Giải quyết vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid – 19

Sau khi đọc bài của tác giả Ths. Lê Đức Anh (Tòa Hình sự, TANDCC tại TP Hồ Chí Minh) - Mô hình “Xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung, cá nhân tôi xin nêu ra một số vấn đề còn vướng mắc, cũng như nêu lên một số giải pháp để tăng cường xét xử, giải quyết vụ án bằng phương thức trực tuyến.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, căn cứ các Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-CA về phòng chống dịch trong hệ thống TAND. Theo đó, tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. TANDTC đã ban hành Công văn số 127/TANDTC-VP ngày 16/4/2020 về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 289/TANDTC-VP ngày 27/7/2020 về việc tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong Tòa án nhân dân, chỉ đạo rằng hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một khán phòng. Yêu cầu bố trí phòng xét xử trực tuyến để bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa người với người. Tuy nhiên, cho đến nay, hãn hữu mới có vụ án hình sự được đưa ra xét xử theo phương thức trực tuyến. Các phiên tòa dân sự, hành chính, hay các phiên họp, hòa giải vẫn theo cách truyền thống do còn nhiều vướng mắc về quy định của tố tụng.

Một số vướng mắc

Mặc dù TANDTC đã bắt đầu thừa nhận, khuyến khích và tạo cơ chế cho phương thức xét xử trực tuyến, song thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện xét xử theo phương thức này vẫn còn khó triển khai do thiếu khung pháp lý và hướng dẫn chi tiết. Hiện nay, ở Việt Nam, các quy định của Luật tố tụng Hình sự, Dân sự và Hành chính vẫn chưa có đề cập một cách hoàn chỉnh, hay hướng dẫn cách thức tổ chức xét xử trực tuyến. Vẫn còn nhiều quy định của luật tố tụng đã phần nào “hạn chế”, chưa khuyến khích được việc triển khai xét xử trực tuyến.

Nguyên tắc “Xét xử trực tiếp, bằng lời nói” (Điều 225 BLTTDS, Điều 152 BLTTHC và Điều 250 BLTTHS năm 2015) đã gây không ít khó khăn cho việc triển khai hình thức xét xử trực tuyến. Đồng thời, quyền, nghĩa vụ của bị cáo, đương sự là phải “có mặt” theo giấy triệu tập của Tòa án (điểm a khoản 3 Điều 61 BLTTHS; khoản 16 Điều 70 BLTTDS 2015; khoản 16 Điều 55 BLTTHC 2015). “Có mặt” được hiểu là bị cáo, đương sự hoặc người được ủy quyền hợp pháp của mình phải hiện diện trực tiếp tại địa điểm xét xử hoặc trụ sở Tòa án. Trong khi đó, quy định tố tụng yêu cầu phòng xử án dù được tổ chức tại trụ sở Tòa án hay ngoài trụ sở đều phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức theo quy định (Điều 223 BLTTDS, Điều 151 BLTTHC, Điều 257 BLTTHS).

Thêm vào đó là yêu cầu của Luật tố tụng về việc lập biên bản. Đơn cử như theo Điều 98 BLTTDS 2015 quy định Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án. Biên bản lấy lời khai của đương sự phải được người tự khai đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ… Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản. Hoặc theo khoản 4 Điều 211 BLTTDS 2015, thì yêu cầu Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải sau khi kết thúc, phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp. Do đó để tổ chức các phiên họp thì đòi hỏi Tòa án phải tổ chức cho các bên tham gia trực tiếp. Khi các phiên họp và phiên xử được tiến hành theo hình thức trực tuyến thì các Biên bản này không đáp ứng được các yêu cầu của tố tụng.

Mặt khác, Luật tố tụng cho phép Tòa án có thể căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật (Điều 238 BLTTDS, Điều 158 LTTHC và Điều 290, Điều 292 BLTTHS năm 2015). Do vậy, luật không khuyến khích các Thẩm phán áp dụng hình thức xét xử trực tuyến. Bởi lẽ, trước khi Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đã tiến hành đầy đủ các biện pháp thu thập tài liệu chứng cứ, có đầy đủ lời khai của các đương sự, nên việc vắng mặt của những người tham gia tố tụng “ít khi” ảnh hưởng đến việc xét xử. Trong khi đó, nếu tiến hành xét xử theo hình thức trực tuyến, vừa chưa có hướng dẫn, vừa gây nhiều khó khăn, áp lực cho Hội đồng xét xử cả về công nghệ công nghệ thông tin lẫn việc điều hành phiên tòa.

Một khó khăn khác cho các đơn vị Tòa án khi tiến hành xét xử theo hình thức trực tuyến đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc trực tuyến. Mặc dù hiện nay, TANDTC đã cho trang bị hệ thống trực tuyến phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến, tuy nhiên, rất khó cho các đơn vị Tòa án tự mình triển khai sử dụng hệ thống này vào xét xử trực tuyến, vì không thể đảm bảo tự thiết lập, vận hành cơ sở hạ tầng và bảo đảm kết nối ổn định.

Thêm vào đó, việc xét xử theo hình thức trực tuyến phần nào sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi của bị cáo, đương sự. Bởi lẽ, khi xét xử trực tuyến, bị cáo, các bên đương sự, người liên quan ít nhiều bị hạn chế trình bày các lập luận, ý kiến của mình cũng như khả năng tương tác với nhau trong phiên xử. Chưa đề cập đến việc khi xét xử trực tuyến, nếu có đương sự nào “cố tình” vắng mặt, thì Tòa án cũng không có căn cứ nào để giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hiện hành.

Do đó, hiện vẫn còn ít đơn vị triển khai thực hiện xét xử trực tuyến. Mặc dù lợi ích của phiên xử trực tuyến là khá rõ ràng như tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển, hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh…T uy vậy, phiên tòa xử trực tuyến hiện nay dường như chưa thể thay thế hoàn toàn cho phiên tòa xét xử theo truyền thống, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đang còn diễn biến phức tạp, thì đây có lẽ là giải pháp tốt nhất., vừa có thể giúp Tòa án các cấp giải quyết nhanh một số lượng án tồn đọng, đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; vừa giúp các Thẩm phán rút ra nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện “Tòa án điện tử” theo chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án trong tương lai.

Một số giải pháp cho việc triển khai phiên xét xử trực tuyến

Tôi cũng hoàn toàn nhất trí như quan điểm của tác giả Ths. Lê Đức Anh là hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật để triển khai phiên tòa trực tuyến về cơ bản Tòa án cấp cao và các Tòa án địa phương đã có. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để quyết định thành công của các phiên tố tụng trực tuyến. Vấn đề hiện nay chỉ là nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, thiết bị, kỹ thuật cho các phiên xét xử để đảm bảo việc truyền tải thông suốt nội dung dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, chất lượng tương tác trong quá trình phiên họp, phiên xét xử diễn ra.

Theo tôi hiện nay vấn đề cốt yếu cần thực hiện nhằm phổ biến mô hình phiên xử trực tuyến là việc hoàn thiện khung pháp lý, luật hóa các trình tự, thủ tục cũng cách thức triển khai cụ thể đối với mô hình này.

Một trong những điều kiện khác để đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản tố tụng đó là chữ ký điện tử. Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng đã công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử (E-signature) với điều kiện phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu, và phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

Thẩm phán, luật sư và các đương sự cũng đòi hỏi phải thích nghi với công nghệ trực tuyến, bởi các kỹ năng, thao tác của mỗi bên tham gia tố tụng trong phiên xử trực tuyến sẽ có khác biệt rất lớn với một phiên xử truyền thống.  Do đó, rất mong TANDTC tổ chức tập huấn cho Hội đồng xét xử.

Theo ý kiến cá nhân, trước mắt, các đơn vị Tòa án có thể tiến hành xét xử thí điểm một vài vụ án để rút kinh nghiệm. Bước đầu tiên nên chọn các vụ án hình sự phúc thẩm để triển khai thực hiện. Bởi lẽ thông thường các vụ án hình sự phúc thẩm có ít người tham gia tố tụng. Nhất là các trường hợp bị cáo hiện đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an thì rất thuận lợi để triển khai. Đây có thể là lựa chọn ưu tiên hàng đầu để triển khai thử nghiệm. Có thể xây dựng thử nghiệm hai đầu cầu trực tuyến, trong đó chủ lực là 01 đầu cầu của Tòa án tỉnh (nên là Phòng xét xử), 01 đầu cầu tổ chức tại 01 phòng của đơn vị trại giam. Trại Giam Công an là một đơn vị hoàn toàn có thể thiết lập một kết nối đường truyền Internet tương đối ổn định, đảm bảo an toàn, bảo mật; mà hơn hết là có thể đảm bảo được vấn đề “nhân thân”.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì việc này có thể giúp hạn chế được việc bị cáo di chuyển ra ngoài khu vực trại giam, giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc gần với các “đối tượng” có thể mang nguồn bệnh. Trong quá trình xét xử, cán bộ trại tạm giam hoàn toàn có thể phục vụ được các yêu cầu của Hội đồng xét xử, nếu cần thiết Tòa án có thể cử một cán bộ IT trực tiếp tới phối hợp với Trại tạm giam. Nếu thực hiện xét xử bằng hình thức trực tuyến, sẽ giúp các Tòa án tỉnh giải quyết được một số lượng lớn án tồn đọng hiện nay, vừa rút được một số kinh nghiệm để triển khai mở rộng ra các vụ án khác, nhân rộng ra các đơn vị khác. Chẳng hạn các vụ án có người bào chữa, có thể bố trí cho người bào chữa tham gia tại đầu cầu của Tòa án hoặc Trại tạm giam để bảo vệ cho bị cáo.

Bước thứ hai, sau khi có được kinh nghiệm bước đầu, Tòa án tỉnh có thể mở rộng ra đối với các Tòa án cấp huyện. Theo ý kiến cá nhân, bước đầu nên chọn một số vụ án hình sự, có ít bị cáo và người tham gia tố tụng. Tòa án cấp trên có thể đưa ra một số tiêu chí khi lựa chọn vụ án để áp dụng hình thức xét xử trực tuyến, ví dụ như những vụ án có tài liệu chứng cứ rõ ràng, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, ưu tiên các bị cáo đang bị tạm giam ở Trại Giam Công an…

Bước thứ ba, có thể mở rộng, thiết lập các điểm đầu cầu trực tuyến tại các đơn vị tòa án trên toàn quốc. Như vậy, trường hợp có đương sự ở các tỉnh, thành khác nhau, họ có thể lựa chọn việc tham gia trực tiếp hoặc tới các đơn vị Tòa án gần nơi cư trú để tham gia phiên tòa thông qua hình thức trực tuyến. Nếu tổ chức được các “điểm xét xử trực tuyến”, vừa đảm bảo hạn chế đương sự phải di chuyển xa, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan, vừa đảm bảo được tính công khai, bảo mật. Nhất là thời điểm này các đơn vị tòa án đều có điểm cầu trực tuyến. Chỉ cần có sự phối hợp tốt, thì có thể thực hiện được ngay.

Hơn hết, TANDTC cần “yêu cầu” các đơn vị phải đăng ký phiên tòa xét xử trực tuyến tương tự như phiên tòa rút kinh nghiệm đã được thực hiện rất tốt trong thời gian vừa qua, để “khuyến khích” các đơn vị Tòa án tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Sau một thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng ra các vụ án khác như các vụ án có yếu tố nước người (người nước ngoài có yêu cầu tham gia phiên tòa), các vụ án có đương sự yêu cầu được sử dụng hình thức xét xử trực tuyến…

Việc áp dụng hình thức xét xử trực tuyến trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 vừa là thời cơ vừa là thách thức cho các đơn vị Tòa án để tiến tới triển khai thực hiện Tòa án điện tử trong tương lai. Lúc này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của TANDTC, sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, các sở ban ngành. Bản thân tôi kiến nghị các đơn vị Tòa án cần có sự quyết tâm, linh hoạt trong việc triển khai phiên xử trực tuyến; thông qua đó chúng ta có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để nhân rộng mô hình này trong tương lai.

Phiên tòa phòng chống dịch Covid-19

 

HỒ VINH PHÚ (Thẩm phán TAND TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế)