Hạn chế, bất cập của Điều 386 BLHS năm 2015 về tội trốn khỏi nơi giam, giữ trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị sửa đổi

Trong số các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử có mức độ phổ biến nhất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định của điều luật có những bất cập, cần khắc phục.

Bất cập, hạn chế

Thứ nhất, về khung hình phạt, có thể thấy tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử giữa mức hình phạt trong cùng một khoản hoặc giữa hai khoản có sự phân biệt.

Cụ thể: Theo quy định pháp luật tại Điều 386 BLHS năm 2015 thì khoản 1 có khung hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, khoản 2 là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Việc quy định khoảng cách như trên tạo được tính linh hoạt và chủ động cho HĐXX. Tuy nhiên, việc không có các tình tiết để xác định khung hình phạt đối với loại tội này đang dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình xét xử. Đặc biệt là khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 386 – khung hình phạt được áp dụng chủ yếu đối với tội phạm này.

Ví dụ 1: Bản án hình sự sơ thẩm 35/2020/HSST ngày 13/07/2020 của TAND quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, xét xử Lê Hoàng N về tội trốn khỏi nơi giam với hành vi phạm tội như sau:

Lê Hoàng N đã thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội Vận chuyển trái phép chất ma túy nên ngày 25/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp Cần Thơ ra quyết định tạm giữ số 04 ngày 25/12/2019 tạm giữ đối với Lê Hoàng N trong thời hạn 3 ngày và bàn giao N cho Trại tạm giam Công an Tp Cần Thơ để tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 26/12/2020, trong lúc lấy lời khai, đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi lấy lời khai xong, lợi dụng sơ hở của Đội Cảnh sát bảo vệ, đối tượng N đã nhanh chóng bỏ chạy trốn ra khỏi khu vực hỏi cung, rồi chạy qua khỏi cổng khu vực giam giữ hướng ra cổng chính Trại giam để trốn thoát. Ngay sau khi phát hiện ra việc N trốn chạy, một số chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ đang đứng gần chốt vọng gác ở cổng chính đón chặn và bắt giữ được N tại vị trí cách cổng chính Trại tạm giam hơn 9m, cách cổng khu vực giam giữ 63,5m. Lê Hoàng N bị TAND quận Bình Thủy xử phạt 9 tháng tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Ví dụ 2: Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2020/HSST ngày 06/05/2020 của TAND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, xét xử Trần Duy A về tội trốn khỏi nơi giam với hành vi phạm tội như sau:

Trần Duy A bị Công an thị xã S, tỉnh Phú Yên khởi tố về tội Cướp giật tài sản, đang bị tạm giam tại buồng giam số 6 Nhà tạm giữ Công an huyện Đ. Do có ý định trốn khỏi nơi giam, nên khoảng 13 giờ ngày 27/01/2020, lợi dụng lúc chiến sĩ trực gác bảo vệ đang đóng cửa buồng giam, Trần Duy A dùng chân đạp mạnh làm cánh cửa buồng giam mở ra và bỏ chạy ra khỏi khu vực giam giữ của Nhà tạm giữ Công an huyện Đ để bỏ trốn. Khi A chạy đến gần hàng rào lưới B40, cách khu vực giam giữ khoảng 35m thì bị bắt giữ. Trần Duy A bị TAND huyện Đồng Xuân xử phạt 1năm 3 tháng tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Xét thấy ở hai trường hợp phạm tội của Lê Hoàng N và Trần Duy A hai bản án nêu trên có tình tiết phạm tội tương tự nhau nhưng có sự khác nhau về mức xử phạt. Từ đó thấy rằng, chưa có sự thống nhất về mức hình phạt đối với tội trốn khỏi nơi giam giữ với từng trường hợp. Dẫn đến việc không thống nhất các khung hình phạt đối với loại tội này.

Thứ hai, quy định tại khoản 2 Điều 386 quy định tình tiết định khung tăng nặng bao gồm: Có tổ chức; Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải. Có thể thấy rằng, số lượng các tình tiết định khung tăng nặng đối với tội trốn khỏi nơi gian, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử còn hạn chế.

Do thiếu xác định tình tiết định khung tăng nặng dẫn đến sự thiếu bao quát được các trường hợp xảy ra. Ngày này, tội phạm ngày càng nguy hiểm, tinh vi dẫn đến các thủ đoạn cũng mới và tinh vi hơn. Do đó, việc quy định ít tiết định khung tăng nặng dẫn đến chưa bao quát được hết các trường hợp xảy ra và chưa đảm bảo được nguyên tắc phân hóa TNHS.

Xét thấy, trong một số trường hợp người phạm tội đang chờ thì hành hình phạt tử hình, nghĩa là trước đó họ đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng nếu không thuộc một trong hai tình tiết định khung tăng nặng là có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải thì hình phạt cũng chỉ áp dụng khoản 1 như người phạm tội ít nghiêm trọng khác. Do vậy, có thể thấy sự bất hợp lý ở đây. Tính chất và mức độ nguy hiểm của hai loại tội phạm là khác nhau nên cần phải có sự khác nhau trong việc áp dụng khung hình phạt của hành vi trên.

Với mức xử phạt của loại tội này còn nhẹ dẫn đến việc can phạm bị bắt lại tiếp tục bỏ trốn, mức xử phạt không đủ tính răn đe đối với tội phạm. Điều này vô tình dẫn đến tội phạm coi thường pháp luật, không có tâm lý e ngại khi thực hiện hành vi phạm tội, chưa đủ sức răn đe với những người có ý định thực hiện hành vi này.

Thứ ba, theo quy định của Điều 386 BLHS năm 2015, tên tội danh là tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử. Cấu thành tội phạm của tội này cũng mô tả “Người nào đang bị tạm giữ tạm giam, áp giải xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn” vì vậy, một trong các chủ thể của tội này là người đang bị áp giải. Đây là điểm khác so với BLHS năm 1999 (người bị dẫn giải). Nếu theo quy định này, người đang bị dẫn giải không phải là chủ thể của tội phạm mà thay vào đó là người bị áp giải.

Tuy nhiên, đối tượng bị dẫn giải thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS “Dẫn giải có thể áp dụng đối với: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tổ vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan” mà trong quá trình bị dẫn giải lại bỏ trốn thì tính chất nguy hiểm của hành vi này giống hành vi bỏ trốn của người bị áp giải.

Do đó, hành vi bỏ trốn của người bị dẫn giải trong trường hợp được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS gây hậu quả nghiêm trọng. gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc không quy định người bị dẫn giải là chủ thể của tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, gây khó khăn trong việc định tội và áp dụng pháp luật. Nếu chủ thể người bị dẫn giải không thuộc một trong các đối tượng được quy định trong điều luật thì không thể định tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử đối với chủ thể này được. Vì khi đó, chủ thể này không có điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội theo quy định điều luật.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, có thể thấy rằng Điều 386 BLHS 2015 đã quy định chặt chẽ hơn về chủ thể đối với loại tội danh này. Tuy nhiên, có thể thấy qua phân tích, khung hình phạt đối với loại tội này còn nhẹ và chưa đủ tính răn đe đối với người phạm tội.

Ví dụ: Triệu Quân Sự từng là quân nhân. Năm 2012, Sự sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên phạt Sự tù chung thân về các tội “Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ”. Cuối năm 2015, khi chấp hành án phạt ở Quảng Ngãi, Sự đã vượt ngục.

Chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam Quân sự khu vực miền Trung, Quân khu 5 (đóng tại Quảng Ngãi), Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sự bị bắt sau 15 ngày lẩn trốn, khi đang ở một quán trò chơi điện tử tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tiếp đến, việc trốn khỏi Trại giam T974 ngày 31/5/2022 thì đây là lần thứ 3 Triệu Quân Sự trốn trại và bị bắt trở lại.

Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, nên có sự thay đổi về khung hình phạt đối với loại tội danh này. Cần quy định tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử phải bị coi là tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, vì người phạm tội có nhân thân xấu, hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cao cho xã hội, xâm phạm cùng lúc hai khách thể. Nếu xử lý bằng chế tài hình sự như khoản 1 Điều 386 BLHS năm 2015 với mức cao nhất của khung hình phạt là 03 năm tù thì không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Vì vậy khung hình phạt cơ bản của tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử cần quy định tăng lên ở mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ở khoản 2, khung hình phạt cần quy định tăng lên ở mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Thứ hai, cần bổ sung thêm một số tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 386 BLHS 2015 để trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX có thêm căn cứ để áp dụng hình phạt đối với người phạm tội một cách khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Cụ thể có thể bổ sung theo hướng tăng nặng đối với người phạm tội có nhân thân xấu. Tình tiết tăng nặng định khung này có thể được quy định là “Đã bị khởi tố, truy tố, xét xử hoặc đang chấp hành án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Quy định này sẽ đảm bảo được tính răn đe cho tội phạm và phân hóa TNHS đối với tội phạm nguy hiểm này.

Thứ ba, có thể thấy Điều 386 có tên tội danh là “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” dường như đang bỏ lọt chủ thể của hành vi bỏ trốn của người bị dẫn giải trong trường hợp được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS. Việc không có quy định về người bị dẫn giải là chủ thể của tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, gây nhiều khó khăn trong việc định tội đối với loại chủ thể này. Việc không quy định chủ thể người bị dẫn giải không thuộc một trong các đối tượng được quy định trong điều luật thì không thể định tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử đối với loại chủ thể này được. Vì vậy, cần sửa đổi tên tội danh thành: “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải đang bị xét xử”.

 

Đối tượng Triệu Quân Sự bị bắt sau khi trốn khỏi Trại giam T974

NGUYỄN PHI HÙNG (Tòa án Quân sự Quân khu 4)