Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Trên cơ sở phân tích và chỉ ra những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, các tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy định này.

1.Đặt vấn đề

Trong những năm qua, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở, học tập, vui chơi giải trí… cho người dân ngày một tăng cao. Chính vì vậy, các công trình xây dựng ngày càng nhiều và kéo theo số lượng các vụ tai nạn do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn nhiều bất cập, hạn chế. Thực hiện Nghị quyết số 48 – NQ/TW của Bộ Chính trị, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự nói chung, pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng, trong đó có rách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là việc làm hết sức cần thiết.

2.Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Thông thường “trách nhiệm” được hiểu là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả[1]”. “Trách nhiệm” trong “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại” được hiểu theo nghĩa: Là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp luật quy định một chủ thể phải gánh chịu khi có đủ căn cứ làm phát sinh trách nhiệm.

Còn “bồi thường” là “đền bù bằng tiền những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà mình phải chịu trách nhiệm[2]”, còn “thiệt hại” là “bị mất mát về người, của cải vật chất hoặc tinh thần[3]”. Về pháp lý thì “Bồi thường thiệt hại” là “hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất tinh thần cho bên bị thiệt hại[4]”.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là một loại trách nhiệm dân sự được quy định trong BLDS, phát sinh khi một người có hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý, gây thiệt hại cho người khác và bắt buộc phải bù đắp những tổn thất về vật chất hoặc tinh thần mà mình đã gây ra.

3.Thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

3.1. Một số bản án cụ thể

Để làm rõ thực tiễn áp dụng pháp luật, nhóm tác giả đã sử dụng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND có thẩm quyền. Mặc dù BLDS 2015 đã có hiệu lực pháp luật nhưng do một số quy định trong BLDS 2015 vẫn được kế thừa từ BLDS 2005 nên nhóm vẫn sử dụng một số bản án trong giai đoạn Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực pháp luật để áp dụng.

 Bản án số 58/2009/DSPT, ngày 30/7/2009 của TAND tỉnh Gia Lai: Nguyên đơn là ông Đoàn Danh Hùng và bà Nguyễn Thị Chúc kiện bị đơn là ông Nguyễn Tuấn Kiệt và bà Trịnh Thị Hồng về việc trong quá trình xây nhà đã làm ảnh hưởng đến căn nhà của ông Hùng và bà Chúc như lún móng, nứt tường, lệch nhà.

Phán quyết của Tòa án: Buộc ông Nguyễn Tuấn Kiệt, bà Trịnh Thị Hồng bồi thường cho bà Nguyễn Thị Chúc, ông Đoàn Danh Hùng số tiền 6,777,000đ (bồi thường toàn bộ thiệt hại).

Bản án số 539/2010/DSPT ngày 11/5/2010 của TAND thành phố Hồ Chí Minh: Công ty Sài Gòn ký hợp đồng với Công ty Phú Yên về việc thi công pano quảng cáo. Đến ngày 24/3/2005 pano được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngày 25/3/2005, Công ty Phú Yên đã mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng cho công trình. Ngày 12/8/2005 tấm pano bị sập và làm hư hỏng nhiều thiết bị, xe, hàng hoá của Công ty Đà Nẵng.

Bản án dân sự sơ thẩm 11/2010/DSST ngày 25//2/2010 của TAND quận 1 đã tuyên xử: Buộc Công ty Sài Gòn bồi thường thiệt hại cho Công ty Đà Nẵng số tiền là 955.817.819 đồng và tiền lãi là 178.719.339 đồng. Tổng cộng là: 1.134.237.230 đồng Ngày 02/3/2010 Công ty Sài Gòn kháng cáo.

Bản án dân sự phúc thẩm số 539/2010/DSPT ngày 11/5/2010 của TAND thành phố Hồ Chí Minh xác định: quan hệ pháp luật tranh chấp giữa Công ty Đà Nẵng với Công ty Sài Gòn là “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” do việc sập đổ tấm pano củaCông ty Sài Gòn gây thiệt hại cho Công ty Đà Nẵng. Đây là tranh chấp dân sự giữa bên có trách nhiệm về việc gây thiệt hại với bên bị thiệt hại.

Công ty Sài Gòn đã ký hợp đồng với Công ty Phú Yên để xây dựng bảng quảng cáo nói trên và Công ty Phú Yên đã mua bảo hiểm của Công ty bảo hiểm Nhà Rồng cho công trình nên Công ty Sài Gòn có quyền khởi kiện Công ty Phú Yên trong vụ án khác để xác định TNBTTH trên cơ sở hợp đồng mà các bên đã ký kết. Do các bên khi giao kết hợp đồng đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại nên trách nhiệm của Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng sẽ được xem xét khi có yêu cầu. Do đó, kháng cáo của Công ty Sài Gòn đề nghị huỷ án sơ thẩm để triệu tập Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng vào tham gia tố tụng trong vụ án này là không có cơ sở để chấp thuận.

Xét đơn kháng cáo ngày 2/3/2010 Công ty Sài Gòn đã trình bày việc dựng bảng quảng cáo nói trên là không đúng kỹ thuật và không đúng quy cách. Do đó, trong vụ án này Công ty Sài Gòn phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Đà Nẵng theo như bản án sơ thẩm đã xử là có căn cứ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty quảng cáo Sài Gòn.

Bản án số 94/2019/DS-PT, ngày 04/4/2019 của TAND tỉnh Cà Mau: Năm 2014 nguyên đơn (anh S và chị V) xây dựng nhà cấp 4 tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, diện tích 68m2 (ngang 4m, dài 17m), xây dựng không giấy phép. Năm 2017, anh H xây dựng hàng rào bê tông cao 4m, sát vách sau nhà nguyên đơn đồng thời anh H cho xe lu cán nền để tập kết cát, đá gây rung chuyển làm nứt vách tường, nhà xuống cấp trầm trọng. Dẫn đến hai bên xảy ra tranh chấp.

Bản án sơ thẩm số 155/2018/DS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2018 của TAND thành phố Cà Mau quyết định:

– Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh S và chị V; Buộc anh H và chị T bồi thường cho anh S và chị V số tiền 28.680.000 đồng. Buộc anh H và chị T hoàn trả tiền chi phí kiểm định chất lượng công trình xây dựng cho anh S và chị V là 6.124.200 đồng.

– Không chấp nhận yêu cầu của anh S và chị V khởi kiện anh H số tiền chênh lệch là 19.120.000 đồng.

– Án phí dân sự có giá ngạch anh H và chị T phải chịu là 1.740.000 đồng; Anh S và chị V phải chịu là 956.000 đồng.

Ngày 12/11/2018 anh H nộp đơn kháng cáo (Đơn kháng cáo đề ngày 09/11/2018) cho rằng bản án sơ thẩm xử buộc bồi thường và chịu chi phí thẩm định là chưa thỏa đáng.

 Phán quyết của Tòa án: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn H; Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 155/2018/DS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2018 của TAND thành phố Cà Mau.

 Bản án số 08/2018/DS-ST ngày 18/01/2018 của TAND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang: Bà H xây dựng nhà cấp 4 vào năm 2011 từ khi ở đến tháng 09/2015 thì nhà của bà không bị hư hỏng gì. Đến khoảng tháng 9 năm 2015 (AL) ông Ngô Văn T và bà Phan Thị M kế bên nhà bà tiến hành xây nhà mới. Theo giấy phép xây dựng thì ông T, bà M chỉ được phép xây dựng căn nhà cấp IV nhưng thực tế vợ chồng ông T, bà M xây nhà cấp III, có 01 tầng lầu. Do vậy khi làm móng và ép cừ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến căn nhà của bà. Cụ thể khi ép cừ thì toàn bộ căn nhà của bà bị rung lắc, bị lún nghiêng về phía tiếp giáp với nhà ông T, bà M, nứt tường nhà, hàng rào và mái nhà sau bị bể nát.

 Phán quyết của Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phan Thị Mỹ H. Buộc ông Ngô Văn T và bà Phan Thị M có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về kinh phí sửa chữa nhà ở cho bà Phan Thị Mỹ H số tiền 27.691.000đ.

3.2.Nhận xét các bản án

Điều 627 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác”. Trên thực tế, khi nhà cửa, công trình xây dựng khác bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” gây thiệt hại, Toà án đều áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Điển hình như trong bản án đã nêu. Tòa án buộc ông Nguyễn Tuấn Kiệt, bà Trịnh Thị Hồng bồi thường cho bà Nguyễn Thị Chúc, ông Đoàn Danh Hùng số tiền 6.777.000đ (bồi thường toàn bộ thiệt hại) do vợ chồng ông Kiệt, bà Hồng xây nhà mới số 19 Nguyễn Trường Tộ, với quy mô nhà cao tầng đã ảnh hưởng thực tế đến căn nhà liền kề số 19 Duy Tân do ông Hùng, bà Chúc làm chủ sở hữu. Hậu quả là nhà ông bà đã bị lún nền óng và nứt tường ở nhiều vị trí.

Bên cạnh đó, theo Điều 627 BLDS 2005 xác định phạm vi các trường hợp áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra chỉ trong ba trường hợp là nhà cửa, công trình xây dựng bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” là quá hạn chế. Nếu nhà cửa, công trình xây dựng khác không bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” mà vẫn gây thiệt hại thì không được áp dụng Điều 627 BLDS 2005.

Tuy nhiên, trên thực tế, qua nghiên cứu một số bản án của Toà án, nhóm tác giả nhận thấy trong giai đoạn BLDS 2005 còn hiệu lực, có rất nhiều trường hợp, mặc dù nhà cửa, công trình xây dựng khác không bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” nhưng vẫn gây ra thiệt hại thì Toà án vẫn áp dụng Điều 627 BLDS 2005 để giải quyết. Điều này cho thấy tư duy linh hoạt của Toà án trong việc áp dụng pháp luật.

Điển hình như trong Bản án dân sự số 539/2010/DSPT ngày 11/5/2010 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh buộc công ty Sài Gòn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Đà Nẵng số tiền 955.817.819 đồng và lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ là 178.719.339 đồng. Tổng cộng là 1.134.237.230 đồng. Bởi vì, tấm panô quảng cáo có kích thước 12m x 24m, cao 24m của Công ty Sài Gòn đã đổ sập xuống bãi xe của Công ty Đà Nẵng tại khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức gây thiệt hại về tài sản của Công ty Đà Nẵng.

Điều này cũng chứng minh việc Điều 605 BLDS 2015 sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi các trường hợp làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (không chỉ giới hạn trong các trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở”) là hoàn toàn hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trên thực tế việc xác định chính xác mức bồi thường thiệt hại cũng quan trọng không kém, Toà án phải yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định xác định rõ: trước khi căn nhà của bị đơn thi công thì tình trạng căn nhà của nguyên đơn thế nào? Có bị hư hỏng, nghiêng, lún, nứt… hay không? Nếu trước khi căn nhà của bị đơn thi công, căn nhà của nguyên đơn đã bị hư hỏng, việc thi công căn nhà của bị đơn chỉ góp phần làm trầm trọng hơn những hư hỏng đó thì tuỳ mức độ hư hỏng, HĐXX có thể buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường 1/3, 1/2, 2/3 hoặc 3/4 thiệt hại cho nguyên đơn; nếu trong trường hợp trước khi căn nhà của bị đơn thi công, căn nhà của nguyên đơn không hề bị hư hỏng (không nứt, không lún..), chỉ sau khi căn nhà của bị đơn thi công, căn nhà của nguyên đơn mới hư hỏng thì  Hội đồng xét xử phải buộc bị đơn bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nguyên đơn.

Từ phân tích trên, ta có thể thấy rằng việc Bản án dân sự phúc thẩm số 58/2009/DSPT ngày 30/7/2009 của TAND tỉnh Gia Lai, HĐXX phúc thẩm nhận định: “Nguyên nhân chính gây thiệt hại cho căn nhà số 19 Duy Tân là do ông Kiệt, bà Hồng xây nhà liền kề nên trong quá trình đào hố móng và khối lượng tường nhà cao tầng đã làm cho nhà số 19 Duy Tân lún nền, nứt tường. Do vậy, lỗi hoàn toàn là do ông Kiệt, bà Hồng chứ không thể đánh giá lỗi của mỗi bên là ngang nhau nên ông Kiệt, bà Hồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra” điều này là chưa đúng, nhận định này mang tính cảm quan, đi theo lối mòn “ai làm nấy chịu” mà không xét đến tính hợp lý của pháp luật.

Rút kinh nghiệm cho việc đó, sau khi BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, việc xét xử về mức độ bồi thường thiệt hại trong các trường hợp tương tự đã có sự tiếp thu và chỉnh sửa. Tiêu biểu như trong Bản án số 94/2019/DS-PT, ngày: 04/4/2019của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau. Tại phần nhận định của Tòa án. Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã có phần xác định rõ tình trạng hiện có của căn nhà anh S và chị V:“Tại biên bản lập ngày 16/12/2017 về việc khảo sát các vết nứt tường nhà nguyên đơn (BL.32 – 35) và biên bản hòa giải ngày 23/4/2018 tại Ủy ban nhân dân phường (BL.16 – 18) có bị đơn tham gia biên bản đã thể hiện: Tường nhà của nguyên đơn có nhiều vết nứt, bị đơn đồng ý cho thợ lại sửa chữa, khắc phục những vết nứt tường, lún nền, trả lại hiện trạng ban đầu. Do đó, có đủ có căn cứ xác định, những vết nứt nhà của nguyên đơn xảy ra thiệt hại như hiện nay là có tác động từ việc thi công các công trình xây dựng của bị đơn.

Bên cạnh đó, khi tiến hành các hoạt động xây dựng bị đơn lại không thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng, cụ thể: Không chủ động liên hệ với nguyên đơn trong việc kiểm tra hiện trạng các khuyết tật nhà của nguyên đơn để có phương pháp đảm bảo an toàn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy trong quá trình xây dựng (khoản 1 Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015). Như vậy, thiệt hại nhà của nguyên đơn như hiện nay có lỗi trong hoạt động xây dựng của bị đơn.

Đối với nguyên đơn có lỗi trong xây dựng là xây dựng nhà không có thiết kế xây dựng và không có nền móng vững chắc nên không đảm bảo an toàn về mặt kỷ thuật nên có ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do đó, khi có tác động rung chuyển từ các hoạt động xây dựng liền kề thì xảy ra thiệt hại cho nhà của nguyên đơn”.

Ngoài ra, tại Điều 605 BLDS 2015 có quy định thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công. Quy định về trách nhiệm BLDS 2015 so với những BLDS đã ban hành trước đó. Đoạn 2 Điều 605 BLDS 2015 quy định: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. BLDS 2015 không định nghĩa khái niệm “người thi công”.

Tuy nhiên, dưới góc độ ngôn ngữ, “thi công” là “tiến hành xây dựng công trình theo thiết kế”[5]. Dưới góc độ pháp lý, “thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng”[6]. Vậy “người thi công” được hiểu là người tiến hành hoạt động xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng theo thiết kế.

Điển hình như trong Bản án số 08/2018/DS-ST ngày 18/01/2018 của TAND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang buộc ông Ngô Văn T và bà Phan Thị M có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại về kinh phí sửa chữa nhà ở cho bà Phan Thị Mỹ H số tiền 27.691.000đ. Bởi vì khi ông T và bà M thi công xây nhà làm nhà bà H kế bên bị rung lắc, lún nghiêng, tường nhà, hàng rào và mái nhà sau bị bể nát.Tuy nhiên, theo nội dung vụ án, hậu quả nhà bà H bị hư hại là trong quá trình làm móng và ép cừ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến căn nhà của bà. Điều này có nghĩa, khi thi công cũng có một phần trách nhiệm thuộc về người thi công, kỹ sư, kiến trúc sư…

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là trách nhiệm liên đới. Nếu người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cùng chủ sở hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

 4.Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Từ việc phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật ở phần trên, nhóm tác giả có một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công

Việc quy định buộc người thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, BLDS 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công trong cùng điều luật với trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng tại Điều 605 như hiện nay là chưa phù hợp. Đáng lẽ trong trường hợp này, người thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cả chủ sở hữu (trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thi công) và người thứ ba bị thiệt hại (trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra theo Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015). Vì vậy, tên Điều 605 là “bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” nhưng trong nội dung lại quy định về bồi thường thiệt hại do lỗi của người thi công gây ra là chưa hợp lý.

Do vậy, nên tách riêng ra thành một điều luật mới và quy định chặt chẽ rõ ràng về vấn đề này hơn.

 Thứ hai, về trách nhiệm của kỹ sư, kiến trúc sư, người giám sát và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại.

Nhà cửa, công trình xây dựng khác là sản phẩm của sức lao động và trí tuệ của nhiều người. Nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa nhiều khâu, nhiều công đoạn mà mỗi một khâu, một công đoạn lại do một chủ thể khác nhau đảm nhận: từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát… Bản thân người thi công cũng chỉ là người làm theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc thi công trên cơ sở bản thiết kế; mà bản thiết kế lại được kiến trúc sư hoàn thành trên kết quả của bản khảo sát…[7]

Đồng thời, theo các quy tắc đạo đức của người kỹ sư thì “người kỹ sư phải có trách nhiệm về sự an toàn, sức khỏe và phúc lợi của cộng đồng. Khi có những quyết định có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc tài sản thì người kỹ sư không được tự ý quyết định mà phải thông báo cho cấp cao hơn hoặc cho khách hàng và những người có thẩm quyền[8]”. Việc chỉ xem xét lỗi của người thi công mà không xem xét lỗi của người khảo sát, người thiết kế là không công bằng với người thi công và cả chủ sở hữu.

Như vậy, nhóm tác giả đã đưa ra được một số giải pháp kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Những giải pháp trên có thể trở thành bước đệm để hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

 

[1]Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; trang 1020

[2] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; trang 82

[3] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; trang 943

[4] Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển luật học, Nhà xuất bản từ điển Bách khoa – Nhà xuất bản tư pháp; trang 84

[5]Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng; trang 936

[6] Khoản 38, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014.

[7] Vũ Thị Lan Hương (2018), Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành – Luận án tiến sĩ luật học.

[8] http://gxd.edu.vn/article/quy-tac-dao-duc-cua-mot-ky-su/27

 

ThS. LÊ ĐỨC HIỀN (Giảng viên Đại học Quy Nhơn) và LÊ HOÀNG, LÊ THỊ PHƯƠNG DUNG, NGUYỄN THỊ HẬU (Lớp Luật 40A Đại học Quy Nhơn)