rất ít, nếu có, vào việc duy trì mối quan hệ giữa các bên rõ ràng còn tồn tại sau qui trình tố tụng tòa án. Nhận thức rằng cần đặt trọng tâm cao hơn nữa vào hòa giải, chúng tôi cải cách hệ thống công lý gia đình bằng cách buộc hòa giải những cặp đôi ly hôn có con cái dưới 21 tuổi, và trao quyền cho thẩm phán Tòa án gia đình ra lệnh cho các bên tham gia hòa giải và tham vấn trong những vụ án khác.
Ngoài hòa giải gắn liền với tòa án, Singapore cũng có lĩnh vực hòa giải tư nhân rất sôi động. Như SMC, Trung tâm đến nay đã hòa giải hơn 4.000 vụ việc hòa giải thương mại, với tỷ lệ thỏa thuận hòa giải khoảng 70% và hơn 90% các tranh chấp này được giải quyết trong một ngày làm việc duy nhất. Bên cạnh SMC là Trung tâm hòa giải quốc tế Singapore (SIMC), được ra mắt năm 2014 như là đơn vị hòa giải đầu tiên tại Châu Á tập trung vào dịch vụ hòa giải thương mại. SIMC có kết quả hoạt động tuyệt vời, tỷ lệ hòa giải giải quyết là 85% năm 2017, so với mức trung bình trên toàn cầu là 70%. Trong số những dự án cải cách của mình, có lẽ dự án nổi tiếng nhất là dự án hợp tác với Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) xây dựng lên giao thức “Trọng tài – Hòa giải – Trọng tài” [“Arb-Med-Arb”]. Theo giao thức này, trước hết, thủ tục trọng tài được bắt đầu tại SIAC. Khi hội đồng được thành lập, thủ tục trọng tài bị đình chỉ và vụ việc được chuyển sang hòa giải tại SIMC. Nếu vụ việc hòa giải thành, thì hội đồng sẽ ban hành quyết định đồng thuận phản án những điều khoản của thỏa thuận giải quyết. Nếu không, thì thủ tục trọng tài được tiếp tục.
Ở cấp cộng đồng, các Trung tâm hòa giải cộng đồng (CMC) được thành lập năm 1998 để cung cấp một biện pháp giải quyết tranh chấp giữa hành xóm, thành viên trong gia đình và bạn bè ít đối nghịch hơn. CMC hòa giải các tranh chấp do chính các bên đưa lên, hoặc do Tòa án bang, Lực lượng cảnh sát Singapore hoặc các cơ quan cấp cộng đồng chuyển sang. Từ khi được thành lập, các CMC đã hòa giải hơn 9.000 vụ việc, tỷ lệ giải quyết hơn 70%.
3.Công ước Singapore và hòa giải thương mại quốc tế
3.1 Lợi ích và nghịch lý
Hòa giải mang lại bốn lợi ích cơ bản.
Thứ nhất, hòa giải đã tự chứng minh rằng nó là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả về chi phí. Khác với trọng tài và tố tụng, hòa giải không bị giới hạn bởi những hạn chế thủ tục tố tụng làm kéo dài qui trình giải quyết tranh chấp và tăng chi phí liên quan.
Thứ hai, bằng cách tập trung vào thỏa thuận, hòa giải nhìn chung thúc đẩy giải quyết tranh chấp nhanh chóng hơn. Ngược lại, các bên tham gia và tố tụng hoặc trọng tài thường bị lôi kéo vào trận chiến thủ tục tố tụng phức tạp, mất thời gian thậm chí trước khi đi vào vấn đề nội dung.
Thứ ba, qui trình hòa giải đặc biệt phù hợp với những người không chuyên nghiệp bởi vì nó khá dễ hiểu và dễ tham gia, chắc chắn là khi so sánh với trọng tài hoặc tố tụng, và bằng cách đó, hòa giải tăng cường tiếp cận công lý.
Cuối cùng – và có lẽ quan trọng nhất – hòa giải có xu hướng thúc đẩy sự hài hòa và duy trì mối quan hệ giữa các bên, những người này được khuyến khích chấp nhận tầm nhìn dài hạn cho mối quan hệ của họ và ghi nhận rằng thiệt hại của việc tiếp tục xung đột có thể xẩy ra đối với các lợi ích lớn hơn của họ.
Chúng ta thường nghĩ về tố tụng tại tòa án như là biện pháp chính giải quyết tranh chấp, cùng với ADR – như tên của nó đã chỉ ra – như là một lựa chọn thứ cấp hoặc thấp hơn, hoặc cao nhất là liền kề với tố tụng tòa án. Sự thật không còn như vậy nữa. Thời gian đã cho chúng ta thấy hòa giải là một công cụ thiết yếu trong bộ dụng cụ giải quyết tranh chấp của chúng ta, với những điểm mạnh và lợi thế độc nhất cho phép lý giải cho việc lựa chọn hòa giải là lựa chọn đầu tiên đối với rất nhiều loại tranh chấp.
Công lý được thực thi phải tỷ lệ với nhu cầu và lợi ích của các bên và tranh chấp. Một qui trình giải quyết tranh chấp bòn rút nguồn lực của các bên, phóng đại sự khác biệt, tạo điều kiện chứ không phải là ngăn chặn sự đổ vỡ mối quan hệ chung trong việc chuyên tâm theo đuổi kết quả sẽ thường chỉ dẫn tới một chiến thắng phải trả giá đắt. Kết quả đó làm suy yếu, chứ không thúc đẩy, niềm tin vào khả năng của qui trình mang lại cuộc sống tốt hơn cho những người tham gia. Hòa giải không chỉ có khả năng tham gia cao hơn, mà còn duy trì tốt hơn mối quan hệ, mà mối quan hệ đó về tổng thể có thể giá trị hơn nhiều so với một phán quyết bồi thường hoặc đền bù một lần, hoặc một tuyên bố về đúng sai. Nói cách khác, hòa giải và các hình thức ADR khác đôi khi hiệu quả hơn trong việc thi hành công lý tương xứng.
Cái mà chúng ta cơ bản yêu cầu không chỉ là một khái niệm rộng hơn về nguyên tắc pháp quyền, mà cả một tầm nhìn rộng hơn về công lý yêu cầu cái gì. Luật gia nổi tiếng người Mỹ Roscoe Pound đã có lần nhận xét rằng công lý không phải là luật, mà là kết quả của luật. Nói cách khác, khi mà luật phục vụ công lý, công lý rộng hơn luật. Luật và qui trình của luật chỉ là phương thức có thể đạt được công lý, nhưng không được phép định nghĩa công lý là gì và công lý yêu cầu gì – và thông thường, cái mà các bên thực sự muốn không chỉ là việc xét xử chính xác quyền và nghĩa vụ, mà cả việc duy trì “sự hài hòa, hòa hợp, cân bằng và bình đẳng. Công lý là mục tiêu của luật, và mục đích của công lý là đạt được hòa bình. Qua thấu kính này chúng ta phải xem xét những phê phán về “mất đi luật pháp” là hậu quả của ADR, và tránh nhầm lẫn phương tiện và kết quả.
Như vậy, bất kể những thuộc tính và lợi ích của mình, tại sao hòa giải không đạt được sự nổi bật quốc tế cao hơn như là một phương thức giải quyết tranh chấp? Năm 2016, Viện Luật Singapore tiến hành khảo sát 500 luật sư thương mại và luật sư nội bộ chuyên xử lý các giao dịch thương mại xuyên biên giới tại Singapore và khu vực. 71% người trả lời cho biết biện pháp giải quyết tranh chấp ưa thích của họ là trọng tài, 24% chọn tố tụng, và chỉ 5% ủng hộ hòa giải. Khuynh hướng này không chỉ giới hạn tại Châu Á. Năm 2014, trong một khảo sát 816 chuyên gia trên toàn khối liên minh Châu Âu, Tổng Giám đốc Chính sách nội khối EU nhận thấy rằng bất kể tỷ lệ thành công và mức độ hài lòng cao khi được sử dụng, cũng như số tiền tiết kiệm được so với các biện pháp thay thế khác, hòa giải các vụ việc dân sự và thương mại tại Châu Âu chỉ đạt được dưới 1% toàn bộ vụ án. Vấn đề khó giải thích đến mức mà nghiên cứu của EU nghĩ rằng phải đặt tên nó là “Nghịch lý Hòa giải Thương mại và Dân sự EU.”
Nghiên cứu của EU cũng cho thấy việc sử dụng hòa giải khác biệt rất lớn phụ thuộc vào từng nước. Ví dụ, Ý cho thấy hơn 200,000 việc hòa giải thương mại xuyên biên giới được tiến hành mỗi năm. Đức, Hà Lan và Anh báo cáo chỉ khoảng 10,000 việc hòa giải diễn ra mỗi năm, trong khi 46% các nước EU được khảo sát – bao gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Séc và Thụy Điển – báo cáo chưa đến 500 vụ hòa giải thương mại xuyên biên giới diễn ra mỗi năm.
Những số liệu thống kê đơn thuần là đáng lưu ý và cần một sự giải thích. Điều gì gây ra “nghịch lý hòa giải”? Năm 2016, trong khảo sát SAL, người trả lời được yêu cầu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ưu tiên của họ về các phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại xuyên biên giới. Yếu tố được xác định là còn xa vời quan trọng nhất là hiệu lực thể thi hành – nó được lựa chọn bởi 46% và 43% người trả lời là lý do cơ bản nhất cho việc họ ưu tiên cho trọng tài và tố tụng, tương ứng.43 Điều này cho thấy thái độ khá miễn cưỡng với hòa giải phát sinh từ sự thiếu tin tưởng sâu sắc vào hiệu lực thi hành kết quả hòa giải.
Giả thiết này được một số nghiên cứu chính thức ủng hộ. Năm 2016, Khảo sát Pound toàn cầu với hơn 4.000 đại biểu, người trả lời được yêu cầu cân nhắc các biện pháp cải thiện giải quyết tranh chấp thương mại nhiều nhất. Lựa chọn cao nhất, chiếm 64% phiếu, là việc sử dụng luật hoặc công ước củng cố và thi hành thỏa thuận giải quyết, bao gồm những thỏa thuận giải quyết đạt được trong hòa giải. Trong một khảo sát năm 2014 dành cho các luật sư nội bộ và nhà quản lý công ty cao cấp do IMI tiến hành, 93% người trả lời cho thấy họ sẽ sẵn sàng hòa giải tranh chấp hơn nếu họ biết rằng thỏa thuận hòa giải có thể dược thi hành bằng một công ước quốc tế; và 88% nói rằng việc có một công ước thi hành được phê chuẩn rộng rãi sẽ làm cho các bên thương mại dễ dàng đồng ý hòa giải hơn. Trong một khảo sát các nước thành viên EU, nhiều người trả lời đơn thuần bầy tỏ quan ngại về việc thi hành các thỏa thuận giải quyết và kiến nghị rằng hòa giải sẽ hấp dẫn hơn nếu việc thi hành được thống nhất.
“Tôi tóm tắt rằng việc thiếu lòng tin vào hòa giải thương mại xuyên biên giới chủ yếu, nếu không nói là cơ bản, là do thiếu một chế định quốc tế chặt chẽ để thi hành hiệu quả các thỏa thuận giải quyết hòa giải. Điều này đưa tôi tới Công ước Singapore về Hòa giải”- Chánh án Singapore nói
3.2.Công ước Singapore về hòa giải
Công ước Singapore được thiết kế nhằm giành được sự ủng hộ quốc tế tối đa trong khi duy trì định nghĩa đầy đủ về những khía cạnh quan trọng nhất của khung khổ, qua đó bảo đảm tính rõ ràng và thống nhất trong áp dụng Công ước. Từ ban đầu, đã quyết định rằng Công ước phải được soạn thảo dựa trên những đặc trưng tốt nhất của một văn kiện quốc tế thành công nhất – Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tại nước ngoài của Liên hợp quốc, còn gọi là “Công ước New York”. Công ước New York được mô tả là “nền móng của hệ thống trọng tài quốc tế” và tất cả chúng ta ở đây đều quen thuộc với nó.
Giống với Công ước New York, Công ước Singapore là một tài liệu khá ngắn gọn, với chỉ 16 điều khoản. Đặc trưng đáng hoan nghênh đầu tiên của Công ước Singapore là phạm vi của nó rất rõ ràng và chính xác. Điều này xuất phát từ nghị quyết của Nhóm làm việc năm 2016 rằng Công ước chỉ qui định những tiêu chí rõ ràng, đơn giản và khách quan để quyết định xem liệu một thỏa thuận giải quyết có rơi vào phạm vi của công ước hay không. Chỉ có tranh chấp thương mại quốc tế là có liên quan tới Công ước, và các thuật ngữ “quốc tế” và “thương mại” được định nghĩa cận trọng trong Điều 1. Để một tranh chấp là “quốc tế”, phải đáp ứng một trong hai tiêu chí: thứ nhất, ít nhất hai bên trong thỏa thuận giải quyết phải có địa điểm kinh doanh tại các nước khác nhau; hoặc thứ hai, nước mà các bên có địa điểm kinh doanh khác với hoặc là nước mà phần cơ bản của nghĩa vụ theo thỏa thuận giải quyết được thực hiện, hoặc nước mà đối tượng của thỏa thuận giải quyết có kết nối gần gũi nhất. Ý nghĩa của “thương mại” được giải thích bằng cách loại trừ. Điều 1 rõ ràng loại bỏ khỏi phạm vi của Công ước thỏa thuận giải quyết liên quan đến các giao dịch cá nhân, vì mục đích gia đình hay hộ gia đình, hoặc liên quan đến luật gia đình, thừa kế hay lao động.
Về việc thi hành, Điều 3 Công ước Singapore nói rất rõ ràng về nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành thỏa thuận giải quyết. Tuy nhiên, về hình thức thi hành, Công ước để lại cho quốc gia thành viên tùy quyết về thủ tục, chỉ yêu cầu rằng việc thi hành diễn ra “phù hợp với qui tắc tố tụng [của từng quốc gia thành viên] và theo các điều kiện mà Công ước đặt ra.” Cách thức tiếp cận này phù hợp với Điều III Công ước New York, và ghi nhận sự đa dạng quan trọng trong luật và thực tiễn tố tụng quốc gia về thi hành thỏa thuận giải quyết.
Tuy nhiên, quyền tùy quyết này được kết hợp với “mức trần” được xác lập bởi những tình huống qui định mà trong tình huống đó, quốc gia thành viên có thể từ chối công nhận và thi hành thỏa thuận giải quyết. Một lần nữa, cách thức tiếp cận đặt ra mức độ kiểm soát tối đa, chứ không phải tối thiểu, này là lấy từ Công ước New York mà điều V của nó xác định các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài. Giáo sư Emmanuel Gaillard, học giả hàng đầu về trọng tài, mô tả phương pháp kiểm soát này là “điểm thiên tài của Công ước New York”; và Nhóm làm việc đã rất khôn ngoan khi lựa chọn nó cho hòa giải.
Căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành được Nhóm làm việc thiết kế là giới hạn, thấu đáo, dễ thực hiện, dễ xác định, và được nêu bằng ngôn ngữ chung để cơ quan thi hành có thể giải thích linh hoạt. Được qui định trong Điều 5 Công ước Singapore, những căn cứ này cơ bản phản ánh những căn cứ trong Công ước New York.
Điều 7 Công ước Singapore thuộc loại qui định “ủng hộ quyền”. Nó tuyên bố rằng Công ước không tước đoạt của bên có lợi ích về bất kỳ quyền nào sử dụng thỏa thuận giải quyết trong phạm vi mà luật hoặc công ước của quốc gia thành viên cho phép.
Công ước Singapore về hòa giải là một văn kiện được thiết kế tốt và tính toán cẩn trọng. Giống như Công ước New York, nó tránh được cái bẫy điều chỉnh quá mức và đặt tầm nhìn đúng đắn vào một mục tiêu duy nhất và quan trọng nhất – nghĩa vụ thi hành, chứ không phải hình thức thi hành. Nó chắt lọc một tập hợp những ngoại lệ đối với việc thi hành đã được thử nghiệm, theo mẫu Công ước New York, nhằm giảm sự tùy quyết của quốc gia. Nó hỗ trợ sự phát triển hơn nữa luật quốc gia và công ước về hòa giải bằng các ghi nhận rằng qui tắc sẽ thắng thế trong trường hợp xung đột không phải là cái mới hơn hay cái chuyên biệt hơn, mà là cái ủng hộ nhiều hơn việc công nhận và cho thi hành kết quả hòa giải. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Công ước.
3.3.Sự xuất hiện của hòa giải thương mại quốc tế
Đã đến lúc để hòa giải thương mại quốc tế từ bỏ vai trò giải quyết tranh chấp “thay thế” và gia nhập vào hàng cùng với trọng tài quốc tế và tố tụng tòa án như là lựa chọn đầu tiên để giải quyết tranh chấp xuyên quốc gia. Hàng thập kỷ, hòa giải đứng dưới bóng của tố tụng và trọng tài quốc tế như là phương pháp giải quyết tranh chấp xuyên quốc gia, chủ yếu là do quan ngại về hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải. Như là “mảnh ghép còn thiếu trong khung khổ thi hành giải quyết tranh chấp quốc tế”, Công ước Singapore lấp đầy khoảng trống và mở ra một tương lai tươi sáng cho hòa giải thương mại quốc tế.
“Tôi cho rằng ra ba sức mạnh chính sẽ dẫn dắt uy thế của hòa giải thương mại quốc tế: thứ nhất, mối quan hệ thân thuộc Á Châu với hòa giải; thứ hai, sự lớn mạnh của các tập đoàn Châu Á; và thứ ba, sự ghi nhận ngày càng tăng tầm quan trọng của việc ngăn chặn tranh chấp. Tôi sẽ lần lượt thảo luận từng vấn đề, bắt đầu bằng vấn đề văn hóa” – Chánh án Sundaresh Menon nói.
Quan hệ thân thuộc về văn hóa
Điều đáng lưu ý là hoạt động hòa giải thực tiễn có nguồn gốc sâu xa không chỉ ở Singapore, mà ở Châu Á nói chung. Nhiều biến thể của các hình thức hòa giải bản địa mà tôi mô tả trên đây được thực hiện ở nhiều nước Châu Á khác, bao gồm Trung Quốc, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, và Vietnam. Không ngạc nhiên, nguyên tắc và qui trình hòa giải từ lâu đã cộng hưởng với nền văn hóa của nhiều nước Châu Á, nơi mà sự hài hòa xã hội, mối quan hệ, thỏa hiệp, tính cộng đồng và tôn trọng được coi là những giá trị lớn.
Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng và ấn tượng để tăng cường sử dụng hòa giải. Tháng 5 năm ngoái, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (“VMC”), trung tâm đầu tiên thuộc loại này trong nước, được công bố. Gần hai tháng sau, VMC đưa ra Qui tắc hòa giải và Điều khoản Hòa giải Mẫu. Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam gần đây thí điểm mô hình hòa giải tại tòa án tại 16 tỉnh và thành phố, và Tôi được biết rằng dự án thí điểm đạt được tỷ lệ thỏa thuận giải quyết từ 76% đến 80%.
Những thành công này dẫn đến việc Việt Nam soạn thảo Dự thảo Luật hòa giải và đối thoại tại Tòa án sẽ được trình lên Quốc hội xem xét và ban hành. Dự thảo là một văn kiện tổng thể điều chỉnh hòa giải trước khi bắt dầu vụ án dân sự, gia đình và lao động. Dự thảo qui định về bảo vệ bí mật, xác định trách nhiệm của tòa án với qui trình hòa giải, qui định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, và xác lập tiêu chí hòa giải viên và bổ nhiệm hòa giải viên, bãi miễn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên. Dự thảo cũng qui định rằng khi đã đạt dược quyết định, thì kết quả sẽ được hòa giải viên ghi nhận và tòa án sẽ ban hành “quyết định công nhận”. Không được kháng cáo quyết định này trừ khi tòa án thấy một trong những căn cứ liệt kê được đáp ứng – ví dụ, có sự lừa dối, ép buộc, hoặc vi phạm luật, đạo đức xã hội, hoặc trách nhiệm với nhà nước.
Với mối quan hệ thân thuộc về văn hóa lâu dài mà các nước Châu Á có với hòa giải, kết hợp với những nỗ lực chuyên tâm của họ củng cố chế định hòa giải và sự phát triển nhanh chóng của các thiết chế hòa giải cũng như hòa giải gắn với tòa án – như kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm vừa qua – sẽ làm cho hòa giải phổ hiến như là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Châu Á.
Sự phát triển của các tập đoàn Châu Á
Nhu cầu tăng nhanh của các nền kinh tế đang nổi lên tại Châu Á được kết hợp với sự trưởng thành và tính phức tạp của nguồn cung của những nền kinh tế này. Theo báo cáo năm 2019 của McKinsey Global Institute, sự phát triển của các tập đoàn Châu Á là “trò chơi thay đổi”. Năm 1997, Châu Á chỉ chiếm 36% trong 5.000 hãng lớn nhất toàn cầu, nhưng cấu phần này đã tăng lên 43% một thập kỷ sau đó, với việc những công ty đến từ Việt Nam, Philippines, Kazakhstan và Bangladesh tham gia và thăng tiến trong bảng xếp hạng đó. Xếp hạng 500 năm 2018 của Fortune Global cho thấy rằng 210 trong số 500 công ty thu nhập lớn nhất thế giới là Châu Á. Những công ty này cũng tăng lên trong chuỗi giá trị, đầu tư từ khu vực công nghiệp và xe hơi sang những lĩnh vực như công nghệ, tài chính, logistic.
Ở Châu Á, chính Đông Nam Á được đa số các nhà điều hành hàng đầu coi là thị trường có nhiều cơ hội phát triển nhất trong một khảo sát của Citibank năm 2019. Việt Nam, nước đã đạt mức tăng trưởng GDP hằng năm trên 6% trong năm năm gần đây, là một nguyên nhân quan trọng cho thành công đó. Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai hàng điện tử trong các nền kinh tế ASEAN, và mức lương cạnh tranh, nguồn vốn nhân lực có chất lượng, đầu tư hạ tầng và sự ổn định kinh tế được coi là nhữn nguyên nhân tại sau Việt Nam là điểm đến kinh doanh ngày càng hấp dẫn. Một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của khu vực là sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế số. Đông Nam Á là khu vực kết nối cao trên thế giới – nó có 350 triệu người dùng Internet trên 6 quốc gia lớn nhất, nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ. Một khảo sát năm 2018 của Google và công ty đầu tư Tamasek Holdings của Singapore cho thấy rằng nền kinh tế số tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lên 240 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Chính Việt Nam cũng được coi là nền kinh tế số tăng gấp ba từ năm 2015.
Khi mà trọng tâm nền kinh tế toàn cầu chuyển hướng sang Châu Á, Đông Nam Á chuyển thành trung tâm chính của dòng kinh tế, khu vực sẽ chứng kiến nhu cầu tăng cao về một biện pháp giải quyết tranh chấp không chỉ nhanh chóng, hiệu quả, hiệu quả chi phí, mà còn tạo ra kết quả dễ dàng thi hành bất kể thương vụ được thực hiện ở dâu, do các doanh nghiệp Châu Á dẫn dắt. Khi các doanh nghiệp Châu Á tăng trưởng cả về qui mô và tầm quan trọng, họ sẽ nắm quyền lực quyết định phương thức giải quyết tranh chấp. Điều nay sẽ nhân rộng tác động của việc Châu Á ưu tiên hòa giải trong sử dụng hòa giải thương mại quốc tế.
Khi các nước thành viên Công ước Singapore ban hành luật để thực thi nghĩa vụ thi hành của họ, doanh nghiệp quốc tế và cộng đồng pháp lý sẽ sớm nhận ra rằng không còn lý do nào nữa để mất lòng tin vào hòa giải và hiệu lực kết quả hòa giải. Không lâu, chúng ta có lẽ sẽ thấy rằng hòa giải thương mại quốc tế nổi lên như là lựa chọn đầu tiên giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Cái từng được coi là biện pháp giải quyết tranh chấp “thay thế” khi đó sẽ trở thành điểm đến đầu tiên.
Triết lý mới về ngăn chặn tranh chấp
Trong một khảo sát hơn 300 người tham gia Hội nghị toàn cầu Pound ở Singapore năm 2016, bao gồm các quan chức chính phủ, thẩm phán, luật sư, thành viên các ngành công nghiệp, người tham dự được hỏi quan điểm của họ về tương lai của giải quyết tranh chấp. Người được hỏi thống nhất nhấn mạnh “yêu cầu cấp bách vượt qua những cách thức tiếp cận về giải quyết tranh chấp đã được kiểm tra và thử nghiệm”, và đặc biệt, “tập trung vào ngăn chặn và quản lý tranh chấp trước khi chúng leo thang”. Các diễn giả nói về nhu cầu khuyến khích các bên khai thác các qui trình phi tố tụng trước khi đưa tranh chấp ra tòa án hoặc trọng tài, và nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý và hạ nhiệt mâu thuẫn trong giai đoạn trước phiên tòa.
Kết quả khảo sát của Global Pound nói lên một điều quan trọng – nó chỉ ra rằng một chuyển đổi quan trọng đang diễn ra trong văn hóa toàn cầu về giải quyết tranh chấp, dẫn dắt bởi quan điểm chung ngày càng phát triển là chúng ta phải suy nghĩ về việc xử lý các bất đồng theo một cách thức khác biệt, tốt hơn và thông thái hơn. Trong cuốn sách sắp xuất bản Tòa án trực tuyến và Tương lai của Công lý, Giáo sư Richard Susskind ủng hộ mạnh mẽ việc tái định hướng hệ thống công lý của chúng ta nhằm tập trung vào ngăn chặn và phòng tránh tranh chấp, chứ không chỉ giải quyết tranh chấp. Ông tranh luận rằng tốt hơn là cần thu hẹp tranh chấp ngay từ khi phát sinh hơn là để chúng mưng mủ và leo thang. Nhưng đó không phải là triết lý của qui trình xét xử và tranh tụng chung, thường thúc đẩy sự tiếp tục chứ không phải là chấm dứt tranh chấp. Chúng ta cần phải tưởng tượng lại hệ thống công lý của chúng ta theo hướng này.
Động lực là việc thu thập những thay đổi điển hình trong triết lý giải quyết tranh chấp, khi mà cộng đồng pháp lý ngày càng nhận ra rằng giải quyết tranh chấp chỉ chiếm một góc nhỏ trong bức tranh rộng lớn hơn. Như Giáo sư Susskind nói, công lý dân sự đang tiến đến “khoảnh khắc nở rộ”, mà nhận thức rằng ngăn chặn tốt hơn chữa trị nhiều mang lại, và rằng chúng ta có thể giảm đáng kể số lượng tranh chấp đưa ra tòa án nếu chúng ta đầu tư đúng mức vào việc ngăn chặn và phòng tránh tranh chấp.
Tại Anh, “tòa án trực tuyến” chấp nhận triết lý mới này đã được lên kế hoạch và dần dần công bố. Tại Tòa án bang của Singapore, ngăn chặn tranh chấp không chỉ được thẩm phán- hòa giải viên thúc đẩy, mà còn qua kênh thương lượng và hòa giải trực tuyến cho các khiếu nại nhỏ và tranh chấp cộng đồng, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho các bên và tòa án. Từ khi công bố kênh này vào tháng 7/2017 đến tháng 2 năm nay, hơn 1,700 khiếu nại nhỏ đã trải qua Thương lượng điện tử và 602 vụ việc, khoảng 35% đã được giải quyết một cách ôn hòa.
Sự phát triển triết lý về giải quyết tranh chấp này, kết hợp với biên giới mở rộng chưa từng thấy mà công nghệ đem lại, sẽ mở ra một chương mới cho công lý dân sự. Và trong chương mới đó, thế hệ sau của hòa giải – thể hiện tinh thần ngăn chặn tranh chấp sẽ trở thành chủ đề thống trị.
4.Kỷ nguyên vàng của hòa giải
Cho phép tôi kết luận bằng cách nhắc lại những nhận xét mà tôi đã trình bày năm 2012, trong bài phát biểu chính tại Đại hội đồng Ủy ban trong tài thương mại (ICCA) vào năm đó. Bài nói của tôi là về sự phát triển của trọng tài thương mại quốc tế, và khi đó tôi nhận xét rằng “mặt trời đang mọc trên kỷ nguyên vàng nở rộ của trọng tài”. Chánh án Sundaresh Menon nói.
Trọng tài sẽ tiếp tục là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp nổi bật, và tố tụng tòa án cũng vậy, đặc biệt trong bối cảnh phát triển các tòa án thương mại quốc tế trong những năm gần đây.
Tôi tin tưởng rằng việc ban hành Công ước Singapore về hòa giải báo hiệu một kỷ nguyên mới về giải quyết tranh chấp thương mại xuyên quốc gia. Giống như Công ước New York đã làm với trọng tài trong những năm 1950, Công ước cởi trói cho tiềm năng hòa giải thương mại quốc tế bằng cách dỡ bỏ điều có lẽ là cản trở lớn nhất cho thế hệ sau của nó. Trong thập kỷ tới, khi trật tự kinh thế toàn cầu tiếp tục tự tái định hướng nghiêng về Châu Á, chúng ta sẽ thấy mặt trời mọc trên một kỷ nguyên mới bằng vàng của hòa giải thương mại quốc tế.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận